Một lần vào năm 2017, tôi sang huyện Quế Phong thực hiện chuyến điền dã sưu tầm tư liệu cho một đề tài khoa học về chữ Thái Lai Pao. Chuyến đi đó, tôi được anh Lữ Thi, Bí thư Huyện ủy Quế Phong đưa đi tham quan một số cơ sở chế biến trà hoa vàng và còn mua tặng tôi 2 hộp trà mang về dùng thử. Những bông trà có sắc vàng óng ánh đã hớp hồn tôi ngay từ lần chạm mắt đầu tiên. Nhớ lời anh Lữ Thi dặn, một sáng kia tôi mở hộp trà, lấy ba nụ hoa khô khén thả vào cốc nước nóng như cách pha trà thông thường, khoảng hai phút sau thì tôi thưởng thức. Vị trà nóng ấm, thoảng mùi hương nhè nhẹ, vừa thơm vừa lạ lại thêm cái vị đăng đắng cứ cuốn lấy tôi không dứt ra được. Dự định là sẽ trở lại Quế Phong để tìm hiểu kỹ hơn và viết cái gì đó về thứ hoa trà đầy quyến rũ này. Nhưng cứ trầy trật mãi, công việc cơ quan, rồi dịch covid-19, cưới con… mãi tận bây giờ, tôi mới trở lại để cùng được ngồi trò chuyện với những con người đã tạo nên thương hiệu trà hoa vàng Quế Phong và hiểu hơn về “nữ hoàng trà” ở nơi sơn cùng thủy tận này. Thật may, lần này Ban Văn xuôi Hội LHVHNT Nghệ An chọn Quế Phong là điểm đến trong chuyến đi thực tế sáng tác năm 2023.

Chúng tôi đến Quế Phong vào một buổi chiều muộn. Thị trấn Kim Sơn sau cơn mưa chiều đã trở nên mát mẻ và rất dễ chịu. Chúng tôi nghỉ tại khách sạn Thủy Ủy, tôi cùng với nhà văn Hồ Ngọc Quang – Trưởng Ban văn xuôi ở cùng phòng. Tối đó, vợ chồng anh Lữ Thi đến đón tôi đi ăn cơm tối tại nhà hàng Ẩm thực Thái. Vì vậy, tôi xin phép trưởng ban và mọi người tách đoàn đi riêng. Bữa cơm tối hôm đó còn cả mấy người quen như vợ chồng Tiến sĩ, bác sĩ Lô Xanh và chú Lô Hùng Cường – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Quế Phong. Nhà hàng này trước đây là tiệm cà phê Hoa Lan Rừng của con trai anh Lữ Thi, sau đó cho họ thuê mở nhà hàng ăn uống. Biết tôi đi đường xa chắc là mệt, nên sau bữa cơm tối, anh Lữ Thi bảo tôi nghỉ sớm để mai bắt đầu vào công việc. Lên xe rồi, anh Lữ Thi còn ngoái lại, trong ánh sáng lờ mờ của đèn đường tôi vẫn nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt sạm nắng của anh.

– Em nghỉ hưu rồi nên thời gian thoải mái, mai bác muốn đi đâu, muốn viết cái gì em sẽ đưa bác đi.

Hôm sau, mới 6h sáng, anh Lữ Thi đã đánh chiếc xe Mercedes màu trắng đến khách sạn đón tôi. Nhưng hôm nay người cầm lái là kỹ sư Lô Hùng Cường. Sau khi ăn sáng xong, thưởng thức hương vị đặc biệt của trà hoa vàng mà cô chủ quán đưa đến, tôi theo anh Lữ Thi và Cường đi xã Châu Kim, còn bác sĩ Xanh trở về phòng khám của mình. Sáng nay, chúng tôi có kế hoạch đi thăm vườn trà hoa vàng của kỹ sư Hà Minh Tuấn – Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim, một người quý cây trà hoa vàng còn hơn cả vàng. Tiết trời Quế Phong mấy hôm nay mát mẻ, đất trời thoáng đãng càng làm cho tôi thêm hưng phấn. Vừa lái xe, Cường vừa hào hứng kể chuyện về cây trà hoa vàng:

– Người Thái ở Quế Phong gọi cây trà hoa vàng là “có tắp quái” (cây gan trâu) vì trông lá của nó có màu giống cái gan trâu. Trước đây bà con ở các xã Tiền Phong, Châu Kim, Mường Noọc… thường hay vào rừng hái hoa “tắp quái” về ngâm rượu uống, hoặc lấy lá non về nấu canh như những loại rau rừng khác. Cũng có người dùng để pha trà, có người còn chặt cây to về làm củi. Bỗng một ngày cuối năm 2007, xuất hiện một số thương gia Trung Quốc tìm đến tầm mua hoa “tắp quái”. Thấy vậy, người dân đổ xô vào rừng hái hoa về bán. Cơ may đến với huyện Quế Phong trong một buổi chiều đẹp trời, huyện được đón tiếp các nhà khoa học người Nhật, do GS Hakoda dẫn đầu cùng với PGS Trần Ninh, giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đến đây để tìm hiểu về cây “tắp quái” – trà hoa vàng ở Quế Phong. Sau chuyến đi ấy, trở về nước, GS Hakoda bắt tay vào nghiên cứu và phát hiện trà hoa vàng ở Quế Phong cũng giống như Kim Hoa trà ở Trung Quốc nhưng khác loài. Sau đó, GS Hakoda đã công bố bài công trình nghiên cứu của mình về trà hoa vàng Quế Phong trên tạp chí “Trà thế giới” (Camellia International Journaln) và công bố tên khoa học của nó là Camellia quephongensis Hakoda et Ninh.

Mỗi bông hoa trà nở tung, đạt tới trạng thái sung mãn nhất thì cần tới 10 tháng kể từ ngày ra nụ. Có lẽ chính bởi thời gian dài thôi dưỡng, hấp thụ từ lòng đất và khí trời mà cây trà hoa vàng có dược tính cao và được coi như một loại vàng xanh của núi rừng Quế Phong.

Quế Phong nên thơ giữa núi rừng (ảnh Sách Nguyễn)

Chúng tôi đến trụ sở xã Châu Kim đón Bí thư Đảng ủy Hà Minh Tuấn rồi đi thẳng lên vườn trà của anh. Dạo bước trong vườn trà và được “mắt thấy, tay sờ” cũng như nghe câu chuyện “lập vườn” của Hà Minh Tuấn mới thấy hết tình yêu, niềm đam mê mãnh liệt của chàng kỹ sư người dân tộc Thái với cây trà hoa vàng này.

Hà Minh Tuấn sinh ra và lớn lên ở bản Cọ Muồng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Sau khi tốt nghiệp khoa Nông Lâm, Trường Đại học Vinh, Tuấn đã xuất sắc vượt qua nhiều ứng viên và trở thành Phó Chủ tịch xã Châu Kim theo dự án 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tuấn được phân công phụ trách lĩnh vực nông nghiệp. Từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học Tuấn đã suy nghĩ, quê mình còn rất nghèo, đất đai sản xuất ít, chỉ toàn rừng là rừng. Nhưng khai thác từ rừng mãi thì cũng sẽ cạn kiệt. Phải vừa khai thác vừa bảo vệ rừng, đó mới là cách sinh kế bền vững. Ngay từ nhỏ, Tuấn đã biết về cây trà hoa vàng. Ngày ngày thấy cha mẹ và ông bà thường hái trà hoa vàng về sử dụng, vừa làm thuốc, vừa nấu uống vừa làm rau ăn. Rồi lớn lên một chút Tuấn đã nghe người ta bảo cây hoa này còn ngăn ngừa được bệnh ung thư. Nhưng cây trà hoa vàng lại mọc phân tán trong rừng, để thu hái được nó cũng kỳ công lắm. Hàng ngày, nhìn cảnh bà con thu hái lá và hoa vô tội vạ, có người còn chặt đổ cây để hái hoa còn thân cây thì đưa về làm củi đốt mà đau xót lắm. Tuấn thiết nghĩ vừa khai thác vừa bảo vệ, phát triển rừng mới là sinh kế bền vững. Sau mấy lần cùng anh em cán bộ xã luồn rừng tuần tra, nhìn thấy sắc hoa vàng óng ánh Tuấn đã mê mẩn không muốn trở về nhà. Từ đó, anh luôn thầm ước, ở cạnh nhà mình có một vườn toàn trà hoa vàng như thế thì đẹp vô cùng. Thế là anh quyết tấm đưa cây trà hoa vàng về trồng trong vườn nhà. Vừa dạo bước trong khu vườn, Tuấn vừa tâm sự: “Trà hoa vàng cứ lóe nở trước mắt cháu mỗi ngày. Cháu ước ao một ngày nào đó sắc vàng của hoa trà nhuộm vàng cả khu vườn nhà mình. Khổ một nỗi, hồi đó bản thân không có kiến thức và kinh nghiệm để tạo ra giống loại cây này. Cho nên cháu quyết tâm đi học cách thuần phục giống trà hoa vàng quý hiếm này. Thế là cháu quyết tâm đi học cao học và đề tài mà cháu theo đuổi không gì khác đó là cây trà hoa vàng Quế Phong. Cháu đi khắp nơi, Sóc Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Ninh Bình… Ở đâu có cây trà hoa vàng là cháu tới tìm gặp các chuyên gia”. Không chỉ đi gặp mà Tuấn còn mời gọi các chuyên gia về tận xã Châu Kim hướng dẫn kỹ thuật ươm giống, chiết cành, chăm sóc cây trà hoa vàng đấy. “Cháu cứ làm theo cách họ hướng dẫn, do còn non kinh nghiệm cho nên thất bại không biết bao nhiêu lần bác ạ. Đến năm 2019 vườn cây của cháu đã được Sở KHCN phối hợp UBND huyện chọn làm nơi thí điểm xây dựng vườn cây đầu dòng với mục đích là tạo giống bằng nhiều phương pháp khác nhau như giâm cành, ghép cành, ươm hạt…”.

