LTS: “Năm tháng lở, bồi” là tập tự truyện của nhà văn Đức Ban, trong đó có nhiều chương viết về thời kỳ ông hoạt động văn hóa, văn nghệ ở xứ Nghệ vào những thập kỷ cuối thế kỷ trước. Tạp chí Sông Lam xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chương 4 của cuốn tự truyện.

Người đầu tiên đến Tổng đội N.299.P18 gặp Tổng đội trưởng Phạm Bá Sờng, xin tôi về Tỉnh đoàn là nhà thơ Duy Thảo. Duy Thảo từng ở binh chủng Phòng không, làm lính tiêu đồ viên, sau đó chuyển làm pháo thủ 57 ly từ số 6 đến số 1, rồi Khẩu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội phó. Một thời gian dài ông cùng chiến đấu, sinh hoạt với những người đồng đội là nhà văn, nhà thơ như Đỗ Chu, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Dương Duy Ngữ… Năm 1972, Duy Thảo rời quân ngũ chuyển về Hà Tĩnh làm cán bộ Phòng Tuyên huấn Tỉnh đoàn. Hồi làm sách Từ ngã ba này ta hát, tôi đến giúp Duy Thảo đánh máy bản thảo. Lần này tôi đến để biết kết quả việc thương thuyết với ông Phạm Bá Sờng. Duy Thảo không nhìn tôi, nói gọn, việc của chú chưa xong. Đã trải nhiều thất vọng nay chèn thêm một thất vọng nữa, khiến nỗi buồn thân phận trong lòng càng trĩu nặng. Thời gian giải thể TNXP chống Mỹ cứu nước đến gần. Việc giải quyết chế độ cho những người hoàn thành nghĩa vụ “ba sẵn sàng” từ tiểu đội, đại đội lên tổng đội, tiến hành một cách vội vã. Người chuyển ngành, người đi học, người về quê… Phạm Thị Mỹ Đào chuyển sang Bưu điện tỉnh. Cô đi khỏi Tổng đội không gặp tôi, không một lời chia tay nhau. Tôi nhận ra mối tình của chúng tôi đã tan vỡ, tan trong lặng lẽ, tan từ khi tôi rời Tổng đội cùng Đội văn nghệ xuống làm chiến sĩ ở Đại đội 3. Đội Văn nghệ ấy cũng đã tan trong lặng lẽ. Ngỡ như còn mỗi mình tôi trong dãy nhà xập xệ trên bãi cát trắng dưới chân dốc Anh Quỳnh. Nếu không được chuyển ngành, là về làng? Về với cảnh vật ấy, không khí ấy, những con người ấy…

Chừng hai tuần sau ngày Duy Thảo đến gặp ông Sờng, nhà văn Chính Tâm và nhà thơ Quốc Anh đến Ban Chỉ huy Tổng đội N299.P18. Ông Sờng hết lý do giữ tôi ở lại TNXP đã ghi ý kiến đồng ý vào công văn của Hội Văn nghệ. Tôi gần như là người cuối cùng rời khỏi Tổng đội N299. P18. Lãnh đạo Tổng đội, đại đội chuyển về Sở Giao thông – Vận tải, hàng trăm chiến sĩ, người vào học bổ túc công nông, người vào ban này, sở nọ… Mỗi người mỗi ngả.

Trong túi áo ngực là quyết định thuyên chuyển của Ty Lao động Hà Tĩnh, sau lưng nhẹ bẫng cái ba lô đựng mấy bộ áo quần và đồ dùng cá nhân lặt vặt, tôi đạp xe tìm tới Hội Văn nghệ tỉnh.

