Sáng ngày 03/12, tại TP. Vinh (Nghệ An) đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động tỉnh Nghệ An tổ chức nhằm vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 – 2022), 200 năm năm mất (1822 – 2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Trang Đoan

Ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; PGS.TS Biện Minh Điền – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Vinh; PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH chủ trì hội thảo.

   Tới tham dự hội thảo còn có ông Christian Manhart – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; ông Chăn-Thạ-phon Khăm-mạ-ni-chăn – Phó Đại sứ nước CHDCND Lào tại Việt Nam; ông Đào Quyền Trưởng – Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Bùi Đình Long – UV BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; bà Nguyễn Thị Thu Hường – UV BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An; cùng đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An và đông đảo nhà nghiên cứu quốc tế, trong nước.

Đại biểu quốc tế tham dự hội thảo. Ảnh: Thúy Hoa

    Phát biểu báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung khẳng định: Mạch nguồn truyền thống văn hóa xứ Nghệ đã góp phần hun đúc, hình thành nên con người, tư tưởng, hồn thơ Hồ Xuân Hương. “Phong cách thơ Hồ Xuân Hương khoáng đạt, sáng tạo, độc đáo bậc thầy, với hệ thống các phương thức, phương tiện nghệ thuật được vận dụng và thực thi đầy linh hoạt, biến hóa, nhiều bài đạt tầm kiệt tác, xứng đáng là đỉnh cao của thơ Nôm (tiếng Việt). Về tư tưởng, thông qua các tác phẩm của mình, Hồ Xuân Hương đã nói lên tiếng nói đấu tranh đòi quyền sống cho con người, trước hết là nữ quyền và quyền bình đẳng”. Theo báo cáo đề dẫn, Hội thảo quốc tế được tổ chức nhằm hướng đến 4 mục đích: Thông báo và công bố rộng rãi việc UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 – 2022), 200 năm năm mất (1822-2022) Danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương, đồng thời khởi tạo bầu không khí tinh thần mới trong tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp nhận và phát huy giá trị di sản văn hóa của nữ sĩ – danh nhân Hồ Xuân Hương; Nhìn nhận, đánh giá lại lịch sử tiếp nhận Hồ Xuân Hương và giá trị khối di sản của bà ở cả trong và ngoài nước; Công bố một số sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu mới về con người, cuộc đời, sự nghiệp và trước tác của Danh nhân Hồ Xuân Hương; Công bố những nghiên cứu, đề xuất mới về những đóng góp, tầm vóc, vị thế của Hồ Xuân Hương và những ý tưởng, dự án về phát huy giá trị di sản của Danh nhân trong bối cảnh mới.

Ông Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trình bày Báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: Trang Đoan

   Trong 131 tham luận gửi về, Ban tổ chức đã lựa chọn 107 tham luận chất lượng từ trong và ngoài nước tham dự hội thảo. Các tham luận tập trung bàn về 4 nhóm nội dung lớn: Những vấn đề khái quát và lịch sử tiếp nhận, chuyển ngữ Hồ Xuân Hương; Vấn đề thân thế, quê hương và thời đại Hồ Xuân Hương; Vấn đề thi pháp và phong cách nghệ thuật Hồ Xuân Hương; Vấn đề tiếp cận Hồ Xuân Hương danh nhân và di sản văn hóa. Với lượng kiến thức dày dặn, nghiên cứu công phu và nhiều phát hiện mới mẻ, các tham luận tại hội thảo đã cung cấp nguồn tư liệu, kiến thức đồ sộ, quý báu về con người, cá tính, sự nghiệp và các tác phẩm của Hồ Xuân Hương.

   Trình bày tham luận Thơ Hồ Xuân Hương trong truyền thống văn học thế giới, GS.TS Trần Đình Sử đã nhận diện và giới thuyết đặc trưng dòng văn chương “diễm tình”, “dâm thư”, “có yếu tố sắc dục” (erotica); Mở rộng so sánh và đối sánh sắc thái thơ thanh – tục qua trường hợp Hồ Xuân Hương với thơ cổ điển Trung Quốc, Ấn Độ, phương Đông và các nền văn học phục hung, nhân bản và hiện đại Âu – Mỹ. Ông cũng tập trung lý giải hiện tượng thơ đa tài Hồ Xuân Hương trong bối cảnh văn hóa Việt Nam thế kỷ XVII – XIX và nhấn mạnh nét riêng, đặc sắc trong tư duy nghệ thuật, cảm quan văn hóa, hệ thống biểu tượng, thi pháp, hình ảnh và ngôn ngữ nghệ thuật.

