Hồ Xuân Hương là ai? – “Người lạ mặt”? – “Người Cổ Nguyệt” – “Tài năng” – “Thiên tài” – “Thi thánh”… đến từ… “bí ẩn”?,… Suốt hơn 200 năm qua, những câu hỏi như vậy từng thách thức, thôi thúc giới nghiên cứu tìm câu trả lời. Hiếm có trường hợp nào tạo được sức hút và nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận không thôi của người đời như nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Và, đây, đã có những thông tin cơ bản, “chính thống”, xác tín: ngày 23 tháng 11 năm 2021, Đại hội đồng UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc) đã thông qua Nghị quyết số 41C/15 “Vinh danh và tham gia Kỷ niệm 250 năm năm sinh Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) – Danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn của Việt Nam” vào năm 2022([1].

Toàn cảnh kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 – nơi UNESCO đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khoá 2022 – 2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất, trong đó có nữ sĩ Hồ Xuân Hương (ngày 23/11/2021).

Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại đó, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Uỷ ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, đặc biệt là Hội thảo khoa học quốc tế về nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ngày 3 tháng 12 năm 2022, tại thành phố Vinh, Hội thảo khoa học quốc tế với tên gọi Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản đã được tổ chức thành công hơn cả mong đợi, với sự tham dự của đại diện UNESCO, các nhà khoa học, nghệ sĩ, giới nghiên cứu trong và ngoài nước cùng đông đảo công chúng yêu mến nữ sĩ.

Nhà xuất bản Nghệ An vinh dự là đơn vị ấn hành Kỷ yếu/ sách cùng tên (Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản) do Ban Biên tập hội thảo thực hiện (gồm hai tập: I, Tham luận; II, Tư liệu). Nhà xuất bản Nghệ An đồng thời cũng là đơn vị ấn hành cuốn Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Danh nhân văn hóa (phối hợp Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An tổ chức bản thảo, gồm hai phần: I, Thơ Hồ Xuân Hương; II, Văn nghệ sĩ Nghệ An với Hồ Xuân Hương).

Bìa 1 cuốn sách Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Tầm vóc danh nhân và giá trị di sản.

Theo yêu cầu của bạn đọc, đồng thời để lưu trữ một cách chính thống, bài bản và lâu dài những tác phẩm cũng như những bài viết về “Bà chúa thơ Nôm” – Danh nhân văn hóa – Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, được sự đồng ý của Ùy ban nhân dân tỉnh, Nhà xuất bản Nghệ An đã tuyển chọn một số tiểu luận tiêu biểu từ hai cuốn trên (chủ yếu là từ Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản) để xuất bản ấn phẩm này với tên gọi Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Tầm vóc danh nhân và giá trị di sản. Sách được cấu trúc thành hai phần:
Phần I. Hồ Xuân Hương từ cái nhìn của Hội thảo khoa học quốc tế: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản. Phần II. Hồ Xuân Hương trong cảm nhận của văn nghệ sĩ Nghệ An hôm nay và một số tư liệu (thế kỷ XX) về nữ sĩ.

Bìa sau cuốn sách Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Tầm vóc danh nhân và giá trị di sản.

Các bài được chọn in ở đây, chúng tôi tôn trọng logic của hai cuốn sách vừa nêu trên. Trước hết, Phần I từ Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế (Tham luận, tập I), thứ tự các bài viết được trình bày theo alphabet tên tác giả trên cơ sở của trục vấn đề theo tên gọi từng phần mà tham luận và tư liệu đề cập([2]). Phần II gồm những cảm nhận của văn nghệ sĩ Nghệ An, thứ tự tên tác giả cũng theo logic cuốn sách đã có([3]) và một số tiểu luận rút từ tập II (Tư liệu) của Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế về nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Hi vọng và tin tưởng rằng, cuốn sách sẽ là nguồn tư liệu quý đối với bạn đọc, là niềm tri ân sâu sắc đối với nữ sĩ Hồ Xuân Hương – người con kiệt xuất của quê hương, đất nước, đã có những đóng góp xuất sắc cho văn hóa và sự tiến bộ, nhân văn của loài người.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Tầm vóc Danh nhân và giá trị di sản do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, năm 2023 (nằm trong danh mục sách thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh giao).

PGS,TS Biện Minh Điền

[1]. United Nations Educational Scientific and Cultural Organization, General Conference 41st Session, Paris, 2021 (41C/15, 26 October 2021. Original: French). Việc Vinh danh và Kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Đình Chiểu cũng nằm trong Nghị quyết này. Nghị quyết đã được Đại Hội đồng UNESCO thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2021.
[2]. Xin xem: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) – Danh nhân văn hoá và giá trị di sản (Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế), Nxb Nghệ An, 2022 (khổ 19 x 27cm; I, Tham luận: 1080 trang; II, Tư liệu: 244 trang).
[3]. Xin xem: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Danh nhân văn hoá, Nxb Nghệ An, 2022 (khổ: 16 x 24cm, 344 trang).