Thụy Sỹ – cái tên khá quen thuộc với nhiều người Việt Nam.

Xa vì theo khoảng cách địa lý, Thụy Sỹ là một quốc gia châu Âu. Và vì chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đi Thụy Sỹ, cho nên để đến được  đất nước này, ta phải chọn các chuyến bay quá cảnh. Tổng thời gian bay khoảng từ 16 đến 18 tiếng đồng hồ, cộng với thời gian chờ quá cảnh tại các sân bay trung gian, thường mất một ngày một đêm để đến được Thụy Sỹ.

Nhưng nói là Thụy Sỹ gần cũng đúng, khi có rất nhiều người Việt Nam biết đến và dành tình cảm đặc biệt đối với đất nước xinh đẹp này. Nhắc đến Thụy Sỹ, điều đầu tiên hầu như ai trong chúng ta cũng nghĩ đến những chiếc đồng hồ trứ danh. Mặc dù đã là thời đại của điện thoại di động lên ngôi, vai trò là vật dụng xem thời gian của những chiếc đồng hồ ít nhiều suy giảm. Tuy vậy, những chiếc đồng hồ đeo tay bây giờ vẫn đang còn rất thịnh hành, ngoài chức năng xem thời gian, chiếc đồng hồ còn là vật trang sức không thể thiếu đối với cả nam hay nữ. Việc có được một chiếc đồng hồ Thụy Sỹ chính hiệu, là niềm tự hào của nhiều.

Nói Thụy Sỹ gần còn bởi, hầu như trong chúng ta, là người đã trải qua những ngày tháng gian khổ của chiến tranh vệ quốc, hay đang ngồi trên ghế nhà trường, thì đều biết hay ít nhất đã nghe đến Geneve. Đây là thành phố có vị trí quan trọng thứ hai của trụ sở Liên hiệp quốc. Hiệp định hòa bình về chiến tranh Việt Nam đã được ký kết tại thành phố Geneve năm 1954 là một thắng lợi quan trọng, một dấu son rực rỡ trong lịch sử dân tộc ta.

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên xanh Thụy Sĩ

Thụy Sỹ nằm ở Trung Âu, là một quốc gia không giáp biển, gần như nằm trọn trên dãy Alps, nên có độ cao trung bình rất lớn. Địa hình của Thụy Sỹ hầu hết là núi và cao nguyên. Có đến 48 ngọn núi cao hơn 4000m so với mực nước biển. Cùng với đó là hệ thống sông hồ phong phú. Với khoảng 1500 hồ nước, Thụy Sỹ chiếm đến 6% lượng nước ngọt toàn châu Âu. Dù là một nước nhỏ có diện tích hơn 41.000 km2 và dân số khoảng 8,5 triệu người (tương đương với dân số Thủ đô Hà Nội), nhưng Thụy Sỹ là một trong những quốc gia giàu có, với GDP bình quân đầu người hàng năm khoảng 83.000 USD, xếp hạng hai thế giới. Nằm giữa trung tâm châu Âu, nơi khởi phát các cuộc chiến tranh thế giới gần đây, nhưng do theo đuổi chính sách trung lập, một phần cũng do vị trí địa lý đặc biệt, nên Thụy Sỹ đã trải qua hàng trăm năm phát triển trong hòa bình và thịnh vượng. Thụy Sỹ lại là một quốc gia theo đuổi chính sách đối ngoại tích cực mặc dù tham gia vào Liên hiệp quốc khá muộn, mãi đến năm 2002 Thụy Sỹ mới tham gia đầy đủ vào tổ chức này. Do trụ sở của Liên hiệp quốc đóng ở Geneve, cho nên Thụy Sỹ cũng có vai trò quan trọng và tích cực vào các cuộc thảo luận cho tiến trình hòa bình thế giới.

Thụy Sỹ tiếp giáp với 5 quốc gia: Đức, Pháp, Ý, Áo và Liechtenstein, do vậy văn hóa và ngôn ngữ của Thụy Sỹ là sự giao thoa của các nền văn hóa khác nhau, tuy đa dạng nhưng không kém phần tinh tế. Điều đó được thể hiện qua các ngôn ngữ chính thức được sử dụng như tiếng Đức, Pháp, Ý và Romansh. Cùng với đó là các công trình kiến trúc và các di sản về văn học, nghệ thuật, âm nhạc và khoa học.

