Vào dịp cuối năm, đời sống văn hóa nghệ thuật thường xôn xao các sự kiện như xét kết nạp hội viên; trao giải thưởng các cuộc thi; xét giải thưởng hằng năm, giải thưởng 5 năm; hoặc xét các danh hiệu, chức danh…, không ít thì nhiều đều có những dư luận trái chiều, bàn luận. Nhân dịp này Tạp chí Sông Lam xin giới thiệu cuộc trò chuyện của nhà văn Nguyễn Thế Hùng với nhà văn Sương Nguyệt Minh xung quanh các vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Thưa nhà văn Sương Nguyệt Minh! Có lần ông đã nói: “Giải thưởng không làm nên nhà văn”, còn nhà thơ Lê Đạt thì nói: “Chữ bầu lên nhà thơ”. Theo ông nên hiểu thế nào về danh hiệu nhà văn, nhà thơ nói riêng và văn nghệ sỹ nói chung?

Cái vấn đề này hay và cũng khó. Bởi từ xưa đến nay người ta bàn nhiều rồi, và quan niệm về nhà văn cũng khác nhau. Nhà văn, nhà thơ hay văn nghệ sỹ nói chung đều là người sáng tạo, biểu diễn. Tôi chỉ xin bàn về tác giả văn chương. Theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do Hoàng Phê chủ biên thì giải nghĩa nhà văn là: “Người chuyên sáng tác văn xuôi và đã có tác phẩm có giá trị được công nhận.” Tương tự, nhà thơ cũng như thế. Quan niệm này về cơ bản là nhiều người dẫn ra khi bàn về học thuật. Tôi thì nghĩ: nhà văn là người sáng tác văn xuôi và có phong cách tự sự riêng đặc sắc, tiếng nói độc đáo, được bạn đọc đón nhận. Tương tự nhà thơ cũng thế, phải là người sáng tác thơ và có phong cách trữ tình riêng đặc sắc, tiếng nói độc đáo, được bạn đọc đón nhận.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng

Thế thì cũng khó nhỉ. Có người là hội viên Hội Nhà văn, nhưng không được “chữ bầu”, không có phong cách riêng, tiếng nói riêng?

Chuyện đó là có thật. Không phải cứ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là nhà văn. Bởi chữ nghĩa nhợt nhạt, nếu có viết nhiều đến mức sách cao hơn đầu tác giả thì chữ cũng không hè nhau cõng người viết lên thành nhà văn. Chữ nó phải cựa quậy, sinh động, có hồn, chứ không mang tính thông tấn. Rồi tác giả có cách viết riêng, phải gửi một thông điệp nào đó, có thể hiểu là ý tưởng, hay tư tưởng vào tác phẩm, chứ không chỉ kể cho xong chuyện. Kể cho xong chuyện, thì bà nội bà ngoại, hay chị bán cá, bác đạp xe xích lô, anh lính chiến còn kể hay hơn người viết “kể vô duyên”.

Hàng năm, có nhiều hội chuyên ngành kết nạp hội viên, nhưng nóng hơn cả có lẽ là kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Có lần tôi đã nói đại ý rằng, vòng một đề cử thì không cần phải ban chuyên môn đề cử, mà hãy lấy ý kiến của những biên tập viên các mảng thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật… ở các tờ báo, tạp chí, nhà xuất bản có uy tín trong nước, chính những người này họ làm nghề, họ đọc hàng ngày, họ biên tập nên họ hiểu rõ cái hay cái dở của từng tác giả, tác phẩm, chính vì thế khi họ đề cử sẽ rất đúng và trúng. Bản thân ông cũng đã từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, từng là biên tập viên văn xuôi, rồi Trưởng ban Văn xuôi của một tạp chí uy tín văn chương hàng đầu của cả nước là Văn nghệ Quân đội, liệu ông có cao kiến gì cho Hội Nhà văn Việt Nam trong việc kết nạp hội viên hàng năm?

