Trời đã sang đông, nhưng ngày về thăm Pác Bó của các văn nghệ sĩ từ làng Sen quê Bác trời như chiều lòng người. Cái nắng hanh hao nơi địa đầu Tổ quốc làm cho không khí cuộc hành hương càng thêm rạo rực. Chúng tôi về thăm Pác Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chọn miền đất này làm căn cứ địa kháng chiến từ tháng 1/1941 đến tháng 5/1945. Quan trọng hơn, đây là nơi mà những kế hoạch lớn giải phóng đất nước của một con người vĩ đại đã ra đời và được thực hiện.

Đoàn chụp hình lưu niệm tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hữu Vinh.

Thắm tình bè bạn

Chúng tôi đến thăm Hội VHNT Cao Bằng, nơi cách đây gần 20 năm, thời cố nhạc sĩ Mai Cường – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An và nhà văn Đoàn Lư – Chủ tịch Hội VHNT Cao Bằng, Hội VHNT của hai tỉnh đã cùng nhau kết nghĩa. Hai bên đã có nhiều kỷ niệm đẹp bởi sợi dây kết nối mà Bác Hồ đã đem lại. Chị Phan Thanh Bình – Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức của Hội, kể lại: năm ấy, hai bên thường xuyên có những chuyến giao lưu, phối hợp công tác rất ý nghĩa và thiết thực. Hai Hội thường xuyên tổ chức những hoạt động đi thực tế ở Nghệ An và Cao Bằng, những lần gặp nhau ấy là những ngày đáng nhớ của văn nghệ sĩ cũng như cán bộ văn phòng Hội chúng tôi.

Không phải ngẫu nhiên mà chị Bình và các chị em văn phòng Hội VHNT Nghệ An nhớ từng cái tên, từng gương mặt anh chị em văn phòng Hội VHNT Cao Bằng. Sau bao năm xa cách, ai cũng háo hức khi trở về thăm người xưa chốn cũ. Sau 3 ngày ngồi xe, vượt qua muôn nẻo đường đồi núi từ Tuyên Quang lên Hà Giang ai cũng mệt lử. Khi xe đi qua những cung đường Hà Giang, tôi liên tưởng đến Vạn Lý Trường Thành của đất nước Trung Quốc xa xôi, một công trình vĩ đại mang tầm nhân loại. Tôi cho rằng, tinh thần vượt khó và ý chí người Việt mình cũng không thua kém bất cứ quốc gia nào. Hàng chục ngàn km đường vắt quanh sườn núi ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta cũng là một công trình mà phải nhiều thế kỷ mới tạo dựng được. Tuy mọi so sánh đều khập khiễng nhưng Vạn Lý Trường Thành hay những cung đường núi phía Bắc nước ta đều có chung một mẫu số ấy là sức dân làm nên tất cả. Nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Anh thì trầm trồ thốt lên khi xe lên đỉnh đèo Mã Pì Lèng: “Nhân dân vĩ đại”.

Buổi gặp mặt thân mật giữa đoàn văn nghệ sĩ Nghệ An và văn nghệ sĩ Cao Bằng. Ảnh: Hữu Vinh.

Trên đường từ Đồng Văn về thành phố Cao Bằng, chị Phan Thanh Bình nhận được điện của chị Hoàng Thị Hạnh – Phó Chánh văn phòng Hội VHNT Cao Bằng, chị Hạnh gửi lời của nhạc sĩ Nguyễn Việt Hùng – Chủ tịch Hội VHNT Cao Bằng, mời đoàn công tác Nghệ An ăn cơm tối. Trên xe, PGS.TS Đinh Trí Dũng hỏi ý kiến anh em, ai nấy đều muốn về nghỉ ngơi sau những ngày mệt mỏi. Chị Bình gọi điện khước từ nhưng không được. Chị Hạnh cho biết, cơ quan đã lên kế hoạch đón tiếp các bạn Nghệ An từ lâu, mọi người sẵn sàng chờ đoàn về cùng giao lưu dù có muộn. Các văn nghệ sĩ và cán bộ Hội chúng tôi ai nấy đều xúc động trước tấm chân tình của những người bạn Cao Bằng. Thế là cả đoàn nhất trí xử lý nhanh các vấn đề để mọi người không phải chờ đợi quá lâu. Nói vậy là để thấy một trong những cử chỉ thân thiện mà các văn nghệ sĩ Cao Bằng dành cho Nghệ An.

