1. Dẫn nhập

Xem xét các tiểu thuyết lịch sử dưới lý thuyết diễn ngôn, có thể nhận thấy mỗi tác phẩm, mỗi nhân vật anh hùng là một quan niệm, là một phát ngôn của nhà văn, gắn với chủ thể, nội dung, bối cảnh, mục đích phát ngôn. Lịch sử đã diễn ra theo một con đường, đã được ghi lại trong sử sách, nhưng cách diễn giải về nó, suy ngẫm về nó thì luôn luôn tồn tại những khác biệt. Thực ra, cũng cần thấy rằng, chính sử là sự ghi chép sự thật lịch sử, nhưng bao giờ cũng thể hiện trên một quan điểm, lập trường nào đó. Các sử gia thời phong kiến – dù rất đề cao việc tôn trọng sự thật – nhưng ít nhiều cũng phải chịu tác động từ quan điểm Nho giáo và cả sự chi phối của chính quyền phong kiến đương thời. Đã có những nghi ngờ có sự can thiệp của ai đó làm cho Ngô Sĩ Liên đã thiếu khách quan khi viết về Nguyễn Trãi, về Thị Lộ và vụ án Lệ Chi Viên. Đã có tư liệu nói về việc Lê Thánh Tông đòi các sử gia phải cho nhà vua biết những gì họ đã viết về mình. Đưa nhân vật, sự kiện vào tiểu thuyết, các nhà văn lại sử dụng theo cách nhìn, quan điểm của riêng mình. Có thể xem tiểu thuyết lịch sử là một diễn ngôn phức tạp gồm một hệ thống các diễn ngôn của người kể, của nhân vật, của nhà văn, của cộng đồng.

Trong sự vận động chung của tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 đã gặt hái được nhiều thành tựu, được dư luận bạn đọc đánh giá cao. Tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này phát triển rất đa dạng, đi theo những xu hướng khác nhau. Tuy nhiên, xây dựng nhân vật anh hùng vẫn là một phương diện được các nhà văn đặc biệt chú ý. Xem xét các nhân vật anh hùng từ góc nhìn của lý thuyết diễn ngôn sẽ góp phần làm rõ hơn sự đa dạng trong cách nhìn và sự thể hiện sáng tạo của nhà văn trong việc tạo dựng thế giới nhân vật anh hùng trong tác phẩm.

2. Nội dung

2.1. Tiểu thuyết lịch sử là những diễn ngôn lịch sử của nhà văn

Diễn ngôn là thuật ngữ do J. Lacan đưa ra, sau đó được G.Guillaume và E. Benveniste dùng từ những năm 60 của thế kỷ XX. Từ đây, nghiên cứu diễn ngôn (hay còn gọi là phân tích diễn ngôn) trở thành một trào lưu khoa học phát triển rầm rộ ở châu Âu và diễn ngôn trở thành một khái niệm được lưu hành rộng rãi trong ngôn ngữ học và nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn. Với các nghiên cứu của M. Foucault, J. Derrida, R. Barthes…, diễn ngôn lại xuất hiện với những hàm nghĩa mới. Trong Từ điển Tu từ – Phong cách – Thi pháp học của Nguyễn Thái Hòa[4], tác giả đề cập đến 4 cách hiểu khác nhau về diễn ngôn: 1/ Diễn ngôn là ngôn ngữ đang hoạt động (langage) được đảm nhận bởi chủ đề nói, tức là đồng nghĩa với lời nói. 2/ Diễn ngôn là đơn vị tương đương trên câu, nó được thiết lập bởi một thông báo (…) tức là tương đương với phát ngôn. 3/ Diễn ngôn khác với văn bản ở chỗ ghi lại bằng các ký hiệu chữ viết. 4/ Diễn ngôn được xem như là cái nói ra, được xem xét từ quy tắc chuỗi kế tục các câu (…). Các nhà phê bình văn học như T. Todorov, G.Genette đưa ra các cấp độ khác với thức hay là lớp; cấp hình thức tương đương với diễn ngôn, cấp nội dung tương đương với chuyện. Diễn ngôn không chỉ bao gồm thức kể chuyện mà còn có giọng, điểm nhìn…, xếp đặt sự kiện và hiện thực hóa những mối liên hệ rộng hơn giữa tác giả hàm ẩn và người đọc hàm ẩn.

