Thưa ông, từ đời sống cá nhân và xã hôi, ở tất cả mọi phương diện, đều được cha ông ta đúc kết thành minh triết. Với tuổi 87, cái tuổi mà có thể nói là đã đủ thẩm quyền để nói về những chiêm nghiệm về minh triết của cha ông, chúng tôi muốn được ông nghe ông nói về những chiêm nghiệm minh triết về mùa xuân.

Nhà thơ Hồ Phi Phục: Có thể đây là một câu chuyện thú vị. Nhưng mà tôi e rằng mình chưa tri – ngộ được bao nhiêu.

Tôi không nghĩ là vậy. Đọc thơ và văn ông tôi biết mà. Thưa, ông quan niệm thế nào về minh triết?

Nhà thơ Hồ Phi Phục: Tôi nghĩ, minh triết Việt Nam, cũng như của nhân loại đã có từ thời cổ đại, nó bắt nguồn từ văn hóa dân tộc, hay nói đến tận cùng là bắt nguồn từ lịch sử dân tộc. Trên sa bàn lịch sử đó đã nổi lên những đốm sáng như những hạt ngọc nhấp nhánh muôn đời. Đó là minh triết. Minh triết là cả một bầu trời trí tuệ, nó ở trong những luận cứ thành văn, những hành vi vô ngôn khôn ngoan, những dự báo tương lai, những câu nói ngẫu nhiên nổi tiếng,… Và tất cả đều là tinh hoa chọn lọc. Hình như minh triết còn rộng nghĩ hơn cả văn hóa?!

Là một giá trị của văn hóa, nhưng đúng là nó rộng nghĩ hơn, như cách ông nói, vì được tinh lọc từ trí tuệ của biết bao nhiêu đời người.
Đón xuân về, ngắm nghía trí tuệ minh triết Việt Nam và bàn về xuân kể cũng là điều thú vị. Với không gian, thời gian này, không chỉ có thể nêu lên những nghi vấn về vũ trụ quan, về thế giới tự nhiên mà còn có thể nghĩ sâu sắc hơn về Con người, về Đất nước trong xuân bằng minh triết của cha ông.

Nhà thơ Hồ Phi Phục. Ảnh: Võ Khánh

Nhà thơ Hồ Phi Phục: Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là minh triết dựng nước và giữ nước của cha ông mình.
Lịch sử nước ta sau Ngô Quyền, các triều đại từ Đinh đến Nguyễn từng có nhiều mùa xuân lịch sử gắn với các chiến công lớn, các sự kiện lớn. Tôi thấy một mùa xuân ấn tượng là mùa xuân trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, nơi vang lên bài thơ Nam quốc sơn hà, nhanh chóng đánh đuổi 30 vạn quân Tống. Đó là năm 1077. Nam quốc sơn hà Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của đất nước. Hai câu đầu: “Núi sông nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở” – khẳng định chủ quyền, vị thế quốc gia. Hai câu sau: “Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ” – kiên quyết bảo vệ quốc gia đó.
Cũng lạ. Một dân tộc bé nhỏ “đội” trên đầu một quốc gia khổng lồ mà vẫn tồn tại hàng ngàn năm qua bao mùa xuân lịch sử, “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua” như thơ Hồ Chí Minh, hẳn là có căn nguyên của nó. Vấn đề là văn hóa, là minh triết. Trong tác phẩm “Sự thống trị của thực dân Anh ở Ấn Độ”, Mác đã tổng kết: “Một dân tộc đi chinh phục một dân tộc khác mà không có văn hóa cao hơn sẽ bị chinh phục trở lại, đó là một quy luật tất yếu của lịch sử”. Macnavara người đồng cấp cựu thù của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về hưu mới hiểu ra Mỹ thua Việt Nam vì không hiểu nổi văn hóa Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử mới thấy văn hóa Việt, minh triết Việt cao đẹp dường nào. Thời Trần, sáng suốt Hội nghị Diên Hồng, sáng ngời vị vua minh triết Trần Nhân Tông. Thời Lê – Mạc, nhà hiền triết Nguyễn Bỉnh Khiêm có lời khuyên “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, điều đó không chỉ đúng cho Nguyễn Hoàng mà còn thấy rõ hơn trong chống Mỹ. Đó là minh triết qua núi. Nguyễn Bỉnh Khiêm còn nói về sông biển qua câu thơ căn dặn con cháu: “Vạn dặm biển Đông hãy nắm chặt trong bàn tay”. Theo minh triết dựng nước, minh triết giữ nước luôn được hình thành, bổ sung theo dòng lịch sử bằng nhiều cung cách. Thời nào cũng vậy, trước hết phải lo cuộc sống cho dân – “Có thực mới vực được đạo”. Từ  rất sớm Lang Liêu đã dâng bánh chưng cho Vua Hùng. Tiếp đến Nguyễn Trãi với câu thơ “Nên thợ nên thầy vì có học/ No ăn no mặc bởi hay làm”. Rồi Hồ Chí Minh “Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Minh triết nhân văn của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh là tương đồng. Trên trường kỳ lịch sử còn có bao nhiêu là minh triết Việt quý giá khác: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Thực túc binh cường”, “Dĩ bất biến ứng vạn biến”,… bao trùm chung quanh nghĩa lớn “Vạn đại vi dân”. Cuối cùng vẫn là dân. Vạn đại vi dân là gốc của nước. Vạn đại vi dân là lẽ sống của người. Ông vua nào, nhà lãnh đạo nào không dựa vào dân sẽ chuốc thất bại, hoặc dựa vào công cụ bất minh cũng sẽ chuốc thất bại.

