Ký sự nhân vật
Nhà thơ, Tiến sỹ Lâm Quang Mỹ tên khai sinh là Nguyễn Đình Dũng, sinh năm 1944 tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Anh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Ba Lan, thành viên Ban Chung khảo các cuộc thi thơ trẻ Ba Lan; Công dân Danh dự vùng Krasne, quê hương Đại thi hào Ba Lan Zygmunt Krasinski; Tiến sĩ Vật lí Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Hiện nay Nhà thơ TS Lâm Quang Mỹ sống và làm việc tại Warszawa, Ba Lan.
   Nguyễn Đình Dũng là học sinh khóa 1959-1962 Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh.. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Nguyễn Đình Dũng học Trường Hàng hải ở Hải Phòng. Năm 1965 anh được cử sang Ba Lan học tập. Nguyện vọng của anh là ngành Văn học nhưng Đại Sứ quán Việt Nam tại Ba Lan thông báo theo yêu cầu xây dựng đất nước, anh được phân công học ngành Điện tử viễn thông. Năm 1971, tốt nghiệp đại học xong anh về công tác tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam. Năm 1989 Nguyễn Đình Dũng trở lại Ba Lan, vừa học nghiên cứu sinh vừa làm việc tại Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan. Năm 2002 anh bảo vệ luận án Tiến sĩ Vật lý rồi làm Cộng tác viên Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan một thời gian.
Nguyễn Đình Dũng vốn có năng khiếu thơ từ nhỏ. Năm học lớp 6 ở Trường cấp 2 Nghi Phong (Nghi Lộc, Nghệ An), Nguyễn Đình Dũng đã đạt giải Nhất cuộc thi thơ do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức. Sau khi nghỉ công tác khoa học, anh tập trung vào hoạt động văn học.

Nhà thơ, TS Lâm Quang Mỹ

Một phong cách thơ riêng
   Mở đầu tập thơ “Chiều rơi trên sóng”, nhà thơ Lâm Quang Mỹ trích hai câu: “Nhiều khi ta là lá cỏ/ Nổi chìm bao đợt sóng xô” từ bài thơ “Lá cỏ”. Nhà thơ coi mình như lá cỏ, đơn giản, gần gũi với con người và thế giới tự nhiên. Cuộc đời đã trải qua những thăng trầm, nhưng như lời tiên đoán của một người làng về anh rằng anh sẽ vượt qua mọi thử thách, làm nên chuyện khác người.
Có thể nói chủ đề chính của thơ Lâm Quang Mỹ là suy nghĩ về con người, trách nhiệm xã hội, mong một thế giới hài hòa, về cảnh đẹp thiên nhiên về tình yêu, nỗi nhớ quê nhà… Các bài thơ của anh thường ngắn, ít có bài dài. Mỗi bài thơ đều được thể hiện bằng ngôn ngữ trong sáng, là một câu chuyện thấm đẫm tình người, mang một thông điệp đầy triết lý.
Bài thơ “Lá cỏ” là một trong những bài được nhiều người ưa thích nhất.
“Nhiều khi ta là lá cỏ/ Dập dờn xanh mặt nước hồ/ Nhiều khi ta là lá cỏ/ Nổi chìm bao đợt sóng xô! Nhiều khi ta là lá cỏ/ Uống mưa suốt cả đêm dài/ Nhiều khi ta là lá cỏ/ Khát khô chờ giọt sương mai! Nhiều khi ta là lá cỏ/ Đung đưa dưới ngọn gió trời/ Nhiều khi ta là lá cỏ/ Nát nhàu dưới dấu chân người!”.
Nhà thơ quan tâm đến số phận, những xung đột, những bi kịch và sự thăng hoa trong đời sống. Thơ anh giàu tính âm nhạc. Nhiều bài thơ của anh có âm hưởng như bài hát. Và vì vậy anh đã biểu diễn hàng ngàn buổi hát thơ, rất được công chúng mến mộ. Anh cho biết có khi thơ phản ánh hiện thực, có khi thơ hồn nhiên không hề ham muốn vật chất và tâm trạng bản thân thật khó diễn tả rạch ròi: “Đôi khi thơ tôi/ như những sợi gió mong manh/ còn sót lại sau từng cơn bão/ vẫn gợi lên cảnh hoang tàn đổ nát/ Đôi khi thơ tôi/ như đứa trẻ thơ/ hồn nhiên vừa đi vừa hát/ thấy của rơi bên đường không dám nhặt./ Còn tôi như chiếc lá cuối thu/ gió đưa lạc về lối cũ/ không biết buồn hay vui…” ( Tôi và Thơ tôi).
