Nhà thơ xứ Nghệ Hoàng Trần Cương vừa mới qua đời ngày 9/4/2020. Hưởng thọ 72 tuổi. Hoàng Trần Cương sinh năm 1948 ở Nghệ An, thuộc dòng dõi họ Mạc, hậu duệ đời thứ 29 của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ông ra Hà Nội sống từ năm lên bảy, sinh sống và làm việc ở thủ đô cho tới những ngày cuối đời.

Nhiều người biết đến nhà thơ Hoàng Trần Cương ở thể loại trường ca, đặc biệt là trường ca Trầm tích đã mang lại cho ông các giải thưởng danh giá: Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ (1989-1990), Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng (1994-1999), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2000), Giải thưởng Hồ Xuân Hương (5 năm một lần) của Hội VHNT Nghệ Tĩnh. 

Là người con xứ Nghệ, lại là một người lính và một thương binh đã tham gia chiến đấu ở chiến trường miền nam và nước bạn Lào ông đã đưa phương ngữ vào thơ một cách tài tình, tạo nên những thi ảnh độc đáo rất miền trung: uy nghiêm, khắc nghiệt nhưng sắt son, nghĩa tình.

Trên Tạp chí Sông Lam tháng Ba vừa rồi có giới thiệu bài viết của nhà phê bình Văn Giá về Hoàng Trần Cương. Bài viết đã phác họa chân dung và những phút cuối đời trên giường bệnh của nhà thơ Hoàng Trần Cương. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

                                                                   ********

   Không biết rồi ra sẽ thế nào… Nhà thơ Hoàng Trần Cương nằm đó, mắt diu diu thức ngủ. Tôi nắm tay gọi, anh mở mắt, gật gật mấy lần ra chiều đã nhận ra tôi. Tôi bảo định thăm anh đã lâu, rồi thế nào đấy, nay mới vào thăm anh được. Hỏi anh ăn được không? Gật gật. Hỏi, anh có ngủ được không? Lắc lắc. Khó khăn nhỉ. Anh cố gắng lên nhé. Phải chiến đấu thôi. Anh gật gật. Bảo, hôm vừa rồi em đọc mấy bài của Trần Vũ Long, Phạm Lưu Vũ viết về anh hay lắm. Mắt anh chớp chớp…Trên thân thể anh nhằng nhịt bao nhiêu dây dợ, ống thở, ống thải, ống truyền, bên cạnh là các thứ máy đo máy trợ. Tất cả cho thấy bệnh tình nhà thơ đang khá nặng.
Ai quen biết nhà thơ Hoàng Trần Cương đều nhớ một dáng vóc đậm chắc, gương mặt gân guốc, giọng nói sang sảng, nhất là cặp mắt sáng rực có đôi mày lưỡi mác; thoạt gặp có vẻ lầm lì, nhưng khi vào cuộc rượu, cũng chém gió ào ào, mà chỉ là chuyện thơ phú thôi, chứ ít ra ngoài chuyện khác. Anh cũng là một tín đồ toàn tòng của “tôn giáo Thơ”.