Với sự ứng dụng phong phú, hiện nay diễn ngôn đi theo ba hướng tiếp cận chủ yếu: hướng tiếp cận ngôn ngữ học, hướng tiếp cận phong cách học và hướng tiếp cận xã hội học. Trong hướng tiếp cận phong cách học, tư tưởng về diễn ngôn của M. Bakhtin chú ý đến bình diện sinh thành của ngôn ngữ, tức là ngôn ngữ trong đời sống, trong hoạt động giao tiếp. Ông đề xuất thuật ngữ “siêu ngôn ngữ”, coi ngôn ngữ như một thực thể đa dạng, sống động, là mảnh đất mà ở đó diễn ra các đối thoại, tranh biện của những tư tưởng, quan niệm khác nhau về con người và thế giới. Tiểu thuyết, trong quan niệm của M. Bakhtin chính là thể loại “ở thì hiện tại”, nơi tồn tại các diễn ngôn phức tạp, ở đó các tư tưởng luôn có xu hướng đối thoại với nhau, thể hiện ở cấp độ tác phẩm là tiểu thuyết đa thanh (điển hình là tiểu thuyết Dostoyevsky), còn ở cấp độ ngôn ngữ thể hiện ở lời văn phức điệu. Còn ở hướng tiếp cận xã hội học (gắn với những quan niệm về diễn ngôn của M.Foucault), người ta coi tất cả các phát ngôn hoặc văn bản có nghĩa và có một hiệu lực nào đó đều là diễn ngôn, ở đó luôn tồn tại hệ thống những tư tưởng, quan điểm, khái niệm, cách thức tư duy… được hình thành trong một bối cảnh xã hội cụ thể.

Trong các tiểu thuyết lịch sử, chủ thể phát ngôn là nhà văn, thể hiện quan điểm của nhà văn, nhưng mục đích phát ngôn lại hướng tới cộng đồng tiếp nhận, bao gồm cả người đọc thực tế và người đọc “tiềm ẩn”. Khác với các tiểu thuyết thông thường, các cây bút tiểu thuyết lịch sử chịu một áp lực là họ đang viết lại “những cái đã có”. Và như chính các nhà văn tâm sự, họ luôn phải đặt câu hỏi: có đúng với lịch sử như nó diễn ra không? có chỗ nào “lịch sử có đáng tin không?”. Nhà văn Hoàng Quốc Hải – cây bút viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng – cho rằng: “Chính sử cho ta điểm tựa về mốc thời gian, về một giai đoạn lịch sử để ta tham khảo một cách nghiêm túc, nhưng ta cũng phải nên nghiêm túc thấy rằng toàn bộ những cái được ghi chép đấy có phải là sự thật không? Lịch sử có đáng tin không, có, nhưng phải có lòng nghi ngờ, tức là không mù quáng” [2].

Lưu Sơn Minh cũng đã bộc lộ băn khoăn này khi nói rằng: “Có những ngưỡng mà hư cấu không thể vượt qua. Đó là ngưỡng của chính lương tâm tác giả đối với lịch sử. Không thể vì đề cao người này mà dìm người khác xuống bùn nhơ. Càng không thể mượn nhân vật lịch sử để chuyển những thông điệp đầy tính cá nhân của chính tác giả”[6]. Nguyễn Thế Quang thì cho rằng “tôi chọn viết về đề tài lịch sử với mong muốn bạn đọc hiểu đúng lịch sử hơn. Tôi viết không phải để hoài cổ mà để khám phá bản chất của lịch sử, cùng bạn đọc đối thoại với thực tại để sống đúng hơn, tốt hơn” [8].

Như vậy, lịch sử (nói đúng hơn là chính sử) vừa là điểm tựa, đồng thời cũng là “đối tượng để đối thoại” (chữ dùng của nhà văn Hoàng Minh Tường). Đó là thuận lợi và cũng là khó khăn của các nhà tiểu thuyết lịch sử. Nhà văn đối thoại bằng hư cấu, bằng hệ thống nhân vật, giọng điệu, ngôn từ. Trong đó, nhân vật luôn luôn là nơi tập trung nhất cái nhìn, quan điểm nghệ thuật của nhà văn. Và tất nhiên, bao giờ cũng có một độ “chênh” nào đó giữa những điều được ghi chép lại trong chính sử, lưu truyền trong cộng đồng và những gì nhà văn hư cấu, suy tư, chiêm nghiệm.

2.2. Những góc nhìn có tính diễn ngôn về nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986

Xem xét các tiểu thuyết lịch sử như các diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết, chúng tôi nhận thấy các nhân vật anh hùng thường được xây dựng dưới những góc nhìn khác nhau, tạo nên 3 xu hướng khắc họa, thể hiện hình tượng nhân vật chủ yếu: 1. Nhân vật anh hùng từ góc nhìn đồng hướng với chính sử, 2. Nhân vật anh hùng từ góc nhìn bổ khuyết, đối thoại với chính sử, 3. Nhân vật anh hùng từ góc nhìn đào sâu, khám phá con người cá nhân đời tư. Tất nhiên, sự phân chia này chỉ là tương đối vì trên thực tế ở thế giới nhân vật anh hùng thường có sự kết hợp, đan xen khá sinh động.

