Đội tuồng làng Kẻ Gám đã có từ rất lâu đời. Đến năm 2003, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) tuồng Kẻ Gám với 37 thành viên. Đến nay CLB còn 17 thành viên, hoạt động thường xuyên và trở thành một đội tuồng xuất sắc nhất huyện. Hàng năm, CLB biểu diễn phục vụ Nhân dân địa phương dịp lễ Tết, tham gia diễn Tuồng trong Lễ hội chùa Gám, lễ hội đền Đức Hoàng (huyện Yên Thành), 2 năm một lần tham gia Liên hoan các CLB Tuồng huyện Yên Thành, tổ chức giao lưu với các CLB khác. CLB Tuồng Kẻ Gám là đơn vị thường xuyên nhận được giải thưởng cao nhất trong các kỳ liên hoan tuồng của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Vừa qua, CLB tuồng làng Kẻ Gám vinh dự là 1 trong hai đoàn nghệ thuật bán chuyên xuất sắc được trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2022 do Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến tổ chức tại Hà Nội ngày 29/5/2023 vì đã có đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Những người “nghệ sĩ chân đất”

Chúng tôi đến xã Xuân Thành vào một ngày cuối tháng 5, tiết trời nắng như đổ lửa. Các ngả đường đều vắng bóng người. Lí do là đang vào mùa gieo cấy, mọi người tập trung cả ngoài đồng. Vậy nhưng tại nhà ông Đặng Văn Huy (62 tuổi), hiện là Chủ nhiệm CLB Tuồng Kẻ Gám, hơn 10 người trong CLB đã tề tựu đông đủ. Điều đặc biệt là họ đi chân đất, dép nhựa, quần áo vải còn lấm lem bùn đất. Hỏi chuyện mới hay mọi người mới từ ngoài ruộng về. Vì có buổi diễn tập, ai nấy đều gác lại việc riêng để tham gia. Ông Huy cho biết, 17 người trong CLB tuồng Kẻ Gám hầu hết đều gắn bó với tuồng từ 30 đến 40 năm. Không chỉ hôm nay mà bất cứ lúc nào, ông gọi, mọi người đều có mặt. Được biết đa phần họ là nông dân, cuộc sống gắn liền với ruộng đồng; người thì bán hàng tạp hóa, người thì đi trông trẻ… Phấn trang điểm không có, phải chạy đi mua mới có để dùng. Những bộ đồ tuồng đa phần đều đi xin hoặc tự chế để sử dụng. Sau ít phút hóa trang, lên đồ, những người “nghệ sĩ chân đất” vốn chỉ quen với tay cày, tay cấy đã hóa thân thành những nhân vật khác hẳn trên sân khấu trước sự ngỡ ngàng của những người có mặt.

Câu lạc bộ Tuồng Kẻ Gám chuẩn bị cho buổi diễn tập. Ảnh: Lê Nhung

Tiếng trống chầu, tiếng kèn cùng âm điệu i a trầm bổng vang lên đã khiến ai nấy quên đi cái nóng gay gắt xứ Nghệ. Tận mắt thưởng thức mới thấy hết được cái đam mê tuồng bất tận của những người dân Kẻ Gám. Bởi giữa cái nắng như thiêu đốt, giữa lúc mùa màng bận rộn, những “nghệ sĩ chân đất” vẫn cháy hết mình với vai diễn. Họ khoác lên mình những bộ đồ dày cộp, mặt lấm lem son phấn do nắng nóng. Sân khấu không phông nền, không đèn, không ánh sáng. Chỉ có những nhân vật bằng xương bằng thịt, vài ba nhạc cụ đơn giản như trống, kèn, sáo. Lần đầu chúng tôi được chứng kiến một vở tuồng đặc biệt đến thế. Dường như cái nắng oi ả, sự bận rộn của mùa màng không còn là sự quan tâm lúc này.

