Chân dung liệt sỹ Phan Tứ Kỷ

Vào lúc 8h ngày 17/12 (Chủ nhật), tại Bảo tàng Quân khu 4 số 189 đường Lê Duẩn TP Vinh, Nhà xuất bản Nghệ An tổ chức Lễ ra mắt, giới thiệu cuốn sách “Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ – Thư chiến trường và những tấm hình có lửa”. Nhân dịp này Tạp chí Sông Lam điện tử đăng bài giới thiệu để độc giả hiểu thêm về cuốn sách quý này.

Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ (1947 – 1972), sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và cách mạng ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ và trở thành một chiến sĩ nhiếp ảnh thuộc Phòng Chính trị, Sư đoàn 304.

Ở những năm tháng đẹp nhất của đời người, ngày 3/8/1972, Phan Tứ Kỷ đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị khói lửa, để lại niềm tiếc thương và đau đáu khôn nguôi cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, bởi cho đến nay, phần mộ của Liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy.  Di cảo Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ để lại gồm những lá thư biên vội trên chiến trường, cuốn sổ nhật ký, chiếc kèn acmonica, gần 200 bức ảnh đen trắng và nhiều trang ký họa được anh vẽ dọc đường hành quân.

Sau nhiều năm “giữ lại cho riêng mình”, tháng 4/2021, ông Phan Duy Hương (nhà báo, nhà thơ Dương Huy) – anh trai của Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ đã quyết định hiến tặng một phần kỷ vật của em mình cho Bảo tàng Quân khu 4 với mục đích được bảo quản, trưng bày và trở thành “tài sản chung” của mọi người. Đồng thời, với mong muốn gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị những kỷ vật của Phan Tứ Kỷ để lại, gia đình đã phối hợp với Nhà xuất bản Nghệ An tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ – Thư chiến trường và những tấm hình có lửa.

Bìa sau cuốn sách Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ – Thư chiến trường và những tấm hình có lửa.

Với 192 trang nội dung, cuốn sách được trình bày trang trọng, được bố cục thành bốn phần: Phần 1: Mãi mãi tuổi hai mươi; Phần 2: Thư chiến trường; Phần 3: Những tấm hình có lửa; Phần 4: Quê hương – Gia đình – Bạn bè – Đồng đội, đã góp phần tái hiện một cách chân thực cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trên chiến trường Trị – Thiên, đồng thời khắc họa, lưu giữ những tình cảm yêu thương của gia đình, bè bạn,… đối với người chiến sĩ đã hiến trọn tuổi xuân cho quê hương, đất nước.

Trần Thanh Yến