Miền Tây Nghệ An, quê hương lâu đời của dân tộc Thái và các dân tộc anh em. Núi rừng nơi đây mang trong mình những trầm tích văn hoá của các tộc người, trong đó văn hoá dân tộc Thái được cho là đậm đặc và phong phú hơn cả. Dân tộc Thái đã gắn bó với mảnh đất này hàng trăm năm nay, quá trình gắn bó đó đã sản sinh ra một không gian văn hoá Thái mang đậm bản sắc.

Quán Vi Miên (bút danh: La Quán Miên) là dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà thơ và nhà văn Việt Nam. Ông quê ở bản Chiêng Đôn, mường Khủn Tinh, nay là xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Volgagrad, Liên bang Nga (1986), Quán Vi Miên về làm giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, và nay nghỉ hưu, ông chọn Con Cuông – huyện miền núi Nghệ An làm nơi dừng chân cuối đời. Hiện ông là hội viên: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam,… Quán Vi Miên đã xuất bản gần 50 đầu sách gồm thơ, văn, khảo cứu,… liên quan đến văn hóa dân gian dân tộc Thái. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học dân tộc Thái thời kỳ hiện đại. Sinh ra và lớn lên trong nguồn mạch văn hóa của dân tộc mình, ông gắn bó, yêu quí và tự hào biết bao về truyền thống văn hóa, lịch sử của đồng bào dân tộc Thái và các dân tộc anh em.

Từ nguồn mạch ấy, những nghiên cứu của Quán Vi Miên thấm đẫm niềm tự hào về truyền thống lịch sử và truyền thống văn hóa của quê hương. Qua những trang viết, La Quán Miên đưa độc giả đến với cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái, cùng khám phá những nét đặc sắc trong văn hóa dân gian vật thể và phi vật thể của con người nơi ngút ngàn mây gió.

Người Thái có mặt từ khá sớm ở Nghệ An, chủ yếu sinh sống ở các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ; bao gồm các nhóm: Tày Thanh, Tày Mương, Tày Mười. Đây là bộ phận dân cư lớn nhất, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt miền núi Nghệ An trong lịch sử cũng như hiện nay. Với gần 30 vạn cư dân Thái, đây là nhóm Thái có số dân lớn thứ hai của cả nước (sau tỉnh Sơn La)(1); thường sống tập trung ở các thung lũng, dọc theo bờ các sông suối hai con sông Nặm Quang và Nặm Pao, chủ yếu dựa vào ruộng rẫy, với đời sống tinh thần rất phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc. Họ sống quần cư và xây dựng nên một “kho tàng” văn hóa Thái mang bản sắc riêng. Đó là vốn văn nghệ dân gian phong phú, đủ các thể loại: từ sử thi, truyện thơ, đến ca dao, tục ngữ, câu đố,…; từ phong tục, lễ hội, đến lịch pháp, v.v.. Tuy nhiên, với cái nhìn “văn hóa vùng”, ngoài những nét chung về phong tục tập quán (tang ma, cưới hỏi,…), văn nghệ dân gian (truyện cổ, sử thi,… đến các lễ hội truyền thống,…),… nhà nghiên cứu Quán Vi Miên nhận thấy có “nét riêng” giữa văn hóa Thái ở vùng Nặm Quang so với vùng Nặm Pao, chính điều này đã thúc đẩy ông tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa dân gian của dân tộc Thái ở vùng Nặm Quang và Nặm Pao này.

Nhằm giúp cho công tác lưu giữ, bảo tồn cũng như phục dựng, phát triển các lễ hội ở miền Tây Nghệ An được tốt hơn và đầy đủ hơn, Quán Vi Miên đã biên soạn cuốn sách Văn hóa Thái dọc đôi bờ sông Nặm Quang và sông Nặm Pao. Nội dung cuốn sách chia làm hai phần, gồm những bài nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa dân gian: phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, đồng dao, truyện thơ, sử thi,… của đồng bào dân tộc Thái sinh sống hai bên bờ sông Nặm Quang và Nặm Pao. Đây là những tư liệu quý, được tác giả Quán Vi Miên cất công sưu tầm từ những người già trong các bản làng người Thái, ký âm rồi diễn dịch ra tiếng Việt.

Một số trang trong cuốn sách “Văn hóa Thái dọc đôi bờ sông Nặm Quang và Nặm Pao”.

Ở phần I – Văn hóa Thái vùng sông Nặm Quang: Trong phần này, ngoài phần giới thiệu một số lễ hội đặc sắc ở nơi đây, một số tập tục, tín ngưỡng về tang ma, cưới hỏi, buộc vía thì điểm nổi bật và đặc sắc nhất là 29 bài lịch ứng dụng của người Thái mà tác giả Quán Vi Miên đã tìm hiểu, sưu tầm được ở vùng người Thái nhóm Tày Mương. Những bài lịch này đồng bào gọi là “không moi” (Phép xem lịch/ Quy tắc xem lịch) đang được sử dụng trong cuộc sống hiện nay, bất chấp văn hóa hiện đại đang ngày càng xâm nhập sâu vào đời sống của mọi người khắp hang cùng ngõ hẻm của núi rừng miền Tây Nghệ An.

Phần II – Văn hóa Thái vùng sông Nặm Pao: Ngoài mục giới thiệu về một số lễ hội đặc sắc thì trong phần này, tác giả đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa dân gian vật thể của đồng bào Thái nơi đây (nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, cách nhuộm màu,…). Kết phần này cũng là kết cho cả cuốn sách, tác giả giới thiệu về một địa danh cụ thể là Tháp cổ Yên Hòa (xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn) bằng cách đặt câu hỏi và đưa ra câu trả lời về nguồn gốc cũng như hiện trạng và hướng giải quyết trong việc gìn giữ và bảo tồn Tháp cổ. Đó phải chăng là dụng ý của tác giả khi đi từ cái cụ thể để nói về cái rộng lớn, bao quát, cái chung trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Thái hiện nay ở miền Tây Nghệ An.

Cuốn sách nằm trong danh mục sách Ủy ban nhân dân tỉnh giao Nhà xuất bản Nghệ An thực hiện năm 2023, nhằm mục đích gìn giữ, phát huy vốn văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Thái một cách bền vững. Đây là mong mỏi không riêng của tác giả Quán Vi Miên mà còn là của cộng đồng người Thái sống ở miền Tây Nghệ An.

Mỗi một cuốn sách ra đời là cách Quán Vi Miên trả ơn bản quê nơi đã sinh ra mình và nuôi dưỡng mình lớn lên. Như ông từng tâm sự: “Đến tuổi này, đi cũng đã mỏi cái chân, sưu tầm cũng đã được vốn kha khá. Giờ chỉ cầu mong có đủ sức khỏe để viết được hết những cái hay, cái quý mà bao năm qua mình đã góp nhặt, cũng chỉ mong văn hóa truyền thống của dân tộc Thái không bị mai một mà sống mãi với thời gian”. Tin rằng với cái tình và sự nghiên cứu nghiêm túc của Quán Vi Miên, văn hóa Thái vùng Nặm Pao, Nặm Quang nói riêng và văn hóa Thái miền Tây Nghệ An nói chung sẽ tồn tại và phát huy được bản sắc một cách đậm đà trong thời đại ngày nay.

Ngọc Chi 

(1) Theo bdt.nghean.gov.vn/cac-dan-toc-thieu-so-tinh-nghe-an.