Tôi nhìn Tuấn, vuốt ve, nâng niu từng chiếc lá non mới nhú ra, khuôn mặt rạng rỡ, và thấu hiểu, sau bao lần thất bại nhưng Tuấn không hề nhụt chí, bởi anh coi cây trà hoa vàng như vàng ở trong lòng mình. Cái sắc vàng lóng lánh kia cứ quyến rũ anh, nên sau thất bại anh lại đứng lên tiếp tục cuộc hành trình chinh phục “nữ hoàng trà”. Không đủ tiền đầu tư, anh tìm đến ngân hàng làm thủ tục vay vốn, lấy đồng lương công chức ít ỏi của mình để trả dần cả gốc lẫn lãi.

Biết đặc tính sinh học của cây trà hoa vàng, cây không cao, tán không rộng và phát triển dưới tán cây khác nên Tuấn đã tiến hành trồng quế và cây ăn quả, sau đó mới trồng cây trà hoa vàng dưới tán theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Tôi nghĩ đó là cách làm vườn của những người thông minh, biết tính đến lợi ích kép khi tiến hành làm vườn, bởi quế và cây ăn quả sẽ cho thu hoạch sớm đồng thời còn vươn tán che gió, che nắng cho cây trà hoa vàng khỏi bị cháy.

Tôi ngắm nhìn khu vườn rộng gần 7ha với hơn 7.000 cây trà hoa vàng đang lên xanh mới biết được Tuấn đã kỳ công biết chừng nào từ khâu tạo giống đến chăm sóc cây. Tuấn đã chăm cây như chăm chính con đẻ của mình, trải qua nhiều khâu, mà khâu nào cũng cần sự chăm sóc tỉ mỉ, khoa học mới có kết quả như ngày hôm nay. Tuấn cho hay, chọn cành giống là phải chọn những cành trà hoa vàng khỏe, đẹp lại không quá già. Tiếp đó là làm đất, trộn phân để đóng bầu, dâm cành và chăm tưới, tất cả mọi công việc, mọi cung đoạn điều phải đúng kỹ thuật, sai một ly là đi một dặm. Khi cây giống phát triển tốt, khoảng tầm 7 – 8 tháng thì phải cắt cành, đổi bầu đất cho cây để kích thích bộ rễ phát triển phù hợp. Đến khi cây giống đạt 1 năm tuổi, chọn thời điểm tiết trời mát mẻ thì đem cây ra vườn trồng và tiếp tục chăm tưới.

Cùng dạo trong vườn trà, anh Lữ Thi cho biết, Bí thư Đảng ủy Hà Minh Tuấn còn lan tỏa tình yêu cây trà hoa vàng đến bà con trong huyện Quế Phong. Tuấn hướng dẫn bà con xã Châu Kim cải tạo vườn tạp để trồng cây trà hoa vàng, Tuấn là người cung ứng nguồn giống, anh bán cho bà con với giá 10.000 đồng/cây, trong khi giá trị trường là 50.000 đồng/cây. Thấy tôi tò mò, Tuấn cho hay: “Hiện tại cháu vẫn còn nợ ngân hàng, biết là nếu mình bán ra thị trường thì sẽ đủ tiền để trả nợ, nhưng cháu muốn cho bà con ở Quế Phong trồng trước đã, vừa là để thử nghiệm và nếu thành công thì coi như mình đã giúp bà con có cơ hội phát triển cây trà hoa vàng làm kinh tế”.