Có ít người biết rằng tổ chức Hội Chữ thập đỏ lại được ra đời tại Thụy Sỹ và bởi một người Thụy Sỹ. Cờ Hội Chữ thập đỏ và lá cờ Thụy Sỹ có nhiều điểm tương đồng, là một lá cờ đặc biệt vì nó là hình vuông chứ không phải là hình chữ nhật.

Không có chuyến bay thẳng từ Việt Nam, nên sau khi nhập cảnh vào Pháp, chúng tôi di chuyển bằng xe ô tô sang Thụy Sỹ. Đây quả là một điều may mắn, vì nếu đi bằng máy bay, bạn sẽ không bao giờ biết được có một Thụy Sỹ đẹp đến vậy. Sau những đỉnh núi cao với đèo dốc quanh co, là những cao nguyên mở ra xanh bát ngát. Người ta thường so sánh cảnh đẹp của những cao nguyên, những cánh đồng và hồ nước của Thụy Sỹ như tranh vẽ. Nhưng theo suy nghĩ chủ quan của tôi, thực ra không có một bức tranh, bức ảnh nào có thể lột tả được khung cảnh thần tiên của nơi này.

Những ngọn đồi thấp tiếp giáp với những ngọn núi cao, những cánh rừng xanh thẫm, và tiếp đó là những thung lũng trải dài hai bên đường cao tốc. Một màu xanh non mượt mà và mềm mại của cỏ non chảy tràn từ trên cao xuống thấp. Trên cái nền màu xanh mênh mông đó, nổi lên những xóm làng. Mặc dù cơ bản xóm làng là quần tụ, nhưng thảng hoặc lại có những ngôi nhà nằm một mình trên những ngọn đồi hay trong thung lũng. Màu nâu của ngôi nhà gỗ với nhiều cánh cửa sổ nhỏ nổi bật trên nền xanh của cỏ. Những ngôi nhà nằm một mình trên cánh đồng hay ngọn đồi, trông thật bình yên và hài hòa với tự nhiên, nó hoàn toàn không gợi cho ta sự cô độc hay buồn bã. Tuy không nói, nhưng hầu như ai cũng chợt nhớ đến một bộ phim nổi tiếng một thời: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên.

Trên cái màu xanh đến nghẹt thở đó, thỉnh thoảng ta lại bắt gặp những đàn bò sữa, tiếng lục lạc trên cổ làm nên những thanh âm rộn ràng, vui vẻ. Do bác tài xế người Ba Lan chỉ lấy gió ngoài khi xe đã ra khỏi thành phố, cho nên trong cái không khí trong lành của thiên nhiên nơi đây, chúng tôi vẫn cảm nhận được mùi của đồng cỏ vẫn còn vấn vương mùi chất thải của những chú bò sữa bên đường, nhưng nó không đậm đặc để làm cho ta khó chịu. Nó gợi cho ta về một ký ức tuổi thơ, khi những vùng quê nông thôn Việt Nam vẫn còn nuôi nhiều gia súc.

Đất đai nông nghiệp ở Thụy Sỹ phần lớn dành cho trồng cỏ để phát triển đàn bò sữa. Gia súc lấy sữa chiếm gần một nửa sản lượng nông nghiệp. Nestle – một công ty công nghệ thực phẩm nổi tiếng của Thụy Sỹ với những sản phẩm từ sữa. Giờ đây, những sản phẩm của công ty, như sữa dành cho trẻ em, hay cả cà phê sữa cũng hết sức quen thuộc với người dân Việt Nam. Ngoài sữa, nông nghiệp Thụy Sỹ còn nổi tiếng với những sản phẩm khác. Xe đưa chúng tôi qua những trang trại trồng táo, mận, chery… tuyệt đẹp, những sản phẩm từ nông nghiệp của Thụy Sỹ luôn được thế giới đánh giá cao về chất lượng, mặc dù giá cả luôn thuộc vào loại đắt đỏ.