… Khoảng cuối năm 1951, nhà thơ Hoàng Minh Châu, Trung Anh, nhạc sĩ Phan Thanh Nam vào Hà Tĩnh phối hợp với Ty Thông tin tuyên truyền văn nghệ thành lập Phân hội Văn nghệ Hà Tĩnh. Cuộc họp văn nghệ đầu tiên được tổ chức tại Đức Thọ gồm 200 đại biểu từ các tổ, nhóm văn nghệ xã, cơ quan xí nghiệp, trường học, quân đội… cùng một số nhân sĩ trí thức có duyên nợ với văn nghệ. Đại biểu cấp trên có nhà thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Phùng Quán, Nguyễn Tiến Lãng. Phân hội Văn nghệ Hà Tĩnh bầu một Ban Chấp hành và bầu nhà văn Việt Thường làm Phân hội trưởng, Trần Hữu Thưởng và Hoàng Nguyên Kỳ làm Thường vụ. Các nhà văn, nhà thơ chủ chốt của phân hội, tên tuổi đã trở nên quen thuộc với bạn đọc: Xuân Tửu, Thanh Minh, Vũ Hoàng, Lê Tri Kỷ, Hoàng Nguyên Kỳ, Nguyễn Đăng Đơ… Họ đã tổ chức Ban vận động thành lập Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh. Tháng 1 năm 1969, Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh chính thức được thành lập trực thuộc Ty Thông tin Hà Tĩnh, do Thanh Minh làm Hội trưởng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng: Nghiêm Đa Văn, Trần Quốc Anh (giáo viên), Trần Huy Quang, Nguyễn Trọng Tạo (quân đội), Vũ Duy Thông, Ngô Thực (Thông tấn xã Việt Nam) – về sau, những người này lần lượt rời Hà Tĩnh ra Thủ đô Hà Nội hoặc các tỉnh khác, Phan Lương Hảo, Phạm Lê Khang, Phan Thoan, Xuân Hoài, Lê Duy Phương, Lê Nghi, Phan Duy Đồng, Hà Quảng, Lê Trần Sửu, Chính Tâm, Quốc Anh, Hữu Lợi… Ấn phẩm đầu tiên của Hội Văn nghệ Hà Tĩnh là Tập san Sông La xuất bản tháng 8 năm 1970 in 1.500 bản; cỡ 13 x 19 cm; dày 92 trang; do Vũ Hoàng biên tập chính; Phạm Lê Khang vẽ bìa và trình bày, Ngô Đức Ký khắc gỗ. Ngoài tập san Sông La, Hội còn xuất bản Truyện ký Dương Chí Uyển; Thơ chống Mỹ chọn lọc; tập thơ văn Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn; Tập văn xuôi Đất trung tuyến…

Khi tôi về Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, tháng 7/1984, Hội đã tách khỏi Ty Văn hóa – Thông tin, có tài khoản, con dấu. Trụ sở là một ngôi nhà ba gian lợp tranh tro, thưng phên nứa lọt thỏm giữa tre và tro trong làng Thạch Linh. Bấy giờ, văn phòng Hội gồm nhà thơ Thanh Minh, Vũ Hoàng, làm Trưởng và Phó Hội. Chính Tâm từ Phòng Văn hóa Can Lộc vào làm Thường trực, Nguyễn Quốc Anh rời mâm pháo thành Chánh văn phòng. Rồi Tùng Bách bên Ty Kiến trúc về, Xuân Hoài từ Giáo dục Cẩm Xuyên lên, Ngô Thực từ Thông tấn xã Việt Nam sang, Hữu Lợi ở Lâm trường khai thác rừng Hương Sơn xuống… Hàng ngày trong ngôi nhà nhỏ là trụ sở Hội ấy, dù đang trong những ngày gian nan thời hậu chiến và bao cấp, vẫn ăm ắp tiếng đọc thơ của Quốc Anh, Tùng Bách, tiếng đàn violon của Chính Tâm, giọng kể chuyện trạng nhẩn nha của Thanh Minh. Khuya thì chỉ còn tôi và Tùng Bách ở lại cơ quan. Thanh Minh, Vũ Hoàng về nhà riêng trong thị xã, Xuân Hoài vào Cẩm Xuyên, Chính Tâm về khu tập thể của cơ quan vợ là công ty nhiếp ảnh, Hữu Lợi sang với vợ ở khu tập thể Xí nghiệp Dược. Quốc Anh ra nhà riêng ở thị trấn Cày.

Từ hưởng chế độ phụ cấp TNXP 5 đồng/tháng, nhận quân phục màu cỏ úa 2 bộ/năm, tôi có tên trong sổ lương cán bộ công chức Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh cái bậc lương cuối cùng của cán bộ, viên chức: với 32 đồng/tháng. Ngày đầu nhận lương, tôi rơm rớm nước mắt. Mừng vui vô cùng.

