Nắng như tấm áo mơ vàng choàng lên phố núi đang còn bảng lảng khói sương. Phiên chợ hoa đào Tràng Hạ trong màu nắng xuân càng trở nên đa sắc và náo nhiệt trên nền xanh của đại ngàn. Phiên chợ này mỗi năm chỉ họp độc nhất một ngày vào hai mươi chín Tết. Nơi đây không chỉ có đào phai truyền thống Đồng Bản đẹp như nụ cười thiếu nữ mà còn hội tụ các “cụ” đào khắp mọi miền tổ quốc về khoe dáng, khoe sắc. Đào đá Kỳ Sơn cây oằn oại vươn veo, xù xì dương xỉ; đào kép Nhật Tân rực rỡ đài các, kiêu sa…

Người tứ chiếng đổ về đây xem đào, mua đào đông như trẩy hội. “Đây không chỉ là chợ đào mà còn là chợ tình đấy! Trai gái tìm nhau, tình nhân hẹn hò đều tìm đến”. Một cụ ông đang ngồi trước quán lá nhâm nhi cút rượu bảo với tôi thế. Cụ vuốt chòm râu bạc thếch nhìn chăm chăm cành đào trước mắt nói như chả nói với ai: “Thời trai trẻ ta cũng có hẹn hò với một giai nhân ở đây, nhưng rồi bỗng dưng bọn ta mất nhau. Thế rồi, đến hẹn lại lên, phiên chợ là ta cứ đi. Ta đã đi bảy mươi phiên rồi nhưng vẫn chưa tìm thấy người xưa!”

Đang mải mê với câu chuyện của cụ ông, tôi chợt nghe vẳng tiếng hát và tiếng guitar.

“Em ở đâu trong đất trời/Anh đi tìm khắp muôn nơi/ Hoa đào bao mùa đã rơi

Mà giờ này em nơi đâu, nơi đâu…?”

Tôi đi về phía tiếng đàn và thật không thể ngờ, trước mặt tôi là Phong, gã đang đứng bên chiếc loa kéo, ôm guitar thả hồn vào tiếng đàn, câu hát. Chơi xong một bài hát, gã lại vẽ ký họa. Chỉ vài phút là gã “múa” xong bức chân dung rất đẹp và giống y chang. Vẽ xong, khách trả tiền nhưng gã chẳng lấy. Khách đổ xô đến vẽ rất đông, ai cũng khen gã tài năng hiếm có.

Đúng là gã tài năng thật sự. Ngày còn học ở trường mỹ thuật, gã đã nổi tiếng về vẽ ký họa. Gã học mỹ thuật nhưng chơi guitar điêu luyện chẳng khác gì dân học nhạc viện. Gã học trên tôi một khóa, lúc mới vào trường tôi đã thần tượng gã và đã thân nhau trong các cuộc rượu và giao lưu âm nhạc. Thế rồi gã ra trường, rồi cuộc sống cuốn mỗi thằng mỗi phương. Cũng nghe phong thanh gã về quê và mở công ty quảng cáo ăn nên làm ra. Bẵng một thời gian khá lâu, cũng hơn hai mươi năm còn gì, vậy mà gặp gã ở đây.

– Này anh, vẽ cho tôi bức chân dung nào!

Gã ngước lên, nhìn chăm chú vào tôi, cái nhìn ngờ ngợ mất mấy giây rồi chợt reo lên: “Bình phải không?” Hai chúng tôi ôm choàng lấy nhau vỗ vai, vỗ lưng bồm bộp. Chưa kịp hỏi thăm câu nào thì gã bảo:

– Đi nhé, anh em mình đi mần “quai”!