Tôi nhìn Tuấn và nghĩ, cậu ấy là người có tấm lòng nhân ái và luôn nghĩ đến “lợi ích kép” trong từng việc làm của mình, bởi nay mai, khi cây trà hoa vàng được thuần dưỡng thành công, khách thập phương sẽ về đây thu mua giống trà tại vườn của mình cho nên hiện tại Tuấn chưa vội bán cây giống là có cái lý của anh ấy. Lúc này nắng vàng đã phủ kín đồi trà hoa vàng của Tuấn, tôi tạm biệt chàng kỹ sư – Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim để tiếp tục hành trình khám phá của mình, hẹn trở lại nơi đây khi “nữ hoàng trà” bắt đầu khoe sắc.

Trên đường trở về, kỹ sư Lô Hùng Cường cho biết khoảng 2-3 năm nữa khu vườn trà của Hà Minh Tuấn sẽ cho ra hoa và có thu hoạch. Hiện tại, ở Quế Phong vẫn đang thu hái hoa trà từ trong rừng. Mỗi ngày một người chỉ hái được tầm từ 1-5 kg trà hoa vàng tươi và bán với giá từ 150 đến180 ngàn đồng/kg cho các cơ sở sơ chế. Các cơ sở này bán cho thị trường phía Bắc hoặc người Trung Quốc với giá sau sơ chế từ 1,5 đến 2,2 triệu đồng/1kg trà nguyên liệu.

Ươm cây giống trà hoa vàng (ảnh Vi Hợi)

Ở đất Quế Phong này ngoài Hà Minh Tuấn luôn đắm đuối với cây trà hoa vàng còn có một người khác cũng si mê, nặng lòng với nữ hoàng trà không kém, đó chính là kỹ sư Lô Hùng Cường. Cường đến với cây trà hoa vàng và làm việc với các chuyên gia Nhật Bản từ khi anh còn là Phó Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng. Nếu như Tuấn là người dày công thuần dưỡng cây trà hoa vàng thì Cường lại là người tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có giá trị kinh tế cao và đem trà hoa vàng mang thương hiệu Quế Phong đi khắp thị trường trong nước và quốc tế.

Năm 2017, Lô Hùng Cường được UBND huyện giao nhiệm vụ phối hợp với Sở KHCN nghiên cứu sản xuất giống trà hoa vàng bằng phương pháp giâm cành. Hai năm sau, tức là vào năm 2019, tiến hành triển khai mô hình này tại vườn của anh Hà Minh Tuấn. “Hiện tại trên địa bàn huyện có 30 hộ gia đình được hướng dẫn kỹ thuật ươm giống từ hạt và trồng tại vườn rừng của gia đình họ. Tới đây khi hoàn thiện quy trình ươm giống UBND huyện sẽ nhân rộng ra toàn huyện” – Cường vừa lái xe vừa chia sẻ.

Cường điều khiển xe chầm chậm đi qua dốc cua khúc khuỷu đến đoạn đường thẳng băng giữa cánh đồng lúa vừa mới gặt xong còn ngai ngái mùi rơm rạ, Cường lại tiếp tục câu chuyện của mình: “Trong những năm đầu, việc tạo giống còn rất khó khăn, nên việc khai thác hợp lý gắn với bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng tự nhiên được đặt lên hàng đầu và được coi là nhiệm vụ cấp bách của huyện. Do đó Huyện ủy, UBND huyện, trực tiếp Bí thư Lữ Thi và Chủ tịch Lê Văn Giáp đã trực tiếp chỉ đạo. Không chỉ nói trong các cuộc họp mà rất nhiều lần cả hai vị lãnh đạo cao nhất của huyện đã cùng anh em chuyên môn luồn rừng đi khảo sát trữ lượng cây trà hoa vàng và tình hình khai thác của Nhân dân để có văn bản chỉ đạo kịp thời hợp với ý Đảng, lòng dân. Sự quyết tâm của lãnh đạo huyện đã làm thay đổi ý thức của người dân. Từ đó đến nay, cây trà hoa vàng không bị chặt phá bừa bãi nữa”. Tôi bị cuốn vào câu chuyện của anh không chỉ bởi cái chất giọng kể chuyện của người Thái Tay Mương Quế Phong mà chính nội dung câu chuyện và nỗi niềm của người kể. Càng nghe, tôi càng hiểu vì sao chàng kỹ sư này lại nặng lòng với cây trà hoa vàng đến thế.