Trích nhật ký: Ngày 1/8/1974:

“Những ngày qua tin thắng trận ở miền Nam bay về dồn dập. Buổi sáng, nhà thơ Xuân Hoài, bấy giờ đã là Hội phó mở sổ tay thông tin: địch đã không chống cự nổi trước sức tấn công vũ bão của quân và dân ta, chúng phải rút chạy khỏi Tây Nguyên, Quảng Trị, Huế, bộ đội ta đang tiến về phía Sài Gòn. Nhìn những đoàn xe nối đuôi nhau, có lúc vượt lên nhau hối hả chạy về phía nam trên đường QL.I cứ thấy lòng rộn rã. Tình hình biến chuyển lớn, anh em nhà văn cứ không nguôi áy náy về trách nhiệm của mình trước thời cuộc. Viết cái gì? Đi đâu để có tư liệu? Trở lại đề tài TNXP chăng?”.

Trích nhật ký:

Ngày 12/8/1974: “Mấy hôm nay đi đâu cũng nghe chuyện phong trào “Ba cử, hai tự nguyện” (đoàn thể cử, gia đình cử, cơ quan hợp tác xã cử; gia đình tự nguyện, bản thân tự nguyện) trong cuộc vận động nhân lực chi viện tiền tuyến. Cùng không khí sôi nổi, khẩn trương tuyển quân là nhiệm vụ quốc tế chi viện chiến trường Lào. Buổi sáng nhà thơ Thanh Minh sau khi thông báo tình hình chiến sự trên các chiến trường ở miền Nam, ông nói đại ý, chúng ta ngồi ở Thạch Linh này có thể viết về hàng ngàn dân công vận chuyển gạo, muối, xi măng, sắt thép sang giúp nước bạn Lào mở đường giao thông xây dựng kinh tế trong vùng giải phóng không? Chắc là không? Chuyện ông Nguyễn Khải ngồi ở Hà Nội viết Chúng tôi ở Cồn Cỏ là bịa. Không thâm nhập thực tế có biết được sự thật hiện thực, có hiểu thấu tâm tư tình cảm nguyện vọng của Nhân dân ta không? Không. Thế nên không đi đánh giặc, không đi thồ lương thực, thực phẩm được thì đến các huyện, các xã, các công, nông trường, xí nghiệp… viết về những điển hình tiên tiến trong lao động, xây dựng cuộc sống”.

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, cuộc kháng chiến của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam giành những thắng lợi liên tục. Nhiều biến chuyển lớn, sôi sục khắp nơi. Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt trở thành lẽ sống của toàn quân, toàn dân trong đó có Hà Tĩnh – hậu phương lớn của tiền tuyến. Trên các tuyến đường QL1, QL15, QL8, đường sắt, đường thủy các đoàn xe, các toa goòng, thuyền tàu, ca nô hướng ra mặt trận, nơi lực lượng quân đội đang thần tốc tiến nhanh vào Sài Gòn – Sào huyệt cuối cùng của Mỹ – Ngụy. Ngày 30/4, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Suốt những ngày đầu tháng 5/1975, tại thị xã Hà Tĩnh, cách cơ quan Hội Văn nghệ 200 mét đường chim bay và khắp các địa phương trong tỉnh từ miền núi Hương Sơn xuống miền biển Cẩm Xuyên, từ phía bắc Nghi Xuân vào phía nam Kỳ Anh, Nhân dân nô nức mở hội mừng chiến thắng. Khắp nơi rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ.

Cuối năm 1975, Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V phê chuẩn hợp nhất tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Theo đó, Hội Văn nghệ Hà Tĩnh nhập với Hội Văn nghệ Nghệ An thành Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Đầu tháng 1/1976, Hội Văn nghệ Hà Tĩnh thôi hoạt động theo chức năng độc lập chuyển sang hoạt động thuộc sự lãnh đạo quản lý của Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Hội Văn nghệ Hà Tĩnh không bị xáo động gì nhiều. Nhà thơ Thanh Minh bấy giờ vào tuổi 65, nghỉ hưu. Sáu người thành cán bộ Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh gồm: Thái Kim Đỉnh, Xuân Hoài là Phó Chủ tịch Hội, Chính Tâm là Ủy viên Thường vụ, Quốc Anh, Hữu Lợi, Ngô Thực, Tùng Bách và tôi.