2.2.1. Góc nhìn đồng hướng với chính sử

Nói đồng hướng ở đây trước hết biểu hiện ở sự gặp gỡ giữa chính sử, tâm thức cộng đồng và quan điểm của nhà văn. “Đồng hướng” cũng không bao giờ là sự lặp lại, sao chép giản đơn. Góc nhìn đồng hướng với chính sử có thể kể đến nhân vật Bà Triệu trong tác phẩm cùng tên của Hàn Thế Dũng, Đinh Bộ Lĩnh trong Mười hai sứ quân của Vũ Ngọc Đĩnh, Ngô Quyền trong Ngô Vương của Phùng Văn Khai, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt trong Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải, Trần Hưng Đạo trong Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Huệ trong Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh… Trên góc nhìn này, người anh hùng luôn là những vĩ nhân xuất hiện đúng lúc, ở những thời điểm gian nguy của đất nước. Họ là những con người “thay trời hành đạo”, gánh vác trọng trách nặng nề trước trăm họ. Cuộc đời họ gắn liền với các quyết định sáng suốt, các chiến công hiển hách, giữ vững nền độc lập dân tộc, đem lại yên ổn cho Nhân dân, thúc đẩy lịch sử tiến về phía trước.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư (kỷ Nam Bắc phân tranh) [5] có dành khoảng 1 trang (tr.118-119) viết về sự nghiệp của Ngô Quyền, từ việc giết Kiều Công Tiễn đến chiến thắng quân Hoằng Tháo nhà Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của nhà nước Đại Việt. Tiểu thuyết Ngô Vương của Phùng Văn Khai (Nxb Văn học, 2019) cũng dựng lại cuộc đời Ngô Quyền cơ bản thống nhất với những gì sử gia đã ghi. Ngô Quyền nhìn thấy rõ tình thế nguy cơ thù trong, giặc ngoài và bằng trí tuệ, tài năng hơn người, ông đã đoàn kết toàn dân, thu phục nhân tâm, trước giết loạn thần phản nghịch, sau dùng mưu kế đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Bằng, chấm dứt một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ độc lập, tự chủ của dân tộc Đại Việt.

Tám triều vua Lý (4 tập, Nxb Phụ nữ, 2007) của Hoàng Quốc Hải đã tái dựng một cách chân thực, sinh động những sự kiện lịch sử, bối cảnh xã hội, đời sống văn hóa, tôn giáo… dưới triều Lý. Khi được hỏi: “Ông hư cấu đến mức nào?”, nhà văn trả lời: “đến chân thực” [7]. Trong tập 4 (Con đường định mệnh), Hoàng Quốc Hải đã tái hiện gần như trọn vẹn cuộc đời, những chiến công của người anh hùng Lý Thường Kiệt, từ việc giúp rập thái phi Ỷ Lan đến kinh dinh biên ải, từ việc hóa giải mâu thuẫn với Lý Đạo Thành đến việc kéo quân sang đất Tống, triệt hạ Ung Châu, Liêm Châu. Đặc biệt những chiến công của Lý Thường Kiệt trên phòng tuyến sông Như Nguyệt đánh thắng quân xâm lược nhà Tống được thể hiện chi tiết như dàn quân phòng thủ chặt chẽ, nghi binh đánh thẳng vào trại Quách Quỳ, dùng hiệu ứng thơ Thần phối hợp vang lên trong đêm khiến kẻ thù kinh sợ, cuối cùng dùng diệu kế chủ động nghị hòa để Quách Quỳ rút quân về nước.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép khá tỉ mỉ về các sự kiện, các chiến công của triều đại nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Trong Bão táp Triều Trần (6 tập, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1991), Hoàng Quốc Hải cũng dựng lại sinh động bối cảnh, nhiều gương mặt các bậc vua chúa, tướng lĩnh anh hùng nhà Trần khá sát với Quốc sử (vua Trần Nhân Tông, thượng hoàng Trần Thánh Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải…). Cách ứng xử vừa khôn khéo vừa kiên quyết với Sài Thung của Trần Nhân Tông, khả năng tập hợp đoàn kết quân sĩ, tài năng quân sự tuyệt trần của Trần Hưng Đạo, ý chí quyết chiến “phá cường địch, báo hoàng ân” của Trần Quốc Toản… đều thấy hiện diện sinh động ở tác phẩm này.

