Nhạc sĩ Mai Cường sinh năm 1952 tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là hội viên: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Sân khấu Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhạc sĩ Mai Cường về Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An làm việc với chức trách Phó Chủ tịch Hội từ năm 1997. Tôi nhớ mãi một buổi sáng thấy có người đàn ông trung niên dáng dấp thẳng thớm, đôi mắt có ánh nhìn ấm áp bắt tay tôi thân thiện và nói mình về làm việc ở cơ quan ta từ ngày hôm nay. Tôi cũng xưng tên, nhạc sĩ nói mình biết rồi, hóa ra ông có đọc các truyện ngắn, bài báo của tôi in trên các báo trung ương và địa phương. Tự nhiên tôi thấy gần gũi và xóa bỏ khoảng cách vị trí của những người cùng ở một cơ quan.

Nhạc sĩ Mai Cường (thứ hai từ trái sang) tại trại sáng tác văn học thiếu nhi hè năm 2008.

Thời gian làm việc ở Hội đến hàng chục năm là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch, dù ở cương vị nào ông cũng tỏ thái độ khiêm nhường, cần mẫn vì việc chung. Thời cương vị Chủ tịch Hội, có nhiều khách phải tiếp đón, làm việc, thái độ ông luôn bình thường như không có gì thay đổi, dù khách ở vị thế nào đều ứng xử như nhau. Có những vị lãnh đạo khác khi có khách thì tay bắt mặt mừng, hơn nữa còn ôm hôn thắm thiết, còn vỗ vai nhau, nhưng sau đó thì mau quên. Còn với ông không ôm hôn, nhưng lúc khách về rồi còn gọi điện hỏi khách đi đến đâu rồi, về đến nhà chưa, an toàn chứ? Những lúc biết tin đồng nghiệp, bạn bè được giải thưởng ông đều mừng vui. Về âm nhạc tôi là kẻ ngoại đạo nên không có ý kiến bình luận gì, nhưng cũng biết ông đã đạt nhiều giải thưởng ở lĩnh vực này, như ca khúc: “Áo cánh nâu non” được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nông dân tổ chức, “Bài hát đêm trăng” do tổ chức UNICEF VN với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội đồng đội Trung ương Đoàn trao tặng. Nhiều bài hát viết về quê hương: “Tình quê Nam Đàn”, “Cửa Lò – mùa hè vẫy gọi”, “Huyền thoại Khủn tinh”, “Em vẫn chờ anh”… đều đã được trao tặng thưởng của Trung ương và địa phương. Không phải chỉ có ca khúc, ông còn có nhiều nhạc múa được giải thưởng ở lĩnh vực này, như các vở: “Cánh phượng làng đỏ”, “Hoa phong lan trên đỉnh Truông Bồn”, “Vụ án Lệ Chi viên”, “Hội xuân”, “Người không thể chết”…

Nhạc sĩ Mai Cường cùng các văn nghệ sĩ Nghệ An giao lưu với các văn nghệ sĩ Cao Bằng năm 2008.

Ông là người của công việc, suy nghĩ lo lắng nhiều, trăn trở lựa chọn phương pháp làm việc phải làm sao cho ít thời gian và có hiệu quả nhất. Có những lần kết thúc cuộc họp căng thẳng đã đồng thuận, thành công, ông nói rằng phải suy nghĩ suốt đêm cách tổ chức như thế nào, phải nói ra sao để cuối cùng có lợi nhất vì việc chung. Cuối đời, ông bị bệnh pakinson rung tay, thoát vị đĩa đệm, cuối năm 2010 thấy khó ăn khó uống, phải khám bệnh, và lại phát hiện thêm một bệnh hiểm nghèo nữa: ung thư thực quản. Không đầu hàng trước bệnh tật, ông kiên trì nhẫn nại uống thuốc và rèn luyện theo hướng dẫn của bác sĩ, sức khỏe giảm sút, tóc rụng xác xơ, nhưng những ngày cảm thấy khỏe khoắn ông lại lên cơ quan.

Nhạc sĩ Mai Cường, ngoài cùng, bên phải, cùng các đồng nghiệp đi thực tế ở huyện Tương Dương.

Ngày 20 tháng 5 năm 2011, tôi nhớ hôm ấy nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ Hà Nội vào Nghệ An thăm nhạc sĩ Mai Cường. Ông mừng vui, cùng cơ quan đón khách trong không khí ấm cúng, chan hòa tình anh em, đồng nghiệp. Cảm thương trước nghị lực chống chọi của nhạc sĩ Mai Cường trước bệnh tật, nhà thơ Hữu Thỉnh đã trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho ông và một số hội viên khác. Nhạc sĩ Mai Cường đã qua đời vào ngày 15 tháng 7 năm 2011, hưởng dương 59 tuổi.

Đàm Quỳnh Ngọc
(Ảnh do nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc cung cấp)