LTS: Có thể gọi đây là một tùy bút, một tản mạn về một ngôi làng Bắc Bộ điển hình. Tác giả Trịnh Đình Nghi quê Nam Định nhưng đã có gần 30 năm sống ở nhiều vùng quê xứ Nghệ.

Viết về làng mình, nhưng lại thấp thoáng bóng dáng của bao làng. Chuyện từ con ngõ, mái đình đến chuyện con người, chuyện đối nhân xử thế. Kể chuyện xưa, soi chuyện nay, để chiêm nghiệm những điều thiệt hơn, để yêu thương, mong mỏi hơn cho làng quê Việt, sao cho sự “đổi mới” ồ ạt diễn ra, mà vẫn giữ được “nếp làng”

******

      Gọi là làng mới nhưng đến nay cũng đã vài trăm năm, làng được phong thủy và sắp xếp quy củ rõ ràng, có những giếng làng trong mát và những cây đa cổ thụ, đường làng được lát hai hàng đá phiến từ đầu làng đến cuối làng để cho dân làng không phải lầy lội những khi trời mưa, trong làng có bố trí những con cừ con rạch để thoát nước từ các ao trong làng ra ngoài đồng. Những con ngõ lát gạch nghiêng chắc chắn và rất đẹp.

Cổng làng. Nguồn ảnh: Internet

Cũng như bao làng quê khác, đình làng luôn là trung tâm văn hóa tín ngưỡng, là hình ảnh, trật tự và “thương hiệu” của làng. Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, khi mới dựng ngôi đình quay mặt hướng nam thì giai làng toàn đi ăn cướp, quay mặt lại hướng tây thì làng toàn đi ăn mày, đến khi quay mặt đình về hướng đông thì đàn ông trong làng người nào cũng hai ba bà vợ. Cứ đi đến đâu là vợ đến đấy, nhưng mấy vợ sống chung một nhà cũng cứ êm tắp. Của nả thì có gì mà chạnh chọe, mỗi bà vợ vài sào ruộng cứ thế mà làm, giáp hạt thì xì sụp cháo khoai cháo cám. Con cái thì cứ sòn sòn năm một vì ngày ấy nhất con nhì của, đẻ nhiều là phúc lớn “giời sinh voi sinh cỏ”. Đẻ ra rồi thì chuyện con bà nọ bú sữa bà kia là bình thường.

Cũng vì cái lẽ ấy mà con cái lớn lên vẫn quý trọng mẹ và dì ghẻ như nhau, đối xử tốt cho nên dù ở cùng nhà nhưng chả mấy khi chì bấc. Đã rằng luật lệ phong kiến nó hà khắc lắm “…xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” thì quay về nhà sao được. Coi như cái hướng đình vậy là ổn “cả sông đông chợ lắm vợ nhiều con” cả làng như thế thì chả ai còn dại mà mở mồm chê bôi, chê thì khác gì tự vả mồm mình. Thời đa thê thế mà nghiêm, mà nền nã yêu nhau, đùm bọc nhau mà sống. Đấy là chuyện xưa, chuyện của cái hướng đình.

Làng tôi xưa có đến chục cái bàn đèn thuốc phiện, các cụ đi buôn bán khắp nơi nhất là vùng Tây Bắc và xứ Thanh nên sa vào thuốc phiện cũng nhiều. May sao chuyện nghiện ngập của các cụ ấy thất truyền nên hậu duệ của các cụ nghiện ấy không ai theo đòi.

Từ khi thành lập hợp tác xã nông nghiệp thì hai hàng đá phiến dọc đường làng được dỡ bỏ để có đường cho xe đạp, máy cày máy kéo phục vụ sản xuất lớn, thế là thành đường đất lầy lội suốt mấy chục năm. Đến thời kỳ đổi mới làng bắt đầu bung ra, nào là cắt đất nông nghiệp để giãn dân, tách hộ, nào là lấp hết ao hồ mương rạch để xây nhà, đến cả nghĩa địa của làng cũng phải di chuyển để lấy đất giãn dân, rồi thì kinh tế phát triển nhà nhà đua nhau mở hàng mở quán, làm nghề phụ, dịch vụ, thả sức chen lấn đường làng ngõ xóm.

