Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành quốc lễ và được mọi người dân Việt Nam hướng về với một sự trân trọng đặc biệt. Nó cũng là một biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc. Và cái linh thiêng làm nên biểu tượng đó chính là giá trị của cội nguồn: chúng ta là anh em vì có chung tâm thức nguồn cội và nó là sợi dây liên kết chặt chẽ người Việt Nam lại với nhau.

Thờ tổ là một nghi lễ phổ biến ở nhiều cộng đồng dân tộc. Tổ được hiểu một cách rộng lớn hơn là cội nguồn sinh ra con người. Do vậy, tổ có thể là một loài động vật, một thực vật hay là những vị thần. Nhiều tộc người ở vùng Đông Nam Á đều có truyện kể về sự tích quả bầu sinh ra loài người. Như trong cộng đồng người Khơ Mú ở Nghệ An thì truyện quả bầu cũng phổ biến. Người Khơ Mú xem tổ tiên mình được sinh ra từ quả bầu nên anh em phải đùm bộc, yêu thương lẫn nhau. Hay việc lấy các loài vật làm tổ tiên lại càng phổ biến ở nhiều cộng đồng hơn, với sự đa dạng và phong phú hơn. Hiện tượng này được các nhà nghiên cứu gọi là tô tem hay là tục thờ cúng vật tổ. Từ các tộc người xem các con vật là tổ tiên như người Dao cho rằng mình có nguồn gốc từ con long khuyển ngũ sắc (là một con chó hình dạng giống rồng có 5 màu sắc) mà họ gọi là Bàn Vương, và người Dao thờ Bàn Vương là tổ tiên sinh ra tộc người mình. Không chỉ người Dao mà còn nhiều tộc người lấy con vật làm vật tổ, làm tổ tiên của tộc người mình. Càng phổ biến hơn là các dòng họ tôn thờ vật tổ. Biểu hiện của hiện tượng này rất phổ biến và đa dạng. Phần lớn các dòng họ của người Khơ Mú đều thờ một con vật tổ và xem như là tổ tiên của mình. Ví dụ họ Moong thờ con chồn, họ Rvai thờ con hổ, họ Xèo thờ con chim “sim ôm”, họ Hung thờ con phượng hoàng đất… Thờ vật tổ cũng xuất hiện trong nhiều dòng họ ở nhiều dân tộc khác như người Thái, người Mông, người Dao,… Các nhà dân tộc học giải thích rằng đây chính là dấu vết của các tổ chức xã hội thị tộc, tên gọi các thị tộc nhiều khi gắn với tên các loài vật. Các dòng họ quan niệm rằng họ được sinh ra từ con vật đó và họ có nhiều điều kiêng kỵ liên quan đến con vật tổ của mình. Họ cũng tôn thờ con vật tổ như tổ tiên vậy. Bên cạnh đó, có một số dân tộc lấy các vị thần làm tổ tiên sinh ra tộc người mình. Như người Việt chẳng hạn. Đó là truyền thuyết con Rồng cháu Tiên kể về Âu Cơ và Lạc Long Quân sinh ra trăm trứng nở ra trăm con. Sau này, con cái phân ly, chia thành hai nửa theo mẹ lên rừng và theo cha xuống biển và được xem là tổ tiên của người Việt. Và dựa vào đấy, người Việt sáng tạo tiếp về cả một thời đại hình thành và phát triển của dân tộc mình: đó là thời đại Hùng Vương. Thời đại Hùng Vương trải qua 18 đời vua kéo dài hơn 2600 năm mà ngày nay các nhà nghiên cứu đã chứng minh nó là một giai đoạn huyền sử với những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết. Trải qua tiến trình lịch sử hàng ngàn năm, các Vua Hùng đã trở thành biểu tượng về cội nguồn của người Việt, là biểu tượng về đại đoàn kết dân tộc. Ngày nay, người ta không khẳng định thời đại Hùng Vương có thật trong lịch sử dân tộc, nhưng không vì vậy mà giá trị, ý nghĩa của các Vua Hùng lại giảm đi, ngược lại còn được trân trọng hơn. Và giỗ Tổ Hùng Vương được lựa chọn là giỗ tổ chung của cả nước, là một ngày Quốc lễ quan trọng.

Tượng Hùng Vương trong Khu tưởng niệm các Vua Hùng tại Công viên Tao Đàn. Ảnh từ Wikipedia.org

