Cuối tháng Hai âm lịch, bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu – Nghệ An) lại vang tiếng chiêng, tiếng trống vui hội uống rượu đón tiếng sấm đầu năm. Tục lệ cổ xưa này có ở cộng đồng người Thái, Ơ Đu, Khơ Mú khu vực Nghệ An; đến nay vẫn được cộng đồng người Thái ở Quỳ Châu, Quế Phong duy trì.
Ông Lang Văn Diệp, thầy mo ở bản Hoa Tiến cho biết: “Đây là tục lệ của những người hành nghề cúng tế trên địa bàn. Sau Tết nguyên đán, hễ có tiếng sấm đầu năm là các thầy mo lại mở hội này với ý nghĩa tạ ơn trời đã ban tiếng sấm cho cây cối sum suê lộc non, lúa ngô tốt tươi, người và gia súc khỏe mạnh, không dịch bệnh”.
“Năm nay có sấm muộn hơn những năm trước nên sau Tết gần 2 tháng mới làm lễ. Có năm sấm về trước Tết vẫn phải làm lễ”, ông Lang Văn Diệp cho hay và thông tin thêm: “Lễ này chỉ làm trong ngày có tiếng sấm đầu năm hoặc ngày hôm sau, nếu sấm về trong đêm”.
Theo một số sách về văn hóa người miền núi Nghệ An, khi có tiếng sấm, người Ơ Đu ở Tương Dương (Nghệ An) sẽ mở hội với quy mô cả bản. Hiện nay, lễ này không còn và đời sống văn hóa tinh thần của người Ơ Đu đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Ở Nghệ An, lễ đón tiếng sấm đầu năm chỉ còn ở cộng đồng người Thái. Tại xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) và nhiều làng bản người Thái ở huyện Quế Phong, các thầy mo cũng còn giữ tập tục này.
Tại xã Châu Tiến, tục uống rượu đón tiếng sấm đầu năm nhiều khi trở thành lễ hội. Mặc dù chỉ là ngày lễ nội bộ của các thầy mo, nhưng những ai được mo giúp chữa bệnh, giải hạn, làm các nghi lễ tâm linh cũng đến chia vui. Họ mang gà, rượu, rượu cần đến góp cho các mo cúng lễ như một cách để tạ ơn.
Nghi thức cúng lễ thường kéo dài, có thể đến 1 giờ đồng hồ vào sáng sớm. Sau đó là phần hội uống rượu cần. Những ché rượu khi cúng thường được cắm một nhánh cây tươi còn nguyên lá để cầu cho vạn vật sinh sôi sau tiếng sấm.
Tùy vào uy tín của thầy mo cũng như lượng rượu, thực phẩm góp được, phần hội có thể kéo dài cả ngày và tiếng chiêng trống thì hầu như chẳng khi nào ngớt.
Bài & Ảnh: Hữu Vi