Tháng Ba, khi những cơn mưa xuân thi thoảng còn rây lất phất, khi cái rét nàng Bân còn đủ làm lòng người run rẩy, cũng là lúc những cây hoa gạo trở mình, bung hoa khắc lên nền trời những tháp lửa khổng lồ.

Tháng Ba về hoa gạo thắp lửa cả vùng trời quê. Ảnh: Nguyễn Đạo

Hoa gạo còn được gọi với cái tên mỹ miều khác là Mộc miên. Nhưng tôi vẫn thích cái tên hoa gạo vì nó có gì đó thật gần gũi, thân thương. Nhắc tới loài hoa này là nhắc tới một nét đặc trưng của những làng quê Bắc Bộ. Có thể bóng dáng cây gạo thấy thấp thoáng đâu đó trên những con đê làng miên man, trải dài bên sông; trên những cánh đồng bát ngát lúa xanh; ở đầu làng, cuối xóm; hay ngay cạnh những ngôi đình cổ kính.

Hoa gạo nhuộm đỏ bãi sông. Ảnh: Nguyễn Đạo

Khi tôi lớn lên, ở quê tôi không còn cây hoa gạo, mà nó chỉ còn trong ký ức của ông bà, cha mẹ. Bố tôi kể lại, ngày xưa mỗi lần đi học về, trẻ con thường nhặt bông hoa rụng để ăn vì ngày xưa đói hơn bây giờ; khi quả rụng thì nhặt bông nằm trong quả gạo bung ra về làm bấc thắp đèn dầu, nhiều thì làm ruột gối, làm lớp giữ nhiệt của áo khoác… Hết mùa hoa, vào hè cây như những chiếc ô khổng lồ cho bóng mát. Gốc gạo còn là nơi người nông dân dừng chân hóng gió để lau khô những giọt mồ hôi nhọc nhằn, cùng nhau kể chuyện tâm tình. Về sau, khi có cơ hội đi nhiều nơi, tôi được thấy hình ảnh cây hoa gạo ở đời thực chứ không chỉ qua tưởng tượng. Dù đứng giữa đồng bằng hay núi đồi, giữa làng quê hay phố thị thì cây hoa gạo luôn sừng sững, đầy kiêu hãnh.

Cây gạo là người bạn thân thiết của người nông dân sau những giờ làm đồng mệt nhọc. Ảnh: Phan Tất Lành

Một lần, tôi về thăm làng Liên Trì thuộc xã Liên Thành (Yên Thành) vào đúng vào lúc cây gạo cho hoa. Hai cây hoa gạo cổ thụ nằm gần đình Liên Trì to cao, sừng sững như những hộ vệ bảo vệ làng, và tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của ngôi đình cổ. Đứng dưới gốc cây hoa gạo cổ thụ, tôi thấy mình trở nên nhỏ bé vô cùng. Gốc cây to chừng hai người ôm không xuể; lớp gai già đã rụng, để lại một lớp vỏ sần sùi màu nâu sẫm. Đưa tay chạm vào gốc cây, tôi cảm nhận dường như cây đã đi qua bao nắng gió, đã chứng kiến bao đổi thay của thời cuộc, đã lắng nghe không biết bao nhiêu câu chuyện, và đi qua rất nhiều kiếp người. Dù cây có khoác lên mình lớp vỏ xù xì năm tháng nhưng vẫn cho hoa rực cả một khoảng trời rộng lớn, rụng trải đầy sân đình, ngõ quê thành những thảm đỏ. Tôi đưa tay nhặt lấy vài bông mà ngắm cho thỏa sự tò mò bấy lâu.

Dù ở đâu, cây hoa gạo vẫn thường hay đứng sừng sững một mình. Ảnh: Nguyễn Đạo

Tôi cứ ngỡ cây hoa gạo chỉ có ở làng quê nhưng rồi một ngày bắt gặp hình ảnh đó trên phố phường tấp nập. Trên đường Quang Trung của thành phố Vinh, nơi tôi vẫn đi qua đó hàng ngày nhưng sự ồn ã phố thị khiến tôi không nhận ra sự hiện diện của những cây gạo cổ thụ. Để rồi tháng Ba về, tôi chợt giật mình khi cây gạo bung hoa rực rỡ, sáng cả góc phố từ lúc nào không hay. Một hình ảnh quen thuộc mà cũng thật là lạ lẫm. Là phố trong quê hay hồn quê trong phố? Mỗi lần như thế tôi thường đứng ngắm nhìn cây gạo rồi nghĩ về xa xăm. Những bông hoa gạo treo mình trên nền trời, cành vươn cao tỏa ra trên những con phố gợi trong tôi một chút nhớ, chút thương về chốn quê nhà.