Ông có nhớ câu nào trong kho tàng minh triết Việt có ý nghĩa cảnh báo về hậu quả của tình trạng đối xử thô bạo với thiên nhiên? Minh triết Việt hướng con người sống hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, còn bây giờ… Ông nghĩ gì về tình trạng này? Yếu tố xã hội nào đã thúc đẩy quá trình này?

Nhà thơ Hồ Phi Phục: Có những câu nói thông thường mà minh triết. Minh triết đang hiển hiện trong cuộc sống. “Rừng tàn thì dân tộc tan”, thật là chí lý. Thật đau xót với tiềm năng lớn “rừng vàng biển bạc” đang dần cạn kiệt. Lũ ống, lũ quét, xả nước trôi làng, dân tình kêu la… Cách đây mươi năm, tôi xem một tài liệu nói: trên thế giới sản lượng điện thủy điện chỉ chiếm 2% toàn bộ sản lượng điện nói chung. Ở Việt nam con số tương ứng lúc này chiếm 36%. Như thế là nguy cơ mất cân bằng sinh thái quá tệ hại rồi! Những diện tích rừng mênh mông trước đây sinh thủy thì giờ chỉ còn làm cái việc chứa thủy. Nguồn nước cạn kiệt, đất nương rẫy ngàn năm bị xóa sổ, đồng bào dân tộc đã phải bỏ buôn làng, lao đao cuộc sống. Quốc hội vừa rồi cũng đã phải lên án gay gắt và Chính phủ cũng đã phải hứa khắc phục về tình trạng này. Minh triết của cha ông về lĩnh vực này đang bắt đầu ngấm vào công quyền.
Nhất thủy, nhì hỏa” là minh triết cảnh báo sự tàn phá cực kỳ ghê gớm của thủy. Thực là “điếc dạn súng”. Một minh triết lớn khác tưởng như nói về xã hội nhưng lại cũng liên hệ chặt chẽ với tự nhiên là “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Đạo lý thiêng liêng nhất này là chữ Hiếu gắn với sơn hà gấm vóc. Thế mà con cháu lại nỡ phá núi, chặt rừng. Đến những 500 công trình thủy điện dày đặc trên mảnh đất chữ S nhỏ bé này! Tôi nghĩ, minh triết Việt có thể ngăn chặn những sai lầm đáng tiếc, nhưng trên thực tế người ta bỏ cổ phần vào những chỗ ngon ăn thì vẫn hấp dẫn hơn nhiều!

Trong tìm hiểu, học hỏi minh triết Việt, ông có bắt gặp điều gì bất ngờ ấn tượng?

Nhà thơ Hồ Phi Phục: Hồi bé tôi sống ở Thanh Chương, trên cái xà ngang nhà bếp, anh họ tôi viết rõ một khẩu hiệu: “Nấu ăn phải nếm cho vừa”. Cực kỳ giản dị nhưng cũng cực kỳ chính xác. Đó là nói đến sự hợp lý, hợp tình.
Tôi cũng rất ấn tượng, rất mê minh triết “Đàn ông là sấm, đàn bà là sét” của đồng bào Tây Nguyên. Thật là sâu sắc, kín đáo!

Ông lựa chọn minh triết hay là triết lý sống nào cho cuộc đời mình?

Nhà thơ Hồ Phi Phục: “Trèo cao ngã đau” là một minh triết giản dị mà sâu sắc, cha ông còn nói “có phúc hay lội, có tội hay trèo”. Con người có thể xây dựng những sự nghiệp lớn, những công trình nguy nga đồ sộ, nhưng cuộc chiến thầm lặng trong từng cá nhân con người giữa thiện và ác là một cuộc chiến thần thánh, không bao giờ kết thúc… Minh triết “Thắng không kiêu, bại không nản” rất cần. “Buồn ơi chào mi” (đề sách của một nhà văn Pháp) ở cái phần tiêu cực của buồn.

Và bây giờ ở tuổi bát tuần, chắc ông phải có một vài ý nghĩ hài lòng về niềm tin minh triết mùa xuân đất Việt?

Nhà thơ Hồ Phi Phục: Tôi thích Mùa Xuân của Nhà thơ Thanh Hải: “Mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời, nước non ngàn dặm…”. Cũng thích cái ước mơ giản dị mà không phải dễ có của Văn Cao “Từ nay người biết quê người, từ nay người biết thương người, từ nay người biết yêu người” khi xuân về. Tôi lại càng bị hấp dẫn bởi phát hiện tinh tế của nhà văn Nguyễn Tuân về khoảng thời gian cuối năm: “Ra bao giờ cũng cậy, cái lúc TỐI nhất của đêm lại là lúc đêm gần về hẳn SÁNG”- Một sự chuyển tiếp đất trời thú vị gây liên tưởng cứu cánh cuối cùng của con người là mùa Xuân.

Xin cảm ơn ông và chúc ông thật vui, khỏe!

Nguyên Thanh (thực hiện)