Nguyễn Huệ được thể hiện trong Hoàng Lê nhất thống chí như một nhân vật xuất chúng có tài cầm quân, “xuất quỷ nhập thần”, đánh đuổi quân Thanh, thu lại giang sơn. Các tác giả Ngô Gia văn phái, vượt qua những chính kiến của giai cấp mình, đã miêu tả Nguyễn Huệ như một anh hùng dân tộc vĩ đại, với áo bào xạm khói, tiến vào kinh thành Thăng Long. Các tác giả Nguyễn Mộng Giác trong Sông côn mùa lũ, Nguyễn Thu Hiền trong Hoàng đế Quang Trung, Lê Đình Danh trong Tây Sơn bi hùng truyện, Vũ Thanh trong Nhất thống sơn hà… cũng đề cao vai trò to lớn của Nguyễn Huệ. Điểm gặp nhau ở các nhà văn là đã tái hiện vai trò Nguyễn Huệ trong bối cảnh nội chiến liên miên Đàng Trong – Đàng Ngoài giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn – cuộc nội chiến khiến đất nước hoang tàn, Nhân dân ly tán, kẻ sĩ hoang mang; lịch sử đang cần phải có một cá nhân tài năng xuất chúng, với khát vọng thống nhất quốc gia mãnh liệt, đủ khả năng tập hợp dân chúng và nhân sĩ mọi miền thành một khối vững chắc để dẹp tan thù trong giặc ngoài. Ngoài ra, Nguyễn Huệ – Quang Trung cũng được thể hiện như một vị quân vương có tầm nhìn xa, có những quyết sách sáng suốt để chấn hưng đất nước sau cơn loạn lạc. Như vậy, góc nhìn đồng hướng với chính sử thường nhấn mạnh vào tầm nhìn xa rộng, tài năng xuất chúng, bản lĩnh kiên cường, những chiến công to lớn đóng góp vào sự nghiệp cứu nước, an dân của người anh hùng.

2.2.2. Góc nhìn bổ sung, đối thoại với chính sử

Góc nhìn bổ sung, đối thoại với chính sử gắn liền với việc nhà văn chú ý những khoảng mờ, những góc khuất của lịch sử, lên tiếng minh oan cho nhiều người anh hùng đã bị đương thời đánh giá thiếu khách quan, công bằng, dùng lịch sử để soi sáng những vấn đề của hiện tại. Các tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh… đều có nhiều trang thể hiện tinh thần đối thoại, soi xét lại quá khứ, lật xới nhiều mặt trong cách nhìn nhận người anh hùng. Trần Thủ Độ trong cuộc chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần, bi kịch của Nguyễn Trãi và vụ án Lệ Chi Viên, những quan hệ phức tạp trong nội bộ anh em Tây Sơn… là những hiện thực đầy hấp dẫn với các cây bút tiểu thuyết.

Không phải ngẫu nhiên mà Trần Thủ Độ – nhà chính trị, danh tướng có công đầu trong việc phế bỏ triều đại nhà Lý, chuyển giao quyền lực cho nhà Trần – được nhiều nhà văn quan tâm. Trong chính sử, Ngô Sĩ Liên viết về Trần Thủ Độ: “tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền lấn át vua”[5]. Sử gia còn viết: “Thủ Độ tuy làm tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc chết… Nhưng cái tội giết vua và thông dâm với hoàng hậu thì khó lẫn tránh với đời sau vậy”[5]. Điều băn khoăn nhất của Hoàng Quốc Hải trước khi bắt tay viết tập 1 của Bão táp triều Trần là viết thế nào về Trần Thủ Độ. Ông tâm sự: “Tôi thường suy ngẫm về vai trò của nhà chiến lược thiên tài Trần Thủ Độ. Thế nhưng qua sử sách các đời, vẫn coi ông là kẻ tàn bạo, lộng hành và bất trung. Càng nghiền ngẫm, tôi càng thấy không thể đồng tình với các sử gia trung đại”[3]. Hình tượng nhân vật Trần Thủ Độ trong tác phẩm của Hoàng Quốc Hải vì thế vừa chân thật lại vừa giàu sức biện giải, tranh luận (đây có lẽ là nhân vật thể hiện rõ nhất cảm hứng đối thoại với chính sử của Hoàng Quốc Hải). Nhà văn xây dựng một Trần Thủ Độ lão luyện, quyền biến và lắm cơ mưu, bằng nhiều thủ đoạn cao tay, kể cả việc chấp nhận để người tình của mình là Trần Thị Dung theo thái tử Sảm về Thăng Long, để từng bước đưa người họ Trần cài cắm vào các vị trí trọng yếu trong triều đình nhà Lý. Mọi toan tính và sự hy sinh ấy cũng chỉ nhằm đạt đến mục đích cuối cùng: lấy thiên hạ của họ Lý về tay họ Trần. Cách hành xử của Trần Thủ Độ vượt khỏi sự suy nghĩ tầm thường của những kẻ hủ nho suốt đời chỉ biết ngu trung, làm tôi chỉ thờ một chủ. Là anh hùng thời loạn, Trần Thủ Độ buộc phải chấp nhận lựa chọn giết một vài người, thậm chí hàng trăm người để cứu cả một đất nước đang trong cơn loạn lạc. Theo Hoàng Quốc Hải, đó mới là chữ “nhân” của người quân tử.