Đón chúng tôi là nhạc sĩ Nguyễn Việt Hùng, nhà báo Phạm Thanh Thắng – Phó Chủ tịch Hội, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Non nước Cao Bằng, chị Hoàng Thị Hạnh cùng nhiều anh chị em cơ quan Hội VHNT Cao Bằng. Mọi người vui vẻ trò chuyện râm ran như những người thân sau nhiều năm gặp lại. Nhạc sĩ Nguyễn Việt Hùng tâm sự: tôi và anh Phạm Thanh Thắng mới được điều về công tác tại Hội (trước khi về Hội, hai anh đều công tác tại Ban Văn nghệ Đài PTTH Cao Bằng), chúng tôi được biết hai Hội chúng ta đã có truyền thống kết nghĩa từ lâu nhưng không hiểu sao một thời gian khá dài gián đoạn. Chúng tôi rất trăn trở và tự hỏi, tại sao chúng ta lại không tiếp tục kết nối để cùng nhau phối hợp, giúp đỡ nhau trong công việc và tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ hai địa phương giao lưu. Thế là tôi đã trao đổi với anh Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội, anh Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, và hai bên thống nhất sẽ ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp tổ chức hoạt động sáng tác VHNT.

Nhà báo Phạm Thanh Thắng tiếp lời: ngày trước, đại diện Ban Tuyên giáo hai tỉnh đã ký kết văn bản phối hợp giữa hai bên, cho nên đây không chỉ là sự kiện quan trọng của hai Hội mà còn là sự kiện quan trọng của hai tỉnh Nghệ An và Cao Bằng.

Phạm Thanh Thắng vui vẻ kể về những chuyến đi về Nghệ An, anh từng được uống rượu cần của đồng bào dân tộc Thổ ở Nghĩa Đàn, từng dự đám cưới người Thái ở Kỳ Sơn… Nghệ An đã để lại nhiều tình cảm đẹp trong lòng người nghệ sĩ trẻ này.

Ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp tổ chức hoạt động sáng tác VHNT giữa Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An và Hội VHNT Cao Bằng. Ảnh: Hữu Vinh.

Sáng 30/11/2022, tại văn phòng Hội VHNT Cao Bằng, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An và Hội VHNT Cao Bằng đã ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp tổ chức hoạt động sáng tác VHNT trong không khí vui tươi, ấm áp, thắm tình anh em. Hai bên đã thống nhất những vấn đề cơ bản làm nền tảng cho phần công việc cụ thể sau này như: luân phiên tổ chức các đoàn văn nghệ sỹ đi thực tế, mở trại sáng tác tại hai địa phương để học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác. Tổ chức các chương trình giao lưu chuyên môn để thông qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và những nét văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương tới đông đảo công chúng. Tổ chức trao đổi tác phẩm, giới thiệu tác phẩm mới của các tác giả trên tạp chí văn nghệ của hai địa phương…

Về chốn non nước thiêng liêng

Sau khi từ Hà Giang về Cao Bằng, chúng tôi được hai nữ cán bộ Hội VHNT Cao Bằng là Hoàng Trang và Dương Liên dẫn đoàn đến thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, huyện Hà Quảng, cách thành phố Cao Bằng độ 50 km. Hôm trước, trong câu chuyện giữa hai đoàn, nhạc sĩ Nguyễn Việt Hùng đặt vấn đề khá thú vị: thế hệ chúng ta biết Pác Bó là căn cứ địa kháng chiến của những năm đầu cách mạng mà chưa hiểu vì sao Bác lại chọn Pác Bó chứ không phải một nơi nào khác; chẳng hạn Hà Giang, nơi có địa thế hiểm trở, có hang sâu, núi cao, rừng rậm; tại sao Người không chọn Lạng Sơn, cũng là một tỉnh miền núi lại gần với Hà Nội, tiện việc đi lại với thành phố và đồng bằng; tôi cũng không hiểu vì sao Bác không chọn Quảng Ninh, nơi phong trào công nhân phát triển mạnh, lực lượng cách mạng tiềm năng đông hơn, có đồng bằng, có rừng núi, có biển và cũng gần Trung Quốc để nhận được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản… tất cả vẫn đang là những bí ẩn lịch sử. Tất thảy chúng tôi đều lấy làm tâm đắc với vấn đề mà nhạc sĩ Nguyễn Việt Hùng đặt ra.

