Lớp bạn hưu chúng tôi, nhiều người trông còn trẻ lắm, nhất là mấy anh thượng, đại tá, nghỉ hưu nhưng mới ngoài năm mươi, trông cứ như trai tráng. Và phần đông có chung hai sở thích:  Du lịch và nghiên cứu văn hóa tâm linh của người phương Đông.

Du lịch thì đương nhiên rồi, ai mà chả thích, vấn đề là thời gian và kinh phí. Thời gian thì mấy ông nghỉ hưu có mà đầy. Vấn đề là tài chính. Nhưng nếu sắp xếp hợp lý thì vẫn có những chuyến đi vui, bổ, rẻ. Chẳng hạn đầu xuân du lịch đến chốn thiền môn. Niệm Phật một câu phước sinh vô lượng, lạy Phật một lạy tội diệt hằng sa” rồi ăn uống thanh đạm, khi đó thấy tâm mình thanh thản, gia đình được khỏe mạnh bình yên, còn mong gì hơn.

Còn về văn hóa tâm linh, nhiều chủ đề: thờ cúng, lễ hội,… nhưng rôm rả nhất là về phong thủy và tục lệ trong xây dựng. Ai cũng đã từng làm nhà hay tạo dựng dâng cơ mới cho con, đều thừa nhận một điều, đó là: trước khi chúng ta xây cất nhà chúng ta thường rất chú trọng việc coi ngày, giờ, chọn tuổi, rồi làm lễ động thổ, đổ trần hay lợp nhà,… đều có hương hoa, trầu rượu,… cúng lễ hẳn hoi; đến khi xong công trình, làm lễ nhập trạch mừng nhà mới là  xong, mà quên đi một điều cực kỳ hệ trọng, đó là: do quá trình xây cất, đào đất, đào giếng, khai mương rãnh,….chung quy là đào xẻ xuống đất, vô tình chúng ta làm tổn thương đến long mạch, mạo phạm thần uy, ảnh hưởng khí mạch, rất nguy hiểm. Nhẹ thì tán gia bại sản, nặng thì người chết của hết.

Bởi  vậy từ xưa đến nay,phong tục ông cha ta để lại: muốn cho phong thổ an hòa, gia đình bình an, khỏe mạnh, thì sau khi hoàn tất công trình, nhất thiết phải làm lễ bồi hoàn địa mạch, nhằm cầu mong cho phong thổ phì nhiêu, khí sung mạch vượng, thần an tiết thuận, nhân sự hưng long, sở cầu như ý.

Tuy có điều để giải cúng,thủ tục hơi rườm rà. Vì khi làm lễ, ngoài một số vật phẩm dễ kiếm khác, để linh nghiệm, phải dùng nước tam giang thủy (nước của ba con sông ), cát ở bãi nước ngã ba sông, năm thứ đất trong đó có đất đền hoặc đất chùa đó là những công việc tốn kém và mất thời gian nhất. Bởi vậy, từ xưa đến nay nhiều người tuy biết làm được là rất tốt và thấy thật sự hiệu quả, bởi trước hết là yên tâm về mặt tư tưởng, nhưng vẫn thường bỏ qua. Theo chúng tôi,những ai chưa thực hiện, thì chậm còn hơn không, hãy cố gắng làm lễ đó. Bạn nào quan tâm đến lĩnh vực này, hãy tham khảo theo hướng chúng tôi đã từng đi và đề xuất như một tour du lịch như sau :

Nếu bạn từ Vinh, với đường quốc lộ hầu hết rải thảm như hiện nay, sau ba bốn tiếng đồng hồ là đã về ăn trưa ở thị xã Thái Hòa. Ở đây có con sông Hiếu hiền hòa, đừng quên xin thần sông chai nước, nắm cát mang về. (chúng tôi đã từng đến Bạch Hạc  ngã ba sông Bạch Hạc – nơi gặp gỡ của 3con sông: Sông Hồng,  sông Đà  và sông Lô-thuộc Việt Trì, Phú Thọ) để xin nước thiêng về làm Lễ, ở đây cứ vào dịp đầu xuân, hoặc cuối năm , có những người chuyên làm nghề chở khách ra ngã ba sông xin nước. Nhưng với dân xứ Nghệ mình, nếu xin nước ở tận Bạch Hạc, sẽ tốn kém hơn. Vả lại, tam giang ở quê mình tên nghe vẫn sướng hơn- sông Hiếu, sông Con, sông Cái- cho ta cảm giác đưa nước, cát ở đó về đất vườn nhà mình,thì con cháu sau này sẽ hiếu thuận với ông bà, cha mẹ hơn- Đây là điều có lẽ không ai không mong muốn – và đây cũng là điều mà chúng tôi mong các bạn rất nên làm).

