Nếu có một bộ phim nào muốn giới thiệu đến mọi người để thấy được sức mạnh của âm nhạc, để thấy được vẻ đẹp của sự cô đơn, để trả lời cho những băn khoăn đầy nhân bản vẫn luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta thì tôi sẽ tiến cử bộ phim “The legend of 1900” (1998) của đạo diễn người Ý Giuseppe Tornatore.

Poster phim The legend of 1900. Nguồn ảnh: Amazon

   Phim được dựng lên từ một cốt truyện không phức tạp hay quá kịch tính nhưng nó lại xoáy vào lòng người xem vô vàn câu hỏi, cuốn ta đi trong rất nhiều cung bậc cảm xúc. Có những nụ cười, có phút bay bổng, lãng mạn, hân hoan nhưng chủ yếu là niềm nhói buốt, là day dứt, là vô vàn những trăn trở và giọt nước mắt….
Như nhiều lần giới thiệu khác, tôi sẽ không kể lại chi tiết nội dung để người xem có thể tự mình trải nghiệm diễn biến phim với tất cả sự rung động, để thấy tận cùng sự cô đơn. Một nỗi cô đơn đẹp mà xót xa. Một nỗi cô đơn giữa xa hoa, giữa rộn rã, ồn ào. Một nỗi cô đơn rộng lớn, sâu thẳm như đại dương của người đàn ông có cái tên đặc biệt 1900 – Một người chơi piano đại tài, một người sinh ra, lớn lên và kết thúc cuộc đời trên tàu; một người không được khai sinh, không người thân, không họ hàng, không gì cả; nhà anh là tàu, quê hương của anh cũng là tàu, gia đình anh là những người làm việc trên tàu; một người hai lần mồ côi, một người chưa từng được ai trao gửi tình yêu, một người dành trọn cuộc đời mình lênh đênh trên đại dương, chưa một lần đặt chân xuống đất liền. Chưa một lần!
Thứ ánh sáng và gam màu lạnh sử dụng trong phim với sắc xanh chủ đạo càng khiến cho nỗi cô đơn như đầy thêm, sâu thẳm, mênh mông, day dứt.

Phim mở đầu bằng gam màu, ánh sáng lạnh và một góc quay khiến nỗi cô đơn như càng trở nên dài, rộng. (Ảnh cắt từ phim)

   1900 đã từng có ý định xuống đất liền nhưng rồi lại thôi và lý do của quyết định đó anh chỉ nói ra với người bạn thân khi sắp từ giã cõi đời. Anh nói, điều cản bước anh không phải là những thứ nhìn thấy mà là những thứ không thể thấy. Anh không thấy được điểm kết thúc của thành phố rộng lớn trước mắt. Nó không như 88 phím đàn trên cây piano, không như con tàu đều có điểm đầu và điểm cuối. Nó quá rộng lớn, quá phức tạp. Anh không thể chịu nổi sức nặng của cuộc sống ấy đè lên vai mình. Phim đã tạo ra một nhân vật đứng hẳn ra ngoài cuộc sống này để từ đó giúp chúng ta nhìn lại sự quay cuồng của cõi đời. Tất cả chúng ta đều đang bị đè nặng bởi nỗi lo cơm áo, tiền bạc, danh vọng, ganh đua, bởi bao hoài bão, khát khao,… Khi chúng ta bị trăm thứ chi phối như thế thì làm sao còn có thể nhìn sâu vào chính mình, nghe rõ những thanh âm trong mình và trong tâm hồn của những người xung quanh,…! Cuộc hội thoại cuối phim chứa đựng nhiều triết lý, suy ngẫm về cuộc đời, về nghệ thuật khiến người xem cũng phải tự vấn bản thân về sự hữu hạn và vô hạn, về chọn thái độ sống, về theo đuổi đam mê và lý do tồn tại của mình.

   1900 đã viết lên những bản nhạc thật đẹp từ chính rung động của anh. Anh thấy nó trong tâm hồn, trong câu chuyện của mỗi người xung quanh. Đó chính là chất liệu đẹp đẽ nhất để khai thác của âm nhạc và muốn làm được điều đó ta phải biết lắng mình lại, phải đặt mình ra bên lề cuộc sống để từ đó quan sát và lắm lúc phải biết…. cô đơn. Nghệ thuật muốn thăng hoa thì phải vượt ra khỏi những toan tính tầm thường, ồn ào của đời sống hàng ngày, nghệ thuật được sáng tạo được bay bổng trong những phút giây người nghệ sỹ cô đơn nhất. Sự cô đơn, bé nhỏ, sự hữu hạn và tĩnh lặng là cần thiết để người nghệ sỹ có thể phát huy được sức sáng tạo vô hạn của mình.

Một phân cảnh đầy xúc động trong phim. (Ảnh cắt từ phim)

1900 cuối cùng đã chọn chết trên con tàu nơi anh sinh ra mà không bước xuống đất liền dẫu bước xuống thì anh sẽ không bị nổ tung, dẫu bước xuống anh có thể có một cuộc sống với danh tiếng, tiền bạc, giàu sang. “Tôi mãi mãi không thể rời xa chiếc thuyền này, hay nói cách khác, tôi không thể bước ra khỏi cuộc sống của chính mình. Và hơn hết, tôi không tồn tại vì bất kỳ ai.” Vâng, hóa ra anh chọn chết để được sống là mình! Anh không thể bước chân vào một thế giới không thuộc về mình, anh chấp nhận để hàng tấn thuốc nổ xé nát thân thể chứ không chấp nhận để tâm hồn mình bị xé nát bởi hàng trăm hàng nghìn nỗi lo lắng tầm thường của cuộc sống điên cuồng ngoài kia. Anh để tâm hồn mình bay lên ở một thế giới khác chứ nhất định không kéo chìm nó xuống trong vũng bùn của cuộc sống ấy. Anh tin chúng ta sẽ không bao giờ bị hủy diệt nếu có một câu chuyện để kể lại và cuộc đời anh đã để lại một câu chuyện không thể đẹp hơn!

Cuộc hội thoại cuối phim gợi nhiều triết lý về cuộc đời và nghệ thuật. (Ảnh cắt từ phim)

   Phim không chỉ cuốn hút ta bằng nội dung, bằng vẻ đẹp của từng cảnh quay, bằng tài năng diễn xuất của diễn viên mà còn bằng âm nhạc. Âm nhạc trong phim thực sự xuất sắc. Xem phim ta thấy được sức mạnh của âm nhạc và như nghe được cả những giai điệu đang ngân lên trong lòng mình, run rẩy theo từng phím dương cầm.

   Bộ phim khép lại nhưng những ngón tay lướt giữa hư không và ánh mắt như mang cả đại dương u sầu, bí ẩn của Tim Roth vẫn cứa vào lòng ta, xoáy lên hàng trăm câu hỏi và lưu mãi một niềm thổn thức, xót xa…!

Trang Đoan