Tự bao giờ, hình ảnh nữ Cán bộ chiến sỹ Công an tận tâm, trách nhiệm đã trở nên thân thuộc với người dân xứ Nghệ. Từ đảm bảo an toàn giao thông đến lặng thầm nấu cháo cho bệnh nhân nghèo; từ tặng quà từ thiện đến căng mình qua vùng lũ để hỗ trợ người dân; rồi xuyên đêm cấp căn cước công dân đến đội nắng trực chốt kiểm dịch phòng chống Covid-19… Dù ở đâu, công việc nào cũng được các chị thực hiện trọn vẹn với nụ cười rạng rỡ trên môi. Cùng với toàn lực lượng Công an Nghệ An, các chị trở thành điểm tựa bình yên cho mỗi người dân, xứng đáng với niềm tin yêu của bà con và lòng cảm phục của đồng chí, đồng đội.

Đồng chí Thiếu tướng Phạm Thế Tùng – Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An và Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Công an tỉnh tham quan Bảo tàng Công an Nghệ An. Ảnh tư liệu

1. Tính đến tháng 1/2024 là gần 4 năm Thiếu tá Nguyễn Thị Giang nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Yên Sơn, huyện Đô Lương. Còn nhớ những ngày đầu đảm nhận trọng trách đảm bảo ANTT tại địa bàn được xác định là phức tạp ở huyện Đô Lương, Thiếu tá Nguyễn Thị Giang không khỏi thấy áp lực. Nỗi lo lắng của Thiếu tá Giang, phần nào có thể hiểu và chia sẻ được. Một lẽ, chị là một trong số ít nữ cán bộ Công an của tỉnh Nghệ An và trong toàn quốc đảm nhận chức danh Công an xã vào thời điểm đó. Mặt khác, là nỗi lòng lo toan của người vợ, người mẹ làm sao tròn vai việc nước, việc nhà nhưng các con vẫn cảm nhận tình yêu thương. Tuy nhiên, khi khoác trên mình sắc phục thiêng liêng, với lời thề cao quý dưới cờ đỏ sao vàng, chị luôn tự nhủ, đã là cán bộ chiến sỹ Công an phải sẵn sàng “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì” mà Đảng và Nhân dân giao phó. May mắn hơn, chị lại nhận được sự động viên của lãnh đạo Công an huyện, các cấp Hội Phụ nữ và sự hỗ trợ của gia đình, từ người chồng – người đồng nghiệp bao năm gắn bó, chị mạnh dạn vượt lên khó khăn để xứng đáng với niềm tin yêu của mọi người. Làm ở xã “trăm công nghìn việc”, lại có vô vàn việc không tên, chị tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực học hỏi từng chút một. Hai con chị cũng dần quen với sự vắng mặt của mẹ, chủ động sắp xếp việc học và chăm sóc nhau để mẹ yên tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

3 năm ở xã là khoảng thời gian chứng kiến sự trưởng thành của Thiếu tá Nguyễn Thị Giang. Từ một cán bộ phụ trách của Đội Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, chị Giang đã trở thành một trong những Trưởng Công an xã được đánh giá cao tại địa bàn về hiệu quả, tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy với bà con. Như ghi nhận của cấp ủy chính quyền địa phương dành cho chị: “Từ khi Thiếu tá Nguyễn Thị Giang và đồng đội về xã, tình hình ANTT đã được giữ vững. Dù là phụ nữ, nhưng chưa bao giờ đồng chí Giang ngại khó, ngại khổ mà luôn tích cực, chủ động để bảo vệ cuộc sống bình yên của bà con nhân dân”. Với chị, không phải những bằng khen, giấy khen ngày càng dày lên trong tủ mà phần thưởng cao quý nhất là tình yêu thương, sự tin tưởng của người dân.

Trung tá Chu Quang Thành, Trưởng Công an huyện Đô Lương trao quyết định cho Đại úy Nguyễn Thị Giang về đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã Yên Sơn.