Hồi ấy, cơ ngơi Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh là 6 dãy nhà gỗ lợp tranh mía vừa chuyển từ nơi sơ tán ở huyện Yên Thành về dựng trên một mảnh đất rộng chừng 8000 mét vuông bên hồ thành Vinh. Bấy giờ Văn phòng Hội gồm hai thế hệ nhà văn chống Pháp và chống Mỹ: Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Vũ Hoàng (Thái Kim Đỉnh), Xuân Hoài, Thạch Quỳ, Hồng Nhu, Bá Dũng, Đặng Văn Ký, Ngô Thực, Chính Tâm, Cảnh Nguyên, Đào Phương, Quang Huy, Nguyễn Xuân Phầu, Hồ Hữu Nại, Tùng Bách, Tuyết Nga… Toàn tỉnh Nghệ Tĩnh, từ khe Nước Lạnh vào tận đèo Ngang có 173 hội viên thuộc nhiều chuyên ngành: thơ: 62 người; văn xuôi: 26; kịch: 25; nhạc: 21: mỹ thuật và nhiếp ảnh: 14: văn nghệ dân gian và lý luận phê bình: 9; đạo diễn, biên đạo và diễn viên: 16. Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh họp bầu Trần Hữu Thung làm Hội trưởng, Minh Huệ, Thái Kim Đỉnh làm Hội phó, Xuân Hoài làm Tổng thư ký và Ban Thường vụ gồm 11 người.

Cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh, thay cho Tập san Sông La của Hội Văn nghệ Hà Tĩnh và Tạp chí Văn nghệ Nghệ An. Số 1 in xong ngày 3/10/1976 với 1.500 bản; cỡ 19 x 27 với 90 trang. Tôi được phân công biên tập chuyên mục Văn học thiếu nhi dưới sự “lãnh đạo” của nhà thơ Quang Huy. Văn xuôi thì Hồng Nhu, Bá Dũng, Đặng Văn Ký, Nguyễn Xuân Phầu… Thơ thì Thạch Quỳ, Cảnh Nguyên, Tuyết Nga. Mỹ thuật thì Đào Phương… Chịu trách nhiệm xuất bản số 1, số 2 là Trần Hữu Thung, từ số 3 trở đi là Xuân Hoài.

Trang bìa và trang danh mục của một tập sáng tác “Văn nghệ Nghệ Tĩnh” sau khi sáp nhập tỉnh và sáp nhập Hội Văn nghệ Hà Tĩnh và Hội Văn nghệ Nghệ An thành Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Ảnh: An Thư

Mấy chục cán bộ văn phòng Hội, người độc thân và người có cả gia đình đều ở trong những dãy nhà gỗ lợp tranh lá mía, bốn phía quanh nhà, trừ mảnh sân đất nhỏ và những lối đi con chạch là nhấp nhô những vồng khoai, sắn. Giữa rừng khoai sắn ấy, có cái bếp ăn tập thể do một người đàn bà cao ráo tên Thu nấu nướng. Đêm đêm mọi người thường tụ tập, lúc ở phòng Trần Hữu Thung, lúc ở phòng Thạch Quỳ, uống rượu trắng nhắm lạc rang, ăn sắn luộc. Hàng ngày, nhà này vẫn gọi nhà kia xin lửa, xin dầu đèn, vẫn biếu nhau bát canh, con cá. Không khí thật đầm ấm, vui vẻ, thuận hòa. Về sau, cái làng văn nghệ xứ Nghệ ấy tan rã khi một số gia đình chuyển ra ở trong những căn hộ của khu nhà tầng Quang Trung do Cộng hòa Dân chủ Đức xây dựng.

Sau Hội nghị Ban Chấp hành, các tổ chức của Hội đi vào ổn định: chi bộ, công đoàn, các ban chuyên ngành. Tiếp đó, Ty Văn hóa và Hội tổ chức Hội nghị bàn sáng tác về đề tài nông nghiệp. Tham dự và phát biểu chỉ đạo có Bí thư Tỉnh ủy Trương Kiện. Hội nghị kéo dài đến 4 ngày. Ngay hồi ấy và cả sau này, ngoài những lần học tập nghị quyết của Đảng, tôi chưa bao giờ dự một hội nghị kéo dài 4 ngày. Sau hội nghị ấy, Hội phân công một số anh em đi về các địa phương thâm nhập thực tế nông thôn, nông nghiệp, số còn lại thành lập thành một đoàn đi thực tế xây dựng công trình thủy lợi Kẻ Gỗ ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Trích sổ tay ghi chép: “Thời Pháp thuộc, năm 1934, nhà cầm quyền thuộc địa đã cho khảo sát để đắp đập vùng Kẻ Gỗ. Đến năm 1934 thì họ cho làm kênh chính, kênh phụ, rồi không biết vì sao mà dừng lại, có thông tin là do bị Nhật cản trở. Năm 1963, tỉnh Hà Tĩnh đặt vấn đề xây dựng đập Kẻ Gỗ sau đó lại dừng vì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Mãi tháng 12/1974, Chính phủ mới phê duyệt nhiệm vụ thiết kế hồ chứa nước Kẻ Gỗ với lưu vực 223 km2, trữ lượng 345 triệu m3. Từ tháng 2/1975, khi nước nhà chưa thống nhất và chưa thành lập tỉnh Nghệ Tĩnh, công trường Kẻ Gỗ đã được thành lập và bắt đầu triển khai xây dựng. Tháng 6/1975, tỉnh Hà Tĩnh huy động 2.500 lao động thủ công làm kênh mương và đưa xe máy vào hoạt động trên khu vực đầu mối”.

