1. Trong thời gian gần đây, văn chương, nhất là tiểu thuyết, không có nhiều tác phẩm đề cập trực diện đến những vấn đề của đời sống đương đại gây được tiếng vang trên văn đàn. Nhớ lại thời gian vào giữa những năm tám mươi, có lần nhà văn Nguyễn Minh Châu đã kêu lên, đại ý: cứ như là cuộc sống hiện giờ không còn cái ác, cái xấu… Có thể vào thời điểm ấy, xã hội và văn chương đang có sự chuyển đổi, bởi sau đó không lâu là sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp và một loạt phóng sự, bút ký như Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, Người đàn bà quỳ của Trần Khắc, Câu chuyện về ông vua lốp, Lời khai của bị can của Trần Huy Quang…

Vả chăng là những vấn đề đang nổi cộm trong đời sống hiện nay quá là gay cấn với nhà văn khi đối mặt với nó bởi tính khá phổ cập của các tệ nạn xã hội, nhất là tham nhũng hàng ngày đang xuất hiện dày đặc trên các bản báo? Vả chăng khi mà người viết muốn xử lý cao tay đòi hỏi phải có thời gian đầu tư và năng lực, bản lĩnh…? Hay khi mà với văn chương, sự kiện và hiện tượng chỉ là cái cớ để nhà văn đi đến bản chất của con người mà con người thì không thể tách rời xã hội – một vùng có thể thiếu an toàn cho người viết theo kinh nghiệm nghề nghiệp? Từ khi bước sang thế kỷ mới, có không nhiều nhà văn – nhà báo cũng đã góp sức vào cuộc chiến nóng bỏng này như Nguyễn Bắc Sơn với những tiểu thuyết như Luật đời cha và con, Lửa đắng, Vỡ vụn, Gã tép riu; Trần Chiến với Đèn vàng; Bùi Ngọc Tấn với Biển và chim bói cá; Bùi Việt Sỹ với Dòng sông chối từ… Những tiểu thuyết đó phơi bày những mạch ngầm đang âm ỉ xói lở công cuộc đổi mới, dựng xây mà chắc chắn sức cản phá của nó không thể coi thường. Dưới góc nhìn văn chương, các nhà văn đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về những biểu hiện khác nhau của cái xấu, cái ác đang thao túng đời sống nhiều lĩnh vực, những vấn nạn tham nhũng kinh tế, tham nhũng quyền lực mà cần phải nhận diện nó để loại trừ.

Tôi đọc tiểu thuyết Sóng độc của nhà văn Trần Gia Thái trong cảm hứng đó. Bằng vốn sống và năng lực của mình, ông đã đồng hành cùng các nhà văn khác, góp sức khơi thông những rào cản trên con đường đi lên của xã hội.

2. Môi trường mà Trần Gia Thái thể hiện trong tác phẩm là khu vực báo chí, phát thanh truyền hình, tập trung nhiều cán bộ chính trị, nhiều kẻ sĩ và công việc mang tính nhạy cảm cao. Với sự trường vốn của một nhà văn – nhà báo mà cả cuộc đời đã gắn bó với nghiệp viết, Trần Gia Thái đã thể hiện một cách sống động nội tình ở một cơ quan công quyền, nơi mà nhân cách con người được bộc lộ hàng ngày như bất cứ một môi trường nào, nhưng con người của môi trường đó vẫn mang được những đặc thù riêng.

Chọn bối cảnh vào thời điểm cơ quan bàn giao nhiệm kỳ lãnh đạo, Trần Gia Thái mở đầu Sóng độc bằng cuộc họp kín của một nhóm người – hội Lá Mơ – một hội tập trung những kẻ “du thủ du thực” thao túng các hoạt động của cơ quan nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là phải giành được chức tổng biên tập; dù rằng nếu đoạt được “ngôi vị” ấy thì Đỗ Thiết – thủ lĩnh của hội, lúc này đang là Phó Tổng Giám đốc – cũng chỉ còn một thời gian ngắn nữa là nghỉ hưu. Mà để làm được điều đó, Đỗ Thiết và các thành viên hội Lá Mơ đã không từ một thủ đoạn nào. Mọi kế hoạch được bàn thảo và thực thi rất bài bản, cao thủ, kín kẽ. Và sóng độc phát ra từ nhóm người này đã gây nhiễu cơ quan suốt mấy năm trời…

