(Nhân đọc “Cọng cỏ thiêng” của Tùng Bách)

Sau các tập thơ Mình với bóng; Người gieo hạt; Đi và nhặt; Vừa hót vừa bay; Bước thời gian… “Cọng cỏ thiêng” (NXB Nghệ An, 2023) là tập thơ thứ 10 của nhà thơ Tùng Bách.

Nhà thơ Tùng Bách và tập thơ “Cọng cỏ thiêng”.

Không phải đến Cọng cỏ thiêng mà suốt hành trình thơ, Tùng Bách đã một mình một chiếu thơ giữa đình. Trẻ, già, nam, nữ, nông dân, tri thức… gật gù, đắc ý với bữa tiệc “thơ phủi” của ông.

Không phải ngẫu nhiên mà trong bài Đêm thơ phủi, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du diễn ra ở thành phố Vinh, Nghệ An đã hội tụ đủ “anh hào”, “nhị vị thi gia, quê núi Ấn, sông Trà” đến nhóm thi gia, thi bá “Cửa Hội” cùng “Tam Nghệ nữ” thấy vui sà vào cuộc/ Thế rồi thơ, rồi nhạc, rồi thì/ Ví giặm đò đưa- bài chòi- Ráp- Rốc…/ Chủ quán bia mừng, khuyến mãi míc, ampli”.

Trong cái “Đêm thơ phủi” đó, Tùng Bách là tiên chỉ làng thơ. Tiên chỉ khiêm tốn bung ra “cọng cỏ thơ” làm sợi dây vô hình kết nối thi hữu gần xa thăng hoa cảm hứng trong cõi trần nhiều ấm lạnh và không ít bất an này.

99 bài thơ trong tập Cọng cỏ thiêng có đến hơn nửa là “hý họa” về bạn bè mà hầu hết là bạn bè văn nghệ gần gũi, thân quen. Có người đương chức, đa số đã về hưu, “cùng hội, cùng thuyền”, “lắm tài nhiều tật”, “ba máu sáu chứng”. Tùng Bách thấu cảm họ để rồi tếu táo chút chút cho xôm trò”. Họ có thể là vô danh hay hữu danh: không chỉ là Ngô Đức Tiến nhà thơ, nhà folklo, không chỉ là Thìn Đẹp nguyên Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, là nhạc sĩ Đình Đắc, nhà thơ đào hoa Trần Chấn Uy, nhà báo – nhà thơ Mai Hồng Niên, nhà văn Trần Đắc Túc, nhà thơ Hồ Mậu Thanh… mà còn là những nghệ sĩ không tên tuổi hiện diện một cách ám ảnh trong Cọng cỏ thiêng. Tùng Bách có thể hý họa chân dung bạn thơ ở bất cứ thời gian nào, bất cứ ở đâu. Chỉ cần một nhoáng, bằng vài ba nét đơn giản, ông đã chộp được hồn vía của nhân vật, không ai giống ai. Chẳng hạn: “Bất chợt Mai Hồng Niên”/ “rách trời rơi xuống” trông vừa hào hoa vừa hùng dũng, “Thơ ông lóng lái tục tục thanh thanh”. Với Lại Đăng Thiện, người thơ xứ Tân Kỳ “đã ba lần dũng sĩ”, chuẩn bị phong anh hùng nhưng xem ra “Gặp nàng thơ tí tởn/ Mấy chốc đã hâm hâm”. Còn với Trần Đắc Túc, nhà văn của truyện ngắn Chơi dao qua ngoáy bút của Tùng Bách thì: “Thiếu thời chơi chim/ Trung thời nghịch bướm/ Giờ ngồi “chơi dao”/ Lão còn dọa cuối đời chơi trống bỏi… (Một thuở chơi dao).

Cái tài của Tùng Bách là chỉ qua một vài nét chấm phá đã hiện lên số phận nhân vật. Cho nên, đằng sau những nụ cười ấy là nước mắt, có khi chua chát, đắng đót.

Đằng sau giọng thơ tưng tửng là thân phận không chỉ của một Trần Đắc Túc mà của cả giới cầm bút. Câu hỏi của Tùng Bách xoáy vào gan ruột: “Thành nhà văn/ Nhà văn để làm gì?/ Khi cái viết không đăng – Cái đăng không viết/ Thời oanh coi như xưa! Giờ đang thời liệt!/ May gặp được vợ hiền “tiết hạnh ngôn dung”.

“Thời oanh”của nhà văn Trần Đắc Túc là thời còn đương chức: “Vốn là phóng viên báo nói/ Rồi phóng viên, biên tập viên báo hình/ Từng bắt tay cụ Tổng Nguyễn Văn Linh/ Lục vấn Giáo sư Nguyễn Văn Giàu/ Cameraman Võ Nguyên Giáp”. Còn “thời liệt” là thời ốm đau trọng bệnh, may còn có người vợ hiền chăm chút, đỡ đần. Ngẫm thân phận một người mà ra một đời, một thời. Thơ Tùng Bách sâu, cay và tuyệt vời hóm hỉnh.