Nghe kể chuyện về Bác bên suối Lê Nin, núi Các Mác. Ảnh: Hữu Vinh.

Đoàn đến dâng hương tại đền thờ Bác Hồ, ngôi đền không quá rộng lớn nhưng trang nghiêm nằm trên lưng đồi, cao ráo và khoáng đạt. Tại đây, chúng tôi được xem những tư liệu lịch sử về Pác Bó trong nhà trưng bày theo 05 chủ đề: giới thiệu vị trí địa lý Pác Bó, truyền thống yêu nước, cần cù lao động và tinh thần đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm của Nhân dân các dân tộc Cao Bằng trước khi có Đảng; chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập, lãnh đạo phong trào cách mạng ở tỉnh Cao Bằng phát triển; lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng tại Pác Bó, Bác và Trung ương Đảng xây dựng căn cứ địa của cách mạng Việt Nam; sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đấu tranh của Nhân dân ta cũng như vị trí quan trọng của Cao Bằng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954); truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của Nhân dân được thể hiện qua thắng lợi chiến dịch Biên giới 1950.

Chúng tôi theo chân cô gái hướng dẫn viên vào thăm hang Cốc Bó, nơi năm xưa Người làm việc và ẩn náu sự truy tìm của bọn thực dân. Đường đi quanh co, uốn lượn, hai bên là cây cối xanh tươi, những con dốc thoai thoải nay được rải nhựa êm đềm dẫn lối chúng tôi đến suối Lênin, núi Các Mác, những địa danh mà đa số chúng tôi mới chỉ được nghe qua thơ Người: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lênin, kia núi Mác/ Hai tay gây dựng một sơn hà” (Pác Bó hùng vĩ).

Đường vào thăm hang Cốc Bó. Ảnh: Hữu Vinh.

Có đến đây mới hiểu được phần nào cơ duyên mà Người chọn chốn này làm nơi hoạt động. Tôi tưởng tượng hình ảnh một bậc hiền nhân giữa chốn bồng lai, dòng suối mà Người đặt tên là suối Lênin chảy giữa hai bên là rừng xanh, dòng nước trong veo mát lạnh tự muôn đời vẫn thế, những ghềnh đá tạo nên những con thác nhỏ vừa xôn xao vừa trầm mặc. Chúng tôi phải đi qua 179 bậc đá để lên hang Cốc Bó. Để thuận tiện cho việc tham quan du lịch, các bậc đá nay đã được xếp đều, bằng phẳng. Tôi hiểu, năm xưa đoạn đường này gồ ghề và khó khăn biết nhường nào. Cô gái hướng dẫn viên là người dân tộc Nùng cho biết: năm xưa, để giữ bí mật, Bác không dùng dao phát cây mà dùng một cây gậy rẽ lối đi, khi Người đi qua thì cây cối hai bên khép lại. Bác đi một đường thì về một đường để không tạo lối mòn.

Một đoàn du khách miền Nam cũng lên thăm hang Cốc Bó. Mọi người mệt mỏi bước trên những bậc đá cheo leo, một cô nói giọng miền Nam: “Bác ơi, cháu còn trẻ mà đi còn thấy mệt, không biết năm xưa Bác vất vả chừng nào.” Mọi người nhìn cô cười thông cảm và tán đồng.