Thượng nguốn sông Lam Ảnh : NT

Nếu đến vào các ngày từ ngày 8/2 đến ngày 10/2 âm lịch hàng năm, bạn không nên bỏ lỡ dự lễ hội Làng Vạc – một di chỉ người Việt cổ, thuộc xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa. Lễ hội đã được tổ chức 17 lần,  hết sức đặc biệt với  Lễ rước Vạc đồng chín quai và Trống đồng về Đền thờ Làng Vạc, cùng những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao. Ở đó một đêm, dưới ánh lửa trại chập chờn, du khách sẽ được tận hưởng âm vang từ cuộc thi dàn cồng chiêng hùng tráng của người Thái, người Thổ nơi núi rừng đại ngàn,rồi điệu xòe của những cô gái Thái làm say đắm lòng người…

Một đêm ở thị xã Thái Hòa, trong sương khói mờ ảo của núi rừng, ly cà phê từ hạt cà phê đong đầy nắng gió miền đất đỏ bazan nổi tiếng Phủ Quỳ- quyện với khói lửa trại, sương rừng, cùng nụ cười của những cô gái thị xã Thái Hòa… cho cảm giác thật phiêu.

Sáng ra, khách xa về thì tấm tắc với tô cháo lươn xứ Nghệ, hay tô phở bò Tây Hiếu. Phở Hà Nội có tiếng – nhưng người Hà Nội về đây cũng không bor qua phở, vì phở bò ở đây là bò thả trên rừng, vừa mới hạ sáng nay nên hơn đứt phở Hà Nội ở độ tươi ngon của thịt bò. Tiếp tục làm thêm ly café Thái Hòa, giá chỉ mươi nghìn bạc, sau đó lên xe phóng về cánh đồng hoa Hướng dương, cạnh đường Hồ Chí Minh thuộc xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn. Cánh đồng cả trăm hecta vàng rực dưới ánh nắng ban mai như hàng triệu ông mặt trời trên mặt đất sẽ làm mê hoặc bất kỳ ai đến nơi đây.

Thời kỳ chúng tôi đến, ở đây đang có 3 miễn phí:gửi xe, vé vào cửa, sữa và nước uống. Nghe đâu sắp tới có lễ hội hoa hướng dương, chẳng biết những miễn này có còn không? Nhưng dù sao, để được choáng ngợp trước sắc vàng rực rỡ của những cánh đồng hoa hướng dương trải dài tít tắp, xa xa cũng là những ngọn đồi trập trùng phủ kín một màu hoa, thì du khách vẫn cứ tìm về. Chỉ có điều muốn lưu ý các bạn: Mỗi năm chỉ có 2 mùa hoa, tháng 3- tháng 4 và tháng 11- tháng 12. Dịp tháng 4, Nghệ An nhiều nắng, nên chuẩn bị mũ, ô che nắng nhé- nhất là các bạn nữ. Và đã là thưởng hoa, nên khám phá khi hoa còn đang đẹp kiêu hãnh, bạn nhé. Bạn sẽ có được những bức ảnh tuyệt vời. Lễ hội, nghe đâu còn có tổ chức thi ảnh đẹp với loài hoa Mặt trời, và biết đâu, bạn sẽ giành giải!

Tạm biệt Thái Hòa, tạm biệt Nghĩa Đàn, xuôi về nam theo đường Hồ Chí Minh, qua Tân Kỳ gặp dòng sông Con, nhớ nhiệm vụ tâm linh, lại  xin thần sông ít nước và cát- Coi như đã được “nhị giang” .

Tiếp tục theo đường Hồ Chí Minh xuôi về nam ta sẽ gặp quốc lộ 7 ngược lên Đỉnh Sơn, Anh Sơn. Ở đây có ngã ba sông Lam, nơi hợp lưu của sông Cả (dân ở đây còn gọi là sông Cái ) và sông Con với sông Lam. Thuê một chuyến đò hết mấy chục ngàn, ra giữa ngã ba sông, vái xin Thần Sông, xin can nước và ít cát về làm Lễ. Thế là coi như đủ “tam giang thủy” và cát ở ngã ba sông.