Về nghệ thuật trào lộng, ngòi bút Tùng Bách không đả kích, châm biếm nên ông ít hướng đến những nghịch lý (nội dung/ hình thức; thật/ giả; trong/ ngoài…) nhằm lên án, kết tội mà ngòi bút nhà thơ tìm đến những thủ pháp “lóng lóng, lái lái, tục tục thanh thanh” bình dị, xuề xòa, vui vẻ bởi đối tượng mà Tùng Bách động đến là bạn hữu.
Ngoài lớp từ vựng địa phương (phương ngữ Nghệ Tĩnh) với những “choa”, “mày tao chi tớ”; “chi, mô, rứa, nờ”, Tùng Bách còn đem vào thơ một vệt từ Hán ngữ, thậm chí điển tích, điển cố, cũng không loại trừ “me xừ chủ chi.”

Có thể nói, Cọng cỏ thiêng là một cách Tùng Bách giải thiêng cho thơ. Những “mẻ, riềng, thịt chó, nhựa mận, mắm tôm”, “Tít thò lò cà cuống” xuất hiện một cách tự nhiên trong thơ ông. Thậm chí, Tùng Bách không ngại “ghi âm” cả tiếng chửi của lão trưởng thôn: “Tiên sư bọn mặt… chồn”.

“Thơ phủi” nên ngôn ngữ cũng phải có chút lấm lem bụi bặm. Những “khỉ gió”, “oách xà lách”, “ mần vài choác bia hơi”…  là những ngữ liệu để Tùng Bách chế biến món “lẩu thơ” đãi thực khách. Giải thiêng thơ, công việc sáng tạo thơ nghiêm túc, dưới góc nhìn của Tùng Bách cũng chỉ là “vọc vạch”, “Hứng lên tí toáy chút thơ vè” ngẫu hứng.

Vẫn sử dụng lối nói lái, bẻ chữ, tách từ, nhưng “thơ phủi” của Tùng Bách có những thủ pháp rất ngộ. Kết thúc bài thơ Nghe người ta nói thế – hý họa chân dung Ngô Đức Tiến, Tùng Bách đã sử dụng kiểu “bớt chữ” để đùa. Đó là thủ pháp giảm tục của ông: “Chuyện phồn thực lão kể cười đau rọt/ Có mỗi chữ LUỒNG cũng bày đặt bớt u rê (U, G)”.

Hoặc tạc chân dung Thìn Đẹp, từ “chiến trường”, Tùng Bách đã gọi về trường từ có từ tố “trường”: “thương trường”, “tình trường”, hoặc tách ngữ “cường hào ác bá” thành hai vế: “Thìn Đẹp cường hào nhưng không ác bá”. Ngón ngôn từ của Tùng Bách xem ra lắm chiêu trò ra phết…

Cười đùa, tếu táo nhưng Tùng Bách vẫn nằm trong quy luật của sáng tạo nghệ thuật. Trong Cọng cỏ thiêng, Tùng Bách đã làm mới lục bát theo cách riêng. Đó là “lục bát a lô”. Xin chép ra để bạn đọc chiêm nghiệm:

  • Cậu đang đâu đấy?
    – Ở nhà
  • Hương Sơn hay vẫn chợ Ga?
    – Quán Bàu!
  • Phót ngay gỏi vịt đường tàu.
    – Với ai rứa?
  • Mỗi mình tau thôi à!

Còn ở bài Trải lòng, vẫn cấu trúc hỏi – đáp, nhưng Tùng Bách có sự biến hóa khôn lường. Khi tách câu lục, khi tách câu bát khiến cho câu thơ lục bát giãn ra, chất chứa những vấn đềnóng” của nhân sinh thế sự.

Hỏi nhà?
– Vẫn ngụ nơi xưa.

Hỏi chồng?
– Bọn tớ mới vừa phóng sinh.

Hỏi con?
– Trai học bên Sing
Gái vừa nhập Đại học Vinh năm đầu.

Hỏi thơ?
– Thơ bỏ đã lâu
kể từ cái độ nghỉ hâu đến dừ.

Tình hình sức khỏe?
– Sắp hư
động trời hơi gió đau nhừ toàn thân.

Định thêm bước nữa?
– Nỏ mần
Mùi đời nếm trải một lần đủ kinh.

Tùng Bách hý họa về bạn bè mà thực ra là tự họa về mình. Chả thế, bạn thơ chẳng ai nỡ giận. Có thể nói, Tùng Bách cũng là Chóe, một họa sĩ biếm họa tài hoa, hóm hỉnh, nhưng có điều chất liệu của ông lại bằng ngôn ngữ.

Lê Văn Vỵ