Sáng 28/7/2020,  Tại Đồng Hới – Quảng Bình, Tạp chí Nhật Lệ đã tổ chức Hội thảo Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc Miền Trung với đề tài “Văn học nghệ thuật Bắc miền Trung từ năm 2000 đến nay” (một số vấn đề lý luận và thực tiễn). Tạp chí Sông Lam và Ban Biên tập các tạp chí: Xứ Thanh, Sông Hương, Hồng Lĩnh, Nhật Lệ, Cửa Việt tham dự.

Ông Trần Ngọc Ánh – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình, tặng hoa cho đại diện các Tạp chí.

Văn học nghệ thuật Bắc miền Trung là một bộ phận không thể tách rời của nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Việc nhìn nhận sự vận động của văn học các địa phương trong khu vực từ đầu thế kỷ đến nay nhằm khái quát diện mạo chung và đặc điểm riêng của văn học nghệ thuật các địa phương trong khu vực có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các tạp chí văn nghệ và gây dựng phong trào sáng tác văn học nghệ thuật mỗi tỉnh nói riêng, khu vực Bắc miền Trung nói chung.

Chủ tọa đoàn điều hành Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Ánh – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh: Hội thảo sẽ góp phần nhận diện, đánh giá và khẳng định những thành tựu đổi mới của văn học Bắc miền Trung ở chặng đường 20 năm đầu thế kỷ XXI. Đồng thời, đây cũng là dịp để các tạp chí văn nghệ trong khu vực giao lưu gặp gỡ, trao dổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ chính trị địa phương.

Nhà văn Lê Na – Tổng Biên tập Tạp chí Nhật Lệ phát biểu đề dẫn.

Trong lời đề dẫn, nhà văn Lê Na – Tổng Biên tập Tạp chí Nhật Lệ khẳng định: Trong thời gian qua, tạp chí văn nghệ của 6 tỉnh Bắc miền Trung và các văn nghệ sĩ đã dành nhiều tâm huyết, trăn trở để cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, để có được kết quả như mong muốn là hoàn toàn không hề dễ dàng.

Các tham luận tại Hội thảo đã có cái nhìn sâu sắc về văn học nghệ thuật của các địa phương ở nhiều góc độ, nhiều phương diện, từ đó có những khái quát về mặt lý luận và đề ra những giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng sáng tác.

Thạc sỹ Trần Hữu Vinh – Tạp chí Sông Lam, phát biểu tham luận.

Phát biểu tại Hội thảo, Thạc sỹ Trần Hữu Vinh – đại diện Tạp chí Sông Lam, đã đặt vấn đề: Văn học Nghệ An từ năm 2000 đến nay – Bản sắc địa phương, thực tế đổi mới văn học và những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng sáng tác. Tham luận nêu rõ: Văn học Nghệ An từ năm 2000 đến nay, một mặt không nằm ngoài quy luật vận đọng, phát triển và đổi mới của lịch sử văn học nước nhà, một mặt nó cần gìn giữ, phát huy và khẳng định những bản sắc vốn có của địa phương mình. Mặc dù đã có một số thành tựu nhất định nhưng quá trình đổi mới văn học ở Nghệ An chủ yếu diễn ra trên hai thể loại là thơ và truyện ngắn. Các thể loại khác như tiểu thuyết, kịch bản văn học… có diễn tiến chậm hơn do đòi hỏi sự công phu và lực lượng người viết còn mỏng.

Nhà văn Đoàn Phương Nam – Tạp chí Cửa Việt, phát biểu tham luận.

Nhà văn Đoàn Phương Nam – Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt, nêu bật những đóng góp của văn học nghệ thuật Quảng Trị trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các sự kiện chính trị. Tạp chí Cửa Việt cũng góp phần quảng bá hình ảnh Quảng Trị, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nang cao chất lượng Tạp chí.

Tham luận của nhà văn Lưu Nga – Tạp chí Xứ Thanh đã làm nổi bật vai trò của tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung, nhìn thấy những hạn chế, khó khăn như số lượng xuất bản, nhuận bút , sự co cụm, tình trạng đạo văn, tâm lý ao làng và tìm ra những giải pháp thích hợp.

Nhà văn Thụy Anh – Tạp chí Nhật Lệ, đánh giá: Thơ Bắc miền Trung nằm  ba hệ hình: tiền hiện đại, hienj đại, hậu hiện đại. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, thơ Bắc miền Trung đa phần thuộc hai hệ hình tiền hiện đại và hiện đại.

Hội thảo còn nhận được những ý kiến của các văn nghệ sĩ lào thành Quảng Bình như nhà văn Hữu Phương – Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Quảng Bình, nhà văn Nguyễn Thế Tường – Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp VHNT Quảng Bình… nhằm góp phần xây dựng các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung ngày càng phát triển tòan diện.

Bài và ảnh: PV