Những lần trước, đến đây lấy được nước, được cát là chúng tôi quay về xuôi, để làm những việc còn lại. Nhưng lần này, có anh bạn dạy Địa lý, cho rằng sông Hiếu và sông Con thực ra cũng chỉ là một, vì con sông Hiếu là dân vùng Tây Hiếu gọi khi qua Nghĩa Đàn, Thái Hòa,.., nhưng khi về đến Tân Kỳ thì người ta gọi sông Con. Như vậy, yếu tố ‘tam giang thủy” của chúng ta xem ra là chưa ổn. Chúng tôi tìm gặp và trình bày băn khoăn với một số người dân lớn tuổi ở đây, họ cho biết: Ý kiến anh bạn là đúng! Muốn yên tâm, phải lên đầu nguồn của sông Lam. Đó là nơi giao hòa của hai con sông: Nậm Nơn và Nậm Mộ, bên trong và bên đục tạo ra dòng sông Lam vừa thơ mộng vừa hùng vĩ, và hơn thế, nơi đó còn có ngôi đền thiêng gần 700 năm tuổi.

Có lẽ các vị thần ở đền Làng Vạc đã gia hộ cho lời thỉnh cầu của chúng tôi khi dâng hương ở đó, nên chúng tôi thực sự may mắn khi tiếp tục lên đường. đến với ngôi đền lạ- Đền Vạn- ngôi đền gần 700 tuổi, ngay ngã ba sông, thuộc xã Xá Lượng- huyện Tương Dương.

Đền Vạn tọa lạc trên bãi đất Cồn Đền, cây cổ thụ xanh tốt. Theo truyền thuyết, Cồn Đền có từ thuở Hồng hoang, nhiều hiện vật chứng minh sự có mặt rất sớm người Việt cổ đã từng sinh sống. Những rìu đá, rìu đồng, chuông đồng, các loại vũ khí thô sơ bằng đá, bằng đồng,… làm người ta liên tưởng đến Làng Vạc. Chẳng trách, nghe đâu các nhà khảo cổ còn đang tranh luận, liệu Làng Vạc có phải là nơi phát tích của người Việt? là kinh đô của người Việt? Và chiếc áo lông ngỗng của nàng Mỵ Châu có thể được rải từ Làng Vạc( chứ không phải từ Cổ Loa ) về đến Đền Cuông? Biết đâu đấy, ít năm nữa, khi khoa học phát triển, xác định được những giả thiết  trên là đúng, có khi người cả nước lại chẳng ùn ùn kéo về Làng Vạc như Lễ hội Đền Hùng vừa qua ấy chứ chẳng phải chơi!

Về đất Tương Dương, không về thắp nén tâm hương và vãn cảnh nơi đây thì thật là một sai lầm. Giữa tiếng nước reo, tiếng gió xào xạc từ đại ngàn thổi về, ngôi đền gần 700 tuổi, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trong tâm thức của đồng bào các dân tộc vùng cao, vẫn vẹn nguyên giá trị tâm linh. Đó là điểm tựa tinh thần cho bao thế hệ người dân các dân tộc ở đây.

Ngây ngất với thiên nhiên sơn thủy hữu tình, nhưng bác lái đò đã giục sang sông, Dâng hương và xin thần Đền, thần Sông cho ít đất Đền, nước và cát ở bãi ngã ba sông- nơi Nậm Nơn, Nậm Mộ hợp thành sông Lam- Chúng tôi xuống đò khi bóng đã ngả về chiều, tuy vội vã mà lòng thầm hứa, không thể không quay lại nơi này.

Xuống đến thị trấn Hòa Bình, đói và thấm mệt, dừng xe vào nhà hàng lót dạ và uống vội bát nước chè xanh thơm, chát. Đường còn xa, nhưng tính đã 2 ngày, 1 đêm xa nhà, vì mải vui với lễ hội Làng Vạc và đồng hoa Hướng dương. Đang chuẩn bị ra xe xuôi về, thì bất chợt, hai chiếc xe biển xanh lao đến đỗ xịch cạnh xe mình. Những người bước trên xe xuống dáng vẻ ung dung, có người y phục ký giả, máy ảnh kè kè. Chúng tôi đang đoán có lẽ đoàn nhà báo nào đi công tác đâu trên này. Đột nhiên nhận ra nghệ sĩ sáo trúc Hữu Đào, người đã  mấy lần uống rượu với tôi ở nhà anh bạn tôi  hồi  họ còn ở đoàn kịch, đoàn chèo. Thì ra đây là Đoàn văn nghệ sĩ của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An, tổ chức đi thực tế tại công trình thủy điện Bản Vẽ.