Lâm Quang Mỹ là nhà thơ có suy tư đặc biệt. Trước những điều không may có thể trong cuộc sống, anh bình tĩnh xem xét, chấp nhận sự tồn tại của chúng bên cạnh những niềm vui bởi cuộc sống thực tế không chỉ có màu hồng: “…Cũng có khi niềm vui dàn dụa trên khóe mắt/ và nỗi buồn chua chát nở trên môi…” (Ít nhiều nghịch lý).
Ở Việt Nam ta có câu: “Miếng trầu mở đầu câu chuyện”. Ở phương Tây người ta thường bắt đầu câu chuyện bằng những câu trao đổi về thời tiết trong ngày. Hầu hết những bài thơ của Lâm Quang Mỹ mô tả khung cảnh bên ngoài rồi dẫn đến suy luận về tư duy, tình cảm của người. Nghĩa là “đi từ hiện thực đời sống đến hiện thực tâm hồn” (lời Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều). Có khi anh diễn tả cảnh và người xen nhau một cách thật hữu cơ: “Vệt nắng chiều vương nương bờ cỏ/ Cảm xúc chiều vương nương ý thơ/ Trăng nương mây bạc. Diều nương gió/ Tình treo như một khối bơ vơ” (Khối Tình)
Lâm Quang Mỹ nói về thân phận khi tuổi già đến vừa đẹp đẽ vừa đau buồn một cách chân thực: “Ngày đi trong thanh bình/ Đêm ngược chiều bão tố/ Ngày như đứa trẻ nhỏ/ Đêm đã ngoài sáu mươi !!!” (Già).
Sống và làm việc thời gian dài ở châu Âu, nhà thơ luôn quan tâm đến tình hình đất nước. Thời đó (năm 1990) sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma không được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, trên bờ biển Ban-tích, nhưng nhà thơ đã viết: “Êm ả một vùng Ban-tích/ Ầm ầm sống dậy biển Đông/ Mắt thấy màu xanh ngọc bích/ Lòng hun ngàn ngọn lửa hồng…”  (Độc thoại trên biển).
Có nhà phê bình văn học đã nhận định: ” Lâm Quang Mỹ là nhà thơ Tình yêu”. Nhà thơ đã ghi lại điều này như sau: “Tôi đã sống trong không gian ba chiều/ Sao vẫn thấy đời mình quá chật/ Rồi một ngày bỗng lòng mình bát ngát/ Thêm một chiều thăm thẳm của Tình Yêu” ( Bốn chiều).
Tình yêu trong thơ Lâm Quang Mỹ trước hết là tình yêu của người con đối với mẹ. Lớn lên, trưởng thành, đi xa, nhưng trong lòng mình anh luôn nghĩ về mẹ kính yêu: “Mẹ đi bạc ánh sao Mai trên tóc/ Mẹ về, gánh trĩu nặng sương khuya/ Con đã đi quá nửa vòng trái đất/ Vẫn chưa bằng bước chân mẹ đi về”  (Bước chân mẹ).
Trong cảnh gió Lào làm nóng cả bầu không khí, đến mức tấm phản gỗ dày vẫn quăn lên, mẹ đã dành cho con phần nước trong: “Cái- chảo-quê rang bằng lửa gió Lào/ Tấm phản gỗ nóng quăn vỏ đỗ./ Đòn gánh bỏng vai tan buổi chợ, / Mồ hôi lưng mẹ áo khô giòn./ Giếng làng chắt một nửa gầu là cát./ Phần đục Mẹ uống rồi phần trong để cho con!” (Mẹ và quê).
Trong cảnh lũ lụt tàn phá quê hương, hình ảnh người mẹ đau lòng, muốn cứu vớt những quan tài trôi đã hiện lên như bức tượng: “Đã bốn ngày trên mỏm quả đồi,/ Mẹ ngồi đó, cháu trong tay đói lả./Nước vẫn cuốn. Trời vẫn mưa xối xả/ Nghĩ tới xóm làng, lòng mẹ quặn đau/ Nước trắng trời và tóc mẹ trắng đầu!/ Bỗng mắt mẹ hoa lên khi vừa nhìn thấy/ những cỗ quan tài trôi!/ Mẹ run lên. Không đứng vững nữa rồi/ Muốn nhảy xuống mà lôi chúng lại”  (Người sống và người chết).