Thấy cảnh bà con quê mình cứ vào rừng hái búp trà về bán cho thương lái hay các cơ sở chế biến thủ công lời lãi chẳng được bao nhiêu, trong khi giá trà hoa vàng thành phẩm trên thị trường là rất cao, Cường suy nghĩ tại sao thứ lâm sản quý hiếm này lại cứ tuồn ra ngoài và làm giàu cho thương lái mà huyện không có cơ sở nào thu mua, chế biến thành sản phẩm đạt chất lượng cao để làm giàu cho chính huyện mình? Với quyết tâm gia tăng giá trị, mang đặc sản địa phương đến với những người tiêu dùng trong nước và giúp bà con Quế Phong có việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững, Cường đã vận động người thân trong gia đình và bạn bè thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh trà hoa vàng. Tháng 4/2017, Công ty cổ phần Công nghệ xanh Kim Sơn được thành lập, được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh. Cường lại thuyết phục gia đình cho công ty mượn tầng trệt ngôi nhà nằm ở mặt đường quốc lộ 48 làm văn phòng và đặt máy sấy. Sau đó Cường tiếp tục làm việc với Chi cục Quản lí chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nghệ An để có giấy chứng nhận “đủ điều kiện sản xuất với các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm”. Được giới chuyên môn tư vấn, Cường ra Hà Nội mua loại máy sáy dung tích buồng sấy chứa được 100 khay trà hoa vàng, có chức năng hút hơi ẩm trong buồng sấy khoảng 400C, đi qua dàn lạnh dưới 50C, nước ngưng tụ rồi chảy ra ngoài. Máy sấy này ưu việt gấp nhiều lần so với sấy thủ công bằng bóng đèn sưởi cao áp mà bà con ở thị trấn Kim Sơn thường dùng. Máy vừa bảo ôn nhiệt vừa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm lại giữ được hoạt chất dược liệu quý trong búp trà hoa vàng.

Giới thiệu trà hoa vàng đến với khách hàng (ảnh Vi Hợi)

Xe về đến thị trấn Kim Sơn khi đồng hồ vừa chỉ con số 11h30, chúng tôi về nhà bác Xanh ăn cơm trưa, rồi nghỉ ngơi. Buổi chiều, Cường đưa tôi đến Công ty gặp trực tiếp Giám đốc Lang Thị An, một người phụ nữ còn rất trẻ và khá xinh đẹp. Khi nghe tôi hỏi về tình hình công ty và quy trình chế biến, bảo quản trà hoa vàng, Giám đốc An cho biết: “Hiện nay Công ty có 30 nhân công toàn là bà con dân tộc Thái ở ngay khối 8, thị trấn Kim Sơn là nơi công ty đứng chân. Tuy nhiên số công nhân còn tăng lên gấp đôi khi vào vụ sản xuất chính. Sau khi bà con dân bản từ các xã Châu Kim, Mường Noọc, Tiền Phong đem hoa đến nhập, nhân công tuyển chọn, rửa sạch, phân loại, rồi hấp 4-5 phút bằng lò vi sóng hoặc hấp cách thủy để làm mềm và dẻo cánh hoa. Công đoạn tiếp theo là bóc tách từng cánh hoa, bảo vệ nhụy hoa, xếp vào khay, cho vào máy sấy. Nguyên liệu hoa về ban ngày thì đêm làm ngay vì để qua ngày mai trà mất vị thơm vốn có. Một mẻ sấy của công nghệ sấy – lạnh từ 18-22 giờ. Tiếp đó đưa sản phẩm vào buồng chiếu xạ để diệt nấm mốc, và tăng độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi hơi ẩm tách khỏi cánh hoa thì đưa ra tiếp tục phân loại và đóng bao bì sản phẩm”. Theo chị An, hiện tại trên địa bàn thị trấn Kim Sơn ngoài công ty chị đang làm là lớn nhất, còn có 5 cơ sở chế biến, kinh doanh trà hoa vàng. Hàng năm công ty thu mua từ 6 -10 tấn búp hoa tươi, chiếm trên 60% thị phần cả huyện. Sau chế biến thu được từ 800 kg đến 1300 kg trà thành phẩm. Giá bán ra dao động từ 3,5 triệu đồng/kg đến 15 triệu đồng/kg tùy theo từng loại. Số tiền thu được công ty tiếp tục tái đầu tư sản xuất và chi trả lương cho công nhân bình quân mỗi người được hưởng từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Tôi quay sang kỹ sư Lô Hùng Cường và được anh cho biết về thị trường tiêu thụ: “Hiện nay công ty đã mở các đại lý giới thiệu và bán sản phẩm tại Vinh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), quận 7 (Thành phố Hồ Chí Minh), Hạ Long (Quảng Ninh) và đang chiếm được lòng tin dùng của khách hàng”. Anh cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn huyện Quế Phong có khoảng hơn 2000 ha trà hoa vàng đang được khoanh nuôi, bảo vệ trong đó UBND huyện đã đồng ý cho Công ty CP công nghệ xanh Kim Sơn thuê 20 ha tại xã Tiền Phong để tạo vùng chuyên canh. Ngoài huyện Quế Phong trên địa bàn xã Nhôn Mai (Tương Dương) và một số xã của huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp cũng có cây trà hoa vàng. UBND tỉnh và Sở KHCN đã có ý định xây dựng Quế Phong thành trung tâm thu mua và chế biến trà hoa vàng để tạo nguồn thu nhập cho người dân trong vùng.