Xe đang chạy trên cao tốc với tốc độ 100 km/h, nhưng giữa cái mênh mang đất trời ấy, cảm giác như đang trôi đi giữa một màu xanh khi bầu trời và mặt đất như hòa làm một. Trên nền trời xanh thẳm của mùa thu, khói từ những chiếc máy bay dệt lên những dải mây dài thẳng tắp. Chúng đan xen dọc ngang, vẽ lên bầu trời những hình thù vui mắt. Xa hơn nữa, trên những ngọn núi cao, không biết là mây hay tuyết cứ trắng bông trên những đỉnh núi nối tiếp trập trùng. Giữa cái khung cảnh thần tiên đó, nhiều khi cứ làm ta tự hỏi, ta đang mơ hay thực!

Ảnh tác giả tại Thụy Sĩ

Tôi đến Geneve vào cuối một buổi chiều, những ngày đầu thu khi nắng vẫn còn đang rực rỡ. Những hàng cây ven đường vẫn còn màu xanh. Nhưng nếu nhìn kỹ vào trong tán lá, những sắc vàng của mùa thu đã bắt đầu ẩn hiện. Và cũng rất nhanh, chỉ tầm hơn một tháng nữa thôi, màu xanh sẽ bay đi để nhường lại cho màu vàng rực rỡ.

Xe vào phố mà cảm giác của tôi vẫn như đang còn ở trong rừng. Những ngôi nhà, những dãy phố không cao tầng, tuy nhiên vẫn làm cho ta choáng ngợp với kính và bê tông, như ở các đô thị hiện đại khác. Ở đây, cảnh quan khá hài hòa, xen giữa những khu phố là những công viên. Đến Geneve, ta mới hiểu thế nào là rừng trong phố, hay là phố ở trong rừng.

Dù xếp hạng theo bất cứ tiêu chí nào để đánh giá, một quốc gia đáng sống nhất thế giới hay là một quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, thì Thụy Sỹ luôn được xếp ở top đầu. Về chất lượng sống, bao gồm từ thu nhập, chất lượng không khí và thực phẩm, cho đến giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội… luôn được đảm bảo. Nhưng đối với khách du lịch, kể cả khách du lịch châu Âu, đến từ những nước phát triển như Đức hay Ý thì giá cả sinh hoạt của Thụy Sỹ cũng khá là đắt đỏ. Một chai nước khoáng loại nhỏ có giá khoảng 3,5F (mặc dù Thụy Sỹ có nguồn nước rất sạch, ta có thể yên tâm uống nước ở bất cứ nơi đâu, là vòi nước công cộng hay tại gia đình), một cây kem ốc quế bình thường cũng có giá 5F, hay một ly bia trong một quán bar cũng vậy, giá này tương đương với một chai rượu vang đỏ ở Ý, cũng tầm 5 Euro.

Đoàn khách du lịch chúng tôi sau khi chụp ảnh kỷ niệm trước trụ sở Liên hiệp quốc, lại đến tham quan hồ Geneve. Cũng như các nước châu Âu khác, ngày hè dài nên mặt trời đi ngủ muộn, đã gần 7h tối mà ánh nắng vẫn đang còn rực rỡ. Trên mặt hồ, đầy những con tàu màu trắng có gắn cả hai lá cờ Thụy Sỹ và Pháp ở trên hai đầu mũi tàu, là một thông điệp chứng tỏ rằng hồ thuộc về cả hai nước. Nước và không khí vẫn còn đủ ấm để cho những người yêu thích bơi lội tận hưởng những ngày nắng ấm cuối cùng, trước khi trời trở lạnh. Ngay giữa mặt hồ nước, ta chợt thấy một ánh cầu vồng rực rỡ, được tạo ra từ đài phun nước cao đến hơn 140m. Người ta nói ai trông thấy cầu vồng sẽ gặp được may mắn và hạnh phúc. Tôi chợt nghĩ, người dân nơi đây, và cả những người khách du lịch như tôi đã may mắn khi đến nơi này. Nơi mà cầu vồng mang đến hạnh phúc cho con người, hay chính những con người hạnh phúc ở đây đã mang cầu vồng đến cho mọi người, để giờ đây những ánh sáng với muôn sắc màu đó cứ lung linh, rực rỡ giữa một bầu trời trong xanh đến vô tận…

Phan Kiên Trinh