Cái ý của ông thật hay và thú vị. Biên tập viên văn chương ở các báo, tạp chí, nhà xuất bản do phải đọc biên tập nên biết nhiều người sáng tác, phê bình, dịch thuật, và vì phải chọn để in nên biết người nào viết hay viết dở. Họ hoàn toàn có phẩm chất năng lực đề xuất tác giả để xét kết nạp hội viên, và tác phẩm vào xét giải thưởng. Nhưng, đó cũng chỉ là một kênh tham khảo thôi. Các hội đồng chuyên môn vẫn phải là “cửa chính”. Các nhà văn, nhà thơ tham gia hội đồng, có nhiều người đã và đang làm biên tập văn chương, và xét giải thưởng nhiều năm, chấm nhiều cuộc thi. Đặc biệt quá trình sáng tạo, lao động nghề nghiệp nhiều năm thì họ cũng đã từng đọc, từng biết bạn nghề viết thế nào. Khi Ban chấp hành quyết định mời họ vào các hội đồng chuyên môn thì họ cũng phải đủ tiêu chuẩn, và có quyền thẩm định tác phẩm cũng như xét kết nạp.

Chuyện vào Hội năm nào cũng tưng bừng, xôn xao, được dư luận những người làm nghề và người yêu văn chương quan tâm. Tôi thì nghĩ đừng để người sáng tác làm đơn xin vào Hội, cũng không xét kết nạp nữa, mà hội đồng chuyên môn và Ban Chấp hành thảo luận, và thấy ai xứng đáng là hội viên thì… mời vào. Tác giả đồng ý vào sinh hoạt, thì Ban Chấp hành làm một cái quyết định công nhận là hội viên của Hội.

Ông cũng đã từng nhiều lần tổ chức các cuộc thi văn chương có uy tín và đã tìm ra được những “trạng nguyên” mà ít nhiều tên tuổi và tác phẩm của họ vẫn còn đọng lại trong lòng bạn đọc. Vậy ông đánh giá thế nào về các cuộc thi văn chương mấy năm gần đây? Riêng tôi thấy không hiểu sao dạo này họ đua nhau thi văn chương với lại thi hoa hậu đến thế. Có nhiều tờ báo không liên quan gì đến VHNT cũng tổ chức thi, rồi bộ thi, ngành thi, tỉnh thi, huyện thi, còn hoa hậu thì nhiều đến nỗi… không thể nhớ hết, chỉ nhớ được mấy cô sau khi đăng quang rồi đi bán dâm, bị bắt báo chí rùm beng mới biết.

Quả thật là có quá nhiều cuộc thi văn chương. Có lần ngồi trà dư tửu hậu, mấy anh em nhà văn nhà thơ bảo nhau: bây giờ ông bà nào sáng tác đang sung sức không làm cái gì, chỉ viết tham dự các cuộc thi lấy giải thưởng thì sống cũng ổn.

Tôi thì thấy tổ chức các cuộc thi cũng là chuyện bình thường của thời sự văn chương. Ngành thể dục thể thao thì người ta cũng thi quanh năm, hết giải nọ đến giải kia đấy thôi. Ai thích thì thi, ai không thích không thi cũng chẳng sao. Có người thi đâu trúng đó, có kẻ càng thi càng trượt cũng chẳng sao. Càng thi nhiều, càng có đất dụng võ cho người viết, càng kích thích cảm xúc sáng tạo và luyện bút. Qua các cuộc thi mới biết sức mình đến đâu. Chỉ nên tránh cái không bình thường là coi giải thưởng như lá bùa hộ mệnh, như nấc thang tài năng. Rồi thấy mình lớn quá, rồi đánh giá thấp những người không dự thi hoặc dự thi không được giải. Giải thưởng chưa chắc đã làm nên nhà văn. Bởi như ông nói, có quá nhiều cuộc thi. Được giải cuộc thi chuyên về văn chương, và do những vị giám khảo có uy tín văn chương, với thái độ chấm thi khách quan nghiêm túc khác với cuộc thi phong trào, cuộc thi lấy đề tài làm tiêu chí đầu tiên. Cũng như cuộc thi hoa hậu làng, hay hoa hậu ngành nuôi ong thì làm sao sánh với hoa hậu toàn quốc.

Dĩ nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ. Ở cuộc thi truyện ngắn về nông thôn do Báo Văn nghệ, Báo Nông nghiệp và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1990, nhà văn Tạ Duy Anh được giải Nhì với truyện ngắn “Bước qua lời nguyền”. Cuộc thi chuyên về đề tài nông thôn, nông nghiệp, và “Bước qua lời nguyền” cũng không phải đoạt giải cao nhất, mà tác phẩm này cứ sống mãi với thời gian. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói rằng: “Nếu chỉ chọn 10 truyện ngắn đương đại của Việt Nam thì không thể thiếu “Bước qua lời nguyền”. Trường hợp này là hiếm hoi.