Cùng bắt gặp cách nhìn của Hoàng Quốc Hải, trong tác phẩm của mình, Trần Thanh Cảnh cũng đã để cho nhân vật Trần Thủ Độ tự bày tỏ quan điểm, tự biện giải cho những hành động của mình. Trần Thanh Cảnh không nhìn Trần Thủ Độ như là “giặc của nhà Lý”, một kẻ tàn bạo bất trung. Trần Thanh Cảnh lý giải việc giành ngôi từ tay nhà Lý là “vận trời”, là tất yếu lịch sử: Trần Thủ Độ nói với Lý Huệ Tông: “ta cũng biết trời đất luôn có vận, con người có số. Hơn chục năm cầm quân dẹp giặc cướp khắp đất nước Đại Việt, ta đã nhận ra vận số nhà Lý của ngươi đã hết từ lâu” [1]. Lý giải cho việc Trần Thủ Độ thông dâm với hoàng hậu, nhà văn cũng trao quyền cho nhân vật tự biện giải: “Buổi chiều hôm trước khi gặp người, ta cùng Trần Thị Nương đã cùng nhau hái sen trên đầm, đã cầm tay thề bồi đời này kiếp này là của nhau. Thế nhưng cũng ngay hôm đó, ngươi đã cậy thế là Thái tử con vua mà ép bá phụ ta phải gả Nhị Nương cho ngươi khi ta vắng nhà. Ngươi đã chiếm người con gái duy nhất của lòng ta. Mối hận ấy ta không bao giờ quên”[1]. Như vậy, Hoàng Quốc Hải, Trần Thanh Cảnh đã lí giải hành động mà các sử gia cho là trái đạo lí của người anh hùng Trần Thủ Độ trong logic của đời sống, với rất nhiều mối quan hệ có tính nhân – quả đan chéo nhau.

2.2.3. Góc nhìn mượn lịch sử để đào sâu, khám phá con người cá nhân

Bản chất, thế mạnh của tiểu thuyết là miêu tả, thể hiện con người dưới góc nhìn đời tư. Không có chính sử nào ghi lại được những suy tư thầm kín, những dằn vặt, dằng xé trong nội tâm người anh hùng. Chính sử cũng không quan tâm đến các quan hệ đời thường, nếu điều đó không can hệ gì đến sự hưng vong của triều đại. Nhưng với các tiểu thuyết lịch sử, đây lại là một phương diện được các nhà văn quan tâm đặc biệt.

Đọc các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1975, chúng ta thấy phẩm chất đời thường của người anh hùng hiện lên trong những mối quan hệ với người thân, gia đình, trong tình bạn, tình yêu… Bên cạnh người anh hùng với những chiến công lưu danh sử sách, chúng ta còn thấy hình ảnh những con người bình thường, gần gũi, bình dị, cũng có khát khao tình yêu, tình dục, cũng có những khuyết điểm, sai lầm, bi kịch… Rất nhiều tác phẩm đã thể hiện thành công hình tượng nhân vật anh hùng ở những khía cạnh này như trong Hội thề – Nguyễn Quang Thân, Đất trời – Nam Giao, Đức Thánh Trần – Trần Thanh Cảnh, Sông Côn mùa lũ – Nguyễn Mộng Giác, Sương mù tháng Giêng của Uông Triều…

Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải bên cạnh viết khắc họa phẩm chất, tài năng siêu việt của người anh hùng Trần Quốc Tuấn còn dành nhiều trang miêu tả mối quan hệ đời thường của ông với những người trong hoàng tộc, với những bề tôi tin cẩn như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, với các tướng sĩ, với bà con dân làng. Hội thề của Nguyễn Quang Thân được nhiều người đọc đánh giá cao nhưng cũng gây nên những tranh cãi vì cách tiếp cận và thể hiện nhân vật anh hùng. Có lúc, nhà văn soi chiếu vào nét thô kệch, võ biền của Lê Lợi như một trang chủ miền sơn cước. Một số chi tiết liên quan đến thói quen ăn uống, tình dục của Lê Lợi là những ví dụ. Một ông vua có lúc không giữ phép tắc lễ nghi, ngôn từ bình dân đến vụng về, dáng dấp thô kệch, kém sang, háu ăn và háu gái khiến một số trang sách của Hội thề trở nên “nóng” trong dư luận.