Nhà thơ Hoàng Trần Cương. Ảnh: Internet

Ngày anh còn đương chức Tổng biên tập tờ báo nọ, biết tôi ở nơi đào tạo viết văn, một hôm gặp nhau anh bảo: “Chỗ sinh viên của ông, chúng nó có đứa nào khổ mà ham học không, tôi đến cho chúng nó tí tiền, gọi là học bổng?”. Trời, thế còn gì bằng nữa, ông anh. Chỗ em, toàn bọn nhà nghèo thôi. Nghèo bọn nó mới đi học viết văn. Chứ bọn khá nó đã tìm những ngành khác…Tôi giải thích cho anh rằng cái bọn nhà nghèo thì thường nó có thân phận, nó hay đa cảm, tủi thân, chạnh lòng, hay nghĩ ngợi, hay vận vào mình…, thế thì nó mới viết văn được. Nghe chừng có lý, anh gật gù bảo sắp xếp cho anh một buổi vào để trao mấy suất quà cho sinh viên, nếu ít thì còn kha khá, chứ đông thì không có nhiều đâu, mang ý nghĩa động viên là chính…Cứ thế, duy trì khoảng 3 năm, năm nào vào dịp khai giảng, anh cũng đến trao quà. Tuy không có nhiều, nhưng thầy trò viết văn cảm thấy ấm lòng khi có những người đàn anh đàn chị trong văn giới cùng chăm lo công việc với mình. Rất may ở chỗ tôi, không chỉ có Hoàng Trần Cương, mà bằng cách này cách khác, nhiều văn nghệ sĩ đã sát cánh cùng chúng tôi, hào hiệp giúp đỡ chúng tôi đắp bồi những năng khiếu viết văn để trở thành những người viết lành nghề và tử tế.
Lại một lần khác, ở chỗ tôi có một sự kiện đón một nhóm nhà văn nước ngoài đến giao lưu với sinh viên viết văn. Giao lưu xong, cũng muốn có một bữa đánh chén cho thêm phần thân mật. Khoa thì không có tiền. Mấy ông bạn văn đùa đùa thật thật bảo sau đây thì ngồi ở đâu, ý là đi đánh chén ở đâu…Tôi lúng túng quá. Tức thì, nhà thơ Hoàng Trần Cương bảo em chọn chỗ nào đi, anh lo, yên tâm…Thật là buồn ngủ gặp chiếu manh. Ngày anh đang còn làm báo, còn có đồng ra đồng vào. Nhưng tính anh là thế, lúc nào cũng hào hiệp. Chứ có người trong túi hàng đống tiền, nhưng đừng hòng mong họ móc ra lấy một đồng.

Anh là người rất biết quý đám phê bình. Lần ra “Tuyển thơ và trường ca Hoàng Trần Cương”, anh gọi điện bảo tôi hẹn hò giúp gặp Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Điệp để anh tặng sách. Dịp ấy tôi cũng bận. Cuộc hẹn hò chung không thành. Nhưng cuối cùng thì anh vẫn đến tận chỗ tôi tặng sách.

Tôi vẫn rắp tâm đọc anh thật kỹ rồi viết một bài gì đó, nhưng rồi việc nọ xọ việc kia, định mãi mà chưa làm được. Đời người viết, là những “món nợ” dài, chủ yếu là “món nợ lòng” thôi, chứ cũng chẳng ai cầu ai ép.

Chả biết Nguyễn Đăng Điệp đã viết gì về thi sĩ Hoàng Trần Cương chưa, chứ còn Chu Văn Sơn thì chưa kịp viết. Có nhiều lần ngồi đàm đạo với Chu Văn Sơn, thấy anh nắc nỏm khen Hoàng Trần Cương nhiều lắm.

Vào thăm Hoàng Trần Cương, gặp chị nhà ở đó. Ban đầu tôi không biết là ai, hỏi chị là thế nào với anh Cương, rồi mới rõ. Khuôn mặt chị bị cái khẩu trang che khuất. Lúc chị bỏ khẩu trang ra, thấy gương mặt hốc hác, gầy sạm, nhưng vẫn còn nguyên những đường nét thanh tú, ưa nhìn. Chắc thời trẻ, chị đẹp lắm. Vợ nhà thơ mà lị! Chị bảo, hôm nay anh ấy mới tỉnh lại, chứ hôm qua hôm kia tưởng đi rồi…

Lúc chào chị ra về, tôi bảo chị cố gắng gìn giữ sức khỏe để còn chăm anh nhé, chứ không cả hai đều ốm thì khổ. Chợt thấy đôi mắt chị đẫm nước, tôi im bặt, không dám nói thêm gì nữa, vội ra về.

Tôi bước những bước đi chầm chậm ra ngoài cổng. Phía sau lưng tôi, thi sĩ của chúng ta nằm đó, đã yếu ớt nhiều. Hoàng Trần Cương, tác giả của nhiều bài thơ, tập thơ sáng giá. Anh sinh năm 1948.

Không hiểu sao, nghĩ về anh, tôi cứ nhớ ngay đến câu thơ anh viết ngày nào: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”. Câu thơ ghê gớm ấy chính là bản lai diện mục miền Trung. Cũng chính là thần tướng tự họa Hoàng Trần Cương thi sĩ.
  Trong đời sống, anh là một người gồ ghề, khảng khái, phân minh. Trong thơ, anh quyết liệt, dữ dội mà mềm mại, lụa là. Tôi chỉ thầm nói với anh câu này, khi ngoái lại nhìn anh trên giường bệnh: Khỏe lên anh!

Văn Giá

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam Số 3/ Bộ Mới/2020)

Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Trần Cương