Hang Cốc Bó không sâu, trong hang tỏa ra hơi lạnh bởi không khí mùa đông và hơi ẩm từ đá núi. Bếp lửa và cái ấm năm xưa Bác hằng nhóm bếp pha trà và sưởi ấm được tái hiện gợi lên chút hơi ấm mong manh. Tôi nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong trường ca “Theo chân Bác”: “Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi/ Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu/ Ai hay ngọn lửa trong hang núi/ Mà sáng muôn lòng vạn kiếp sau”.

Bếp lửa và cái ấm năm xưa Bác nhóm bếp pha trà và sưởi ấm được tái hiện trong hang.

Trong hang, không một chỗ nào bằng phẳng để có thể nghỉ ngơi, không biết năm xưa Bác đã phải trải qua những ngày đông rét buốt nơi hang sâu như thế nào? Cô thuyết minh kể: năm 1997, con trai cố Tổng thống Mỹ John Kennedy đã đến thăm Khu Di tích lịch sử Pác Bó. Vị khách đặc biệt này đã có yêu cầu đặc biệt là xin được ở lại trong hang một đêm để được trải nghiệm cuộc sống hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi về Mỹ, ông đã nhận xét trên tờ Washington Post: “… Tôi nghĩ mãi mà vẫn không hiểu tại sao trong một cái hang nhỏ hẹp, tối tăm và ẩm thấp như vậy mà ông Hồ Chí Minh lại có thể nghĩ ra cả một kế hoạch lâu dài để giành lại đất nước”.

Phía cuối hang có hai mỏm nhũ đá trông tựa hình người, ấy là mỏm đá mà năm xưa Bác đã cố công tạc lại cho giống Lênin và Các Mác, những lãnh tụ của phong trào công nhân toàn thế giới mà Người kính trọng.

Đoàn lại theo chân cô gái hướng dẫn viên đến thăm bàn đá năm xưa Người ngồi làm việc. Chúng tôi phải qua một quãng suối khá gập ghềnh, hiểm trở. Ai nấy cẩn trọng bám vào những mỏm đá để đi. NSNA Lê Quang Dũng mang trên mình chiếc máy ảnh khá to, vất vả lắm mới bò sang được bên kia bờ suối. Bàn đá năm xưa Bác Hồ ngồi làm việc nằm bên bờ suối, chung quanh đã phủ rêu xanh, mặt bàn khá phẳng vẫn còn sáng lên màu đá. Bên trên là những tán cây rừng bao phủ, tiếng suối róc rách hòa điệu cùng tiếng chim rừng ríu rít như ở chốn bồng lai tiên cảnh, một cõi tiên giữa đời được sáng lên bởi tâm thế nhà cách mạng kiên cường được thể hiện trong thơ Bác: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang” (Pác Bó hùng vĩ).

Một quãng suổi Lê Nin gập ghềnh, hiểm trở. Ảnh: Quốc Đàn.

Đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng của đoàn chúng tôi tại Khu Di tích Pắc Bó. Trời đã về trưa, sau nhiều chặng đường di chuyển và leo đèo, lội suối, ai cũng thấm mệt nhưng nghĩ đến Bác suốt 5 năm trời ở chốn núi rừng hiểm trở, hoang vu, lạnh lẽo và đầy khó khăn này mà Người vẫn ánh lên một niềm tin chiến thắng thì chút mệt nhọc của những du khách như chúng tôi chẳng thấm vào đâu.

Hai địa danh làng Sen xứ Nghệ quê tôi và Cao Bằng quê bạn cách nhau hàng trăm km, một ở miền Trung duyên hải, một ở núi rừng Đông Bắc nhưng sao thấy thân thương, gần gũi lạ thường. Gần gũi vì sợi dây kết nối chúng tôi là Bác, một người con ưu tú của xứ Nghệ và non sông đất nước, đã chọn miền đất này là quê hương thứ hai của Người. Gần gũi còn bởi tấm chân tình mà các bạn văn ở miền sơn cước Cao Bằng thân thương, trìu mến dành cho chúng tôi.

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 30, tháng 1 + 2/2023)