Chẳng theo định hướng chẳng có quy hoạch quy tắc gì, hình ảnh đẹp đẽ quy củ của ngôi làng ngay xưa là thế bây giờ trở nên méo mó dị dạng, mương rãnh tắc nghẽn nước không thoát ra ngoài được cứ mưa là các ngõ lội bì bõm, rồi thì rác thải, nước thải ứ đọng ô nhiễm, bệnh tật phát sinh và còn bao nhiêu những hệ lụy khác nữa.

Thời đại mới, làng xóm văn minh hơn, kinh tế mở mang, đường làng ngõ xóm đã rải bê tông đến tận cổng nhà chứ không lầy lội cứt trâu cứt bò rải khắp như xưa. Không còn cảnh nhà tranh vách đất, nghèo cũng nhà ngói sân gạch nhà khá hơn thì mái bằng bê tông vuông như cái hộp. Nhà nào cũng ti vi, đầu đĩa. Con cháu của làng đi đó đi đây làm ăn khấm khá, ngày lễ ngày tết đường làng cứ chật kín ô tô. Hương ước của làng cũng thay đổi cho phù hợp với luật nước, chế độ một vợ một chồng, con thì hai đứa chứ không còn cảnh đa thê đẻ phứa, bây giờ trẻ con nông dân đủ cơm ăn quanh năm không phải như ngày xưa nhai ngô nhai sắn nhếu nháo, cái lý “giời sinh voi sinh cỏ” coi như quên hẳn.

Không đa thê, không ăn cướp, cũng hết ăn mày, nhưng việc tế lễ tuần tiết thì vẫn cứ như xưa tục nào lệ ấy, có chăng là bây giờ cúng bái không đĩa hoa phẩm oản sơ sài mà cứ là tiền mặt đặt lễ chắc ăn. Bài cúng bài tế vẫn có câu “thần vị tiền” đó thôi.

Chuyện thiêng của đình cũng phải đổi mới để theo kịp thời đại. Giai làng không đa thê danh chính ngôn thuận nữa nhưng chém gió thì thành thần, vơ trời nhét bị…

Thời buổi văn minh, nông thôn với thị thành khoảng cách chẳng bao xa, bao nhiêu cái thú đời nửa tây nửa ta, dở lành dở loạn cứ hoành hành đâu đó. Cuộc sống khấm khá, điện, đường, trường, trạm đủ cả, ao hồ kênh rạch đã không còn trong mát cho trẻ tắm táp nô đùa nhưng bù lại chương trình nước sạch nông thôn cũng đã vào bếp mọi nhà. Chợ làng chỉ họp chốc nhát buổi sáng nhưng năm sáu phản thịt ngồn ngộn thế mà chậm chân thì đến cái xương ống, móng giò cũng chả còn.

….

Làng bây giờ nhiều thứ nó cứ biến dạng méo mó đi cả, ma chay hiếu hỉ, giỗ chạp cứ tùy tiện mỗi nhà mỗi kiểu, nhà có điều kiện thì bày đặt lai tạp đủ thứ kiểu cách ở đâu đâu mang về, nhà không có điều kiện cũng lại phải cố theo, không theo thì kém cạnh bị chê bôi này nọ mang tiếng lắm.

Đi ăn giỗ mà cũng cứ phải phong bì phong bao, người có đã đành người không có tiền bỏ phong bì thì “sáng kiến” mua mấy qua cam quả quýt của ta của Tàu gì chả biết cứ rẻ là mua, dúm túi ni lông xách đến miễn sao cứ có cho khỏi ngọ ngằn muối mặt.

Cỗ quê nhưng cũng bày đặt làm món phố mới sang, người quê nấu món phố chả phải bài, chả ngon nhưng lạ miệng cũng cứ là mới, hôm sau nhà mình cũng phải theo cho nó ra vẻ văn minh.