Đấy là chuyến đi thực tế “hoành tráng” về số người và tác phẩm gặt hái được. Năm 1980, Hội xuất bản tập sách Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, gồm 60 bài thơ, 12 truyện ngắn, bút ký là tác phẩm được anh chị em viết sau chuyến đi thực tế ấy. Mấy năm sau, xuất hiện thêm tiểu thuyết Quặng gốc của Lê Quý Kỳ.

Cùng với công trình Kẻ Gỗ, là việc phát triển kinh tế vùng sông Nghèn, việc đẩy mạnh, phát triển lực lượng sản xuất, mở rộng quy mô hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, thực hiện sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, việc dời làng lên núi để mở rộng diện tích canh tác, quy hoạch lại khu dân cư. Ở huyện Quỳnh Lưu, chính quyền quyết định xóa bỏ làng cổ truyền, đốn bỏ vườn cây ăn trái, dời các hộ dân lên vùng núi để thổ cư thành ruộng lúa. Mô hình chính trị thì Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ đi cùng mô hình kinh tế là chủ nghĩa tập thể. Ngày 13/3/1977, tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Loài người đến nay có ba phát minh vĩ đại có ý nghĩa bước ngoặt lịch sử. Thứ nhất là tìm ra lửa, thứ hai là tìm ra cách sử dụng kim khí và thứ ba là làm chủ tập thể.” Nhiều miền quê xứ Nghệ, người ta khắc lên trên các vách núi khẩu hiệu “Thay trời đổi đất, xếp đặt lại giang sơn” đi xa hàng cây số cũng nom thấy. Không khí náo nức sôi nổi khẩn trương bao trùm lên khắp nơi. Khí thế cách mạng đất Xô viết thành khí thế sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trên đất Nghệ Tĩnh. Tôi đạp xe xuống Cửa Lò viết bút ký Cửa Lò mùa cúc biển về những người công nhân làm cảng Cửa Lò, sang Công ty 473 viết bút ký Sang phải về những người công nhân làm cầu Bến Thủy, rồi lên Con Cuông ở cùng những người đưa thư viết Dưới những tán lá cây yên tĩnh; vào Nhà máy Gạch Thuận Lộc viết ký Trước mùa mưa, lên Hương Giang, Hương Khê, vùng trồng ngô của huyện miền núi viết Về lại Hương Giang... Anh em trong văn phòng Hội tỏa tới các địa phương thâm nhập thực tế làm thủy lợi ở Cẩm Xuyên, Can Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành, xây dựng thành phố Vinh, vách Bắc, vách Nam, tập trung đông nhất là ở Quỳnh Lưu, huyện thí điểm “sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Bạn đọc được đọc những tác phẩm của Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Xuân Hoài, Hồng Nhu, Bá Dũng, Lê Quý Kỳ, Nguyễn Xuân Phầu, Thạch Quỳ, Lê Duy Phương, Chính Tâm… trên tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh, trên báo Trung ương, báo Nghệ Tĩnh xuất hiện những tác phẩm bám sát nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và tràn đầy tinh thần lạc quan. Văn xuôi thì bút ký: Chuyện về đất (ĐVK), truyện vừa Ngày mai đã đến (B.D). Thơ thì dạng, kiểu: “Bước đi xa thay đổi cả tầm nhìn/ Sông hẹp lại khi tỉnh làm ăn lớn/ Núi bé đi khi nhìn về trữ lượng/ Ngắm đất đai thèm nói chuyện gieo trồng” (X.H); hoặc “Ta về đây cho đồng mở mênh mông/ Cho máy chạy thẳng đường đi tới” (LDP). Một vị quan chức của tỉnh nhận xét: “Điểm nổi bật nhất các tác phẩm của chúng ta thời gian qua là cái đẹp, cái hùng, cái cao thượng trong đời sống của Nhân dân địa phương đã trở thành đối tượng phản ảnh chủ yếu của các tác giả…” (Văn nghệ Nghệ Tĩnh, số 21).

