Ban Biên tập Tạp chí Sông Lam mới nhận được tin buồn, nhà thơ Nguyễn Hùng Vỹ, hội viên Ban Thơ – Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, đã từ trần vào hồi 19h20 phút ngày 8 tháng 1 năm 2024 (tức ngày 27/11 năm Quý Mão) sau một thời gian lâm trọng bệnh.

Nguyễn Hùng Vỹ sinh ngày 30/01/1946, quê xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; thường trú tại khối Sơn Tiến, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là chiến sĩ lái xe Trường Sơn, là cán bộ kỹ thuật cơ khí Binh đoàn 559. Nguyễn Hùng Vỹ làm thơ từ năm 1967, khi còn là bộ đội, ông có nhiều tác phẩm được in trên các báo và tạp chí, được chọn đăng trong những tuyển tập từ những năm của thập niên 70.

Nhà thơ Nguyễn Hùng Vỹ là hội viên tích cực của Chi hội VHNT Thái Hoà và Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An. Nguyễn Hùng Vỹ để lại 2 tập thơ Mẹ và quê; Lục bát và tôi, ngoài ra, ông còn có nhiều thơ đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Đặc biệt bài thơ “Lính xế ru con” do ông sáng tác trong những năm là bộ đội Trường Sơn được nhiều người biết đến.

Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến nhà thơ. Tạp chí Sông Lam đăng bài viết của Tiến sĩ Lê Thanh Nga như một nén tâm hương tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Hùng Vỹ.

Mộc lạ Nguyễn Hùng Vỹ qua tập “Lục bát và tôi”                                                 

Tôi thích Nguyễn Hùng Vỹ ở những triết lý sâu đằm được thả trong lối thơ tưng tửng, của một người từng trải và có lẽ cũng coi thường sự đời. Điều này chẳng có gì lạ với một chàng lính lái xe đã trải bao đạn bom, đối mặt ngày đêm với cái chết. Nhưng khởi điểm cho những triết lý ấy, trước hết là những ân tình. Thơ Nguyễn Hùng Vỹ là thơ ân tình. Mỗi bài, mỗi câu, mỗi chữ đọc lên dù tưng tửng bao nhiêu vẫn nặng nặng tấm lòng. Đấy là ân tình với quê hương, với Tổ quốc, mẹ cha, bầu bạn, con cái…, và một người yêu thương nào đó. Không phải ngẫu nhiên đâu, viết về những gian lao trên đường chiến tranh, ông gửi vào lời ru mằn mặn:

“Ngủ ngon con nhé ngày xưa
Cha thèm một giấc ngủ trưa thế này
Qua bao suối cạn rừng dày
Lái xe vẫn thế thường hay ngủ ngồi”
(Lính xế ru con)

Tình yêu thương của Nguyễn Hùng Vỹ dành cho con cái nhiều khi sao mà da diết, sao mà tội nghiệp, bởi đó là thứ tình yêu trong gian khó, trong đói nghèo: “Xuân về trong mắt trẻ thơ/ Con đòi áo mới cha lơ đãng nhìn/ Cái nhìn như thể cầu xin/ Mong sao con trọn niềm tin qua ngày/ Cầu cho con có trên tay/ Bát cơm bớt độn đỡ dày sắn khoai/ Áo anh em mặc tuy dài/ Với con vẫn mới chưa ngoài một xuân” (Ánh mắt và đáy lòng)

Cái nhìn lơ đãng ấy của người cha trước lời cầu xin từ đứa con sao tê tái! Nhưng biết làm sao, ở cái thời mà em mặc thừa áo quần anh chị, ở cái thời mà hầu như mỗi đứa trẻ chỉ có một bộ quần áo tươm tất mặc lúc đến trường, về nhà lại cởi ra; ở cái thời mà khoai sắn, bo bo còn chưa đủ no, thì chiếc áo mới là một thứ tài sản không hề nhỏ. Dĩ nhiên, có nhiều người day dứt, có nhiều người xót xa, nhưng đưa vào thơ, một cách tự nhiên mà cay đắng vậy không phải ai cũng làm được.