Tìm kiếm giải thưởng hàng năm, hay giải thưởng các cuộc thi cũng chỉ là một phần của hoạt động có tính tổ chức thôi. Vì chả thi thì tác giả vẫn viết. Nhiều người, nhiều tác phẩm không dự thi mà vẫn đi cùng năm tháng.

Ông cũng là người có nhiều tác phẩm văn chương được/bị chuyển thể sang các hình thức nghệ thuật khác như “Người ở bến sông Châu” chuyển thể phim “Người trở về” hay phim “Mười ba bến nước” chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên, v.v…. Theo ông nguyên tắc cứng và nguyên tắc mềm trong thao tác chuyển thể là gì? Riêng tôi thấy ngay từ đầu bộ phim “Đất rừng phương Nam” đã trật đường ray khi chuyển/ dựa theo tác phẩm văn học khá nổi tiếng “Đất rừng phương Nam”, vì chính vì thế mà nó đã không được giải trong Liên hoan Phim 2023 vừa rồi ở Đà Lạt là đúng. Nhưng xung quanh liên hoan phim năm nay cũng không ít lùm xùm, nhà thơ, đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát đã phải viết một cái “tút” dài trên facebook của mình để “than thở” về liên hoan phim, về Ban giám khảo.

Về cơ bản, có ba hình thức chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh, hoặc sân khấu. Một là, chuyển thể chỉ dựa theo ý tưởng, dựa vào mô tuýp truyện, và không gian của tác phẩm văn học. Hai là, chuyển thể trung thành với nguyên tác văn học, theo sát với bản gốc về cả tên tác phẩm, ý tưởng, câu chuyện, hệ thống nhân vật, không gian nghệ thuật… Ba là, chuyển thể vừa theo nguyên tác, vừa sáng tạo, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học.

Tôi cho rằng phim “Đất rừng phương Nam” là hình thức chuyển thể thứ ba, chỉ lấy ý tưởng, lấy mô típ bé An đi tìm cha, lấy các nhân vật quan trọng và lấy không gian nghệ thuật; còn lại là sáng tạo, lấy cảm hứng nghệ thuật từ tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi.

Liên hoan phim hoặc cuộc trao giải cuộc thi nào thì cũng có ý kiến đồng thuận và ngược lại. Chả tránh được đâu. Được giải thì vui, không được giải thì buồn. Chuyện này chỉ chấm dứt khi không còn thi cử nữa. Chỉ có điều, hạn chế những ì xèo, lùm xùm tí nào hay tí ấy. Cái đó thuộc về ban tổ chức, và cái cấp được quyền chọn ban giám khảo.

Ông cũng đã từng nói “Tác phẩm được giải là ý chí của ban giám khảo, thay ban giám khảo kết quả sẽ khác”. Tôi đồng tình với ý này nhưng vẫn cứ “lăn tăn” làm sao kéo khoảng cách giữa ban giám khảo và đại chúng được gần nhau hơn, bởi xét cho đến tận cùng, thì tác phẩm nghệ thuật là để phục vụ công chúng, trong lúc đó công chúng đông đảo thấy tác phẩm chưa hay, chưa toàn bích mà ban giám khảo lại trao giải cao và ngược lại thì chán quá.

Nói trọn vẹn là: tác phẩm được giải là ý chí, là hiểu biết và cảm thụ của ban giám khảo, thay ban giám khảo thì kết quả sẽ khác, thậm chí chỉ cần thay một thành viên ban giám khảo cũng đã khác rồi.

Ban giám khảo và khán giả, độc giả đại chúng gần nhau ở kết quả thẩm định tác phẩm chỉ là mong muốn lý tưởng thôi.

Cách hay nhất, mà một số cuộc thi, một số liên hoan điện ảnh, hội diễn sân khấu đã làm, là thành lập 2 ban giám khảo. Ban giám khảo gồm những chuyên gia am tường chuyên môn chấm thi và ban giám khảo do tất cả người xem, hoặc người đọc chấm, gọi là ban giám khảo đại chúng.

Bây giờ internet phát triển như vũ bão, sử dụng phần mềm chương trình để người xem, và độc giả chấm các tác phẩm dự thi cũng chẳng khó khăn lắm. Dĩ nhiên, sẽ có hai hệ thống giải thưởng song song. Lúc đó, chưa biết giải thưởng nào oách hơn giải thưởng nào.

Vâng. Xin cảm ơn nhà văn Sương Nguyệt Minh đã tham gia cuộc trò chuyện rất bổ ích và lý thú này!

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng (thực hiện)