Nghĩ về dòng chảy văn, thơ giai đoạn ấy, tôi nhớ ngày đầu nhập tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Hội Văn nghệ Hà Tĩnh mang ra Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh vỏn vẹn mấy tác phẩm: Cỏ mật – nhịp cầu (tập thơ của Thái Kim Đỉnh); Cái lách nứa (thơ châm của Thanh Minh); Những ngôi sao (tập thơ của Xuân Hoài), Tình yêu sáng sớm (tập thơ của Quốc Anh và Nguyễn Trọng Tạo), Đêm thu yên tĩnh (tập truyện ngắn của Chính Tâm và Lê Hoài Nam), Mưa rừng (tập truyện ngắn của Hữu Lợi và tôi). Trong Mưa rừng tôi có 4 truyện: Đêm gần sáng ở làng, Truyện ở một trại chăn nuôi; Bà mẹ và cô con dâuKhói xanh. Khói xanh viết về những chiến sĩ TNXP làm đường, còn 3 truyện viết về nông thôn, làng. Đấy là những truyện ngắn dừng ở kể một câu chuyện đơn giản, những con người đơn giản tôi từng gặp… Về sau mấy lần làm truyện ngắn chọn lọc cho mình, mấy lần làm tuyển văn của Hội Văn nghệ, không có truyện nào của tôi được chọn in. Thời gian đầu hợp nhất Hội Văn nghệ Hà Tĩnh và Hội Văn nghệ Nghệ An, tôi chỉ là một anh thanh niên trẻ, non nớt về nghề, mỏng về tác phẩm. Nhận ra sự thua kém người chung quanh, điều này nung nấu trong tôi một quyết tâm khẳng định mình. Một mình một xe đạp, cái xe Liên Xô cao lồng ngồng, tôi “đi vào đời sống” tại nhiều địa phương, nhiều cơ quan, xí nghiệp, không nghĩ đến cái gọi là “đề tài quen thuộc” là “quê hương sáng tác”. Sự thực đến ngày ấy tôi cũng chưa có “đề tài quen thuộc”, chưa có “quê hương sáng tác”. Gặp gì viết nấy, viết theo sự phân công của Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Mãi sau này, tôi mới nhận ra những tác phẩm đinh ninh “để khẳng định mình” ấy, nó được ra đời một cách nhanh chóng, đậm tính chính trị xã hội với giọng văn tụng ca xuyên suốt từ bút ký sang truyện ngắn, truyện vừa. Rốt cuộc sự “khẳng định mình” chỉ ở số lượng các tác phẩm được xuất bản còn tư duy, cảm giác, cảm xúc của tôi về con người, về cuộc sống – cái làm nên hồn vía của tác phẩm thì rất mờ nhạt.

Một năm sau, cái không khí náo nức sôi nổi, cái khí thế bốc lửa trong lao động sáng tạo văn chương chững lại. Bức bối, đói kém, ngột ngạt. Chế độ bao cấp lương thực theo định lượng và chính sách cấm chợ, ngăn sông đã trói buộc cả chính quyền lẫn người dân. Tôi cũng như bao người sống dựa vào tem phiếu và những gì được cung cấp từ cửa hàng lương thực, cửa hàng thực phẩm của Nhà nước. Mỗi năm một người được mua 5 mét vải, 0,3 kg thịt, 3 lít dầu, xà phòng, mì chính, chất đốt khi có khi không. Áo may ô, dao cạo râu, lốp xe đạp… chỉ bảo đảm được 20%, công đoàn cơ quan phải tổ chức bốc thăm. Tình hình kinh tế đến đỉnh cao của khủng hoảng. Cuộc sống khu vực cán bộ công nhân viên chức và cả khu vực nông thôn, nơi mở mắt là nhìn thấy đất đai, bế tắc, ngột ngạt. Cơ chế quan liêu bao cấp như vòng kim cô thắt trên đầu mỗi người dân. Văn nghệ thành văn dành chỗ cho văn nghệ dân gian: “Cây đinh phải đăng ký, trái bí cũng sắp hàng, khoai lang cần tem phiếu, thuốc điếu phải mua bông, lấy chồng phải cai đẻ, bán lẻ chạy công an, lang thang đi cải tạo, hết gạo ăn bo bo, học trò không có tập”… Hoặc: “Năm tám mươi, gạo tám mươi/Dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ”. Cứ thế, ngày qua ngày, cứ cựa quậy trong bầu không khí ngột ngạt khiến con người ta cứ phải thở hắt ra, cứ phải muốn đập tay vào ngực mà hét to lên.