Tôi đã được tham quan thủy điện Hòa Bình, tận mắt thấy 4 tua bin nhà máy phát điện ầm ầm, tự hào với quê hương, đất nước lắm. Nhưng trên thông tin đại chúng, cũng có nhiều chuyện về thủy điện nói chung và thủy điện Bản Vẽ nói riêng, như: Nào là phá rừng, hủy hoại môi trường, đem dân tái định cư “đem con bỏ chợ”, v..v…Thú thực, trước giờ nghe vậy, xem vậy cũng mất cảm tình với mấy cha thủy điện này lắm.  Thế là chúng tôi nhập  Đoàn đi cùng lên nhà máy Thủy điện Bản Vẽ.

Đến nơi, khi được “mục sở thị” rồi mới biết, nhiều chuyện” nghe nói vậy mà không hẳn là vậy!

Người dẫn đoàn đi, hóa ra lại là người tôi quên: – anh Nguyễn Văn Tuấn – phó chánh văn phòng công ty đưa chúng tôi đến, dừng xe ở giữa đập. Có lẽ đây chính là niềm tự hào lớn nhất của anh nên anh chọn đây là điểm đầu tiên!

Trong ánh chiều tà, đứng trên con đập hùng vĩ, đón ngọn gió mát lành từ lòng hồ quyện với hương rừng thật khoan khoái, lại gần như bao quát được toàn cảnh nhà máy, mọi người như đều có những cảm xúc vừa chung lại vừa riêng, mấy nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp say sưa bấm máy, nhiều người rút điện thoại, ipad, cũng loay hoay chọn cảnh, tạo dáng để có được những tấm hình kỷ niệm  ở nơi cảnh đẹp như chốn bồng lai này, có lẽ tối về lại lên face để khoe với bạn bè nơi mình đã đến. Mấy bác lớn tuổi hơn có vẻ ít ồn ào hơn,  có người rút sổ tay ghi ghi chép chép.

Hoàng hôn đã buông mà mọi người như không để ý, vẫn say sưa tác nghiệp. Anh Tuấn phải nhắc mọi người còn phải về nhận phòng nghỉ ngơi, tối còn chương trình giao lưu với CB, CNV của Công ty, và anh cũng hứa với mọi người rằng sáng mai, sẽ đưa đoàn trở lại nơi đây.

Sau bữa cơm đãi khách do các kỹ sư tự làm bếp, đêm giao lưu chỉ mấy tiếng đồng hồ thật ngắn, vì phải chia tay một số cán bộ, kỹ sư vào ca trực. Nhưng ấn tượng thật sâu sắc, bởi tình người ấm áp. Tiếng sáo trúc “sáo Chinsu” của NSƯT Hữu Đào thật điêu luyện và say đắm như âm vang mãi với núi rừng nơi đây; ngón đàn mượt mà và sôi nổi của nghệ sĩ Thục Khuyên quyện cùng tiếng thơ, tiếng hát những kỹ sư trẻ và các văn nghệ sĩ trong đoàn, đã cuốn mọi người – không còn phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp,… vào một đêm thơ-nhạc ngẫu hứng mà rất “chuyên nghiệp”. Cuối cùng, điệu Lămvông như không thể dừng lại được. Thật không thể nào quên.

Sáng hôm sau, dạo trong khuôn viên, dưới làn sương mai mờ ảo của núi rừng, chúng tôi được tận mắt thấy những sân chơi, bãi tập đủ cả: từ quần vợt, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá mi ni trải thảm cỏ nhân tạo, với hệ thống đèn cao áp, hệ thống tường bao quy củ, phải nói là đạt chuẩn và hoành tráng. Trước nhà ăn, hệ thống cây cảnh, bồn hoa được chăm sóc, cắt tỉa rất chu đáo, thật sự là ước ao của biết bao đơn vị, có lẽ không mấy nơi trong tỉnh mình có, vậy mà lại hiện hữu trên miền núi cao đại ngàn này, chứng tỏ sự quan tâm chu đáo đến đời sống của cán bộ, công nhân viên và người lao động nơi đây, và tư duy rất mới, rất có tầm của lãnh đạo công ty.

‘dưới làn sương mai mờ ảo của núi rừng…” Ảnh : Nguyễn Thành

Đoàn chúng tôi được ăn sáng bằng món cháo gà “đi bộ” thơm và ngon, mà có lẽ dưới xuôi khó nơi nào sánh được. Chẳng biết do loại gạo nếp ở nương rẫy, hay do gà thả trên núi cao hơn nghìn mét so với mực nước biển, hay do kỹ thuật của mấy chị nhà bếp mà cháo thơm và ngon thế. Mấy bác, mấy chị trông  “đô con” cứ nhắc lấy ít thôi, nhưng khi ăn vào  bảo thơm ngon thế này cũng phải làm thêm tô, sợ có tăng cân thì mai mốt về xuôi giảm sau vậy!