Trong một bài thơ với lời dẫn “Kính gửi những người mẹ miền Trung”, anh đã viết: “Nắng cắt đất quê thành triệu mảnh/ Lũ xoáy lòng con ngàn trái bom/ Hạn hán đốt cháy khô mắt mẹ/ Lũ lụt tuôn trào nước mắt con!”  (Lũ lụt và hạn hán).
Thiên nhiên vận động nhưng chàng trai chẳng còn bụng dạ nào để ý: “Những ngọn gió trèo lên đồi cao/ Rồi sà xuống vuốt ve từng lá cỏ./ Ta chẳng có lòng nào để đùa với gió/ Trái tim ta đang phấp phỏng chờ em .”  (Chờ).
Tình yêu lứa đôi được Lâm Quang Mỹ ghi lại trong nhiều bài thơ: “Nếu anh là tờ giấy trắng/ Mong em là những vần thơ…” (Em và anh).
Có người cho rằng đổi mới thơ không phải vặn cái quen cho thành lạ, mà phải tìm cái lạ đang lặn sâu giữa cái quen khi đọc bài thơ tứ tuyệt sau: “Có phải vì mây, trăng ngậm ngùi/ Có phải vì buồm, gió ra khơi/ Có phải vì sông, cầu đắm đuối. Có phải vì em, anh quên tuổi?!” (Có phải).
Nhà phê bình văn học Dariusz Tomasz Lebioda nhận xét thơ Lâm Quang Mỹ “là sự pha trộn đầy tính sáng tạo những biến thái thiên nhiên khách quan và sự quan sát về phương diện vật lý học của các hiện tượng với sự nhạy cảm thường xuyên đầy tính trữ tình”, (Nhà thơ nước Nam, Nguyễn Chí Thuật dịch).
Nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học Aeksander Nawrocki viết: “Trong những buổi gặp gỡ với độc giả, Lâm Quang Mỹ đã diễn đạt thơ ông thật tuyệt vời, những vần thơ tinh tế và thông minh, mang những câu hỏi về những vấn đề cốt lõi của cuộc sống, tình yêu và cái chết, mà ông đã đặt ra cho bản thân mình và người đọc. Ở Ba Lan ông có được đông đảo độc giả  hâm mộ”.
Wieslaw Sokolowski, nhà thơ, chủ tịch Hiệp hội nghệ sĩ “ZA”, biên tập viên tạp chí văn học “TRWANIE” nhận xét: “ Có một điều gì đó tốt đẹp trong những bài thơ này – vì chúng thể hiện một cách đầy đủ hơn, phong phú hơn, thú vị hơn cuộc sống bị giới hạn đang tồn tại quanh ta. Bởi vì những điều dược viết ra ở đây một cách tài tình để người đọc có cảm giác được bay lên trên cảnh vật vừa quen biết gần gũi lại vừa xa lạ, và có lúc hầu như cảnh vật này bị lãng quên. Những bài thơ cho tôi nhiều ấn tượng”.
Marek Wawrzkiewicz, nhà thơ, nhà phê bình văn học, Chủ tịch Hội Nhà văn Ba Lan có lời bình về thơ Lâm Quang Mỹ: “ Khi đọc những bài thơ của một nhà thơ từ đất nước châu Á xa xôi, chúng ta sẽ bắt gặp những điều lạ lùng và khác biệt không thể tìm thấy trong thơ Ba Lan và của châu Âu nói chung, nhưng đồng thời chúng ta cũng muốn tìm kiếm những sự tương đồng trong ngôn ngữ thơ ca. Những điều đó dễ nhận ra trong thơ Lâm Quang Mỹ, một nhà thơ đã nhiều năm sống tại Ba Lan, nhưng vẫn gắn chặt với nền văn hóa của dân tộc mình. Ông không chỉ dịch và có công phổ biến văn học Ba Lan, mà còn là một nhà thơ có phong cách riêng. Thơ ông đặc biệt mang tính nhạy cảm với cái đẹp của thiên nhiên – nhưng không phải chỉ phong cảnh mà là một yếu tố của sự tồn tại, tính hoàn thiện và là điều kiện nhất thiết phải có của sự hài hòa, điều mà chúng ta luôn hướng tới, và khi không đạt được sẽ cảm thấy bơ vơ và trống rỗng. Nhưng đồng thời cũng dễ dàng nhận thấy rằng là nhà thơ hàng ngày tiếp xúc với thơ Ba Lan, qua đó với thơ châu Âu, và ông đã áp dụng những kinh nghiệm ấy trong thơ của mình. Thật đáng mừng là thơ của một nhà thơ Việt Nam được chào đón trong các gia đình bạn đọc Ba Lan”.
