Ngày 14/3, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông làm Trưởng đoàn đã về nguồn dâng hương tại ATK Định Hóa. Tham gia Đoàn có đại diện Cục Điện ảnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên… nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023). Nguồn ảnh: toquoc.vn

Ngày 15-3-1953 tại thôn Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (ATK chiến khu Việt Bắc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh Ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam.

Cục Điện ảnh cũng chủ trì biên soạn, ấn hành cuốn Kỷ yếu 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (1953-2023).

– Ngày 14/3, Hội Điện ảnh, Hội Nhiếp ảnh, Cục Điện ảnh và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cùng tổ chức chuyến đi thăm khu di tích Điện ảnh Đồi Cọ và dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành. Sáng 15/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra Lễ Kỷ niệm trọng thể 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, với sự tham dự của các nhà điện ảnh lão thành từng làm phóng viên chiến trường và công tác chiếu bóng thuộc Điện ảnh Quân đội Nhân dân, Xưởng phim Thời sự – Tài liệu, Điện ảnh Giải phóng, Điện ảnh Đặc khu Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn Y4, Điện ảnh khu V…

Viện Phim Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa: Triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam” giới thiệu hơn 200 hình ảnh về những sự kiện, con người, tác phẩm điện ảnh tiêu biểu, góp phần phác họa nên diện mạo của nền điện ảnh nước nhà trong 70 năm qua. Triển lãm tổ chức từ ngày 13 – 19/3 tại Rạp Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), ở TP.HCM: từ ngày 23/3 đến 6/4 tại Trường Đại học Văn hóa (Phước Long A, TP Thủ Đức); Chương trình chiếu phim miễn phí chào mừng, giới thiệu đến người xem 4 bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam: Chung một dòng sông, Bao giờ cho đến tháng Mười, Mùa ổi Đừng đốt từ 13 – 16/3, tại Hà Nội; Giới thiệu sách: “Áp phích phim điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử” (Tập 1: 1953-2000).

– Tạp chí “Thế giới Điện ảnh” của Hội Điện ảnh xuất bản số đặc biệt về 70 năm Điện ảnh cách mạng; Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương giới thiệu bộ phim tài liệu Bác Hồ với điện ảnh. Các chi hội cơ sở trong cả nước của Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức các cuộc gặp mặt với các nhà điện ảnh lão thành, chiếu một số phim truyện, tài liệu, hoạt hình tiêu biểu các thời kỳ do Trung ương Hội cung cấp,…

Ngày 13/3, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức lễ trao giải và khai mạc triển lãm cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 tại Việt Nam năm 2023 (VN23) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ngày 15/3, Hội tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam tại Ba Đình, Hà Nội, trao Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2022; phong các tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh năm 2022; vinh danh các nghệ sĩ có 40 năm tuổi hội trở lên lần thứ 2; Ngoài ra, Hội xuất bản sách ảnh: “Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh” và “Tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc và nghệ sĩ đặc biệt xuất sắc (E.VAPA và E.VAPA/G)”; Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống (cơ quan ngôn luận của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) ra số đặc biệt với nhiều bài viết chuyên sâu, đánh giá lại toàn bộ chặng đường phát triển, đóng góp của nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.

Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam còn phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam và kênh Truyền hình Nhân Dân thực hiện bộ phim tư liệu 70 năm Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam (thời lượng 30 phút). Đồng thời, trong tháng 3, tất cả chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đều tổ chức lễ kỷ niệm. Trong đó, Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức lễ kỷ niệm quy mô cấp khu vực.

Kiều Nga tổng hợp