Trong khi ăn sáng, tôi tò mò hỏi anh Tuấn, về tình hình dân tái định cư trở về lòng hồ: vấn đề này được đài báo đưa tin nhiều, sự thể như thế nào, lãnh đạo nhà máy nhìn nhận vấn đề này ra sao?.

Anh thẳng thắn: Vấn đề này đề nghị các anh vào lòng hồ, gặp gỡ người dân, thì cụ thể và tốt hơn là chúng tôi trả lời tại văn phòng nhà máy.

Hơn 7 giờ , chúng tôi lên xe đi về phía nhà máy. Xe dừng lại trên đường. Mọi người bất ngờ khi biết anh Tuấn đã bố trí sắm lễ chu đáo, để đoàn lên dâng hương ở Đài tưởng niệm những người đã hiến thân mình vì dòng điện của Tổ quốc. Có lẽ, đây là việc làm rất có ý nghĩa và rất cần với bất kỳ đoàn khách nào vào thăm quan nhà máy. Tuấn giới thiệu với mọi người về công trình, ý nghĩa tâm linh và sự tri ân của các thế hệ, về sự cống hiến của những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây trong quá trình xây dựng nhà máy!

Những ai đã từng với tay bật công tắc một bóng đèn khi màn đêm buông xuống, hay đã từng dùng điện chạy quạt, nấu cơm,….thì hãy đi và đến nơi này. Để biết được ở mỗi một công trình thủy điện, không chỉ có mồ hôi công sức của hàng ngàn, hàng vạn lao động, cán bộ, kỹ sư, trong nhiều năm ròng. Để biết được cách làm ra “cái” điện, mà chúng ta dùng như một nhu cầu thiết yếu, tự nhiên  hàng ngày như thế nào. Và khi đó, có lẽ công tác truyền thông về tiết kiệm điện chẳng phải làm, giờ trái đất chắc chẳng phải phát động! Và khi đó, mọi người sẽ ít bức xúc hơn, sẽ chia sẻ hơn với ngành điện mỗi khi nắng hạ, đêm đông, hay nhà đang có công mà tự nhiên… mất điện. Bởi dòng điện chúng ta dùng hàng ngày, không chỉ là dòng điện nữa, mà trong đó, còn có máu thịt của đồng loại chúng ta! Có những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây.

Được vào tận trung tâm nhà máy, được nhìn thấy hoạt động của một nhà máy được thiết kế hiện đại và trang bị máy móc tiên tiến, được nghe về những thông số kỹ thuật, được phóng tầm mắt bao quát trong không gian của nhà máy hiện đại và hoành tráng, lại có cái vừa hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng, sông suối xung quanh, có lẽ chẳng ai không ngỡ ngàng, thán phục. Lại bấm máy lia lịa trên đập trước khi kéo nhau xuống bến thuyền. Tôi thầm thán phục Tuấn khi anh cho xe dừng đúng vị trí chiều qua. Anh muốn mọi người được chiêm ngưỡng con đập và thiên nhiên từ đây với hai độ sáng khác nhau – chiều hôm và ban mai. Thế là mọi người lại đều trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh cả.

Tôi hỏi Tuấn về chuyên môn, có học về du lịch, maketing, tiếp thị gì không, mà qua cách đưa đoàn đi, bố trí, sắp xếp hành trình,… rất chuyên nghiệp. Anh cười đôn hậu rằng vì yêu thích nơi này, tự hào về nhà máy của mình, nên cố gắng để mong mọi người cùng có được cảm xúc về nơi đây như mình.

Tôi thấy anh đã thành công. Đến nơi đây, khi được “mục sở thị” rồi mới biết, nhiều chuyện “tưởng vậy mà không hẳn là vậy”.

Công trình Thủy điện Bản Vẽ – thành tựu đáng tự hào của con người. Con người thật  nhỏ bé trước thiên nhiên, nhưng bằng trí tuệ tuyệt vời, bằng sự cố gắng vô bờ bến, phần nào đã làm chủ thiên nhiên, và làm nên những công trình vĩ đại như thế này. Bước trên những nhà bè trên sông, có lẽ là của những gia đình ở lòng hồ trước kia đã di dời về khu tái định cư ở Thanh Chương để nhường đất đai cho công trình Thủy điện Bản Vẽ –  nay trở về đây làm ăn; chúng tôi xuống thuyền để đi sâu vào lòng hồ.