Đây là ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều; ‘Ông đã dựng lên trong thơ mình những hình ảnh và biểu tượng của mỹ học từ những hiện thực quá xác thực của cuộc sống…Thơ  ca, với số lượng ngôn từ vô cùng ít ỏi đã khái quát toàn bộ số phận của con người: đói rét, bệnh tật, chiến tranh, nỗi sợ hãi và nỗi cô đơn. Lâm Quang Mỹ, với khả năng hàm súc hóa cao ngôn ngữ và sự trải nghiệm sống sâu rộng, đã làm được điều không dễ dàng ấy”. Ở đây xin trích lời bình của cố thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo: “Thơ Lâm Quang Mỹ giống như rượu gạo chốn quê nhà, dù anh sống ở xứ “rượu Tây” ngót nửa cuộc đời. Những tình, những cảnh, những thực, những mơ,…đều xoáy vào nỗi buồn day dứt khôn nguôi về mình, về người, về thương ,về nhớ…Người đọc không thể bỏ qua những câu thơ gan ruột của anh: “Chiếc xe đạp lốp mòn dây chun buộc/ Lai con đi đạp vội trước hàng quà”, “Hạn hán đốt cháy khô mắt mẹ/ Lũ lụt tuôn trào nước mắt con”, hoặc những câu thơ thảng thốt sau tiếng thở dài chiêm nghiệm: “Ngày như đứa trẻ nhỏ/ Đêm đã ngoài sáu mươi”…Những câu thơ như vậy, khiến ta phải dừng lại thật lâu để rơi lệ cùng tác giả, để suy nghĩ cùng tác giả, và để yêu thương cùng tác giả. Thơ như thế là thơ của kẻ giàu tính nhân văn bẩm sinh. Nếu nói Thơ là Người, thì cũng cần nói thêm Thơ là biểu hiện cái thăm thẳm của Người, cái bản ngã riêng lẻ của Người giữa xã hội Người. Có lẽ nhờ thế mà Lâm Quang Mỹ đã hiện ra trong đời với tư cách là một Người Thơ, một Người Thơ luôn thu nhỏ thế giới vào trái tim đa cảm, vào bộ não giàu suy nghĩ thông minh, để rồi lại biến hóa nó trở thành những bài thơ dâng tặng chính mình và những tâm hồn đồng điệu”.
Tác phẩm văn học chính
Tiếng vọng (thơ, in song ngữ Việt Nam – Ba Lan, nhà xuất bản Oficyjna, Warszawa, Ba Lan, 2004). Đợi (thơ, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005).  Zatoulana Pisen (thơ tiếng Tiệp do nhà thơ, dịch giả Vera Kopecka nhà xuất bản Bromov, Czech, 2008). Chiều rơi trên sóng – Evening falling on waves (thơ, in song ngữ Việt – Anh, do các nhà thơ, dich giả Thiếu Khanh, Anita và Andrew Fincham dịch, nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012). Tháng ngày … Przemija życie…  Life passes on… (thơ, in song ngữ Ba Lan – Anh, nhà xuất bản Temat, Ba Lan, 2010). Tháng ngày…- Et la Vie S’en va… ( Thơ, song ngữ Việt – Pháp, do nhà thơ, dịch giả, Chủ tịch Hội Các Nhà Thơ Pháp Athanase Vantchev de Thracy dịch, nhà xuất bản Institut Culturel de Solenzara Paris Pháp, 2016). Fourth Dimension (Chiều thứ bốn), nhà xuất bản Xlibris (Hoa Kỳ), 2017. Thơ Lâm Quang Mỹ song ngữ Việt – Đức xuất bản tại Đức tháng 8/ 2019. Thơ Lâm Quang Mỹ đã được dich ra tiếng Ấn Độ và xuất bản tại Ấn độ (Kalkuta) tháng 11/2019;  đã được in rất nhiều trên các báo, các tạp chí văn học và các Tuyển tập Thơ của nhiều nước trên thế giới.