Hơn hai mươi năm rồi vẫn câu nói đó mỗi khi gã rủ đi nhậu. Tôi ái ngại nhìn bộ đồ nghề thì gã cười, “Kệ đi!” Vậy là hai thằng thu dọn và bỏ đi trước sự ngỡ ngàng, tiếc nuối của mọi người. Có người còn chạy theo xin số điện thoại khẩn khoản đặt vẽ chân dung. Gã ôn tồn cho số điện thoại, địa chỉ và hứa sẽ vẽ chu đáo nếu họ liên hệ. Hai thằng len lỏi một hồi mới ra khỏi cổng chợ, đi về phía bãi đậu xe. Dừng chân trước con Lexus bóng loáng, gã bấm điều khiển mở cốp bỏ đồ nghề rồi bảo tôi lên xe. Nhìn con xe sang trọng là biết gã cũng rất này nọ chứ không chỉ là gã hát, vẽ rong như tôi thấy. Đúng là gã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi hỏi: “Đại gia cỡ này sao anh đi vẽ rong vậy?” Gã cười, “Tụi mình là họa sĩ mà. Đi vẽ như này đỡ quên nghề mà vui ấy chứ!”

Vào tửu dương lầu phía đông chợ, gã gọi đĩa dê quay với be rượu nút lá chuối. Hai thằng vừa nhậu vừa nhắc đến những kỷ niệm thời sinh viên. Ngày đó gã là thần tượng của lớp sau chúng tôi. Gã không chỉ đẹp trai, lãng tử và đa tài mà còn lắm giai thoại. Lần cô gái ở trường cao đẳng sư phạm mời dự sinh nhật, gã hỏi: “Bình, còn đồng nào không, để tớ mua bó hoa.” Tôi vét trong túi cũng chỉ được năm ngàn đưa cho gã. Gã lắc đầu, “Thôi! Đi làm be đi”. Vậy là hai thằng vào quán gọi 1 be rượu với đĩa lạc rang. Hỏi gã, “Không đi dự sinh nhật à?” Gã gật đầu rồi đứng dậy mượn chủ quán con dao và nháy mắt nói: “Bạn trèo lên cây phượng bên đường đó chặt cho tớ cành đẹp nhất”. Tôi hiểu ý và leo lên phang một cành phượng đỏ rực hoa. Gã mang guitar leo lên xe đạp, tôi ngồi sau vác cành phượng to đùng.

Đến chợ Cọi, rẽ phải vào một con hẻm độ hai mươi mét, gã chỉ ngôi biệt thự hai tầng có giàn hoa tím lung linh dưới ánh điện: “Nhà nàng đó”. Nhìn trước cổng có mấy chiếc ô tô đang đậu, gã nấn ná định không vào vì mặc cảm dân quê. Nhưng rồi gã tặc lưỡi, “Vào chứ sợ gì!” Nàng xinh đẹp lộng lẫy như công chúa trong bộ đầm trắng ra đón. Gã vác cành phượng đến trước nàng: “Em sinh vào mùa hè, anh mang cả mùa hè đến cho em đây”. Cả căn phòng rực một màu phượng đỏ. Lúc đó trông nàng cảm động và hạnh phúc lắm.

Vào an vị với mấy thanh niên cổ cồn có vẻ con nhà có điều kiện, hai thằng tôi quần áo cũ kĩ còn lem luốc màu vẽ, trông lôi thôi, lếch thếch. Hai thái cực nhìn nhau thăm dò chẳng mấy thiện cảm. Không khí có vẻ lặng. Lúc này Phong lên tiếng muốn tặng nàng và mọi người bài hát. Gã ôm đàn, so dây và ngẫu hứng sáng tác luôn bài hát “Sinh nhật em tuổi 18”. Gã đàn hát rất hay khiến mọi người vỗ tay tán thưởng. Không khí bỗng nhiên hòa đồng và vui vẻ, cùng nhau hát vang bài hát Happy Birthday. Ai đó nói âm nhạc làm cho con người ta xích lại gần nhau hơn, quả đúng thật!

Ngoài trời trăng đang lên. Chia tay ra về, nàng và gã nắm lấy tay nhau rất lâu. Có lẽ ngôn ngữ của bàn tay họ đang nói lên những điều kì diệu nhất của loài người.

***

Hỏi Phong, cô nàng xưa nay đâu? Gã rót đầy cốc rượu nhắm mắt nuốt một phát rồi thở dài: “Ly hôn rồi!”

