(Đọc “Qua sông nhặt bóng”, Chân dung văn học của Lê Huy Mậu).

Nhà thơ Lê Huy Mậu, quê Thanh Chương, tính đến nay đã có gần 20 đầu sách cả thơ và văn, trong đó 14 tập thơ và trường ca, 4 tập truyện ngắn, bút ký, tiểu luận phê bình, chân dung văn học. Ông sinh năm 1949, giờ đã ở tuổi 75, một nội lực cầm bút như thế đã đáng nể! Thượng tuần tháng 9 năm ngoái, nhà thơ Lê Huy Mậu về quê thăm người thân, hương khói cho gia tiên, sau đó ra Hải Phòng dự hội nghị các nhà văn lão thành do Hội Nhà văn đứng ra tổ chức. Ông gọi cho tôi cùng vài người bạn văn nữa gặp gỡ tại Vinh, cuốn sách “Qua sông nhặt bóng” (Ký chân dung văn học, NXB Thanh Niên, 2022) ông ký tặng tôi và dịch giả Hoàng Xuân Thường dịp này. Mỗi lần có dịp về quê, ông đều thế, hình như nhà thơ khó có thể sống thiếu bạn bè được.

Vẫn biết bước vào thể loại phê bình này cũng khó như kẻ chỉ “nhặt bóng” mỗi lúc “qua sông”, nhà thơ vẫn tìm được lối đi, sức cuốn hút để cuối cùng tập hợp lại thành một vệt bài. Cuốn sách “Qua sông nhặt bóng” dày đúng 300 trang in, tạm chia làm ba phần: Các tác giả ngoài tỉnh (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi ông sống, viết từ nhiều năm nay); Các tác trong tỉnh; Phần phụ lục gồm 6 bài thơ “khóc bạn”, tôi thích nhất bài thơ “Khóc Phùng Quán”: “… Sừng sững mãi một lòng lành Phùng Quán/ Chỉ yêu nói yêu, ghét nói ghét thôi mà!” Có 23 nhà thơ, nhà văn quen biết với bạn đọc cả nước, ở phần đầu, xin kể theo thứ tự mục lục ghi: Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Hoàng Đình Quang, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Thiện, Xuân Sách, Hữu Thỉnh, Bùi Minh Quốc, Trần Đức Tiến, Khôi Vũ, Nguyễn Bùi Vợi, Tùng Bách, Văn Công Hùng, Chính Tâm, Thạch Quỳ, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Khoa Điềm, Ngô Minh, Võ Văn Trực, Trần Sỹ Kháng, Nguyễn Huy Hoàng, Giáp Văn Chung, Đoàn Xuân Hòa… thì Lê Huy Mậu đều có may mắn đọc họ, gặp gỡ, chơi thân, phải lòng với họ, và gim lại trong ký ức mình bao kỷ niệm nhớ đời, để từ đó lần lượt dựng nên những bức chân dung văn học bằng ngôn từ, bằng sự nhớ thương, mến mộ. Tôi đọc và “mê mẩn” những chân dung Lê Huy Mậu viết về một số bạn thơ ông thân gần, quý mến có khi còn hơn cả ruột rà: Xuân Sách, Hữu Thỉnh, Nguyễn Bùi Vợi, Võ Văn Trực, Thạch Quỳ, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đức Tiến, Tùng Bách, Trần Sỹ Kháng. Qua chân dung đồng nghiệp, đồng hương, người viết còn gửi gắm vào đó biết bao suy tư, ký ức, nghĩ ngợi, đề xuất gan ruột mà ông không thể nói được bằng thơ?! Nhà văn Nguyễn Trường, ở bài in đầu sách, nhân đọc tập bút ký chân dung này, có đoạn: “Nếu trong thơ, Lê Huy Mậu cả đời ám ảnh với dòng sông quê, thì trong văn xuôi, có lẽ tâm hồn anh ám ảnh bởi những bạn văn – người còn, kẻ mất với bao ân tình- được anh thể hiện trong “Qua sông nhặt bóng”. Anh đã nhặt được tâm hồn các bạn văn của mình làm hành trang kỷ niệm. Tôi tin rằng, đó đang và sẽ trở thành “một- dòng- xanh- chảy- mãi- đến- vô- cùng”. Nguyễn Trường đã hiểu khá tường tận về tác giả cuốn chân dung văn học mà anh may mắn được đọc trước, rồi viết lời giới thiệu.

Nhà thơ Lê Huy Mậu

Đọc “Qua sông nhặt bóng”, nhiều chỗ tôi sung sướng “nhặt” được những đoạn văn hay, của một cây bút cả nghĩ, từng trải trong trường đời, trường nghề. Này đây, một đoạn ông rút ra từ lối ứng xử, tính cách rất đáng yêu của nhà thơ Võ Văn Trực: “Thông thường, người đời phò thịnh không mấy ai phò suy. Nhà văn cũng là người đời. Nhà văn cũng là người đời, nhưng khác người đời. Ấy là nói những nhà văn đích thực. Những nhà văn còn mang trong mình khí tiết “nho phong, đạo cốt” của nhà văn. Còn thì, trong cõi nhốn nháo thị trường như sau này, ngày càng hiếm những nhà văn có cốt cách như anh Trực. Mọi chuyện còn đó. Tôi đồ rằng, những nhà văn lúc sống “được” nhiều quá thì lúc chết chẳng còn gì cả. Trái lại, những nhà văn lúc sống có nhiều gian truân, thiệt thòi, lúc chết đi lại được trả lại nguyên vẹn. Vẫn còn có một thứ công bằng, không phải từ tạo hóa, mà từ bạn đọc, từ nhân dân cho mọi hy sinh, cho mọi sự lặng thầm cống hiến!”. Giá của một nghiệp văn, của những trang viết hay, suy cho cùng nhà văn đều phải “trả” đầy đủ cho nó. Có lẽ, đấy cũng là một quy luật, một thứ Nhân – Quả mà đạo Phật đúc kết cách nay hơn 2500 năm, nó thấm nhuần qua hầu hết mọi khát vọng, mọi hoạt động, trải nghiệm, mọi di sản của con người, trong đó có các nhà văn.

Ở nước ta và trên thế giới, thể loại chân dung văn học không mới, tuy nhiên để viết hay thì chẳng dễ chút nào. Văn, trong chân dung văn học đòi hỏi tư duy nghệ thuật uyển chuyển, bay bổng kết hợp tư duy khoa học chặt chẽ, mạch lạc; người viết cần huy động được cả vốn sống và vốn sách vở tích lũy dày công sau nhiều năm tháng. Ở những bài chân dung thành công của tập “Qua sông nhặt sóng”, Lê Huy Mậu đã kết hợp tới hài hòa, đầy đặn, tự nhiên những đòi hỏi nêu trên. Cái cười hóm xuất hiện nhiều chỗ cũng góp phần hóa giải, đưa bạn đọc đến gần hơn thế giới của văn chương xưa nay vốn tinh tế, phức tạp, đa đoan…

Nguyễn Văn Hùng