Đặc biệt để đưa văn học Việt Nam đến với công chúng Ba Lan, vào năm 2010 nhà thơ  Lâm Quang Mỹ dịch và nhà thơ Ba Lan Pawel Kubiak hiệu đính đã cho xuất bản Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỉ thứ XI đến thế kỉ IXX (nhà xuất bản IBIS, Warszawa, Ba Lan). “Đây thực sự là một kho báu được lồng trong cái khung bắt đầu bằng Lý Thường Kiệt (1019-1105) và kết thúc bằng Tú Xương (1970-1907)” (lời nhận xét của D. T. Lebioda, Nhà thơ, GS TS và nhà phê bình văn học,Tổng biên tập Tạp chí triết học và văn nghệ “Temat”, Giám đốc Nhà xuất bản văn học “Temat”). Anh cũng đã dịch sang tiếng Ba Lan tập : “Thơ Mới Việt Nam giai đoạn 1932 -1941” gồm 43 nhà thơ và xuất bản năm 2015 tại Ba Lan.
Giải thưởng Văn học
Nhà thơ Lâm Quang Mỹ đã được tặng nhiều giải thưởng về thơ. Giải thưởng  Thơ hay về Mùa Thu do Hội Nhà Văn Ba Lan trao năm 2004, hai giải thưởng về Thơ và những hoạt động văn học của Những Ngày thơ  Quốc tế do UNESCO Ba Lan trao tặng (năm 2006 và năm 2016); hai giải nhất (của ban Giám khảo và của công chúng) cuộc thi Marathon Thơ trong “Liên hoan thơ lần thứ  năm Các nước có chung biên giới với Ba Lan” tại thành phố Rzeszow tháng 06/2008; hai “Cành nguyệt  lớn” về thơ và dịch thơ tại Liên hoan văn học quốc tế Galicja, Ba Lan năm 2009 và 2011.
Ông cũng đã được tặng  Kỉ niệm chương “Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao vào tháng 02/2010.
Các giải thưởng khác gồm: Giải thưởng Văn học mang tên Kliemens Janicki về toàn bộ sáng tác văn học và sự đóng góp vào nền văn hóa châu Âu, năm 2003; Huân chương ông trạng về sự đóng góp cho nền văn hóa Ba Lan do Bộ Văn hóa và Di sản quốc gia Ba Lan traCo tặng năm 2003; huy chương Hy vọng (Medal SPES) do Quỹ phát triển văn hóa xã hội Ba Lan trao tặng năm 2016; phần thưởng Chiếc nhẫn vàng về thơ và những hoạt động văn hóa của những ngày thơ UNESCO Ba Lan trao tặng năm 2016; giải thưởng đặc biệt Danh dự do chi hội nhà văn Ba Lan thành phố Kielce trao tặng, tháng 10/2019.
Thay lời kết luận
Xuất thân là một nhà khoa học nhưng sự nghiệp thơ ca của nhà thơ, tiến sỹ Lâm Quang Mỹ đã mang lại nhiều thành tựu rất đáng nể. Ông là nhà thơ sáng tác bằng tiếng Việt và tiếng Ba Lan, là dịch giả trong vai trò cầu nối giữa văn học Việt Nam và bạn đọc Ba Lan, là thành viên Ban Chung khảo thơ trẻ Ba Lan (dành cho người dưới 40 tuổi), là người nồng nhiệt phổ biến thơ ca đến công chúng. Có tài năng về thơ, được nuôi dưỡng trong môi trường có truyền văn học phong phú (Ba Lan đã có 6 giải Nobel về văn học), cộng với sự đam mê cháy bỏng, lao động cật lực, Lâm Quang Mỹ đã đạt được điều mà nhiều nhà thơ cũng mơ ước: tác phẩm được xuất bản ở nhiều nước ( Pháp, Đức, Anh. Mỹ, Tiệp, Ấn Độ… ), được trao tặng các giải thưởng cao quý về thơ, được mời tham dự các liên hoan quốc tế về thơ, được bạn đọc yêu thơ ở Ba Lan và các tổ chức văn học nước ngoài nồng nhiệt chào đón.

Hoàng Xuân Thường
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 8/tháng 8+9/2020)