Những “nghệ sĩ chân đất” hóa thân sống động trong những vai tuồng. Ảnh: Lê Nhung

Vở diễn kết thúc, mọi người cùng ngồi lại, uống chén nước chè xanh. Dù thấm mệt khi vừa kết thúc vai diễn nhưng khuôn mặt ai nấy đều vui tươi, rạng rỡ. Với họ, được hát, được múa, được hóa thân trong từng vai diễn là niềm hạnh phúc. Ông Đặng Huy lấy từ chiếc tủ gỗ của gia đình ra một tập tài liệu được bọc gói cẩn thận. Đó là kịch bản những tích tuồng cổ được gia đình ông lưu giữ từ đời này qua đời khác. Ông tâm sự “gia đình tôi đã ba đời theo diễn tuồng. Từ thời ông nội tôi là cụ Đặng Lượng, đến bố tôi, và tôi. Những tích tuồng này được ông nội tôi để lại, tôi cất giữ, ghi chép cẩn thận, xem như báu vật bởi khi mất đi rồi là rất khó sưu tầm lại”. Vừa lần dở từng trang một, ông vừa giới thiệu về một số vở tuồng cổ hay được biểu diễn như Lửa thiên trường, Tiếng gọi non sông, Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn Hậu thành, Lưu Bình Dương Lễ, Tiếng trống Mê Linh, Quan Âm Thị Kính, Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa… Ông Huy cho biết, trong số những vở tuồng đó, có những vở bị thất lạc bản thảo, phải rất vất vả mới sưu tầm lại được. Chẳng hạn như vở Lưu Bình Dương Lễ bị mất, ông đi khắp nơi sưu tầm không được, may mắn gặp được ông Lê Xuân Kỳ là người nhắc bản, nhớ được và ghi lại. Từng đó đủ thấy tâm huyết của những người lưu giữ tuồng cổ nơi đây! Theo lời ông Huy, tuồng Kẻ Gám có những cái rất đặc biệt, ví như vở tuồng Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ vốn là những vở chèo nhưng ở đây lại được chuyển thể sang tuồng. Bản thân ông cũng không biết tuồng Kẻ Gám có từ bao giờ. Bởi ông lớn lên đã thấy có tuồng. Từ khi 15 tuổi, ông thường theo bố và gánh tuồng đi diễn ở Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương… Khi thì đi xe đạp, có khi phải đi bộ. Ông nhớ, có lần đoàn diễn vở Lưu Bình Dương Lễ, khán giả ngồi xem đông kín sân, nhiều người xúc động khóc rưng rức. Có lẽ từ những lần theo bố như thế, tuồng đã ngấm vào con người ông từ lúc nào không hay. Để rồi sau này ông lại đứng trên sân khấu cùng nhiều vai diễn như Thi Sách, Dương Lễ, các vai lão…

Buồn vui một thuở tuồng quê

Những mảnh hồi ức của ông Huy đã đưa chúng tôi trở lại những thời khắc huy hoàng của tuồng Kẻ Gám. Đó là những tháng ngày lửa đạn chiến tranh cày xới trên khắp mọi miền. Đêm đêm, máy bay ù ù trên nền trời, ở Xuân Thành bà con vẫn đỏ đèn để diễn tuồng dưới ánh sáng le lói. Có lần đang diễn ở xóm 2 Xuân Thành thì có máy bay rơi. Cả đoàn tắt đèn, dân làng cầm cuốc, cào, gậy, gộc… chạy đi bắt giặc thì mới hay đó là phi công mình rơi. Sau đó mọi người lại quay trở về tiếp tục diễn tuồng. Tuồng đã có sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của Nhân dân bấy giờ như vậy đó.

Ông Đặng Văn Huy và Lê Khắc Tài đang xem lại các tích tuồng cổ được cất giữ cẩn thận. Ảnh: Lê Nhung

Trong khi nghe chuyện, ông Lê Khắc Tài (70 tuổi) cũng góp thêm vào dòng hồi ức những kỉ niệm buồn vui một thuở. Trước ông Huy, ông Tài từng có trên mười năm làm Chủ nhiệm CLB Tuồng Kẻ Gám. Tuy nhiên cái duyên ông gắn bó với tuồng thì từ khi còn nhỏ. Ông chia sẻ “Tuồng dạy chúng ta rất nhiều bài học từ các nhân vật. Trong cuộc sống nhiều lần chúng ta có thể vấp ngã thì chính ý chí, nghị lực của những vai tuồng nó vực chúng ta dậy. Vì vậy tôi thấy tuồng có tính giáo dục rất tốt với mọi lứa tuổi, nhất là các cháu nhỏ sẽ hiểu về lịch sử nhiều hơn khi xem các vở tuồng”. Ông nhớ thuở nhỏ, đi chăn trâu chăn bò thường chặt mỗi người một bó cây sặt về làm ngọn đuốc để tối đi xem tuồng vì hồi đó chưa có điện. Huyện Yên Thành thời đó hầu như xã nào cũng có các đội tuồng. Trước đó, Kẻ Gám có các gánh tuồng đi biểu diễn khắp nơi như gánh tuồng của cụ Trùm Vân, Lê Tao, sau này có các cụ Đặng Lượng, Vũ Việt, Vũ Thịnh tiếp nối… Khi xưa, sân khấu thường được dựng ở những bãi đất bằng phẳng, rộng rãi như nương mạ, với ít tấm ván, dong, hoặc tre nứa kê lên; trang phục thì đi thuê hoặc tự chế, phấn son chưa có, phải dùng son đất, lọ nồi mài ra để vẽ mặt, ánh sáng sân khấu lúc đầu là những bó đuốc, sau này tiến bộ hơn có đèn dầu, đèn măng xông. Có những khi đèn măng xông đang bị hỏng giữa chừng phải dừng diễn để sửa, tới 2 giờ sáng mới sửa xong, lại tiếp tục diễn, vậy mà bà con vẫn kiên nhẫn chờ xem đông như hội. Không chỉ khi diễn mà ngay cả những đêm tập, người đi xem cũng đông không kém. Có vở tuồng tập hai, ba tháng mới xong. Nhiều người đi xem tập thuộc luôn cả vở tuồng. Vì vậy mà người dân Kẻ Gám hầu như ai cũng hát được đôi ba câu tuồng cổ. Không chỉ khi xóm làng bình yên mà ngay cả trong chiến tranh vẫn diễn tuồng như thường. Để hạn chế ánh sáng thì những ngọn đèn được che bớt lại khi biểu diễn.