Ăn cỗ thì chỉ chú mục đĩa rau, bát canh chứ những thứ khác cấm có ai đụng đũa. Khổ chủ làm cỗ nhưng lại lo kiếm ít túi ni lông để phát cho mỗi người một cái ăn xong lấy phần mang về, đĩa thịt cũng chia đĩa xào cũng chia, quả cam quả quýt mang đến lại mang về, người không muốn cũng phải lấy không lấy thì bị cho là sỹ hão chả giống ai. Khổ thế.

Ngày xưa tết trung thu thì đoàn thanh niên lo tổ chức các hoạt động vui chơi cho các cháu thiếu nhi, nào là cắm trại nào là hát múa và các trò vui chơi giải trí.

Bây giờ tết trung thu thì người lớn làm chủ hết thảy, làng có chục con ngõ thì cũng có chục cái trại, gọi là trại chứ thực chất là cắm cọc căng bạt như cái lều, trẻ con đâu chả thấy chỉ thấy người lớn tụ tập ăn uống nhảy múa. Ngõ nào đóng góp hoặc xin tài trợ được khá thì ngả lợn, ngõ nào kém cạnh cũng phải vặt lông con chó. Hỏi han nhau về chuyện tụ bạ ăn nhậu nghe như hài: ngõ ông lợn trăm phần trăm à ? Ngõ tôi thì chó cả!

Chuyện tụ bạ ăn uống vào dịp này dịp khác ngày nọ ngày kia nó cũng có căn nguyên cả đấy, các ông cán bộ chính quyền ở ngay trước mũi dân mà thỉnh thoảng cứ tụ tập bù khú mặt đỏ phừng phừng thì dân nhìn vào đó mà hoành tráng theo thôi. Thời buổi văn minh quan khôn hơn rồi, có xe máy có phương tiện thì cứ a lô nhau vù qua bên thị xã hoặc thành phố ăn nhậu đã đời rồi thì tắm táp đấm bóp hoặc “đánh hàng” cho vô tư khuất mặt bàn dân làng xã, đỡ nhức đầu.

Dịp về quê, nghe ông chú họ cảm sốt phải nằm trạm y tế xã điều trị. Ngoắc cân đường hộp sữa ra thăm. Chả biết bệnh tình của ông đến đâu nhưng chưa kịp hỏi thăm đã bị cuốn vào chuyện làng chuyện xóm lê thê đứt luôn buổi sáng.

Không biết có phải cái bệnh người già hay hoài cổ và săm soi xét nét không, hay là do nằm ở trạm y tế để chữa bệnh nhàn tản mà câu chuyện của ông được bắt đầu về chuyện sức khỏe và bệnh tật.

Ông cho rằng ngày xưa nghèo đói ăn mắm chấm rau thế nhưng lại ít ốm đau bệnh tật, bây giờ no đủ lại sinh ra lắm bệnh mà lại toàn những bệnh oái oăm cứ dính phát là cõng nhau chạy khẩn may ra còn kịp, rồi thì chưa qua dịch này đã đến dịch kia cứ sốt sình sịch, sốt vó vì báo động vì dập dịch, dịch của động vật mà không dập nhanh thì người lo mà ẵm. Tất cả là do công nghệ sinh học, hóa học ngày nay can thiệp vào đời sống con người nhiều, từ trồng trọt đến chăn nuôi, từ công nghệ thực phẩm đến cả sự ô nhiễm môi trường.

Người quê trước đây ai biết ung thư là gì, thế mà những năm gần đây người mắc bệnh ung thư, chết vì ung thư nhiều quá, đã nghèo lại bệnh trọng. Suy ra bệnh tật nó cũng từ cuộc sống quanh ta nhập vào chứ ở đâu xa, ăn uống thì tạp nham, nông thôn thu nhập thấp mua gì ăn gì cũng cứ rón rén chọn của rẻ của ôi, thành phố thì còn có kiểm tra kiểm dịch, soi xét đến an toàn vệ sinh thực phẩm chứ nông thôn thì mấy ai ngó đến đâu mà biết thực phẩm an toàn hay không an toàn.