Xuất hiện gần đây, Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sỹ cũng bị một bộ phận độc giả cho là nhiều trang miêu tả tính dục một cách quá đà. Nhân vật Trần Khánh Dư – người anh hùng có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 trong tiểu thuyết này được tô đậm ở nhiều tật xấu. Đó là tính “trăng hoa” nổi tiếng, thú ăn chơi xa xỉ trong các sòng bạc, trường đá gà, đua ngựa…, cổ vũ thói hoang phí, cá độ, cờ bạc của đám vương tôn, công tử trẻ tuổi… “Cái thú của Nhân Huệ vương là các thiếu nữ trắng trong kiểu “hoa đồng nội”, mỹ nữ còn trinh trắng”. Nếu dụ dỗ, mua chuộc không được thì ông dùng quyền uy, tiền bạc, vũ lực để khuất phục. Nếu trong Sương mù tháng giêng của Uông Triều, mối tình Trần Khánh Dư – Thiên Thụy là biểu hiện của khát khao ái ân, khát khao yêu thương, khát khao được sống là chính mình, thì mối tình này trong con mắt của Bùi Việt Sỹ lại quá đậm chất bản năng trần tục trong mặt trái của người anh hùng từng gây tranh cãi trong lịch sử.

2.3. Diễn ngôn về lịch sử và cách thức thể hiện nhân vật anh hùng

Những ý đồ, những góc nhìn khác nhau sẽ quy định cách thức thể hiện người anh hùng. Góc nhìn đồng hướng với chính sử thường đặt nhân vật anh hùng gắn liền với những chiến công chói lọi, những sự kiện lịch sử oai hùng đã được ghi chép lại. Những trang viết tỉ mỉ mô tả trận chiến trên sông Bạch Đằng, từ việc Trần Hưng Đạo cùng các tướng của mình đi “dò hỏi về thủy chế, về độ nông sâu của các con sông quanh vùng, các ngòi lạch, cồn bãi”, đến việc chỉ huy quân binh thay nhau làm việc ngày đêm đo đạc mực nước, cưa cắt, đẽo vát đầu cọc, mài lưỡi rìu… sẵn sàng cho trận thủy chiến, cho đến cảnh đoàn chiến thuyền Quân Nguyên đâm vào bãi cọc và cháy rụi: “Nước rút nhanh, số thuyền giặc bị cọc đâm thủng đáy hoặc bị cọc ngáng mỗi lúc vón lại nhiều thêm. Những chiếc thuyền nan bốc cháy đùng đùng và như có trời phù, tự nhiên gió Tây Nam lại nổi, đẩy những chiếc thuyền lửa phi nhanh như tên bắn, và chúng giăng thành hàng như một vành đai lửa ôm lấy các chiến thuyền quân Nguyên đang giãy giụa tháo chạy”…(Huyết chiến Bạch Đằng, Nxb Phụ nữ, 1991, tr. 409) là những sáng tạo của Hoàng Quốc Hải, nhưng rất thống nhất với quan điểm ngợi ca tài năng quân sự kiệt xuất của Trần Hưng Đạo của các nhà chép sử.

Để làm rõ tài năng, trí tuệ của nhân vật, các nhà văn thường đặt nhân vật gắn với những tình huống éo le, gay cấn để đề cao trí tuệ, bản lĩnh người anh hùng, thể hiện người anh hùng như những “lựa chọn tất yếu của lịch sử”. Tình huống (situation) hay còn được gọi là tình thế thường được hiểu là những thời điểm, những khoảng khắc thời gian nhất định mà ở đó cuộc sống thể hiện những gì đậm đặc nhất, điển hình nhất, giúp cho tính cách nhân vật bộc lộ. Tình huống là phạm trù đặc biệt quan trọng tạo nên tính hấp dẫn của truyện ngắn, nhưng với tiểu thuyết, chúng cũng đóng vai trò không nhỏ. Đó là Ngô Quyền trong Ngô Vương của Phùng Văn Khai đứng trước thời khắc “bên trong có kẻ loạn thần bán nước, bên ngoài thì kẻ thù Nam Hán lăm le bờ cõi”. Đó là Trần Thủ Độ trong Bão táp cung đình được đặt vào tình huống đất nước rối ren, kẻ thù bên ngoài dòm ngó. Đại Việt những năm cuối triều đại nhà Lý đã trở nên hết sức bi đát. Hoàng Quốc Hải cũng tái hiện sinh động một Trần Thủ Độ đầy thông minh, linh hoạt và bản lĩnh trong đối phó với gian nguy, góp phần to lớn vào những thắng lợi vĩ đại của quân dân nhà Trần trong sự nghiệp chống Nguyên Mông, bảo vệ vững chắc bờ cõi đất nước.

Góc nhìn đối thoại với chính sử không chỉ tô đậm những điểm mờ, những góc khuất của lịch sử mà còn chú ý gắn những sự kiện, con người mà bài học quá khứ vẫn rất cần thiết cho ngày hôm nay. Khi bàn về tiểu thuyết lịch sử, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng: “Mỗi khi đời sống xã hội có biến động, những vấn đề nhức nhối, người ta thường tìm về lịch sử, khai thác những vấn đề bị bỏ quên, bị phai nhạt, những con người đã bị đẩy ra ngoại biên, tìm đấy những bài học, hấp thụ những chất men, nguồn khích lệ. Người ta muốn nghe lại tiếng nói của lịch sử, muốn sống lại những thời khắc đau thương và hào hùng, những thời khắc nhục nhã”…[9]. Như vậy, mỗi nhà văn khi lựa chọn đề tài về lịch sử, thông qua các nhân vật lịch sử đều chọn cho mình một cách thức để đối thoại với lịch sử và đưa lịch sử về với cuộc sống đương đại.