Bìa tiểu thuyết “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái

Báo chí đã nói nhiều đến tham nhũng kinh tế với những vụ việc, những con số cụ thể nhưng viết về tham nhũng quyền lực, người viết thường phải đi vào tâm lý nhân vật nhằm để giải mã dần vấn đề qua những hành vi, những suy nghĩ từ trong tâm thức, mà điều đó, trong một tác phẩm văn chương không dễ thực hiện ngay được. Trần Gia Thái là một nhà báo lâu năm, tuy có những thế mạnh về vốn sống nhưng việc đi sâu vào tâm lý nhân vật để vượt thoát ra khỏi tính báo chí trong dung lượng của một tác phẩm hơn sáu trăm trang thực sự là một thử thách. Vẽ chân dung các nhân vật trong hội Lá Mơ khá ấn tượng không chỉ là bằng ngoại hình mà bằng tên đệm thể hiện tính cách. Ngay từ đầu, ông muốn cho người đọc một hình dung về nhân vật như Bạc phò, Hoàn toác, Mùi già, Đạt láu, với một lý lịch bất hảo: “Bạc phò nhập nhóm là nhằm chức tước” và “bốc phét thì Cuội cũng phải tôn y là sư phụ”; Hoàn toác thì “về khoản trí trá, lật lọng, cũng không thua kém Bạc phò”; Đạt láu thì đẹp mã, viết báo tốt mà kiếm tiền cũng giỏi, “có lợi là chơi”, “không bao giờ bỏ tiền ra mà thấy không có lợi, có lãi”; Mùi già chỉ kém mỗi viết báo còn cái gì cũng giỏi, nhất là dựng chuyện, phao tin… Nắm được “thế mạnh” của từng người, với uy tín và quyền hành của một Phó Giám đốc, Đỗ Thiết tập hợp họ, biến các đồng nghiệp này thành những thuộc hạ trung thành rồi từ đây, Trần Gia Thái dẫn dắt người đọc đi vào mê cung của cuộc chiến…

Việc tác giả phác họa chân dung và lý lịch bất hảo của các nhân vật từ đầu để rồi đi càng sâu vào tác phẩm, chân dung đó càng được khẳng định thêm qua lời ăn tiếng nói trong các cuộc nhậu, ở những cuộc bàn thảo tính sắp đặt âm mưu…Trong xu hướng văn chương đương đại, khi mà những người đọc có nghề thích lối “viết nội dung” thì việc “kể nội dung” không hẳn hoàn toàn là nhược điểm một khi tác giả của nó biết sử dụng thuật kể. Chúng tôi cho rằng sức hấp dẫn của Sóng độc chính là ở trình tự dẫn dắt độc giả về những mưu ma mà hội Lá Mơ nghĩ ra để hạ độc đối thủ. Trần Gia Thái rất khéo khi đưa người đọc đến với từng phi vụ của hội Lá Mơ: từ cuộc họp “trù bị” đến cuộc họp chính, việc phao tin thất thiệt về kết quả bầu bán; từ việc viết đơn nặc danh tố cáo Văn Đức, Trần Thụy và Quang Thiện, đến việc định tố Giám đốc mới Hùng Dũng không có nghiệp vụ báo chí; giả vờ bắt tay với Quang Thiện cốt để đẩy Giám đốc mới đi, rồi tận dụng kẽ hở của hệ thống giáo dục trong câu chuyện bằng cấp… Nếu không biết trước về những cuộc họp kín của hội Lá Mơ mà chỉ nhìn thấy thái độ, các hành vi ứng xử bình thường, kể cả khi điều hành cuộc họp thì người ngoài không thể biết được những xung đột xảy ra trong nội tâm Đỗ Thiết vì ở con người này luôn kìm nén được cảm xúc dưới một vẻ ngoài bình thản. Trần Gia Thái không miêu tả cụ thể, không kể; nói cho đúng hơn là ông ít kể mà sử dụng lời thoại như một “thuật” để người đọc nắm bắt vấn đề, nhất là khi lời thoại của nhân vật được đặt trong một vùng thoại đa giọng, đa chiều thì kịch tính càng được đẩy dần lên.