Thơ Nguyễn Hùng Vỹ còn là tiếng nói ân tình rất nặng với mẹ cha. Từ đó mà trong thế giới nghệ thuật của ông, hình ảnh mẹ, cha xuất hiện khá phổ biến. Mẹ cha cũng là mẹ cha của nghèo đói, lo toan: “Nghĩ mà thương cảnh mẹ cha/ Một đời tần tảo qua bao non ngàn/ Kiếm từng que củi, hòn than/ Đem về chợ bán xếp hàng đợi trông” (Nghĩ về chợ miền quê)

Nguyễn Hùng Vỹ nghĩ về mẹ cha, về bạn bầu, nhưng luôn trong mối quan hệ với quê hương xứ sở, nhất là khi nghĩ về mẹ cha. Cha mẹ trong thơ ông trở thành hình tượng xuyên suốt, với sự kết nối thế hệ. Chủ thể trữ tình nghĩ về đấng sinh thành, nghĩ về mình trong tư cách đấng sinh thành… Tất cả những suy tư ấy đều mang tâm tư mộc mạc, chân thành mà sâu sắc. Hình bóng cha mẹ toả trên quê hương, cả quê cũ và quê mới, toả trên xứ sở, với những hình ảnh đặc trưng của biển và cát, cao su và cà phê. Chợ quê của Nguyễn Hùng Vỹvừa có cái nghèo đói, u buồn, vừa có cái xao xác tranh mua tranh bán, lại cũng khắc khoải tình người. Ở miền quê chủ yếu còn trong kí ức ấy, Nguyễn Hùng Vỹ đem đến những hình ảnh đủ để ta xao xuyến: một vị cải cay nồng; một bóng đa mát rượi đầu làng; một ngọn gió đồng; là “hoa cà trắng muốt ngang thung” hay “bát canh cuối hạ nắng giòn tàu cau”…

Nguyễn Hùng Vỹ dường như một đời xa xứ. Và nỗi niềm xa xứ luôn trở đi trở lại, day dứt trong ông. Nỗi niềm ấy thể hiện bằng những hoài niệm, mà bên cạnh hoài niệm quê hương là nỗi hoài nhớ về những năm tháng chiến trường, hoài nhớ về thời quân ngũ. Bài thơ “Lính xế ru con” có thể nói là tiêu biểu cho nỗi nhớ này. Nỗi nhớ ấy khởi đi từng giấc ngủ trưa của đứa con. Giấc ngủ trưa ấy dẫn ông về cái thời đói ngủ trong những năm tháng Trường Sơn, khi mà người lính xế “thường hay ngủ ngồi” trên chiếc zin ba cầu gập ghềnh những núi cùng khe, biền biệt tháng ngày để thậm chí không còn nhận biết cả tết đến xuân về. Mà nhận ra nữa thì cũng chỉ đón xuân trong buồng lái, một mình mình biết: ‘Mới hay hoa đã trắng rừng/ Lộc non đã biếc trên từng mắt cây/ Cũng bình yên tựa trưa nay/ Trong buồng lái hẹp cha bày toàn hoa” (Lính xế ru con)

Tôi nói thơ Nguyễn Hùng Vỹ mộc và lạ. Mộc bởi thơ ông không cầu kì, trau chuốt. Thơ ông gần với nhân gian. Ông đem những ân tình của mình ra mà trải với nhân gian một cách hào hiệp và phấn khởi. Những câu thơ như thế này chỉ đơn giản là những tự sự, là biểu đạt thuần tuý mà chưa có nhiều dấu hiệu của sự biểu cảm, chưa có cái dồn nén của ngôn ngữ thơ: “Một mình một zin ba cầu/ Giao thừa nằm đón ngay đầu mui xe/ Năm chưa có đài để nghe/ Mải đi chẳng biết xuân về sau lưng (Lính xế ru con)

