Được đề cử giải Oscar và giải Quả cầu vàng cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2015, “Tangerines” cho thấy lòng trắc ẩn là phản ứng cuối cùng cho những xung đột chính trị, văn hóa và sắc tộc trong nhiều thế kỷ, một thông điệp có sức thuyết phục đối với khán giả đương đại.

Tangerines (Mùa Quýt), Lấy bối cảnh tại một ngôi làng nhỏ ở biên giới nơi xẩy ra chiến sự giữa 2 quốc gia ly khai, tách ra từ Liên Xô cũ là Abkhazia và Georgia. Đạo diễn Zaza Urushadze đã dẫn dắt người xem đi vào một cuộc hành trình của nhân phẩm con người và của sự hòa giải giữa những kẻ đối đầu. Chỉ có điều, con quỷ mang tên chiến tranh luôn chực chờ trong bóng tối để nhảy ra phá tan những kế hoạch của con người…

“Ở đây chúng tôi không làm phim nữa. Giờ đang là chiến tranh” – Mùa Quýt

Bộ phim là sản phẩm hợp tác giữa Georgia và Estonia (và là bộ phim Estonia đầu tiên được đề cử giải Oscar), trong bối cảnh những trận chiến gay cấn khó lường giữa binh lính Gruzia và lực lượng ly khai Abkhaz vào năm 1992. Nhân vật trung tâm của phim, Ivo (Lembit Ulfsak thủ vai), là một thợ mộc sáu mươi tuổi ở một vùng nông thôn nơi phần lớn người dân vì lo sợ chiến tranh cũng như sự “thanh lọc sắc tộc” đều đã chọn trở về Estonia – quê hương tổ tiên của họ. Ivo và người hàng xóm của ông, Margus (Elmo Nüganen thủ vai), một người trồng quýt, và Juhan (Raivo Trass thủ vai), một bác sĩ, là những người Estonia ít ỏi còn ở lại. Margus dự định rời đi sau khi thu hoạch và bán vụ mùa của mình. Ivo giúp anh ta bằng cách đóng thùng và hái trái cây, ông đặt mục tiêu ở lại Abkhazia vì tình yêu với mảnh đất này. Sau một trận đọ súng, ông phải chăm sóc cho hai người lính, mỗi người thuộc hai phe đối lập, mỗi người thề sẽ giết người kia khi họ hồi phục. Hai người đàn ông có tính cách, cách giáo dục và giá trị rất khác nhau: Niko (Mikheil Meskhi thủ vai) một người lính tình nguyện Georgia, Ahmed (Giorgi Nakhashidze thủ vai) một người lính đánh thuê Chechen, sống trong nhà của Ivo người Estonia. Ivo, bằng một cách nào đó, đã đoàn kết hai kẻ thù không đội trời chung đến mức họ hy sinh bản thân vì nhau.

Chiến thắng của nhà văn kiêm đạo diễn người Georgia Zaza Urushadze là đã trích xuất được một vở kịch có tư duy cứng rắn, sáng suốt, thậm chí cực kỳ đẹp đẽ từ bức tranh toàn cảnh hỗn loạn Á – Âu này. Ông đã lựa chọn để đặt một người Estonia vào trung tâm câu chuyện một cách đầy ngụ ý. Câu chuyện cũng thúc đẩy chúng ta tiếp cận theo tinh thần của câu thành ngữ “Một bệnh dịch trên cả hai ngôi nhà của bạn” (là một thành ngữ xuất phát từ vở Romeo và Juliet của Shakespeare mang hàm ý “Tôi sẽ không đứng về phía nào: cả hai đều có lỗi và tôi sẽ không liên quan gì đến việc đó”) đối với mọi cuộc xung đột man rợ đã và đang diễn ra trên thế giới. Như Andrew Mueller, một trong số ít phóng viên phương Tây đến thăm Abkhazia, viết trong cuốn sách của mình Tôi sẽ không bắt đầu từ đây: Thế kỷ 21 và mọi chuyện sai lầm: “Cuộc chiến tranh 1992 – 1993 của Abkhazia với Georgia vừa ghê tởm vừa mù mờ… Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã tuyên bố cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm về ‘sự vi phạm trắng trợn luật nhân đạo quốc tế’.” Có tới 10.000 người Abkhazia đã thiệt mạng vào thời điểm dân số của họ chỉ xấp xỉ 250.000 người. Khoảng 300.000 người Gruzia đã di tản khỏi lãnh thổ. Các nhóm sắc tộc khác cũng vậy, cũng như người Estonia, đều đã rời đi.