Thì ra, khi tốt nghiệp xong, Phong về quê mở xưởng Mĩ thuật ứng dụng và may mắn nhận nhiều công trình tượng đài, quảng cáo lớn nên mua được nhà mặt phố và sắm được ô tô. Khi đó, gã mới rước cô gái “nhành phượng” xinh đẹp về làm vợ. Cuộc sống chưa phải hàng đại gia nhưng như gã là thành công, khối kẻ mơ ước. Nhưng đời chả biết thế quái nào mà lần. Đang ăn nên làm ra, bỗng dưng gã đổ đốn rượu chè, chứng khoán, lô đề và phường hụi… Mà đã đam mê món này thì vỡ nợ, bán nhà, bán xe là tất nhiên. Gã chưa đến nỗi ra đê ở như câu các cụ hay nói nhưng phải thuê phòng trọ.

Con đường nợ nần bắt đầu. Tiền làm ra không đủ trả nợ lãi, lại vay chỗ nọ đập chỗ kia. Phòng trọ gã lúc nào cũng có chủ nợ đến đòi.

Gã đốt thuốc lá liên tục, điếu này sang điếu khác, khuôn mặt nặng trĩu ưu tư: “Nghèo một lần mới biết đời bạc. Còn tiền, bạn bè, anh em đông lắm, nhưng khi mình chẳng còn gì thì họ khinh và bỏ đi hết”.

Gã rót đầy li rượu ực một phát, mím môi như đang nhắm với sự đắng của đời. Đôi khi chỉ một sự kiện đã thay đổi một con người, có thể từ voi xuống chó và ngược lại. Đó là gì? Đó là lần gã trúng quả hợp đồng làm quảng cáo khắp các tỉnh thành cho một công ty. Gã hí hửng nhảy chân sáo về định khoe với vợ thì sững người trước “màn adam và eva” của vợ và thằng đệ thân cận đang giúp việc cho gã. Tức trào máu, gã cầm búa đinh định xông vào đập nát đôi gian phu dâm phụ kia nhưng rồi buông búa quay đi và phi xe ra quán nhậu. Bị cắm sừng thằng đàn ông nào mà không tức. Nhưng gã nuốt cái tức vào trong, để rồi nỗi đau nó âm ỉ, gặm nhấm, như tế bào ung thư phát tác. Gã là nghệ sĩ, tư tưởng phóng khoáng, cũng dành thời gian lắng lại để tha thứ. Gã bận công việc nhiều, ít có thời gian chăm sóc vợ, gã hiểu, nhưng tha thứ thì khó quá! Vậy là cái gì đến nó sẽ đến, vì chả ai chịu đựng được không khí gia đình như vậy. “Khối u” đến giai đoạn cuối. Vỡ! Nó cũng đồng nghĩa với tình yêu chết hẳn. Vậy là đường ai nấy đi. Cuộc ly hôn nhẹ nhàng. Gia sản chả còn gì, nhưng gã cũng chạy vạy, vay mượn cho nàng vài trăm triệu để nàng lên xe hoa với kẻ khác.

Nàng đi rồi, đời gã lại đầy rẫy sóng gió nợ nần. Đời chó má thật! Chán mình, chán đời, chán người, gã suốt ngày ngập ngụa trong men rượu để tìm quên. Nhưng quên làm sao được, càng say, càng buồn, lại càng uống. Phong nghệ sĩ phong độ tài ba, giờ trở thành Phong rượu, bê tha trong mắt người đời.

Đêm, lướt khướt trong men say, nghĩ đến khoản nợ 500 triệu quá hạn mà trong túi không có xu nào, nghĩ đến đời người bạc bẽo, gã đứng trên cầu Diễn nhìn dòng nước cuộn réo định buông mình xuống cho sạch sẽ sự đời thì nghe tiếng quát: “Đồ hèn! Sao không nhảy xuống cho chết rấp đi!” Gã ngoảnh lại thì thấy một cô gái ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy cà tàng đang nhìn mình. Gã lè nhè:

– Cô cút đi!

– Ừ, thì cút! Sao trời lại sinh ra cái giống đàn ông rơm rác vậy không biết!

Phong chỉ tay định mắng cô gái nhưng do ngấm rượu trúng gió hay sao gã gục xuống như cây chuối bị phạt gốc.

