Chiều ngày 26/9/2020, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã long trọng kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai (30/9/1910 – 30/9/2020).

Các đại biểu làm lễ chào cờ.

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư TW Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận TW; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành TW; lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Tĩnh cùng các nhà khoa học; đại diện dòng họ, gia đình đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng chí Lê Hồng Phong.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý – Ủy viên Dự khuyết tw Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy.

Văn nghệ chào mừng, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng anh dũng, vẻ vang của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Mở đầu là chương trình văn nghệ chào mừng, những ca khúc cách mạng thể hiện tinh thần yêu nước tự hào tự hào dân tộc của tuổi trẻ Việt Nam. Đặc biệt là hoạt cảnh sân khấu nói về cuộc đời cách mạng đầy sóng gió, tấm gương anh dũng, kiên trung của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và chồng là nhà cách mạng Lê Hồng Phong. Vở kịch do Nhà hát dân ca Nghệ An dàn dựng đã gây xúc động cho người xem.

Tại Lễ kỷ niệm, Đồng chí Thái Thanh Qúy – Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trương ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, đọc diễn văn khai mạc. Diễn văn nêu bật sự nghiệp hoạt động cách mạng vô cùng anh dũng, vẻ vang, tấm gương người chiến sĩ Cộng sản kiên trung của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Đồng chí Thái Thanh Qúy – Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đọc diễn văn kỷ niệm.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (tên thật là Nguyễn Thị Vịnh), sinh ngày 30/9/1910, tại xã Vịnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Năm 1926, Nguyễn Thị Vịnh tích cực tham gia phong trào đấu tranh tại Vinh, vận động nữ sinh tham gia bãi khóa, tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Năm 1927 (khi mới 17 tuổi), Nguyễn Thị Vịnh gia nhập Việt Nam Cách mạng đảng, lấy tên là Nguyễn Thị Minh Khai.

Em Nguyễn Thị Quỳnh Anh, đại diện tuổi trẻ Nghệ An phát biểu.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Tháng 3 năm 1930, Đồng chí được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc), công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước.

Tuổi trẻ Nghệ An xem chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và một số hình ảnh về cách mạng Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

Ngày 30/7/1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy Nam Kỳ bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn – Sài Gòn, bị tra tấn hết sức dã man. Không khuất phục được người chiến sỹ cộng sản, sáng ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí lãnh tụ kiên trung của Đảng như: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến… xử bắn tại ngã tư Giềng Nước (nay là trước sân Bệnh viện huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh).

Trước pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hướng về phía đồng bào, nói những lời tâm huyết: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc tôi được độc lập, dân tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì”.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá về một tấm gương hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Từ lúc lớn lên cho đến lúc hy sinh, đồng chí luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên lợi ích của cuộc sống riêng và hạnh phúc gia đình. Bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của đồng chí luôn dành cho Đảng và nhân dân. Vì đảng, vì dân, Nguyễn Thị Minh Khai chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, từ biệt gia đình, bôn ba hoạt động cách mạng từ lúc còn trẻ tuổi; đồng chí lăn lộn, thường xuyên bám cơ sở để hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng, dù biết rằng kẻ thù luôn rình rập, đe dọa tính mạng. Vì đảng, vì dân, vì tổ chức mà đồng chí đành gạt nước mắt, chia xa cô con gái đầu lòng vừa bén hơi sữa để hoạt động, lãnh đạo phong trào cách mạng đang cần kíp; phải nén nỗi đau, chôn chặt tình yêu, sự nhớ nhung để đối phó với âm mưu thâm độc của kẻ thù khi chúng cố tình giam chị cùng với người chồng yêu dấu của mình trong lao tù là đồng chí Lê Hồng Phong, nhằm cố khép tội hai người nặng hơn.

Đồng chí Thái Thanh Qúy nhấn mạnh: Tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương, học tập tấm gương của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã kiên trì, bền bỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần cùng nhân dân cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Đại diện cho tuổi trẻ Nghệ An, em Nguyễn Thị Quỳnh Anh, phát biểu: Cháu vô cùng xúc động khi nghe những câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng đầy chông gai, gian khổ nhưng hết sức vẻ vang của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Đồng chí đã phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, một lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, vẹn nguyên tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng, giữ vững niềm tin cách mạng.

Kết thúc lễ kỷ niệm, các đại biểu và công chúng được xem chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và một số hình ảnh của cách mạng Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

PV.