Quyết định của nhà làm phim để lính đánh thuê Chechen thay vì Abkhazian chống lại một người lính Georgia vừa chính xác về mặt lịch sử vừa gợi nhiều liên tưởng. Mueller lưu ý: “Chiến thắng cuối cùng của Abkhazia đạt được là nhờ sự hỗ trợ của một số vị khách đáng ngờ”. “Quân đội Nga đã tham gia, cũng như một tổ chức có cái tên đầy thi vị gọi là Liên minh các dân tộc miền núi vùng Kavkaz, một sự kết hợp của những người theo đạo Hồi từ các góc khó khăn hơn của khu vực, đặc biệt là Chechnya.” Sự lộn xộn của các mối liên hệ về sắc tộc, chính trị và tôn giáo này khiến các nhân vật của Urushadze luôn phải cảnh giác và khán giả của ông ấy phải đoán mò. Khi Margus nói ở gần đầu phim rằng một thiếu tá đã đề nghị quân đội sẽ giúp vận chuyển quýt của anh ta, bạn không thể đoán được đây là quân đội nào.

Với bối cảnh đầy xung đột này, có lẽ Mùa quýt sẽ trở thành một câu chuyện đậm chất ảo mộng về tình người hoặc đơn giản chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn về chủ nghĩa hòa bình. Thay vào đó, nó có hương vị, nó gân guốc và chứa đầy những mâu thuẫn trong đời thực, cho đến cái kết nửa đắng và nửa ngọt. Urushadze cố gắng kịch tính hóa nguồn gốc trung tâm của xung đột vũ trang trong thời đại chúng ta – cuộc chiến giữa các lực lượng dân tộc chủ nghĩa đối địch – xung quanh bàn bếp của một người đàn ông có xu hướng bài trừ sự phân biệt chủng tộc, tất cả các hành động diễn ra một cách tự nhiên. Nó gắn liền với quyết tâm thầm lặng của Ivo trong việc giữ vững ngôi nhà và đạo đức trong sáng của mình, cũng như việc ông từ chối để các lực lượng quân sự vi phạm tính chính trực của ông, mặc dù họ đe dọa biến vùng đất của ông và Margus thành vùng đất không người.

“Ngay cả những kẻ đối địch nhất cũng có thể vượt qua (điều này), sự phản đối trái tự nhiên và sự tàn sát được hợp thức hóa…(nếu họ) tin tưởng vào lòng tốt của con người mà cuối cùng sẽ thắng thế, nếu mọi người có thế tha thứ, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau, ngay cả với chính đồng bào của mình và với cái giá phải trả là chính cuộc sống của họ” – Zaza Urushadze, biên kịch, đạo diễn, đồng sản xuất, Tangerines

Không chỉ là người truyền tải thông điệp cho nhà làm phim, Ivo là một nhân vật uy nghiêm, gốc rễ, hay mỉa mai, giàu lòng nhân ái và cảnh giác. Hơn cả tình huống những kẻ đối địch đang hồi phục dưới cùng một mái nhà, chính tính cách của Ivo đã thu hút khán giả. Ông có thể mở cửa cho những người đàn ông cần giúp đỡ, nhưng ông hiểu biết, riêng tư và theo cách riêng của mình, có tính lãnh thổ. Ông ta yêu cầu Ahmed và Nika không được giết nhau trong nhà ông, chính xác vì đó là nhà của ông, và ông là “vị cứu tinh” của họ (như Ahmed nói một cách mỉa mai). Ivo luôn thẳng thắn với họ, vì vậy người Chechen biết ông có ý đó khi nói rằng binh lính Abkhaz sẽ giết ông vì chứa chấp một người Gruzia. Nhưng Ivo cũng giữ khoảng cách với họ. Đối với ông, họ chỉ là “những cậu bé”, không chỉ vì tuổi tác mà còn vì lòng yêu nước của họ thật ấu trĩ – một phiên bản được vũ trang hóa của “bất cứ điều gì bạn có thể làm, chúng tôi đều có thể làm tốt hơn”. Người đàn ông lớn tuổi tự hào giữ bức ảnh của cô cháu gái xinh đẹp của mình ở nơi dễ nhìn và những vị khách phải chiếm được lòng tin trước khi ông tiết lộ tên của cô cháu hoặc bất cứ điều gì khác về cô ấy.

Lembit Ulfsak mang đến một màn trình diễn tuyệt vời. Ông ấy là một nhà văn – đạo diễn cũng như một diễn viên, và chỉ sự hiện diện của ông, giống như sự hiện diện của Victor Sjöström trong Wild Strawberries (Những quả dâu dại – đạo diễn Ingmar Bergman), gợi lên những trải nghiệm cả đời thấm qua từng lỗ chân lông. Không có bất kỳ nét diễn xuất nào, ông truyền tải khả năng của Ivo trong giao tiếp với một người ở các cấp độ khác nhau, tùy theo mức độ gần gũi và độ tin cậy. Màn trình diễn của Ulfsak cũng có thể mang tính ngẫu hứng và mang tính bản năng. Đôi mắt hoảng loạn của Ivo khi nhìn thấy một vụ nổ nhỏ bên đường đã xóa bỏ mọi cú sốc và sự xâm phạm cuộc sống trong thời chiến. Sau khi Ivo, Margus và Juhan đẩy một chiếc xe chiến đấu của Gruzia xuống đồi và khuất tầm nhìn, Juhan nói rằng anh ấy đã mong đợi nó bốc cháy, giống như cách nó sẽ nổ tung trong phim. Bằng một trong những nét hài hước, phù hợp, Ivo nói một cách khô khan: “Rạp chiếu phim là một trò lừa đảo lớn.”