Từ ngày được Nhà nước quyết định lựa chọn làm quốc lễ, là quốc giỗ thì giỗ Tổ Hùng Vương trở thành sự kiện tôn vinh biểu tượng về cội nguồn của dân tộc và khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc của con người Việt Nam. Cứ đến tháng 3 âm lịch, người ta lại nhớ đến giỗ Tổ, nhớ đến Vua Hùng và nhớ về đất nước Văn Lang của ngày đầu dựng nước. Trong tiến trình lịch sử đất nước, có rất nhiều sự kiện và nhân vật có tầm quan trọng, mang tính quyết định đến tồn vong của đất nước. Trong kho tàng truyền thuyết, thần thoại của dân tộc cũng có rất nhiều truyện liên quan đến nguồn gốc dân tộc. Tuy nhiên, truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, về các Vua Hùng luôn có những giá trị đặc biệt riêng của nó. Vậy nên, khi lựa chọn giỗ Tổ Hùng Vương làm ngày quốc giỗ, là quốc lễ chung của đất nước Việt Nam thì chắc người ta đã suy tính rất nhiều. Thời đại Hùng Vương dù còn huyền sử nhưng có giá trị về cội nguồn dân tộc, cội nguồn đất nước. Nó chứng minh cho một đất nước Việt Nam có hơn bốn ngàn năm lịch sử văn hiến, không thua kém quốc gia nào xung quanh về một chiều dài lịch sử. Đó cũng là một biểu hiện sự tự tôn dân tộc, một sáng tạo của tinh thần dân tộc. Nếu Trung Hoa có năm ngàn năm lịch sử thì Việt Nam cũng có hơn bốn ngàn năm chứ không hề thua kém. Điều đó ăn sâu vào tâm thức của người Việt và trong các sáng tạo, những tâm thức cội nguồn đó được thể hiện rõ nét hơn theo thế giới quan của con người qua những giai đoạn khác nhau. Các câu chuyện kể về các Vua Hùng cũng mang một ý nghĩa quan trọng là sự diễn giải về cội nguồn của dân tộc Việt. Chúng ta là con Rồng cháu Tiên, được sinh ra trong một bọc trứng nên cùng chung nguồn cội. Và cũng vì sinh ra trong một bọc trứng nên có sự bình đẳng với nhau, không có ai cao hơn hay thấp hèn hơn vì sinh ra cùng một lúc. Đó là tinh thần đoàn kết, là tôn trọng sự bình đẳng. Khi lấy Vua Hùng làm tổ thì các dòng họ, các cộng đồng đều là anh em, không phân chia, không tách biệt vì có chung một cội nguồn. Và tinh thần nguồn cội là sợi dây quan trọng để liên kết mọi con người Việt Nam lại thành một khối đoàn kết chặt chẽ, nhất là trong những thời điểm then chốt, quyết định đến sự tồn vong của dân tộc. Nói vậy để khẳng định, giỗ Tổ Hùng Vương là một sự kiện quan trọng trong thờ cúng tổ tiên chung của dân tộc, nó tôn vinh tinh thần dân tộc, tôn vinh tâm thức cội nguồn và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Dâng hương tại Lễ hội Đền Hùng. Ảnh từ baodantoc.vn

Nhìn sâu rộng hơn, từ thờ tổ đến giỗ tổ là một phương diện thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Các dân tộc, các dòng họ và mỗi con người luôn ý thức về cội nguồn của mình. Dù mỗi thời đại và mỗi cộng đồng đều có những câu trả lời khác nhau nhưng nó đều có giá trị to lớn đối với chính họ. Trong câu chuyện này, việc đúng sai không còn quan trọng. Một dân tộc có thể xem một vị thần, một con vật hay một loài cây, quả gì đó sinh ra mình và trong tâm thức họ, đó là tổ tiên của mình. Và giá trị to lớn nhất của thờ vật tổ chính là ý thức về cội nguồn chung. Khi người ta cùng cho rằng mình có chung một tổ tiên, một nguồn cội thì là anh em và phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Khi bị một thách thức từ bên ngoài, thì tâm thức nguồn cội là động lực quan trọng để người ta đoàn kết lại với nhau cùng bảo vệ cuộc sống của mình. Đó là thế giới quan của họ, và họ trân trọng và gìn giữ những điều đó. Sự trân trọng thờ tổ thể hiện cao nhất là lễ giỗ tổ. Tổ có nhiều cấp bậc từ gia đình, dòng họ, cộng đồng hay dân tộc đều có tổ. Và giỗ tổ là sự biểu hiện quan trọng của tục thờ tổ. Và giỗ tổ thường chỉ dành cho con người mặc dù kiêng kỵ về vật tổ thì đa dạng. Người ta không làm giỗ các vật tổ là con vật hay đồ vật, cây, quả, mà chỉ làm giỗ ông tổ là con người (cũng có thể là nhân thần, bán thần). Với người Việt, các Vua Hùng là những con người cụ thể và là tổ tiên của người Việt dù sách vở chưa thể chứng minh được những điều đó. Và làm giỗ các Vua Hùng được coi là giỗ tổ chung của dân tộc là vì vậy. Lạc Long Quân hay Âu Cơ, được coi là sinh ra các Vua Hùng nhưng người Việt không làm giỗ vì họ được coi là thần tiên (Rồng và Tiên). Giỗ Vua Hùng vì đó là những con người. Và các câu chuyện về các thời Vua Hùng cũng là những sự giải thích của người dân về những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa Việt. Từ công tác trị thủy đến bánh chưng bánh dày rồi cả nguồn gốc quả dưa hấu… Mỗi câu chuyện đều là một sự diễn giải về các nét văn hóa độc đáo của dân tộc.

Tóm lại, đã là con người thì phải có tổ tiên. Và thờ cúng tổ tiên là một đặc trưng văn hóa của người Việt và nhiều dân tộc khác. Với dân tộc Việt, các Vua Hùng là tổ tiên chung nên được mọi người tôn thờ. Và giỗ Tổ Hùng Vương là sự thực hành nghi lễ quan trọng trong thờ cúng tổ tiên của dân tộc. Và thông qua sự kiện đó, người ta nhắc nhở nhau rằng chúng ta cùng chung một nguồn cội nên phải đùm bọc và yêu thương nhau hơn. Đó cũng là sợi dây liên kết chặt chẽ của khối đoàn kết dân tộc mà tâm thức nguồn cội là điểm nhấn quan trọng nhất.

Trang Tuệ