GS. TS Trần Đình Sử trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Trang Đoan

PGS. TS Đoàn Lê Giang (Trường Đại học KHXH &NV – ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) với tham luận “Hồ Xuân Hương từ cái nhìn hậu hiện đại” đã chỉ ra thơ Hồ Xuân Hương rất gần với tinh thần Hậu hiện đại. “Tinh thần Hậu hiện đại nhấn mạnh vào chỗ “giải ảo”: giải trung tâm, giải các “đại tự sự” – các huyền thoại không có thật, và một trong những thủ pháp Hậu hiện đại thường dùng là giễu nhại…Tất cả những điều ấy có vẻ rất xa lạ với văn chương trung đại nhưng lại rất gần với Hồ Xuân Hương”.

Với tham luận “Hồ Xuân Hương, một bậc thầy được giáo dưỡng”, bà Lady Borton – Trưởng đại diện Ủy ban Những người bạn Mỹ ở Việt Nam lại chỉ ra Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường, phi thường, độc nhất vô nhị và khẳng định Bà đã neo vào dòng phả hệ những nữ sĩ Việt Nam tiêu biểu như là những người thầy.

Bà Lady Borton – Trưởng đại diện Ủy ban Những người bạn Mỹ ở Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Thúy Hoa

PGS.TS Đinh Hồng Hải (Hiệp hội ký hiệu học châu Á, Hiệp hội Ký hiệu học Quốc tế) với tham luận “Biểu tượng nữ và nữ quyền trong thơ Hồ Xuân Hương từ góc nhìn ký hiệu học” đã trả lời cho câu hỏi Hồ Xuân Hương là người như thế nào? Thơ bà tục hay thanh? qua góc nhìn ký hiệu học để từ đó có thể thấy được những ẩn ý, ẩn ức và cả những phản kháng trong thơ bà.

Sau phiên thảo luận, Hội thảo đã được lắng nghe phát biểu của ông Christian Manhart – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. Ông bày tỏ lời cảm ơn trân trọng tới UBND tỉnh Nghệ An vì đã tổ chức chuỗi sự kiện vô cùng ý nghĩa để tưởng nhớ nữ sĩ Hồ Xuân Hương; khẳng định đây là dịp để cùng tôn vinh cuộc đời của một nhân cách lỗi lạc và quảng bá giá trị của bà trong cộng đồng quốc tế.

Ông Christian Manhart – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thúy Hoa

Ông nhấn mạnh: “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương nổi tiếng trong cộng đồng quốc tế rộng lớn, bởi các tác phẩm của bà đã được dịch ra 12 ngôn ngữ. Năm 1987, trong lời tựa cho “Tuyển tập thơ Hồ Xuân Hương”, Phó Tổng giám đốc UNESCO phụ trách mảng văn hóa, đồng thời cũng là một nhà thơ nổi tiếng, Henri Lopes […] đã viết rằng “tôi không biết đây là một nhà thơ hay là một nhạc sĩ nữa, nhưng nàng mãi mãi hóa thân được vẻ đẹp của một tâm hồn khóc khi nàng trốn chạy khỏi bí mật của màn đêm. Từ một học giả Nho giáo hay những nữ thần của đền thờ châu Á, nàng đã học được nghệ thuật biểu đạt bằng cách kết hợp sức mạnh uy nghiêm và sự khiêm tốn với lễ hội rực lửa của cơ thể mình”. Bà là con người đi trước thời đại, dùng ca từ của mình để đấu tranh cho bình đẳng giới và quyền con người. Thơ ca của bà thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc, niềm khao khát về quyền sống, quyền công bằng, quyền yêu thương và hạnh phúc dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là người phụ nữ.”

Ông Christian Manhart cũng bày tỏ niềm vui mừng khi biết các tác phẩm của Hồ Xuân Hương được đưa vào chương trình sách giáo khoa nhiều cấp học tại Việt Nam, khẳng định đây là “cơ hội để khuyến khích sự đấu tranh cho bình đẳng giới và quyền con người – những giá trị hoàn toàn phù hợp với lý tưởng và ưu tiên của UNESCO”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Thúy Hoa

Bài: Trang Đoan
Ảnh: Thúy Hoa & Trang Đoan