Hầu như mỗi quốc gia đều có những tiêu chí riêng để phân chia các nhóm tộc người. Từ giữa thế kỷ XX, Việt Nam đã quan tâm nhiều đến việc nghiên cứu, xác định thành phần dân tộc. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu các tiêu chí của một số nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, mà quan trọng nhất là Liên Xô và Trung Quốc để đưa ra các tiêu chí riêng cho Việt Nam dựa vào việc tiếp nhận và sáng tạo phù hợp với bối cảnh đất nước ta. Theo đó, ba tiêu chí quan trọng nhất để xác định tộc người là ngôn ngữ, đặc trưng văn hóa và ý thức tự giác tộc người. Dựa vào những tiêu chí này để xem xét tộc người Ơ Đu sẽ giúp chúng ta có một con đường nhận diện về bản sắc văn hóa của người Ơ Đu một cách rõ ràng hơn.

Nhà truyền thống của người Ơ Đu được đặt ở đền Vạn, Cửa Rào, huyện Tương Dương

Trước hết là ngôn ngữ. Dân tộc Ơ Đu gần như đã để mất ngôn ngữ chính thức của mình trong một quá trình dài sống xen kẽ với các dân tộc khác. Số lượng người Ơ Đu có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ của dân tộc mình ngày càng giảm dần theo thời gian và có những thời điểm chỉ còn một hai người biết đến ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Không những vậy, số lượng từ vựng trong ngôn ngữ của người Ơ Đu cũng giảm dần. Họ không có chữ viết, chỉ có tiếng nói, và tiếng nói cũng gắn với hệ thống từ vựng nhưng số từ vựng giảm đi qua các thế hệ. Họ chủ yếu dựa vào tích hợp hệ thống từ vựng của các tộc người khác. Trước đây, đã có những nhà nghiên cứu ngôn ngữ học quan tâm và sưu tầm từ vựng của người Ơ Đu để gìn giữ nhằm sau này khôi phục ngôn ngữ cho cộng đồng này song vẫn chưa hiệu quả. Gần đây, những chính sách khôi phục ngôn ngữ cho tộc người Ơ Đu của Nhà nước, mà chủ yếu do Ban Dân tộc tỉnh đứng ra chủ trì, đã tiến hành sưu tầm các từ vựng từ người già ở địa phương và một số đồng tộc tại Lào. Sau đó, họ tập trung người trong bản lại để dạy những từ vựng quan trọng khiến số người biết tiếng Ơ Đu tăng lên, nhưng để khôi phục ngôn ngữ một tộc người thì vẫn chưa thực sự hiệu quả. Một số người đã biết được những từ vựng cơ bản nhưng ít khi sử dụng hàng ngày nên ngôn ngữ Ơ Đu vẫn tồn tại mờ nhạt. Nói vậy để thấy, dân tộc Ơ Đu đang đối diện với sự mai một, mất mát ngôn ngữ khó khôi phục, nhất là trong bối cảnh tiếng phổ thông cùng các ngôn ngữ khác như tiếng Thái, tiếng Khơ Mú đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng của họ.

Thứ hai là đặc trưng văn hóa tộc người. Đây là những nhân tố mà chúng ta thường gọi là bản sắc văn hóa cộng đồng theo nghĩa hẹp hơn của nó. Với người Ơ Đu, đặc trưng văn hóa tộc người hiện nay cũng khá mờ nhạt. Về sinh hoạt kinh tế, người Ơ Đu trước đây, từng có thời gian trồng lúa nước, nhưng sau đó ít dần và chỉ làm nương rẫy. Sau khi chuyển ra bản tái định cư Văng Môn thì họ chỉ còn làm nương, và chủ yếu trồng cây lâu năm, cây lương thực cũng hạn chế dần vì điều kiện tự nhiên không phù hợp. Gắn với sự thay đổi đó là sự mất dần hệ thống kinh nghiệm và kỹ năng sản xuất nông nghiệp truyền thống. Đặc biệt, thủ công nghiệp đã mai một nghiêm trọng. Trước đây, người Ơ Đu biết trồng bông dệt vải, dù chỉ dệt vài thô nhưng phần nào cũng tự túc được áo quần cho mình. Sau đó, họ chủ yếu trao đổi và dùng trang phục của người Thái nên nghề dệt may mai một dần. Nghề đan lát đồ tre mây, vốn gắn với đời sống người Ơ Đu, nay cũng mất mát, mai một gần hết.

Cha và con người Ơ Đu. Ảnh: Phan Thắng.

