Mường Ham là một mường rộng lớn (bao gồm cả Châu Cường, Châu Quang, Châu Thái, Châu Lý, Bắc Sơn, Nam Sơn, Châu Đình ngày nay). Không ai nhớ rõ Mường Ham có tự bao giờ. Nay chỉ còn lại bản Mường Ham ở xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Truyền thuyết dân gian vùng này còn lưu giữ những câu chuyện về những ngày tạo mường.

Lễ tế ở đền Mường Ham.

Huyền sử Mường Ham

Chuyện xưa kể rằng: lúc bấy giờ, khoảng cuối thế kỷ XIX, vùng Mường Tôn (thuộc Quỳ Châu, Quế Phong ngày nay) là trung tâm của “9 bản, 10 mường” xảy ra loạn lạc. Một Tạo Mường thuộc dòng họ Lo Kăm đã sai người đưa đứa con trai độc nhất của mình đến một thung lũng nhỏ hẹp, có tên là Tủng Nháu để tránh nạn, đứa trẻ ấy tên là Tạo Nọi. Tại vùng đất mới này, Tạo Nọi cùng gia nhân bắt đầu gây dựng cuộc sống mới: khai phá đất hoang, thuần dưỡng thú rừng, trồng cây, giữ lửa… họ đặt tên cho mường mới là Mường Nọi.

Một thời gian sau, khi loạn đã yên, Tạo Mường đã mất, người dân mới rước Tạo Nọi từ Mường Nọi ra Mường Lớn (gồm các xã Châu Cường, Châu Quang, Châu Thái, Châu Lý, Bắc Sơn, Nam Sơn, Châu Đình ngày nay) để tiếp tục mở rộng và phát triển. Mường Lớn sau này được đặt tên là Mường Hảm. Từ “Hảm” tiếng Thái có nghĩa là “khiêng”, “rước”, qua thời gian người ta đọc chệch là Mường Ham. Tạo Nọi trở thành thủ lĩnh tập hợp và chỉ huy các dòng họ cùng nhau làm ăn, sinh sống và xây dựng cuộc sống mới.

Tạo Nọi qua đời, Mường Ham có nhiều dòng họ nổi lên xưng tạo. Người xưa còn truyền nhau câu chuyện có lúc ở Mường Ham có đến 30 tạo (câu chuyện này có nhiều dị bản, có chuyện nói là 3, có chuyện nói là 30, lại có chuyện nói là 36…): Một lần, các tạo cùng nhau uống rượu trên nhà sàn chẳng may cái phỏng lau (sừng đong rượu) bị rơi xuống dưới gầm sàn. Vì ai cũng nghĩ mình là tạo nên không ai chịu xuống lấy phỏng lau lên. Các tạo bàn nhau dùng dây làm thòng lọng để đưa phỏng lau lên nhưng vẫn không được. Một tạo rút nén bạc trắng bỏ tọt xuống dưới sàn để thưởng cho tạo nào chịu xuống dưới gầm sàn lấy phỏng lau lên. Thấy vậy, các tạo khác cũng làm theo. Cuối cùng, dưới gầm sàn có cả một đống bạc trắng mà phỏng lau vẫn nằm dưới sàn. Bực mình, các tạo bẻ cần rượu thề rằng từ nay trở đi đất Mường Ham không cần đến chức tạo nữa…”. Đến nay, nhiều ông mo ở các bản trong vùng vẫn còn sử dụng câu mo: “Táy Mướng Hảm mí xảm xíp tạo” – Người Thái đất Mường Ham có ba mươi tạo.

Toàn cảnh đền Mường Ham mới được phục dựng.

Lịch sử ra đời và phát triển của Mường Ham được biết đến qua những câu chuyện truyền thuyết dân gian, gắn với các tư liệu thư tịch cổ như chữ Thái Lai – tay, chữ Hán, chữ Quốc ngữ; trong gia phả của các dòng họ lớn; trong trí nhớ của các già bản, các thầy mo với những bài cúng, các nhà thờ, các lễ hội của cư dân vùng Mường Ham xưa… Mường Ham là một phần lịch sử của Quỳ Hợp.

Đặc sắc lễ hội Pựn Pang – Nang Ni

Sau khi được dân mường rước về Mường Ham, Tạo Nọi đã ở lại vùng đất này và cho dựng một đền thờ gọi là Tến Hảm (đền Mường Ham). Đền được lập ra để thờ trời của Tạo Mường thay cho đền Chín Gian (vùng Châu Kim – Quế Phong) nên có phong tục tập quán giống như đền Chín Gian.