Gọi là hồ, thực ra là một quãng của dòng sông, từ đây lên tận nguồn Kỳ Sơn, hàng trăm ki-lô-mét.  Với khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ trên xuồng máy xuôi ngược ở một đoạn lòng hồ. trời nước mênh mông, sơn thủy hữu tình, trong khung cảnh thanh bình, đẹp như bức tranh thủy mặc, đẹp đến không thể tả: mặt trời rọi xuống mái núi, sương đã biến những vòm cây thành như dát bạc, như bằng đá saphia, như một vùng cổ tích; thấy thêm yêu quý quê hương đất nước mình hơn.

Tôi hỏi chuyện một số người dân tái định cư trở lại lòng hồ ở bến thượng lưu. Anh Vi Văn Nhàn – người dân tộc Thái, tỏ ra rất phấn khởi, lạc quan với cuộc sống hiện tại. Nhưng khi được hỏi: Cuộc sống hiện nay ra sao? Tại sao bỏ nơi tái định cư trở về lòng hồ sinh sống? Gia đình,vợ con đang ở đâu? Làm ăn, thu nhập thế nào?…

Anh có phần lý sự và hơi gay gắt: Bỏ là bỏ thế nào! Chúng tôi nhờ Nhà nước cho cuộc sống mới, vợ con được yên ổn làm ăn sinh sống, học tập ở nơi tái định cư. Còn chúng tôi- những lao động khỏe mạnh- nhờ giang sơn nơi này kiếm tiền giúp đỡ gia đình, ngày may mắn kiếm thêm dăm,bảy trăm ngàn, có đăng ký, nạp thuế, phí cho chính quyền sở tại theo quy định của pháp luật. Chúng tôi được làm tất cả những gì nhà nước không cấm mà. Chúng tôi cũng như dân dưới xuôi thôi, họ cũng đi vào các khu công nghiệp tận Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn,… để kiếm thêm thu nhập. Chúng tôi còn hi vọng thời gian không xa tới đây, công trình Thủy điện Bản Vẽ và lòng hồ này sẽ trở thành điểm du lịch nơi thượng ngàn…

Tôi  cảm ơn sự chia sẻ cởi mở, thẳng thắn ấy nhưng nhìn những thùng cá đủ loại đã chết cứng từ khi nào rồi- đang được đưa lên bờ để chuyển về xuôi tiêu thụ- mà không khỏi suy tư về hy vọng của họ.

Nhớ lại bài phát biểu của ông Phạm Trọng Hoàng – Bí thư huyện ủy Tương Dương trên báo Nghệ An về thành tích năm 2015, trong đó: Nông – Lâm – Thủy sản tăng 0,86%. Dịch vụ – Thương mại tăng 3,92%; tôi nghĩ, nếu có cái bắt tay thật chặt của ông Phạm Trọng Hoàng với ông Nguyễn Văn Thành – Bí thư Đảng ủy, giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ – Công ty với doanh thu hơn nghìn tỷ đồng và nạp thuế hơn vài trăm tỷ mỗi năm vào NSNN, thì ước vọng phục vụ du lịch lòng hồ Bản Vẽ của bà con  Tương Dương sẽ sớm thành hiện thực. Và con số phát triển nông-lâm-thủy sản cũng như dịch vụ- thương mại sẽ không chỉ khiêm tốn như vậy.

Khi đó, những thùng cá người dân đánh bắt được, sẽ không còn phải chờ mấy tiếng, qua mấy chặng xe chuyển đi nơi khác tiêu thụ nữa, mà gom vào các lồng bè bên các căn nhà nổi đang ngược xuôi trên lòng hồ Bản Vẽ kia- khi đó, những căn nhà thô sơ này chắc chắn phải được trang hoàng lộng lẫy, tiện nghi hơn tý, tất nhiên là theo kiểu núi rừng thôi, chẳng cần như các khách sạn 5 sao, 3 sao ở thành phố làm gì.

