Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình (bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) được mệnh danh là “nhà Thái học” với rất nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái hệ Lai – Tay, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, lan tỏa một cách bền vững tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái trên quê hương Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

Sinh ra từ bản làng, sau khi học tập, trưởng thành, Sầm Văn Bình lại chọn con đường “trở về nhà” để sống một cuộc sống “không như nhiều người quan niệm”. Chính nhân sinh quan “khác người” của chàng trai trẻ Sầm Văn Bình ngày ấy đã mang đến “hoa thơm trái ngọt”, để hôm nay, không chỉ người Thái mà các dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S thân yêu đều được chung hưởng sự “thơm lây” ấy.

Những công trình Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình công bố ngày hôm nay là kết quả của biết bao công sức và tâm huyết không thể đong đếm của ông trong rất nhiều năm qua…

Ông cam tâm tình nguyện và mê say làm công việc trên chỉ đơn giản với suy nghĩ: mình là người con của núi rừng, được ăn hạt thóc căng tròn từ rẫy, được uống ngụm nước trong lành từ suối, được nghe tiếng khèn, điệu hát của mẹ cha, lại may mắn được học nhiều chữ hơn người nên… cứ thế mà “trả nợ” cho quê!

Đến nay (năm 2022), Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình đã xuất bản 15 đầu sách về văn hóa dân tộc Thái, và vẫn đang miệt mài ngày đêm “trả nợ” nghĩa tình với núi, với sông,…

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã vinh danh ông là một trong mười hai điển hình tiên tiến về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác,…

Bộ sách “Lời ai điếu của thầy mo”

Tiếp theo công trình Từ điển tiếng Thái (ấn hành năm 2018), năm 2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục đặt hàng xuất bản bộ sách Lời ai điếu của thầy mo với 6 tập: Khởi tạo – Sinh ra, Điềm gở – Tận số, Cúng lễ – Nộp đồ, Mời bữa cơm ma, Nộp trâu – Thu của về trời, Cởi số mệnh với mong muốn tiếp tục lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của người Thái ở vùng Phủ Quỳ (cũ) nói riêng và người Thái Nghệ An nói chung.

Tập 1: Khởi tạo – Sinh ra

Gồm những truyền thuyết, sử thi của đồng bào dân tộc Thái nói về khởi tạo và sinh ra, như: Xuống mường hạ giới, Kể chuyện mường, Khởi tạo lớn, Khởi tạo nhỏ, Mở họng trời, Sinh ra người, Sinh ra cây, Sinh ra mo, Sinh ra gà, Sinh ra trâu.

Nội dung của những câu chuyện mang tính thần thoại, nói về nguồn gốc của việc hình thành trời đất, cây cối, chim muông, sự sinh sôi nảy nở của con người có nhiều nét khá gần gũi với quan niệm chung của nhân loại.

Tập 2: Điềm gở – Tận số

Được chia làm 13 mục nhỏ, giới thiệu chi tiết điềm gở, cụ thể như: Thấy điềm gở và đi tìm hồn, Mơ điềm gở, Kể điềm gở, Kể ngày xấu, Kể ngày ốm đau, Kể năm tháng, Khóc điếu – rải vía, Lời khóc cha, Khóc ma nam nữ, Khóc ma cho người đã nên vợ nên chồng,…

Tập 3: Cúng lễ – Nộp đồ

Được chia làm 10 mục nhỏ, giới thiệu chi tiết các tập tục cúng lễ của người Thái, cụ thể như Cúng mời gà, Cúng mời gà đuốt, Khóc mời rượu, Nộp đồ, Dựng cây hoa, Đố hoa đố lá, Mo cúng dâng chim cảo,…

Các tập tục này được truyền miệng qua những bài ai điếu của thầy mo qua các thế hệ, đã ăn sâu, bén rễ trong tâm thức, chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái thuộc vùng Tây xứ Nghệ.

Tập 4: Mời bữa cơm ma

Được chia làm 3 phần: Mời bữa cơm lớn, Mời bữa cơm nhỏ, Mời bữa cơm ma với nội dung đánh thức vía người chết về ăn bữa cơm mà con cháu dâng lên.

Tập 5: Nộp trâu – Thu của về trời

Vẫn lời ai điếu của thầy mo, gồm: Mời hưởng đồ dâng cúng (hay còn gọi là Xư mời), Nộp trâu 1, Nộp trâu 2, Thu của về trời. Đây là những lời mời hồn người chết thượng hưởng những thứ con cháu sắm lễ như mời ăn bánh kẹo, chuối, mía, rượu,… và là những lời chia tay, khóc tiễn dặn hồn người chết với vợ/ chồng, con, họ mạc để lên mường trời; Lời ai điếu của thầy Mo dâng trâu cho hồn người chết, dâng tất cả của cải cho hồn ma mà khi sống họ làm ra,…

Tập 6: Cởi số mệnh

Những nội dung của nghi lễ ởi số mệnh mang ý nghĩa cắt đứt quan hệ giữa người sống và người chết, sau khi làm xong lễ này người chết mới biết mình đã chết và thành hồn ma, lúc này gia đình mới có thể làm đám tang cho hồn ma,… Việc thực hiện các nội dung diễn xướng trong đám tang chủ yếu do ông mo đảm trách. Ông mo là người nắm được cách tiến hành các bước nghi lễ, lễ vật cần có, đồng thời cũng được xem là người có thể giao tiếp với các loại thần thánh, ma quỷ, linh hồn. Cho nên khi hành lễ, ông mo có thể cầu thần thánh phù hộ cho linh hồn người chết, ngăn cản ma quỷ xấu xung quanh, và đảm bảo an toàn trong quá trình dẫn hồn ma về với cuộc mới nơi thế giới bên kia.

Điều đặc biệt, cả 6 tập sách đều được Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình trình bày khoa học theo 3 phần: phiên âm tiếng Thái, phần dịch nghĩa và phần chữ Thái hệ Lai – Tay. Điều này ngoài giá trị mang lại tính phổ thông của bộ sách còn là góp phần quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn chữ viết của đồng bào dân tộc Thái một cách bền vững.

Nhà xuất bản Nghệ An hi vọng và tin tưởng, bộ sách này sẽ được các cấp, các ngành, các nhà nghiên cứu, độc giả gần xa đón nhận để tiếp tục góp sức bảo tồn, phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa mà người Thái Nghệ An đã nghìn năm thêu dệt.

Bùi Ngọc

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 30 bản in, tháng 1+2/2023)