Ao hồ đồng ruộng đã ô nhiễm thì rau dưa cua cá nó cũng chả sạch được, ăn thì cứ ăn thôi chứ cứ ngồi mà soi bẩn với sạch thì chỉ có khâu mồm.

Mấy ai hiểu rằng mọi thứ mầm bệnh nó cứ tích tụ dần trong người lúc nào ở thế thắng nó mới lòi ra mà quậy. Họa hoằn ngày nọ ngày kia các bà các chị cũng làm tý phong trào hô nhau quét dọn ngõ xóm đường làng đấy, hình thức thôi chứ cái sự ô nhiễm bẩn thỉu nó có nằm tơ hơ ra để chờ mấy nhát chổi lẹt phẹt cho qua chuyện đâu. Căn nguyên của cái sự ô nhiễm nông thôn nó cũng bắt nguồn từ thu nhập, từ mức sống, từ nhận thức của người dân chưa cao nên cái suy nghĩ nó cũng chưa thông thoáng, mọi thứ cứ chi li trước mắt, lo cho mình chưa xong sao nghĩ được đến cái chung.

Công bằng mà nói thì nông thôn cũng đã có phát triển nhiều mặt, đời sống khấm khá hơn nhiều. Giáo dục thì trường mầm non chuẩn, tiểu học chuẩn, trung học cơ sở cũng đạt chuẩn luôn, rồi trạm y tế cũng đã đạt chuẩn. Nhưng chuẩn trong cái sự lệch chưa chắc đã là cái căn bản của vững bền, trong khi sản xuất còn manh mún lạc hậu, thu nhập còn thấp, đời sống chưa cao, trình độ người dân và ý thức cộng đồng còn hạn chế, làng xóm chưa chuẩn, gia đình chưa chuẩn, bố mẹ chưa chuẩn thì con cái học trường chuẩn liệu có thành người chuẩn được không ? Hệ lụy nhiều mặt như thế thì việc đảm bảo cho những cái chuẩn tiên phong kia giữ được sự ổn định là cả một câu chuyện, không phải cứ được công nhận rồi thì coi như nó là mãi mãi.

Làng xưa. Tranh: Trà My

Nhiệm kỳ nào cũng xin tỉnh, huyện bằng được chủ trương cho phép giãn dân lý do là người nó ứ đầy làng chật chội quá rồi không cho giãn ra thì dân chúng em ngồi lên đầu nhau hết.

Thế là lại cắt đất canh tác hoặc san lấp thùng trũng đầm đìa để giãn dân và mỗi ông xã lại bỏ hầu bao một khoản cửa trước cửa sau, chọn thầu san lấp, chọn đối tượng giãn ra, tiện thể ẵm luôn một miếng thổ vài trăm mét vuông, hết nhiệm kỳ quất phắt, đất quê bỏ rẻ cũng nhặt đôi ba trăm triệu. Quan xã bây giờ cũng mầu mỡ phết chứ chả làm chay đâu, có người lội ruộng tối ngày nhưng rồi một ngày đẹp trời trúng cái ghế chủ tịch xã một khóa thôi mà khi xong nhiệm kỳ cũng lên được một cây xăng đĩnh đạc, đời thế là phong lưu.

Đắng nhất, đau nhất là quan xã bây giờ cũng đi gọi đầu tư khu công nghiệp, nhỏ to gì cũng quý cứ cắt được đất ruộng cho doanh nghiệp làm mặt bằng sản xuất, làm nhà xưởng là ôm ngon quả đậm rồi. Xơi như thế vừa “sạch” lại được tiếng năng động tháo vát, có tư duy kinh tế, có cơ phất tiếp nhiệm kỳ nữa hoặc tót phát lên huyện thì coi như đời lên hương vĩnh viễn.

Tiền đã vào túi ông rồi thì doanh nghiệp thật hay ma, làm được hay không được cũng kệ. Như thế thì hỏi bờ xôi ruộng mật tại sao càng ngày càng đội nón ra đi.

Cán bộ làm ăn mánh mung như thế trong khi nông dân người ta mua bán sang nhượng, trao đổi ruộng đất cho nhau cứ tự do thoải mái mà không hề được kiểm soát, theo dõi và định hướng, chẳng quan tâm đến luật pháp.