Lễ di dời Tạo từ nhà thờ cũ về nơi được phục dựng lại.

Thời gian đầu, ở đền Mường Ham người ta dùng trâu hoặc dê làm lễ vật tế cúng. Từ khi chuyển sang thờ Tạo Nọi, đền chỉ cúng bằng lợn, gà và hò mọc là chính. Theo tục lệ truyền từ đền Chín Gian, Tạo Nọi được coi như một Pù lắc xưa (người cai quản làng bản) nên chỉ được cúng bằng lợn, gà chứ không được cúng trâu. Đến ngày cúng, các bản đội mâm đến, riêng bản Mường Ham là bản gốc nên phải mổ lợn làm lễ vật. Khi bản Mường Ham chưa bưng mâm cúng đến thì ông mo chưa được cử hành lễ. Ngoài mâm cơm cúng, còn có một chum rượu cần; một đôi trai gái chưa vợ chưa chồng ăn mặc đẹp được ngồi phía trước chum rượu, phía sau mâm cúng… Ông mo đứng chính giữa mâm cơm thờ của bản Mường Ham, các tạo bản đứng xung quanh. Cúng xong thì đánh chín hồi chiêng trống để thông báo cho thần linh biết rồi mới bưng mâm xuống. Các tạo lần lượt đi nếm xem mâm cúng của bản nào ngon hơn, sau đó thì uống rượu cần. Chỉ có các tạo mới được cầm cần rượu, người dân chỉ được uống rượu cần khi vào phần hội…

Phần hội với những hoạt động như đánh cồng chiêng, uống rượu cần, thi hát nhuốn xuổi, cùng nhiều trò vui khác rất sôi nổi. Phần hội này có liên quan chủ yếu đến hội hang Pựn Pang – Nang Ni.

Hang Pựn Pang gắn với truyện thơ Lái Khủn Tưởng – Khủn Tính- Nang Ni kể rằng: ngày xưa, vào một buổi sáng Tết Nguyên đán, Tạo Mường là Khủn Pang (cha của tạo Khủn Tưởng, là ông của tạo Khủn Tinh) cùng đoàn tùy tùng cưỡi voi, cưỡi ngựa đi xem dân Mường đón Tết vui xuân qua đây thấy có hang động đẹp, ông cùng quân lính vào thăm hang động và nghỉ chân qua đêm ở đây. Sau này người dân đặt tên cho hang động này là hang Pựn Pang. Còn động Nang Ni thì gắn với câu chuyện tình giữa Khủn Tinh và nàng vượn Nang Ni: vì yêu Khủn Tinh, Nang Ni đã theo chàng về nhà chung sống với chàng, nhưng sau đó bị mắc mưu hai người vợ trước của Khủn Tinh, Nang Ni phải bế con bỏ chạy lên núi đá trú ẩn. Khủn Tinh vì yêu thương hai mẹ con Nang Ni nên chàng đã chạy theo nàng lên núi đá. Tuy nhiên, giây phút hạnh phúc, vui vẻ giữa Khủn Tinh và Nang Ni cùng con trai bé bỏng chưa được bao lâu thì Khủn Tinh lại bị hai người vợ trước đến bắt về nhà.

Rộn ràng lễ hội Mường Ham.

Theo Lịch sử đền Mường Ham: Hội chính trước đây diễn ra vào ngày 4; 5 và 6 tháng Giêng âm lịch, ngay sau Tết Nguyên đán. Theo truyền thuyết, Nang Ni được coi là con của bà Then Thượt ở trên trời, Nang Ni thuộc dòng Then nên được phép cúng bằng trâu trắng, về sau trâu trắng không còn được dùng làm lễ vật nữa. Khoảng đất rộng và bằng phẳng phía trước cửa hang Pựn Pang sẽ được dựng một ngôi nhà theo lối kiến trúc hạn huồng cổ truyền để thanh niên nam nữ trong cả mường đến giao duyên và vào hang chơi… Một chum rượu cần lớn được đặt tại nơi gọi là na huồng, phần sân trước của hạn huồng. Sau khi làm lễ khảy tủ khảy cỏn (lễ xin mở cửa hang) xong, tất cả mọi người dân trong mường và khách khứa từ xa đến đều được tham gia uống rượu cần. Sau khi làm xong lễ khảy tủ khảy cỏn mọi người mới được vào chơi trong hang. Lễ vật dâng cúng trong lễ khảy tủ khảy cỏn gồm có một chum rượu cần, một đôi cá nướng đặt quay lưng vào nhau, ngoài ra còn có thêm rượu siêu và trầu cau… Tục đặt cho lưng cá quay vào nhau bởi khi vào chơi hang có lúc người ta tắt hết nến, đuốc đi để nêu bật sự phồn thực sinh sôi giữa nam và nữ.  Nhưng sau khi xong hội hang, ai cũng phải gạt bỏ hết những vấn vương, quyến luyến để trở lại cuộc sống bình thường. Lúc tan cuộc vui, trước khi trở về bản về mường, mọi người cùng cất lời gọi hồn gọi vía của mình và người thân cùng về theo.