Ngày 15/12/1986, khai mạc Đại hội VI của Đảng, một sự kiện lịch sử, chấm dứt những “sai lầm tả khuynh, ấu trĩ, duy ý chí, làm trái quy luật khách quan”. Hơn 10 năm cơ chế quan liêu bao cấp đẩy đất nước vào chỗ bế tắc, bên ngoài thì giặc giã, bên trong thì bức bối đói kém. Đại hội VI bắt đầu cho đổi mới tư duy cơ cấu kinh tế; chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và đổi mới trong quản lý, sáng tạo văn học nghệ thuật. “Tự cứu mình trước khi trời cứu” rồi thì “cởi trói” là những cụm từ được giới văn nghệ sĩ hào hứng đón nhận. Không khí đổi mới như ngọn gió nóng hổi từ Hà Nội thổi về các địa phương. Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam do nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng Biên tập in truyện ngắn Linh nghiệm, phóng sự Lời khai của một bị can (Ông vua Lốp) của Trần Huy Quang, truyện ngắn Tướng về hưu, Vàng lửa, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp, Năm ngày của Phạm Thị Hoài, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, phóng sự Cái đêm hôm ấy đêm gì? của Phùng Gia Lộc… Từ thực trạng nền văn học nước nhà, Nguyễn Minh Châu nói: “Cái lỗi lớn nhất của mỗi người chúng ta là đã khiếp hãi trước cái xấu, cái ác, rồi lâu dần dường như không làm gì được thì chúng ta coi như không có nó – cuộc đời không có cái xấu, cái ác đang hoành hành, đang chi phối số phận con người, coi như cuộc đời không có oan khiên, oan khuất”. Lê Ngọc Trà nhắc nhở vai trò gần như độc lập của các văn nghệ sĩ qua bài viết Văn nghệ và Chính trị.

Ở Nghệ Tĩnh, từ khi có chủ trương đổi mới, bởi “nết đất” Xô viết mà các nhà văn chưa đủ dũng khí phản ảnh trực diện hiện thực hay do tính cách dè dặt mà chưa công bố tác phẩm của mình? Mãi năm 1988, mới xuất hiện bài thơ Nói với con, Qua đền Công ghi chuyện cũ của Thạch Quỳ trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó là Nhà có thuốc thần, Ngổn ngang nơi trần thế của Đặng Văn Ký và một số ít tác phẩm về lĩnh vực nghệ thuật như nhiếp ảnh, sân khấu. Trong không khí hiện thực đời sống và văn chương ấy, tôi viết truyện vừa Những lỗi lầm đã qua. Về nghệ thuật, từ kết cấu, giọng điệu trần thuật, xây dựng nhân vật vẫn theo đường ray cũ. Điều đáng nói là trong truyện vừa Những lỗi lầm đã qua đã có đổi mới về cách tiếp cận và phản ảnh hiện thực. Truyện kể về những vị lãnh đạo ở một huyện được Trung ương chọn làm thí điểm “sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”. Họ quên mình, quên gia đình, quên ký ức, say mê, hào hứng, lạc quan với phong trào dời làng lên núi, để rồi một thời gian sau nhận ra những chủ trương, những chương trình, những hành động của họ, của tập thể do họ lãnh đạo đã sai lầm. Những tác phẩm của tôi sau mười năm kể từ ngày sáp nhập Hội Văn nghệ Nghệ An và Hội Văn nghệ Hà Tĩnh (1976 – 1986): Mưa rừng (tập truyện ngắn), Sương mù chưa tan (truyện vừa), Nơi có truyện cổ tích (truyện vừa) và cả Những lỗi lầm đã qua có le lói sự vượt thoát khỏi sự tuyên truyền thô thiển và giọng điệu tụng ca, nhưng vẫn mờ nhạt chìm trong quên lãng.