Thơ Nguyễn Hùng Vỹ tất nhiên không thiếu những câu hay, nhưng tôi đặc biệt thích những câu lạ. Cái lạ trong thơ Nguyễn Hùng Vỹ hình như cũng được làm nên bởi kiểu tư duy dân gian: một cách nói bông lơn, tưng tửng, nhưng không phải kiểu trạng Quỳnh hay Ba Giai Tú Xuất, mà là cái lạ có chút dằm sâu, khắc khoải của trữ tình. Nguyễn Hùng Vỹ, ở chỗ này, gần với Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn hay Bảo Sinh hơn. Đấy là việc đưa thơ lục bát gần với dân gian hơn, tức là sử dụng lối nói, lối nghĩ, thể hiện lối sống mộc mạc dân gian, đáp ứng được nhu cầu biểu hiện của lối thơ vị tình. Ngoài các đại phẩm thuộc hàng kiệt tác như Truyện Kiều của Nguyễn Du, lục bát nhiều chữ quá, khôn chữ quá không hẳn đã là lựa chọn sáng suốt. Nguyễn Hùng Vỹ không phải là người làm thơ theo trí, mà là thả chữ một cách tự nhiên. Nhưng trong sự thả chữ ấy, có những câu thơ đọc lên thật thú vị: “Giận thương, thương giận cũng nhiều/ Có khi đi hết những chiều mới hay/ Con chim tha cọng cỏ gầy/ Con sông nước chảy phủ đầy chỗ sâu” (Tản mạn); “Ra về lòng vẫn còn mê/ Ước chi bà ngoại là quê nông trường” (Cà phê) “Xa quê bốn chục năm tròn/ Cánh diều thuở bé có còn vẫn trông” (Mẹ và quê)

Có nhiều câu thơ mà ở đó tác giả cho ta thấy cái hồn dân gian cổ xưa rất gần: “Chuyện này xin kể về đêm/ Từ khi con nước mới lên lần đầu/ Tôi về mùa cá cắn câu/ Tôi về mật đã thơm đầu mía nương/ Tôi về ớt đã là tương/ Tôi về phượng cháy đỏ đường ngoài trong/ Em như hạt nắng giữa đồng/ Tôi như diều gió thổi không thành lời” (Nắng miền quê). Đây là một đoạn thơ hay và tác giả cho thấy khi cần làm “phu chữ”, ông cũng làm chẳng kém ai. Trừ hai câu cuối mang màu hiện đại, còn những câu trên, hơi thở dân gian phả rất nóng. Mặc dù tâm sự khác nhau, nhưng cái cách mô tả nhịp điệu thời gian bằng cách quan sát kết quả của sự vật mang màu sắc sinh thái, gắn với làng quê, gắn với lao động sản xuất, chúng khiến ta nhớ đến ca dao.

Hoặc thơ Nguyễn Hùng Vỹ thường có cách nói lặp chữ, thoạt nhìn có vẻ như của người mới học làm thơ. Nhưng không phải. Những lúc lặp chữ là lúc mà tác giả muốn nhấn mạnh, muốn khắc sâu một điểu gì đó: “Rồi bao kỷ niệm mê say/ Tôi ngồi đó ngắm mưa bay ngoài đồng/ Mùa đông tôi nhớ mùa đông/ Bạn bè ngồi nhóm lửa hồng đông vui” (Cây đa); “Mai ngày rồi lại rời quê/ Mai ngày rồi lại về quê… mai ngày” (Con về nhà ngoại)

Cái lạ của Nguyễn Hùng Vỹ trong lục bát, theo tôi thấy, còn là sự ỡm ờ, nhập nhằng đôi lúc giữa tâm và trí, giữa lí và tình, giữa cái đáng tin cậy và cái không đáng tin cậy, kiểu: “Đôi bờ vẫn vậy đôi nơi/ Chỉ còn sóng với những lời ngàn lau” (Không đề); “Thế rồi nhớ đến đầm đìa/ Nhưng mà thật khó biết chia thế nào” (Lính xế ru con)

Tôi không ghét gì thơ hiện đại (hiểu theo nghĩa là loại thơ cách tân mà không ít người phàn nàn, la ó, “tẩy chay”), thậm chí, việc đọc loại thơ này đã trở thành một thói quen, một nhu cầu, và tự tìm thấy những khoái cảm thẩm mỹ ở đó. Tôi cũng chúa ghét những kẻ nhân danh truyền thống để bảo vệ thứ thơ “suôn”, ngòn ngọt, đèm đẹp và sáo rỗng. Thơ Nguyễn Hùng Vỹ không thuộc về phía nào trong hai phía đó. Ông, tự biết mình, tự khám phá mình, lặng lẽ, khiêm nhường mà có nét riêng khó phủ nhận.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về nhà thơ Nguyễn Hùng Vỹ tới các hội viên và bạn đọc.