Cùng với Thiếu tá Nguyễn Thị Giang, cho đến nay, đã có trên 200 nữ cán bộ Công an xung phong đảm nhận chức danh Công an xã. Đặc biệt, có nhiều nữ cán bộ với tuổi trẻ giàu nhiệt huyệt vừa tốt nghiệp loại giỏi các trường Công an đã xung phong về các xã vùng biên giới, miền núi. Sau 3 năm, Đề án đưa Công an chính quy về cơ sở đã chứng minh hiệu quả thiết thực trong đảm bảo ANTT tại địa bàn. Góp phần làm nên thành công này, có vai trò không nhỏ của nữ hội viên Công an Nghệ An.

Nữ cán bộ Công an tỉnh Nghệ An trong hoạt động hỗ trợ người dân vùng lũ

2. “Mẹ là chiến sỹ tuyến đầu mặt trận
Chống đại dịch, vất vả lắm gian nan
Tổ quốc cần, mẹ chung tay sát cánh
Cùng toàn dân quyết giữ vững “vùng xanh”…

Đọc lại những vần thơ về nữ cán bộ Công an trong những ngày cả nước căng mình chống dịch, ký ức dữ dội, khắc nghiệt về cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19 lại ùa về. Trong những tháng ngày khó quên đó của cả nước, các chị em Công an Nghệ An nói riêng và Công an nhân dân nói chung đã không chỉ làm tốt công tác hậu phương mà còn xung phong tham gia tuyến đầu nơi nguy hiểm để đẩy lùi dịch bệnh. Họ đã chấp nhận hy sinh, khép lại niềm riêng của bản thân để thực hiện trọn vẹn trọng trách của một người cán bộ Công an nhân dân. Trong những trưa hè bỏng rát nơi xứ Nghệ, những đêm dài căng mình đảm bảo an toàn cho người dân giữa thời điểm “chống dịch như chống giặc” chẳng hẹn ngày về, liệu các chị có lo cho các con không, có nghĩ đến sự hiểm nguy khi mình phải “đứng chốt”, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các nguồn lây? Chắc chắn là có. Nhưng nếu không sát cánh cùng đồng đội trong cuộc chiến này, biết bao giờ, người dân mới trở lại cuộc sống bình thường mới. Lời dặn dò “Bao giờ hết dịch thì mẹ về” như là động lực, nguồn động viên tinh thần thúc giục các chị can trường và nỗ lực hơn để đẩy lùi dịch bệnh.

Vừa kết thúc trận chiến khốc liệt sống còn, đưa người dân trở về cuộc sống bình yên, các chị lại lao vào nhiệm vụ mới. Toàn Bộ Công an triển khai quyết liệt Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh. Nói dễ hiểu, Đề án 06 chính là đơn giản hóa mọi thủ tục hành chính, để người dân được hưởng trọn vẹn giá trị của tiện ích dịch vụ công. Cái gì mới, dĩ nhiên là khó để thuyết phục. Việc thay đổi thói quen truyền thống với người dân càng không thể một sớm, một chiều. Để nâng cao chất lượng triển khai Đề án, nhiều biện pháp sáng tạo được Công an các đơn vị, địa phương thực hiện. Vì mục tiêu chung, các chị lại xung phong đến nơi khó khăn, tham gia tăng cường, hỗ trợ bà con nhân dân không kể ngày hay đêm. Thiếu tá Lê Thị Ngọc Tú, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH chia sẻ: “Để khắc phục khó khăn, chúng tôi đa dạng hình thức tuyên truyền và triển khai thực hiện, từ tổ chức đăng ký định danh tại phố đi bộ, tham gia hướng dẫn ngoài giờ hành chính tại các trường học, cơ quan trên địa bàn, thành lập tổ công tác đến các địa bàn xa, đặc thù để vận động, tuyên truyền. Chiến dịch 90 ngày đêm tăng cường làm định danh điện tử cũng được cán bộ chiến sỹ nhiều nơi làm quyết liệt với quyết tâm cao nhất. Tất cả đều vì mục tiêu, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của bà con nhân dân trong kỷ quyên số hóa”.

Với nỗ lực không biết mệt mỏi ấy của toàn thể cán bộ chiến sỹ, trong đó có nữ hội viên Công an tỉnh nhà, Công an Nghệ An xếp thứ 3 toàn quốc về kết quả triển khai định danh điện tử. Và quan trọng nhất, là từ nay, sau quá trình tổ chức với quyết tâm cao nhất của toàn lực lượng, chỉ với thao tác nhỏ trên chiếc điện thoại, người dân có thể hưởng trọn vẹn tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại.