Chỉ hơn 2 năm sau, đầu năm 1989, Hội nghị Trung ương 6 nhấn mạnh những lo ngại chính trị trong “quá trình phát huy dân chủ”, kêu gọi “phải tỉnh táo đấu tranh chống lại những lực lượng lợi dụng việc mở rộng dân chủ để chống chế độ ta”. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói rõ quan điểm: mở ra có mức độ về kinh tế, nhưng kiên định về lập trường chính trị. “Vòng trói” cởi ra đã dần bị thắt lại. Mở đầu cho nút thắt là Nguyên Ngọc bị cách chức Tổng Biên tập Báo Văn nghệ. Sau đó lan rộng ra các địa phương. Nhiều tờ báo bị đình bản. Khoảng tháng 5/1991, những nhân tố mới xuất hiện sau khi “cởi trói” đều chìm lắng. Những đốm lửa mới được nhen lên chưa kịp tỏa sáng thì đã nguội tắt. Sợi dây “cởi trói” bị thắt lại nhanh chóng. Ở Nghệ Tĩnh, tác phẩm đầu tiên “bị đánh” là bài thơ Nói với con của Thạch Quỳ. Một cuộc họp với danh nghĩa là Câu lạc bộ văn học đã được tổ chức. Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Văn Giản và nhà thơ Minh Huệ, Hội trưởng ngồi trên bàn chủ tọa. Thạch Quỳ được chỉ định ngồi một mình một ghế cách bàn chủ tọa chừng 3 mét và cách dãy ghế phía trên cùng 50 phân. Người ta phê phán bài thơ là thứ văn chương ám chỉ, biểu tượng hai mặt, chống con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, là viên kẹo thuốc độc bọc đường. Sau vụ đánh vỗ mặt bài thơ Nói với con, bệnh dạ dày của Thạch Quỳ tái phát. Ông không mấy khi ra khỏi nhà, suốt ngày ngồi quay lưng vào bếp than củi đặt cạnh giường nằm để lửa đánh lừa cảm giác về những cơn đau…

Không khí văn chương trở nên nặng nề, cho dù từ “cởi trói” vẫn được dùng nhiều trên các phương tiện truyền thông. Những chuyện không vui của văn nghệ xẩy ra dồn dập. Không ít người tính tình vui vẻ, hòa nhã, từng ứng xử với bạn bè tử tế bỗng nhảy ra phê phán đồng nghiệp một cách vô lối, áp đặt tư tưởng chính trị vào văn chương rồi tùy tiện kết án văn chương bao nhiêu thứ tội, tội nào cũng thuộc loại chống Đảng, chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Một lần nhà văn Việt Phương nói về nhà Triết học Trần Đức Thảo: “Thời Trần Đức Thảo sống và nghiên cứu sau năm 1954, xã hội chúng ta là một xã hội đặc biệt mà nguyên nhân gây ra những bi kịch có khi không hẳn là sự độc ác hay ghen ghét cá nhân hay thế lực nào đó. Nguyên nhân theo tôi chính là sự giáo điều chân thực. Chính vì chân thực nên nó càng khủng khiếp. Cái giáo điều ấy độc lập với nhân cách của mỗi người. Có thể bản chất họ rất tốt, nhưng khi đụng tới cái giáo điều của họ, họ trở nên đáng sợ” (Dẫn theo Nguyễn Khắc Phê, trong Số phận không định trước, NXB Hội Nhà văn; 2016). Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh số 42, 43, 44 vẫn 80 trang đầy đủ các chuyên mục như những số trước đó, nhưng các tác phẩm văn xuôi và thơ đều hiền hậu, tròn trĩnh. Các bài phê bình, tổng kết, đánh giá một giai đoạn văn học 1975 – 1990, Đọc Tuyển tập thơ Nghệ Tĩnh (1975 – 1990) của Đoàn Mạnh Tiến, 15 năm văn xuôi Nghệ Tĩnh của Trần Hồng Cơ, 15 năm – một sự sống văn học của Minh Huệ, Văn học dân gian Nghệ Tĩnh những năm gần đây của Nguyễn Văn Hùng… khen, chê chừng mực hơn, đây đó gặp lời biện minh cho tư tưởng nghệ thuật cũ mòn của văn chương Nghệ Tĩnh.

Tháng 12/1990, Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh xuất bản Văn nghệ Nghệ Tĩnh số 46, kết thúc cho giai đoạn 15 năm Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Một tháng sau thì tách tỉnh. Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh tách thành Hội Văn nghệ Nghệ An và Hội Văn nghệ Hà Tĩnh…

Đức Ban