“Diễn xuất đẹp mắt – Diễn xuất của Ulfsak trong vai một ông già thông thái với trái tim vàng thật sâu sắc – Tangerines là một câu chuyện ngụ ngôn hoàn hảo miêu tả chi tiết sự phi lý của chiến tranh.”

Đây là bộ phim hiếm hoi vừa nhạy cảm vừa kinh hoàng. Không có gì con người được coi là đương nhiên. Khi Ivo và Margus chôn cất thi thể người Gruzia, Margus dù chán nản và mệt mỏi nhưng vẫn khoanh tay từng người trước ngực. Theo yêu cầu của Ivo, anh ta kiểm tra quân phục của họ để tìm giấy tờ tùy thân để các thành viên trong gia đình có thể tìm kiếm họ. Nüganen tạo ra một nhân vật Sancho Panza (Người nông dân giản dị đi theo Don Quixote vì lòng tham, sự tò mò và lòng trung thành, Sancho là nhân vật duy nhất trong tiểu thuyết tồn tại cả bên trong và bên ngoài thế giới điên rồ của Don Quixote – nhân vật lưỡng hóa) đã được sửa đổi. Ban đầu, anh ấy có vẻ khá lố bịch khi băn khoăn về vụ mùa của mình, nhưng anh ấy trở nên sáng suốt hơn khi từng thước phim trôi qua. Anh ta nhìn thấy sự trớ trêu khủng khiếp của những vụ giết người tàn khốc và đẫm máu khi được đặt biệt danh là “Cuộc chiến cam quýt”. (Abkhazia có khí hậu thân thiện với quýt và bạch đàn). Khi trầm ngâm rằng vườn cây ăn trái của anh vẫn sẽ nguyên vẹn, kể cả quân đội bao vây chúng, Nüganen hẳn là anh em người Estonia với nhà thơ Carl Sandburg, người đã viết, “Tôi là cỏ; Tôi che lấp hết.”

Trên thực tế, Urushadze sắc sảo như thợ mộc với tất cả các nhân vật và diễn viên. Anh ấy thể hiện sự tôn trọng đầy miễn cưỡng giữa Ahmed và Niko ngày càng tăng lên và đáng tin cậy. Ahmed của Nakhashidze thoạt đầu có vẻ hung hăng, còn Niko của Meskhi thì hoàn toàn kiêu ngạo và hung hăng thụ động. Sau đó, cả hai diễn viên đều tỏ ra thành thạo trong việc chọc ghẹo và thúc giục khiến những anh chàng khó tính này hiểu nhau.

“Trong một khung cảnh gần như không có màu sắc, những loại trái cây có màu sắc rực rỡ mang đến tia hy vọng duy nhất cho hai người Estonia đã từ chối rời khỏi vùng bị chiến tranh tàn phá.”

Với tư cách là một nhà văn kiêm đạo diễn, Urushadze có tầm nhìn để tạo ra những hình ảnh lắng đọng – như đôi bàn tay dài và nhạy cảm của Ivo dẫn những mảnh gỗ đến một chiếc cưa kêu vo vo… Thật đau lòng khi chúng ta nhận ra rằng người thợ mộc cũng phải trải qua quá trình tương tự nhau, dù là làm thùng quýt hay tạo ra cỗ quan tài. Ngay cả những chi tiết tường thuật khiêm tốn như nỗ lực sửa chữa cuốn băng cassette yêu thích của Niko cũng có những kết quả xứng đáng và gây bất ngờ. Về mặt trực quan, Mùa Quýt sống động với màu sắc và tiết trời mùa thu rực rỡ và biến ảo. Urushadze và nhà quay phim của ông, Rein Kotov, ghi lại cảnh mặt trời lặn có thể khiến cây cối chuyển sang màu đỏ cam với sương mù và đám mây lơ lửng gần nhà của Margus cũng đáng nhớ như Rắn Maloja trong Những đám mây của Sils Maria (Clouds of Sils Maria – tựa phim về một hiện tượng thời tiết hiếm gặp ở Sils Maria, Thụy Sỹ, khi những đám mây hình thành vào sáng sớm trông giống như một con rắn trườn qua sườn núi Maloja).

Trên hết, lòng nhân đạo của Urushadze bao gồm một liều lượng hài kịch vừa phải mà cay đắng. Khi Ivo hỏi “các cậu lúc nào cũng giết, ai cho các cậu cái quyền đó?” câu trả lời là “chiến tranh”. Đúng vậy, chiến tranh cho phép người ta cướp đi sinh mạng của vô số dân thường trong đó nhiều phần là phụ nữ và trẻ em, cướp đi sinh mạng của vô số binh lính của các bên giao tranh. Cho đến bây giờ mọi ý nghĩa của các cuộc chiến đều khó có thể nắm bắt, như chính là con quỷ luôn chực chờ trong bóng tối để nhảy ra phá tan những kế hoạch của con người…

Nguyễn Hoàng Tuấn