Hoạt động thể thao quần chúng tại lễ hội Mường Ham.

Thời xưa, ban ngày mọi người vào chơi hang, tham dự các trò vui hoặc đi thăm thú cảnh sắc núi non ở các thung lũng gần đó. Vào ban đêm thì cùng nhau quây quần tụ tập vui chơi hát nhuốn xuổi giao duyên xung quanh hạn huồng, cùng nhau uống rượu cần và hát đối đáp theo hình thức xuổi nhuốn tò pẹ. Các cô gái ngồi trên hạn huồng thêu khăn, thêu váy xung quanh đống lửa lớn được đốt lên từ chiếc bếp đặt ở ngay chính giữa. Chỉ có các chàng trai hát đối đáp thật giỏi và làm cho các cô gái vừa ý mới được các cô thả thang mời lên ngồi trên sàn để tâm tình, trò chuyện. Mặc dù sàn của hạn huồng rất thấp, chỉ cách mặt đất hơn một mét nhưng nếu như không được các cô gái thả thang xuống mời thì chẳng có chàng trai nào tự tiện nhảy lên đó cả, bởi ai làm như thế sẽ bị coi là con người bất nhã và bị mang tiếng xấu. Các chàng trai không được mời lên trên sàn thì họ vẫn tụ tập xung quanh sàn, gảy đàn môi, thổi khèn, thổi pì nhuốn cho đến sáng… Người dân đến chơi hang thuộc đủ mọi lứa tuổi, những người đã có gia đình, thậm chí có người đã nhiều tuổi nhưng vẫn đi đến chơi hội hang để… gặp lại người của một thời tình xưa nghĩa cũ. Theo luật tục trong hội hang, các cặp vợ chồng khi đến tham gia cũng được coi như những người còn son trẻ, không được phép có chuyện ghen tuông, ràng buộc.

Thời trước, khi về tham dự lễ hội Mường Ham và dự hội hang Pựn Pang – Nang Ni không phải ai cũng có can đảm để leo trèo vào thăm Mường Nọi. Họ phải trèo qua một hẻm đá với độ cao khoảng hơn 5m, chiều dài chỉ vài chục mét để vào thung lũng Mường Nọi. Thung lũng Mường Nọi nằm trong một tổng thể chung của ba thung lũng: Tủng Cọc, Tủng Nọi (Mường Nọi) và Tủng Nháu.

Để bảo tồn những giá trị văn hóa Mường Ham, chính quyền và Nhân dân Quỳ Hợp, đặc biệt là bản Mường Ham, xã Châu Cường đã có nhiều nỗ lực phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống. Trong vài năm gần đây xã Châu Cường đã tổ chức Lễ hội Pựn Pang- Nang Ni dựa trên nền tảng của lễ hội cổ truyền ở Mường Ham đã có trước đây.  Ngày 08/3/2006, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp đã có thông báo số 18/TB- HU về việc tổng kết 5 năm thực hiện đề án xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, và hướng dẫn tổ chức nâng Lễ hội Pựn Pang- Nang Ni tại xã Châu Cường lên tầm cấp huyện.

Trải qua gần 80 năm tồn tại và phát triển rồi bị lãng quên, Mường Ham đã tạo lập nên lịch sử của mình. Người Mường Ham đã và đang lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa dân tộc Thái vô cùng độc đáo và phong phú như: đền Mường Ham, lễ hội Mường Ham và những giá trị văn hóa vẫn tồn tại trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Hữu Vinh (ảnh: Lê Văn Cả cung cấp)
(Bài viết sử dụng tư liệu: Lịch sử đền Mường Ham do UBND xã Châu Cường cung cấp)