Công bằng thì Đỗ Thiết cũng từng có khả năng chuyên môn vì anh ta từng là tác giả của những phóng sự được dư luận chú ý trong tổ chức ghi hình bí mật tố cáo cán bộ thuế, hải quan tiếp tay cho bọn buôn lậu, trốn thuế… Anh ta biết giữ vẻ ngoài trước đồng nghiệp, cấp trên dù đối tượng không cùng quan điểm, lại cũng là người có khả năng ứng biến và xoay xở. Ngay cách tổ chức trong cuộc chiến giành quyền lực nhằm vào Quang Thiện cũng được làm rất bài bản khi y tổ chức được quanh mình những kẻ trung thành, lôi kéo được cả một số phóng viên báo khác duyệt bài, đưa tin theo ý mình và cũng được một số lãnh đạo chống lưng. Bản chất con người này là ham hố quyền lực, danh vọng nhưng lâu nay nó ém kín trong vỏ bọc. Cho đến thời điểm này bản chất đó mới lộ diện dù trước đó Tổng Biên tập Văn Đức cũng từng nhận xét Đỗ Thiết là một người “thích làm thủ lĩnh hơn là thủ trưởng”, “thích ai thì chống lưng, ưu ái lộ liễu, ghét ai thì tìm cách triệt hạ, làm cho ra bã vẫn chưa tha”.

Đương nhiên là con người thì không một ai hoàn hảo. Nhưng có một cái gì đó sai sai khi Đỗ Thiết được đặt vào vị trí Phó Tổng biên tập – vị trí quan trọng trong tổ chức của một cơ quan – mà Văn Đức không thể là người vô can khi ông là người lãnh đạo cao nhất. Văn Đức đã thiếu trách nhiệm khi nghĩ mình chỉ còn một thời gian ngắn nữa thì hạ cánh; khi “lâu nay quả bóng nhân sự vẫn là trong chân các cấp bề trên” nên không quan tâm đến vấn đề người kế nhiệm; hơn nữa ít nhiều ông có nhận ra Đỗ Thiết thao túng công việc trong cơ quan nhưng trước đó Văn Đức lại không dự cảm được sự nguy hại nếu Đỗ Thiết ra tay. Rõ ràng Đỗ Thiết đã biết lợi dụng triệt để tình hình giao thời của cơ quan cũng như tính cách của Văn Đức mà lộng hành trong việc chỉ đạo đàn em tìm cách triệt hạ Phạm Quang Thiện, nhân tố tích cực được cấp trên có ý định đề bạt, và trở thành đối thủ số 1 của y từ sau cuộc họp phát phiếu thăm dò. Xuyên suốt Sóng độc là những hoạt động của nhóm Đỗ Thiết với những tinh vi, lắt léo, nó đưa lại cho người đọc cảm giác về đường đi khó lường của cái ác mà nếu Đỗ Thiết và đồng bọn thắng, nghĩa là cái ác lên ngôi, thì cơ sự sẽ không biết thế nào.