Có biết bao nhiêu lý do để người ta gán đất như; bán để lấy tiền làm nhà, bán để lấy tiền đi xuất khẩu lao động; bán để lấy tiền cho con đi học đại học… Nhiều lý do lắm, người dân mua bán sang nhượng đổi chác đơn giản chỉ cần một mảnh giấy viết tay thậm chí là chỉ cần thỏa thuận miệng với nhau. Nếu bây giờ mà tổng rà soát lại ruộng đất cửa từng hộ gia đình thì tôi đồ rằng cán bộ sẽ rất lơ mơ.

Đến một lúc nào đó mọi chuyện vỡ ra sẽ có những gia đình không còn ruộng để canh tác vì đã về tay người khác cả rồi. Người người tích ruộng như địa chủ ngày xưa, người đã bán hết ruộng lại đi làm thuê cho người đã mua ruộng của mình xem ra lại hợp thời vì phương châm tích tụ ruộng đất.

Nhiều địa phương thuần nông hiện nay đội ngũ công chức thôn, xã quá nhiều nhưng năng lực và chuyên môn nhiều ông phọt phẹt. Cứ bảo sao dân không phục sao dân hay khiếu kiện sao dân lắm oan sai, một khi dân thông thái hiểu biết hơn cả quan thì những chuyện như thế còn kể dài dài, quan như thế thì vận động thuyết phục nhân dân sao nổi. Lãnh đạo xã thuần nông mà lại không có ai có trình độ kỹ sư nông nghiệp, chăn nuôi, rồi thì môi trường, văn hóa…cũng không công chức nào có trình độ đại học đúng với chuyên môn.

Kể cũng lạ công chức ở các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền ở thành phố thì phải thi lên thi xuống có khi còn cạy cửa này cửa kia mướt mồ hôi mà còn ngậm sầu bồ hóng hẹn kỳ thi sau. Trong khi đó mỗi xã có đến cả chục công chức nhưng hầu hết vẫn chỉ là anh nông dân năng nổ một chút, nói năng khá khá một chút, chả phải thi thố tuyển chọn gì, ngày bầu bán thì vợ đạp xe chạy hết nhà nọ nhà kia miệng dẻo như mạch nha, gặp mấy ông bà có uy tín một tý thì cân đường, ấm chè đi trước, ông bà nào yếu chân hoặc đang khó ở trong người thì bác cứ lên xe cháu đèo bác ra, bác cứ có mặt xoẹt cho cháu một chữ còn gạch xóa thế nào cứ để cháu viết cho, chu đáo thế thì thôi…

Chả biết cái ghế nọ ghế kia ở làng ở xã thì bổng lộc thế nào nhưng mà khi biết chồng thấp phiếu trượt chân vỡ cạ là đứng bờ tre chửi đổng cả ngày.

Chúng ta đang thực hiện cuộc “cách mạng” nông thôn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã thành công, diện mạo nông thôn đã thay đổi, đời sống nông dân đã được cải thiện và nâng cao rất nhiều. Cùng với đó văn hoá và sinh hoạt của nông thôn cũng đã văn minh hơn.

Tuy nhiên, với một quốc gia có đến 70% là nông thôn và nông dân, với một nền văn minh lúa nước ngàn đời đã hình thành và tồn tại nhiều phong tục tập quán ăn sâu vào tiềm thức và lưu truyền qua rất nhiều thế hệ thì những phong tục tập quán xưa cũ, nếp sống sinh hoạt của cộng đồng làng xã xưa chỉ diễn ra trong không gian hạn hẹp của lũy tre làng, đã hình thành cốt cách, tư duy và thói quen của con người.

 

      Kinh tế phát triển, chúng ta có thể thay đổi được bộ mặt nông thôn. Có thể nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người nông dân. Nhưng, chọn lọc, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá, thay đổi lược bỏ những phong tục tập quán cổ hủ lạc hậu, đặc biệt thay đổi tư duy, thói quen của con người thì không phải một sớm một chiều mà thành công được.

Trịnh Đình Nghi