Hoa gạo thả lên nền trời trên phố đường Quang Trung (TP. Vinh). Ảnh: Võ Khánh

Dân gian có câu “Bao giờ cho đến tháng Ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”, quả đúng với cái tiết trời cuối xuân, khi những đợt lạnh thưa thớt cuối cùng dần đi qua và báo hiệu mùa hè ấm áp sắp tới. Từ tháng Mười âm lịch, cây hoa gạo đã bắt đầu trút lá, chỉ mang một bộ xương trơ trọi. Với bộ dạng ấy, cây hoa gạo biến mình thành một kẻ lười biếng nằm im lìm đi qua mùa đông rét mướt. Xuân sang, khi cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua nở nhưng cây gạo vẫn trơ lá đứng nhẫn nại, không đua tranh mà lặng lẽ ngắm muôn loài khoe sắc. Chờ tháng Ba về, khi khoảnh khắc thuộc về mình, cây hoa gạo mới tự tin, kiêu hãnh khoác lên chiếc áo đỏ thắp sáng những góc trời nơi nó chiếm ngự.

Mùa hoa gạo thường kéo dài một tháng, thường vào độ tháng Ba. Trong suốt thời gian chuẩn bị cho đến khi ra hoa cây đều trơ trụi lá. Dường như mọi nhựa sống cây tích lũy được trong suốt cả mùa đông đều dồn vào cả cho hoa, chỉ đến khi hoa rụng hết, chồi non mới cựa mình chui ra từ những chiếc cành khăng khiu. Không thơm nồng nàn như hoa bưởi, không e ấp tỏa hương nhẹ nhàng như hoa xoan, nhưng hoa gạo luôn cháy hết mình với màu sắc nổi bật. Khi nở, hoa gạo có kích thước lớn với 5 cánh dày dặn, uốn cong trông giống như những chiếc đèn hoa đăng thả lên nền trời. Nhụy hoa mỏng manh nhưng thẳng tắp, trên đầu có những chấm đỏ như những tia lửa chỉ chờ ngày để được bùng cháy.

Cây hoa gạo nhuộm đỏ bầu trời mỗi lần ra hoa. Ảnh: Nguyễn Đạo

Những bông hoa gạo vòng đời cũng thật ngắn ngủi, vừa thấy cháy rực trên cành đó thôi nhưng chỉ vài ngày đã gieo xuống nhuộm đỏ gốc cây. Nhìn những bông hoa gạo vẫn còn đỏ rực nằm lăn lóc dưới gốc cây, tôi lại nghĩ tới cái hữu hạn của kiếp người, nghĩ về quy luật khắc nghiệt của thời gian. Nhưng thật kì diệu, hoa gạo khi lìa cành vẫn giữ nguyên bông, vẫn nguyên màu hoa đỏ thắm ấy như mãi ôm ấp một tấm lòng son sắt. Phải chăng vì thế mà hình ảnh đó được gắn liền với câu chuyện về một người con gái với tình yêu chân thành trong truyền thuyết về hoa gạo?!

Hoa gạo vẫn giữ nguyên bông cùng màu đỏ thắm sau khi rụng xuống. Ảnh: Nguyễn Đạo

Chẳng ai có thể làm ngơ trước vẻ đẹp rực rỡ của những bông hoa gạo, trước sắc hoa thắp bừng lên giữa không gian khiến lòng người mê đắm. Tôi thầm cảm ơn những những cây hoa gạo trên nẻo đường tôi qua bởi đó là nơi tôi có thể neo lòng mình giữa cuộc sống xô bồ. Cảm ơn màu hoa thắm đỏ, màu hoa gợi nỗi nhớ mênh mang về quê hương, xóm làng, thắp lên trong tôi những tin yêu, những hy vọng, màu hoa gọi tháng Ba về!

Lê Nhung