So với Đỗ Thiết, Quang Thiện là một hình ảnh đối lập, như một tương phản để cho cái ác thể hiện chân tướng của mình và cũng là mảng sáng đưa lại cho người đọc niềm tin và và hy vọng về sự công bằng. Nếu Đỗ Thiết là hiện thân của lòng ham hố quyền lực thì Quang Thiện lại rất khiêm nhường, gần như thờ ơ với điều ấy – đến mức hội Lá Mơ cho là anh giả vờ khi được giới thiệu và xin rút. Với Quang Thiện, chuyên môn cần được tác nghiệp một cách nghiêm túc, trách nhiệm, nhất là không vì bất cứ lý do gì mà để sai sót vì tính nhạy cảm của ngành nghề. Khi một cây bút đàn anh có uy tín nghề nghiệp biết Đỗ Thiết đã và đang bài binh bố trận làm hại Quang Thiện đã gợi ý anh trả đũa, Quang Thiện từ chối luôn vì xưa nay anh vốn không phải là người “ăn miếng trả miếng’, bè cánh, mưu mô; hơn nữa, anh không muốn tình hình cơ quan mất ổn định. Rồi cái giá đắt nhất mà anh phải trả là cái chết của người bố. Từ sau khi con trai cả hy sinh ở chiến trường, ông cụ dồn tất cả hy vọng vào đứa con thứ mà ông yêu thương, tin tưởng và thầm tự hào về những gì mà ông quan sát, cảm nhận được. Cho nên cơ thể bệnh lý của ông bị tác động lớn trong lần hạ độc thứ nhất của Đỗ Thiết khi đứa cháu đọc cho ông nghe bài báo in “Học mập mờ, vơ chức bự” do nhóm Lá Mơ thực thi vốn nằm trong chuỗi những hoạt động của Đỗ Thiết nhằm vào Quang Thiện. Rồi với lần hạ độc thứ hai của Đỗ Thiết thì nỗi đau tâm lý đã góp thêm vào bệnh lý trên một cơ thể đang suy sụp vì bệnh nặng, dẫn đến đột tử… Xót xa đau đớn nên sau khi cha mất, ý muốn lấy lại công bằng, cũng tức là làm rõ sự thật trong các vụ việc của bản thân, được sự vào cuộc của những nhà báo có tài, có tâm và những người liên quan có trách nhiệm, anh mới bước chân vào cuộc chiến. Trong trường hợp này cái ác tưởng luồn qua được sự kiểm định của pháp luật, của thời gian và những kẻ định dùng kẽ hở trong luật để lách luật thì với sự trợ giúp của những người có trách nhiệm, cũng lại dựa trên luật, với sự hỗ trợ của tâm linh – từ linh hồn người cha về mách bảo, nút thắt cuối cùng đã được tháo gỡ.

Nhất quán từ khi mới xuất hiện, nhân vật Phạm Quang Thiện là một kiểu người lương thiện, một “của hiếm” trong xã hội đương đại, một hình mẫu quá lý tưởng đại diện cho cái thiện – như tên anh, lúc đầu có vẻ như “trần trụi giữa bầy sói” – hội Lá Mơ – đầy mưu mô và xảo trá, liên tiếp chịu những trận đòn nhất là trước đó khi mà những người trực tiếp lãnh đạo biết thực chất của vấn đề nhưng không quyết liệt ra tay ngăn chặn. Chỉ đến khi nhà báo Nguyễn An xuất hiện động viên, thuyết phục để Quang Thiện thấy được sự cần thiết của việc phải trả lại sự thật – cũng là bảo đảm công bằng cho người bị hại và sự xuất đầu lộ diện của mục tiêu mà Đỗ Thiết hướng tới thì kịch tính mới được đẩy lên cao trào. Một Nguyễn An quyết liệt và sắc sảo đã trở thành “móng tay nhọn” để bóc mẽ cái thứ “vỏ quýt dày” Đỗ Thiết.

Ông Khiêm – bố Quang Thiện như một hình mẫu về những người cha, người mẹ cần có trong xã hội hiện nay. Bản thân ông là một nhà sư phạm trong việc dạy dỗ con tính chịu khó, tự lập, luôn yêu thương, tin tưởng và theo sát từng bước trưởng thành của con, nhắc nhở con khiêm nhường, cố gắng. Những điều cha dạy đã thấm dần vào anh ngay từ nhỏ, lớn lên, anh trưởng thành từ công việc, được cấp trên tin tưởng và quần chúng ủng hộ. Hai nhân vật này là hiện thân cho mẫu người lý tưởng mà Trần Gia Thái muốn lập thế tương phản với Đỗ Thiết nhằm làm cho hình hài cái ác nổi lên. Họ không đơn độc. Bên Quang Thiện có những cán bộ cấp trên có năng lực, bản lĩnh như Hoàng Minh, Hùng Dũng, Trần Thụy, những đồng nghiệp chính trực, tài năng như Nguyễn An, Đoàn Trọng Kình, Từ Ngọc rồi sau này với cả sự vào cuộc của Văn Đức. Rồi bên ông Khiêm là có cả dân làng, những người dân bình dị luôn nhận biết và ủng hộ người tốt.