Hồ Quý Ly trong chính sử và trong tiểu thuyết là một dẫn chứng sinh động. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Quý Ly tên tự là Lý Nguyên, tự suy tổ tiên là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang, đời Hậu Hán thời Ngũ Quý sang làm thái thú Diễn Châu. Sau đó, làm nhà ở hương Bào Đột châu này, rồi là trại chủ…”, đến năm 1399 “Quý Ly đến đây tội ác đã chất đầy rồi”[5, tr.326]. Các nhà sử học phong kiến đã gay gắt lên án Hồ Quý Ly và triều đại nhà Hồ, quy trách nhiệm cho ông về việc mất nước vào tay giặc Minh. Với tư cách là một nhà văn, Nguyễn Xuân Khánh đã soi chiếu nhân vật từ nhiều góc độ, đi sâu khám phá những uẩn khuất bên trong nội tâm, phân tích động lực của những hành động, từ đó đối thoại với bạn đọc. Một mặt, Nguyễn Xuân Khánh vẫn miêu tả Hồ Quý Ly là một con người đầy cơ mưu, quyền biến, lắm tham vọng, không từ bất kỳ một thủ đoạn nào nhằm đạt được mục đích của mình. Mặt khác, Nguyễn Xuân Khánh cũng khẳng định những công lao của Hồ Quý Ly như một anh hùng trong việc giúp Trần Nghệ Tông chống ngoại bang, trong việc ra sức chấn hưng đất nước để chuẩn bị cho việc kháng chiến chống ngoại xâm chắc chắn sẽ nổ ra. Tác giả cũng nhìn Hồ Quý Ly như một nhân vật lịch sử xuất hiện đúng lúc khi nhà Trần đã mục ruỗng, đất nước cần tiến hành những cải cách để vượt qua khủng hoảng, đi lên. Hồ Quý Ly cũng được nhà văn đặc biệt chú ý thể hiện như một con người nhiều khát vọng nhưng rất cô đơn, có đời sống nội tâm nhiều dằn vặt, đau khổ. Thông qua hình tượng Hồ Quý Ly, tác giả muốn đưa ra một lời minh oan và một thông điệp đầy ý nghĩa: các cải cách tiến bộ được tiến hành khi hoàn cảnh chưa chín muồi, lòng người chưa thuận thì sự thất bại là điều khó tránh khỏi.

Góc nhìn tô đậm con người cá nhân thường đi liền với việc đào sâu vào những bi kịch, những dằn vặt nội tâm, những rung động có tính bản năng của nhân vật anh hùng. Nhiều người trong họ đã rơi vào những éo le, đau xót: số phận nguy hiểm, bấp bênh của con người thời loạn, sự đố kỵ, ghen ghét của người đời, sự đơn độc trong hành trình thực hiện khát vọng… Trong nhiều trang tiểu thuyết lịch sử, Trần Thủ Độ, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… đều là những anh hùng cô đơn. Trần Thủ Độ phải hy sinh tình yêu cá nhân vì dòng họ, vì đất nước; Nguyễn Trãi muốn thực thi lý tưởng nhưng bị dèm pha, bôi nhọ; Lê Lợi đau khổ vì không được sống là chính mình, luôn phải “đeo mặt nạ” của vị tướng lĩnh, người đứng đầu; Nguyễn Huệ chống lại Nguyễn Nhạc, có lúc phải đưa quân đánh lại anh mình để hoàn thành đại nghiệp. Các nhà tiểu thuyết đã chuyển mối quan tâm từ phản ánh sự kiện, con người của lịch sử sang khám phá con người số phận trong dòng chảy lịch sử.

Cũng có những lúc nhà văn đào sâu vào những góc khuất của người anh hùng, đưa nhân vật anh hùng về phía ngoại biên. Trong Bí mật hậu cung, Bùi Anh Tấn đã khắc họa nhân vật Lý Thường Kiệt từ nhiều phương diện khác nhau. Một mặt, nhà văn vẫn cho người đọc thấy được một Lý Thường Kiệt thông minh, bản lĩnh, kiệt xuất trong vai trò một anh hùng dân tộc. Mặt khác, nhà văn đi sâu luận giải những góc khuất của đời sống cá nhân với những giằng xé nội tâm khi biết mình là một người đồng tính. Việc Bùi Anh Tấn hư cấu, giả định về mối “tình trai” của một danh tướng kiệt xuất, một anh hùng dân tộc đã vấp phải những phản ứng gay gắt của độc giả. Có lẽ, ẩn đằng sau đó, nhà văn muốn gửi đến người đọc một thông điệp nhân bản, đời thường, nhưng có người đặt câu hỏi: có thực sự cần thiết khi dùng một người anh hùng được nhân dân đề cao, thờ phụng để đưa vào đó quan điểm riêng của mình về những người đồng tính?

