Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Nguồn ảnh: baochinhphu.vn

Ma nhai tại Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng) là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với một hệ thống gồm 78 văn bản được khắc trên đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn có niên đại từ đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Nguồn tư liệu này có giá trị trên nhiều phương diện: văn hóa, giáo dục, xã hội, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, v.v… của Đà Nẵng và của đất nước Việt Nam thời phong kiến. Đặc biệt, từ nội dung bia ma nhai, có thể tìm hiểu về quá trình giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các nước giữa Đông Á như Nhật Bản – Trung Hoa – Việt Nam từ thế kỷ 17, biểu hiện cho tầm nhìn chiến lược biển, chính sách ngoại giao rộng mở của Việt Nam từ thời trung đại, cũng như các kỹ thuật chạm khắc đá truyền thống còn lưu truyền đến ngày nay.

Hệ thống ma nhai tại Ngũ Hành Sơn là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, có nội dung đa dạng với nhiều thể loại văn học như ngự bút, bía ký, tán, thư văn, đề từ, đề danh, câu đối…. của các vị vua, quan triều Nguyễn, các vị cao tăng cùng bao thế hệ tao nhân mặc khách từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, được thể hiện dưới hình thức độc đáo, không thể thay thế được, nên rất được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm.

Với những giá trị đặc biệt trên, ngày 26/11/2022, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã công nhận Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là 1 trong 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Và ngày 1/3/2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã long trọng đón nhận bằng công nhận của UNESCO đối với di sản ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Qua gần 400 năm, hiện chỉ còn 52/78 ma nhai được nhìn rõ, đọc được. Số còn lại dần bị bào mòn bởi thời gian, tác động của thiên nhiên và con người. Nhiều di tích ma nhai bị nứt vỡ, bôi trét lại bằng xi măng, vôi vữa. Số khác bị đục khắc làm biến dạng, mất chữ. Hiện nay Thành phố Đà Nẵng đang triển khai nhiều biện pháp để bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này, trong đó có việc số hóa các tư liệu.

Từ năm 1993 đến nay, UESCO đã ghi danh 32 di sản của Việt Nam. Đây là sự ghi nhận của thế giới về những nỗ lực của Việt Nam đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự phát triển bền vững và hòa nhập văn hóa.

An Thư (tổng hợp)