Được đi, được tận mắt nhìn thấy cây trà hoa vàng và được nghe người trong cuộc nói về con đường chinh phục “nữ hoàng trà” tôi đã hiểu ra trà hoa vàng của Quế Phong có được như ngày hôm nay ngoài vai trò lãnh đạo của Bí thư Lữ Thi và Chủ tịch Lê Văn Giáp thì một phần rất lớn nhờ công lao của ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở KHCN, nguyên Bí thư Huyện ủy Quế Phong trước đây. Sau khi trở về Sở KHCN, ông đã tìm hiểu cây trà hoa vàng và viết bài đăng trên tạp chí Khoa học Công nghệ Nghệ An. Bài viết đã chạm đến trái tim của người tiêu dùng, nhất là các thương gia Trung Quốc. Từ đó họ tìm đến Quế Phong để thu mua loại trà hoa vàng quý hiếm này. Sau này, ông còn đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cho thực hiện dự án bảo tồn gen trà hoa vàng. Sở dĩ như vậy là vì tạo giống trà rất khó, ươm hạt thì hiệu quả thấp. Chưa hết đâu, hiện nay ông còn đang xúc tiến việc đăng ký sở hữu trí tuệ để xây dựng thương hiệu cho trà hoa vàng Quế Phong và còn hỗ trợ trong việc xin cấp chứng chỉ cho vùng nguyên liệu trà hoa vàng để tính chuyện đưa đặc sản trà hoa vàng ra thế giới.

Trà hoa vàng còn được gọi là kim hoa trà, trà trường thọ, trà rừng,… là loại cây thuộc họ chè, có tên khoa học là Camellia chrysantha, sống ở vùng khí hậu nhiệt đới ở độ cao trên 800m so với mặt nước biển, được phát hiện ở Việt Nam, Trung Quốc, và được xếp vào loại dược liệu quý. Thời xa xưa, trà hoa vàng chỉ được dùng cho vua chúa và người trong giới hoàng tộc. Do đó mà được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại trà, còn người Quế Phong vẫn thường gọi thứ hoa vàng óng ánh đầy quyến rũ này là “vàng xanh” bởi nó đã mang lại nguồn thu rất lớn cho bà con dân tộc Thái nơi đây.

Tạm biệt Quế Phong và những người bạn vào một buổi sáng nắng vàng phủ dài khắp các con đường của thị trấn Kim Sơn. Vẫn là bữa ăn sáng giản dị và những cốc trà hoa vàng đậm đà tình bằng hữu, trước lúc chia tay Cường còn níu tôi lại và nói rằng: “Cháu rất tâm đắc với câu nói của Warren Buffett, một nhà đầu tư, doanh nhân và là nhà từ thiện người Mỹ “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Vì vậy cháu mong sao trong thời gian tới Công ty CP Công nghệ xanh Kim Sơn sẽ được hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để đầu tư thiết bị hiện đại và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Cháu luôn khát khao làm sao để thương hiệu trà hoa vàng Quế Phong trở thành sản phẩm mạnh trong nước và cả thế giới. Khi đó trà hoa vàng sẽ thực sự là thứ ‘vàng xanh’ đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân Quế Phong”.

Vi Hợi