3. Viết về cuộc chiến chống lại cái ác? Viết về cuộc chiến chống tham nhũng quyền lực? Là lời cảnh báo về suy thoái đạo đức trong một bộ phận công chức? Có cả. Tôi nghĩ, cụ thể ra, Trần Gia Thái đang viết về con người trong một thời điểm mà nạn tham nhũng đang như một cơn bệnh nan y chưa kiểm soát hết được, khi xã hội đang chịu nhiều tác động mặt trái của kinh tế thị trường, đồng tiền và quyền lực có vai trò quan trọng thì con người cá nhân nếu không tự kiểm soát được mình sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường. Trần Gia Thái chỉ viết về một lát cắt trong một thời điểm, trong một cơ quan nhưng cái nhìn về con người, với những mưu mô xấu xa để đạt được mục tiêu cuối cùng thật là sâu sắc. Mục tiêu cuối cùng của Đỗ Thiết tuy không đạt được nhưng trên đường hướng đến mục tiêu đó, Đỗ Thiết đã kịp làm tha hóa Lê Sỹ Kha, kịp làm chết ông bố của Thiện, kịp biến một số tờ báo thành lá cải hóng tin, giật gân câu khách, gây nhiễu và làm suy thoái đạo đức một số phóng viên… Đó là chưa kể sự lãng phí thời gian và tâm sức của cả một hệ thống. Cũng cần phải nói thêm là các nhân vật của Sóng độc tốt xấu còn hơi rạch ròi, không ít đoạn còn bị tãi do tư liệu báo chí đã chi phối ngòi bút trong quá trình xử lý vấn đề.

Báo chí – bao gồm cả báo đọc, báo nghe và báo hình – là một lĩnh vực quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa để văn hóa đồng hành cùng kinh tế và chính trị trong công cuộc phát triển của đất nước. Con đường đi đến chân lý bao giờ cũng vất vả gian truân mà cái giá phải trả khi đi trên con đường ấy là thường không nhỏ. Nghề báo là một nghề đặc trưng đòi hỏi cao trình độ, bản lĩnh, nhất là trong cuộc chiến chống các biểu hiện của sự suy thoái, tham nhũng hiện nay. Với Sóng độc, Trần Gia Thái đã cho thấy sự phức tạp, khó khăn trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong một cơ quan báo chí – hiện ra như một xã hội thu nhỏ – mà con người, dù là kẻ sĩ, vẫn không thể không mang những thuộc tính thiện ác, lòng tham, sự thờ ơ… rất cần thiết phải cảnh giác để hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường sống thân thiện, lành mạnh. Tiểu thuyết Sóng độc hòa vào văn chương đương đại đã góp tiếng nói tích cực của nhà văn vào cuộc đấu tranh đó, cũng là góp vào làm phong phú đa dạng hơn diện mạo đời sống văn chương hôm nay.

Trần Gia Thái bước vào văn đàn bằng một vài tập truyện ngắn. Nhưng rồi theo thời gian, ông lại được bạn đọc biết đến là một nhà thơ với 5 tập thơ và khá nhiều giải thưởng, một nhà báo vì ông từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Tổng Giám đốc – Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Nghỉ hưu, ông trở lại với văn xuôi, thử sức ở thể loại có sức ôm chứa lớn như một gửi gắm những vấn đề về cuộc sống, con người sau những trải nghiệm của cuộc đời làm báo chăng?

Trong tình hình đời sống và văn đàn hiện nay, Sóng độc là một thành công của người viết, một tác phẩm mang tính nhân văn trong cuộc đấu tranh chống cái ác, chống tham nhũng, cần được ghi nhận.

Tôn Phương Lan