Chỉ cần các phòng trang hoàng đẹp đẽ, sạch sẽ bằng song, mây, tre, trúc, gỗ, …cùng các loại hoa núi, lan rừng mùa nào hoa ấy đang đua nhau khoe sắc hai bên triền núi  kia là đủ. Không cần điều hòa, không cần quạt điện, bởi lòng hồ và rừng đại ngàn là chiếc điều hòa  vĩ đại rồi. Và những chú cá đang ươn dần trong thùng kia (vì nắng to, lại không có nước đá bảo quản), hẳn phải đang tung tăng trong lồng ở nước lòng hồ, sẽ được vớt lên để phục vụ du khách gần xa. Nhất là các vị khách Âu, Mỹ,…họ đặc biệt thích thú khi được du lịch về với thiên nhiên. Và như thế, giá trị của những thùng cá kia sẽ cao hơn rât nhiều lần. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu dịch vụ khác kéo theo. Chẳng biết đến bao giờ tiềm năng này được đánh thức?

Được ngao du xuôi ngược trên lòng hồ mênh mông, với chiều dài gần trăm cây số. Được nghỉ đêm trên du thuyền, nhâm nhi ly rượu ngô nếp, hay bên chóe rượu cần êm dịu, thơm lừng của đồng bào các dân tộc vùng cao, với món cá vừa vợt dưới hồ lên, nướng trên than hồng; vừa ngắm núi rừng đại ngàn soi mình trên sông nước dưới ánh trăng thượng tuần, xa xa là ánh điện lung linh, huyền ảo của nhà máy Thủy điện Bản Vẽ… sẽ là mong ước của bất cứ ai, và sẽ quyến rũ du khách trở lại lần thêm.

Phiêu du trên lòng hồ, bất chợt ký ức những ngày rong ruổi trên những thắng cảnh ở “thành phố du lịch biển” Nha Trang hiện ra: người đông nườm nượp, cả Tây lẫn ta, lẫn Tàu… Càng thấy thương quê mình hơn, càng ước ao đến khát khao sao cho Nghệ An trở thành “tỉnh du lịch , nối dài từ những tua Cửa Lò, Cửa Hội, Bãi Lữ, Diễn Thành,…Tại sao không- với một miền đất đầy ắp những tiềm năng về tự nhiên và lịch sử như miền Tây Nghệ An? Ở đâu có một vườn Quốc gia Pù Mát và khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, với thảm thực vật lớn nhất châu Á.

Hàng trăm loài động vật quý nằm trong sách đỏ, với đỉnh Pù Mát cao 1841 mét- là chủ sơn cả vùng, nơi có những tán cây ngàn tuổi? Ở đâu từ thời xứ An Nam còn thuộc Pháp, người Pháp đã biết đến những đặc sản nổi tiếng cả Đông Dương như “cá mát sông Giăng, cá lăng sông Cả, cá lệch Con Cuông”? Bạn còn có dịp thưởng ngoạn nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng: thác Khe Kèm, thác Sao Va, hang Bua, hang Ốc, bãi Mỏ Vịt,…

Thế giới công nhận rồi. Tỉnh trải thảm đỏ rồi. Nhiều doanh nhân người Nghệ đang tung hoành và nổi tiếng cả nước. Riêng ở đất Nha Trang, những đại gia nổi tiếng nhất, các ông lớn như: chủ tập đoàn Vinpearl, tập đoàn Mường Thanh, Bến Du Thuyền,… đều là dân xứ Nghệ. Chúng ta còn thiếu cái gì nữa để tiềm năng trở thành hiện thực?

“Cổng Trời” Mường Lống được coi là “Sa Pa của Xứ Nghệ”, đỉnh Nậm Cắn, nơi có cửa khẩu Quốc tế thông thương với nước bạn Lào, cùng phiên chợ vùng biên thắm tình hữu nghị. Với những đặc sản cơm lam, cá mát, cá lăng đầu nguồn, lợn đen, gà đen, gà quay ăn với xôi nếp Lào, hương vị thơm, bùi hẳn sẽ còn đọng mãi. Rồi vào khám phá vùng đất cổ Mỹ Lý, dừng chân ở dãy Phá Lếch để khám phá hệ thống hang động kỳ vĩ của tạo hóa, ghé vào bản Yên Hòa để chiêm ngưỡng ngọn tháp cổ, một công trình kiến trúc Phật giáo đặc sắc. Vượt thác, băng ghềnh, trải nghiệm cảm giác mạnh giữa núi non trùng điệp. Từ Mỹ Lý,  thỏa thích rồi thì xuôi thuyền trở về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ…

“Cổng Trời” Mường Lống được coi là “Sa Pa của Xứ Nghệ” Ảnh : Nguyễn Thành

Đang say sưa mơ về bản tình ca du lịch Nghệ An, ca nô đã cập bến Thượng Lưu. Lòng hồ Bản Vẽ chứa gần hai tỷ khối nước, mà mỗi khi phát điện sẽ là nguồn nước để phát điện cho 2 nhà máy thủy điện: Khe Bố và Nậm Nơn, theo nguyên lý thủy điện bậc thang. Công trình này còn đảm bảo giữ nước và điều tiết nước cho việc canh tác hàng vạn ha đất nông nghiệp ở vùng hạ lưu vào mùa khô, hạn, đồng thời lại chống lũ cực kỳ hiệu quả cho cả lưu vực sông vào mùa mưa lũ.