Xây dựng, tô đậm những rung động trong tình yêu nam nữ là cách thức quan trọng thể hiện phương diện đời tư của người anh hùng. Đó là Trần Khánh Dư với mối tình định mệnh và trớ trêu với công chúa Thiên Thụy trong tiểu thuyết cùng tên của Lưu Sơn Minh; là Trần Quốc Tuấn với mối tình cuồng nhiệt và say đắm với người con gái làng Trầm tên Quế Lan trong Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh; là mối tình giữa người anh hùng Nguyễn Huệ và cô gái tên An trong Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong Đức Thánh Trần vừa được thể hiện như một vĩ nhân, vừa là một tình nhân say đắm. Chính sử ghi chép về chuyện tình ái của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chỉ với mấy dòng ít ỏi: “Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng”. Trần Thanh Cảnh lại dành nhiều công sức miêu tả câu chuyện tình của người anh hùng: chuyện tình ngang trái với công chúa Thiên Thành, chuyện tình éo le với nàng Quế Lan. Nhà văn đã dành hẳn một chương sách để nói về mối tình này Quốc Tuấn – Thiên Thành. Đêm hội Mo Nang được miêu tả hết sức li kì và sinh động. Đó là bút pháp tả thực về sự mãnh liệt trong các hành động hoan lạc và sự hòa hợp cao độ về mặt tinh thần: “Quốc Tuấn đỡ Thiên Thành nằm xuống thảm cỏ êm mượt. Họ tuột xiêm y nhau ra. Bàn tay họ da diết thèm muốn quấn quýt vuốt ve vào chỗ đã từng khao khát thầm kín nhau bấy lâu nay… Quốc Tuấn xiết chặt Thiên Thành, rùng mình”[1]. Ở đây, niềm hoan lạc được đặt trong không khí lễ hội vừa phồn thực, vừa huyền bí. Có sự giao hòa, cổ vũ của vũ trụ, đất trời, cây cỏ, có sự đồng điệu đến tuyệt đỉnh của “trai anh hùng” với “gái thuyền quyên”.

3. Như vậy, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 là sự tiếp nối những truyền thống tốt đẹp của văn xuôi về đề tài lịch sử của dân tộc, từ các tiểu thuyết chương hồi có màu sắc lịch sử trong văn xuôi chữ Hán thời trung đại, các tiểu thuyết lịch sử giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến 1945, tiểu thuyết lịch sử mang màu sắc sử thi giai đoạn 1945 – 1975. Đó là một quá trình liên tục, có những thăng trầm và có những kế thừa, phát triển. Nhìn dưới lý thuyết diễn ngôn, có thể nhận thấy có 3 xu hướng chủ yếu tiếp cận, xây dựng nhân vật anh hùng trong các tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986. Ba xu hướng sáng tạo này thể hiện sự đa dạng, phong phú của thế giới nhân vật anh hùng, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính sử và yếu tố hư cấu trong xây dựng nhân vật, đồng thời cũng là biểu hiện của sự tìm tòi sáng tạo, sự phân hóa sinh động của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986.

Đinh Trí Dũng – Trần Thị Nhật

Tài liệu tham khảo:

[1] Trần Thanh Cảnh, Trần Thủ Độ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2020, tr. 155-156, 115, 222.
[2] Hoàng Quốc Hải, Nhà văn là người giải mã lịch sử, https://nhandan.vn/van-hoa/nha-van-la-nguoi-giai-ma-lich-su-356857, cập nhật: 01-05-2019.
[3] Hoàng Quốc Hải, Lời tựa Bão táp cung đình, Nxb Thanh niên, 2005, tr. 11.
[4] Nguyễn Thái Hòa, Từ điển Tu từ – Phong cách – Thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr. 60.
[5]      Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2013, tr. 118, 119, 229, 326.
[6] Lưu Sơn Minh, Viết văn vì nỗi ám ảnh một án oan, https://nld.com.vn/van-nghe/luu-son-minh-viet-van-vi-noi-am-anh-mot-an-oan-20180521212006904.htm, Cập nhật: 22-05-2018.
[7] Nhiều tác giả, Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ năm 2000), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 763.
[8] Nguyễn Thế Quang, “Tôi viết lịch sử với mong muốn bạn đọc hiểu đúng lịch sử, Tạp chí Sông Lam, số 1 (bộ mới), tr. 132-135.
[9] Trần Đình Sử, “Về tiểu thuyết lịch sử”, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ly-luan-va-phe-binh-van-hoc, cập nhật: 04/01/2017.