Trong hôn nhân và gia đình cũng có nhiều thay đổi. Về cơ bản, người Ơ Đu vẫn giữ vững nguyên tắc ngoại tộc hôn, nhưng gần đây xuất hiện một số người Ơ Đu cùng họ lấy nhau (sau ít nhất 5 đời). Ngày trước người Ơ Đu cũng có tục cư trú bên nhà vợ nhưng giờ chủ yếu cư trú bên nhà chồng. Hôn nhân giữa người Ơ Đu và các tộc người khác ngày một đa dạng, bên cạnh kết hôn với người Thái, Khơ Mú thì còn có vài trường hợp kết hôn với người Kinh. Cách thức tổ chức hôn nhân cũng thay đổi theo hướng tiếp nhận sự hiện đại từ người Kinh.

Về địa bàn cư trú, trong lịch sử ghi lại từng có thời người Ơ Đu sinh sống trong các bản tập trung, sau đó vì nhiều lý do mà phân tán và sống xen kẽ với người Thái và Khơ Mú với số lượng ít ỏi. Hiện nay, họ chủ yếu tái định cư về bản Văng Môn và sống tập trung trong một bản riêng của dân tộc Ơ Đu. Một số hộ ở lại các làng bản cũ, một số hộ lại tái định cư về vùng núi huyện Thanh Chương nhưng họ luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với nhau và thường xuyên thăm hỏi lẫn nhau. Cũng như nhiều tộc người khác, nhiều người Ơ Đu trẻ tuổi đang rời bản làng đến các đô thị làm công nhân kiếm sống. Số người trẻ tuổi ở lại bản làng ngày càng ít dần.

Nhiều yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể của người Ơ Đu đều thay đổi theo hướng các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một dần. Văn hóa vật thể từ nhà cửa, bản làng đến ẩm thực, trang phục,… ngày càng bị/được hiện đại hóa. Các sinh hoạt văn hóa phi vật thể cũng bị mai một nhiều. Nghi lễ cộng đồng quan trọng nhất của người Ơ Đu là lễ hội đón tiếng sấm đầu năm từng bị mai một và mới được khôi phục lại nhưng cũng mất đi nhiều giá trị vốn có của nó. Các nghi lễ liên quan đến vòng đời cũng thay đổi, đơn giản hơn, theo hướng ảnh hưởng của từ văn hóa Thái sang văn hóa Kinh. Các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nghệ thuật biểu diễn dù được khôi phục nhưng cũng còn nhiều vấn đề phải bàn lại.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nét văn hóa quan trọng được đồng bào Ơ Đu gìn giữ. Từ lập đền thờ chung của bản đến tinh thần cộng đồng, các nghi lễ trong gia đình vẫn được lưu giữ trên một số phương diện khác nhau. Cùng với đó, nhiều yếu tố vật thể như: ẩm thực truyền thống với các món lạp, mọc, lán mọc, pút hùm,… hay một số công cụ sản xuất vẫn được đồng bào lưu giữ. Những nhân tố này góp phần nhận diện tộc người Ơ Đu.

Dạy và học tiếng Ơ Đu. Ảnh: Phan Thắng.

Thứ ba là ý thức tự giác tộc người. Đây là yếu tố quan trọng và là tiêu chí được Việt Nam trân trọng. Với người Ơ Đu, ý thức tự giác tộc người có thể coi là hồn cốt của dân tộc họ. Dù có những tên gọi khác nhau do các cộng đồng khác gọi họ, nhưng bản thân họ vẫn luôn ý thức về mình với một tên gọi là Phrom Ơ Đu, có nghĩa là “người Ơ Đu”, “người yêu thương”. Họ hãnh diện về điều đó. Trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, họ vẫn luôn tự nhận mình là người Ơ Đu. Đây là nhân tố để cộng đồng này vẫn là một tộc người dù còn số lượng rất ít và sống rải rác, xen kẽ với các cộng đồng khác, chịu ảnh hưởng sâu sắc của các nền văn hóa khác. Người Ơ Đu sống cạnh người Thái, người Khơ Mú, họ kết hôn với người Thái, Khơ Mú và tiếp nhận các yếu tố văn hóa của hai cộng đồng này nhưng luôn ý thức về nguồn gốc của mình là người Ơ Đu và luôn xác định con cái của họ là những người Ơ Đu.

Trong bối cảnh các tiêu chí như ngôn ngữ và đặc trưng văn hóa tộc người của dân tộc Ơ Đu bị mai một nhiều thì ý thức tự giác tộc người là nhân tố quan trọng nhất, là hồn cốt và sức mạnh để dân tộc Ơ Đu tồn tại bên cạnh các cộng đồng khác. Ngôn ngữ hay bản sắc văn hóa tộc người có thể khôi phục được, thậm chí tái tạo lại, nhưng ý thức tự giác tộc người mà mất đi thì tộc người đó trước sau gì cũng mất đi. Vậy nên, hiện nay, để tiếp cận dân tộc Ơ Đu trong những quan điểm phát triển, cần đặt ý thức tự giác của họ, đặt quan niệm và mong muốn của họ vào vị thế trung tâm để xây dựng và triển khai. Bởi xét cho cùng, đó là hồn cốt của dân tộc Ơ Đu.

Trang Tuệ