Như vậy, Thủy điện Bản Vẽ vừa là thủy điện vừa là thủy lợi đấy chứ. Thế mà trước đến nay, nhiều ý kiến về thủy điện nghe phát hoảng lên.

Có lẽ cái gì cũng có hai mặt của nó. Thủy điện làm mất rừng là có.  Nhưng riêng Thủy điện Bản Vẽ, xét một cách tổng quát, đó là điểm sáng đáng tự hào về sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà, vừa góp phần đáng kể vào giải quyết bài toán điện năng trong cả nước, vừa đảm bảo cho hàng vạn hecta đất sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu. Phần rừng bị mất là ở hai bên bờ sông phía thượng lưu do nước dâng. Nhưng bù lại, những cái được là vô cùng lớn và quý giá. Phải đến tận đây mới hình dung được. Còn ước mơ về du lịch…thì hãy đợi đấy!

Giám đốc Nguyễn Văn Thành chia sẻ có phần tự hào khi đón chúng tôi ở văn phòng Công ty tại thành phố Vinh: Đặc biệt nổi bật ở công ty này, là đã tuyển dụng được một đội ngũ mà tuyệt đại đa số được đào tạo chính quy, tốt nghiệp khá, giỏi từ các trường đại học danh tiếng như: Đại học Bách khoa, Tài chính, Ngoại thương … Họ là những trí thức trẻ, khỏe, năng động, sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh.Với nguồn nhân lực gồm 233 người, trong đó: 15 người có trình độ Thạc sĩ, 133 trình độ Đại học, còn lại đều tốt nghiệp Cao đẳng và Trung cấp nghề. Đây là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của Công ty. Họ thực sự yên tâm, phấn khởi khi được làm đúng chuyên môn, được chăm lo chu đáo cả về đời sống vật chất và tinh thần.

Sau 5 năm thành lập, Công ty  đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với doanh thu hàng đầu của tỉnh; đã được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý:

– Huân chương Lao động hạng ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ,  và rất – rất nhiều bằng khen của Bộ, ngành, của tỉnh, cả của các nước bạn.

Tất cả, từ nhà máy và đập thủy điện tận trên Bản Vẽ,  đến văn phòng công ty ở Vinh, đều được hệ thống camera thường xuyên giám sát. Đi công tác nước ngoài hay ngồi ở văn phòng, giám đốc đều nhìn thấy hết. Chúng tôi đã đi những đâu từ hai hôm nay đều không qua khỏi mắt ông. Tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động trong cơ quan đều được quản lý thông qua hệ thống lưu  trữ dấu vân tay. Tôi cũng từng làm quản lý, vừa cầm sổ hưu mấy tháng mà đến đây thấy mình lạc hậu như … ngồi đáy giếng rồi.

Sau chuyến đi, tôi khuyên mấy bác về hưu, đi cho khỏe, cho biết, mà cũng là hưởng thụ tí với. Cứ ru rú ở nhà mãi chán chết, có ông còn bị mấy bà vợ lắm lời sai bảo như ô-sin ấy chứ. Mà trước giờ, ở cơ quan sai bảo người khác chứ có quen làm đâu, nay không quen việc, làm ăn lóng ngóng, có khi còn bị các bà quát cho ấy chứ. Với lại, cái món du lịch- tâm linh này là các bà khoái lắm đấy, có khi còn xin theo, không thì cũng cấp tiền cho đi nữa đấy! Với lại, tiền các bác để làm gì mà không tiêu vào những việc ích nước lợi nhà như thế này nhỉ. Học theo lũ trẻ bây giờ với nhé. Chúng bảo nhau rằng: tư sản chết rồi thì cũng thành di sản thôi, nên chỉ cần vài ba ngày nghỉ, dăm bảy trăm ngàn trong túi, thế là ới nhau, là…xách ba lô lên và…đi.

Miền Tây xứ Nghệ vẫy chào! Đi để  “tỉnh du lịch rừng” thành thương hiệu của Nghệ An, các bác nhé!

Tác giả: Nguyễn Văn Toàn