Nữ cán bộ Công an Nghệ An xung kích trong chiến dịch cấp CCCD

3. Dũng cảm, can trường trong đấu tranh với tội phạm; tận tuỵ, trách nhiệm với công việc, chị em phụ nữ còn luôn ấm áp lòng bao dung, nhân hậu với những mảnh đời khó khăn trên địa bàn. Hàng trăm công trình, phần việc, hàng nghìn tấm quà đã được chị em gửi trao khắp mọi miền quê. Ở đâu, đến nơi nào, các chị cũng lan tỏa tấm lòng nhân ái và sẻ chia để động viên mọi người vươn lên trong cuộc sống. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được ra đời dựa trên trăn trở của các cấp Hội Phụ nữ Bộ Công an. Đó không chỉ thực hiện yêu cầu của cấp trên mà còn là mệnh lệnh của trái tim, sự thôi thúc phải làm thêm nhiều việc tốt để lan tỏa tình yêu thương. Niềm vui được nhân lên, nỗi buồn được san sẻ; những ước mơ tưởng chừng vụt tắt của trẻ em mồ côi lại được thắp lên từ những người mẹ đỡ đầu trong sắc phục Công an. Theo đó, từ đầu tháng 9/2021, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhận hỗ trợ 5 cháu mồ hôi cha và mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện miền Tây xứ Nghệ với số tiền hỗ trợ ăn, học mỗi cháu 12 triệu đồng/ năm.

Hoạt động của Ban Thường vụ Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã truyền cảm hứng cho các chi hội cơ sở và chị em phụ nữ. Đến nay, 100% cơ sở Hội trực thuộc nhận đỡ đầu từ 1 đến 2 cháu. Những người phụ nữ mang sắc phục Công an nhân dân lại có thêm những “đứa con mới”, là cháu bé vừa mất cha, mất mẹ vì dịch Covid-19; là em bé bơ vơ khi mẹ vừa qua đời vì tai nạn giao thông, v.v. Tâm hồn mong manh, yếu đuối của các em, tưởng chừng như đã đóng lại vì nỗi cô đơn và đau buồn, nay lại được thắp lên hy vọng bởi tình yêu và lòng vị tha của “những người mẹ công an” trong Hội Phụ nữ Công an Nghệ An. Ngoài sự đóng góp, hỗ trợ của các hội viên, chị em còn kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn. Hình ảnh người phụ nữ Công an Nghệ An nhân ái, đẹp trong lòng nhân dân càng được tô thắm thêm khi số trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được các cấp Hội Phụ nữ hỗ trợ ngày càng tăng. Không chỉ hỗ trợ vật chất, chị em còn thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần, hướng dẫn các con học tập, dạy kỹ năng sống, cách tự chăm sóc bản thân, tư vấn pháp luật, hỗ trợ thêm chi phí học tập… phù hợp với nguyện vọng của các cháu.

Đối với mỗi nữ CBCS Công an Nghệ An, lời thề danh dự “Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và Nhân dân cần đến” chính là mệnh lệnh trái tim thôi thúc mỗi người tự khắc phục mọi khó khăn để cống hiến trọn vẹn cho ngành, cho đất nước. Vinh quang khi được Nhân dân tin yêu, tự hào vì mình trở thành điểm tựa bình yên cho bà con, chắc chắn, niềm vui ấy, không phải lực lượng nào cũng có thể có. Trận chiến cũ khép lại, cuộc chiến mới lại mở ra. Nhiệm vụ, khó khăn cứ thế nối tiếp nhau, trọng trách, áp lực lại càng nặng nề hơn. Nhưng tình yêu nghề, niềm tự hào được tận trung với Đảng, tận hiếu với dân sẽ là động lực lớn lao để nữ CBCS Công an tỉnh nhà tiếp tục viết tiếp trang sử vàng của lực lượng Công an nhân dân, làm rạng danh phẩm chất, hình ảnh nữ cán bộ Công an nhân dân Việt Nam.

Minh Anh