Trước đây, các xóm có đội tuồng riêng, về sau tập hợp lại thành đội tuồng của xã, đi biểu diễn ở khắp nơi như Diễn Hạnh, Diễn Đồng, Diễn Lâm, Đức Thành… Trong những lần đi biểu diễn đó, nhiều kỉ niệm ông Tài còn nhớ như in. Từ Xuân Thành, đi mấy chục cây số xuống chợ Chùa Diễn Hạnh (Diễn Châu) để diễn. Vở tuồng phải diễn trong 2 đêm liên tục nên cứ 5h chiều là xuất phát từ Yên Thành, diễn xong 11h đêm lại quay trở về. Sáng mai đi cấy, đi cày đến 5h chiều lại tiếp tục hành trình đi như thế. Khi đó tất cả đều đi bộ, gánh theo các loại trang phục. Đi xa vậy nhưng không ai than mệt, vẫn hào hứng đi ngày này qua ngày khác. Có những lần đoàn đi bộ ra diễn ở Đức Thành, 5h chiều đi, diễn xong 12h đêm quay về Xuân Thành, về đến nhà là 3h đến 4h sáng. Đoàn mấy chục người, người đi theo đoàn để xem rất đông. Tối đến cứ nghe tiếng trống tuồng đâu đó vang lên, ai nấy đều rạo rực, xa mấy cũng đi xem cho bằng được.

Tuồng Kẻ Gám một thuở. Ảnh: Thái Dương

Và cứ như thế, tuồng Kẻ Gám được nuôi dưỡng từ thế hệ này đến thế hệ khác và cho đến hôm nay. Qua những mảnh hồi ức, càng lí giải rõ hơn cho sự trường tồn của tuồng cổ ở Kẻ Gám. Thì ra cái đam mê tuồng đã ăn sâu, bám rễ trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây bao đời nay. Ngay cả như lúc này đây, những người “nghệ sĩ chân đất” trong CLB Tuồng Kẻ Gám dù rất bận rộn việc đồng áng nhưng vẫn sẵn sàng vào vai diễn khi có yêu cầu. Với họ, hát tuồng như là một nhu cầu tất yếu vậy. Họ ngồi đó, kể chuyện về tuồng, lớp trang điểm chảy lấm lem trên những nụ cười. Chúng tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc trong nụ cười đó, niềm hạnh phúc khi được sống cùng đam mê. Niềm vui đó được nhân lên khi CLB Tuồng Kẻ Gám vừa được nhận Giải thưởng Đào Tấn năm 2022. Dù đã nhiều lần nhận được các giải thưởng cao trong các kì liên hoan tuồng Yên Thành nhưng giải thưởng lần này ai nấy đều phấn khởi vì đây là vinh dự lớn, là nguồn động viên, khích lệ và là kết quả xứng đáng cho sự cống hiến của các thành viên trong CLB tuồng Kẻ Gám.

Tuy nhiên, phía sau những nụ cười, xôn xao trong câu chuyện, đâu đó vẫn còn nhiều trăn trở: “CLB mới có cụ Phan Văn Lạng được phong tặng nghệ nhân tuồng, chúng tôi hy vọng những người khác có nhiều cống hiến rồi cũng được như thế”, “CLB đang thiếu trang phục biểu diễn, đồ đang dùng chủ yếu đi thuê, đi mượn, hoặc tự may để dùng”, “kinh phí để hoạt động còn eo hẹp”, “chúng tôi vẫn duy trì hoạt động rất thường xuyên nhưng để thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống đang là bài toán khó vì tuồng đa phần tích cổ khó nhớ, khó thuộc, kỹ thuật nghiêm ngặt khó thu hút thế hệ trẻ trong dòng chảy của nền kinh tế thị trường …”. Được nghe về sự trải lòng đó, chúng tôi hiểu và đồng cảm với những trăn trở của những con người luôn coi tuồng như là “huyết mạch” trong cơ thể mình.

Sau những vai diễn, sau những trăn trở, những dự định còn ấp ủ, những “nghệ sĩ chân đất” lại trở về với cuộc sống đời thường, để rồi khi tiếng trống tuồng giục giã những người “nghệ sỹ” ấy lại hối hả đến với tuồng!

Lê Nhung