Khi tỉnh dậy, gã thấy mình nằm ở trạm y tế xã cách đó 1km. Cô y tá bảo Phong bị tụt huyết áp đột ngột, nếu không cấp cứu kịp thời có thể đã qua đời. Họ cho biết, có một cô gái đã chở gã đến nhưng cô ấy đã đi rồi, cũng chả biết cô ấy tên gì, ở đâu. Gã cười buồn: “Tớ không chết vì tự tử thì sẽ có ngày chết vì rượu nếu không bỏ sớm. Bác sĩ bảo thế, nhưng tớ như chiếc lá trôi giữa dòng vô định và rồi chứng nào tật ấy, vẫn lấy rượu làm bầu bạn.”

Nắng đã xế, những tia nắng xiên vào chiếu rượu, nhảy cả lên mặt gã chia làm hai mảng sáng tối, tạo nên bức chân dung hội họa đầy hình khối và đường nét. Nhìn ra ngoài, dòng người ngược xuôi sắm Tết ngày một đông. Rượu đã sang hết hai be, Phong lôi guitar so dây và cất giọng. Tiếng hát anh trầm buồn thả trong nồng nàn men rượu: “Bao năm rồi tìm em không gặp. Nắng đổ bên sông nước đổi dòng. Mênh mông bến cũ lòng xao xác. Nhặt nắng hoàng hôn sóng cuộn ngầm…”

Minh họa: TIẾN DŨNG

Đời buồn như trấu cắn, nâng chén tiêu sầu, lại càng sầu thêm. Chỉ có âm nhạc mới có thể xoa dịu gã. Hầu như đêm nào gã cũng đến quán cà phê nhạc, nghe hát. Một đêm, trăng thượng tuần bàng bạc, liêu trai, gã liêng biêng đến xin nhạc công cho cầm guitar và hát. Gã chơi guitar khiến người nghe mê mẩn. Một cô gái khá xinh, mặc bộ đầm màu đỏ, dáng thanh thoát đăng ký hát bài “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của Trịnh. Tiếng hát cô gái ngọt ngào và man mác buồn như thủ thỉ, như tâm tình khiến cho trái tim gã rung động, nghe như một dòng suối mát lạnh đang chảy và xoa dịu tâm hồn, như khâu vá lại trái tim nham nhở vết thương còn rỉ máu của gã.

Sau tiếng vỗ tay của mọi người, cô gái đến bên gã:

– Chào anh! Em tên Hạ Vân. Anh có thể không nhớ em nhưng em biết anh.

Phong nhìn cô gái nhưng anh không nhớ là gặp cô ở đâu. Phong bảo: “Em hát hay quá! Anh lâu lắm rồi mới nghe được người hát nhạc Trịnh hay đến vậy!” Cô gái e lệ: “Em hát thường thôi, mà anh đàn hay thật đó. Em cũng không ngờ…!”

Thì ra trong đời, chữ duyên là có thật. Cô gái ấy chính là người đã đưa gã đến trạm xá trong đêm “tử thần” mấy tháng trước. Cô nhìn Phong cười: “Đêm đó em đi giao hàng về, nhìn anh, em biết anh đang chuẩn bị làm chuyện dại dột nên nói lời đả kích cho anh tỉnh ngộ. Không ngờ anh xỉu làm em hết hồn.”

Lúc đó Vân hô hoán người đến giúp nhưng chiếc cầu ở xa khu dân cư, chẳng ai nghe thấy. Trời nhá nhem sắp tối, gió lạnh thổi thốc từng chặp, tiếng chim lợn kêu nghe rờn rợn. Cô sợ lắm, nhưng nhẽ thấy chết không cứu. Và cũng chả nghĩ ngợi gì nhiều, cô đến bên, đưa ngón tay lên mũi gã, thấy còn thở, cô lay gọi. Gọi mãi chả thấy động tĩnh gì, chỉ nghe nước sông vỗ ì oạp và mưa bắt đầu trỉa hạt. Trong lòng hoang mang, nỗi sợ càng dâng lên, nhưng cô tự trấn an mình và miệng luôn niệm Phật. Cô cởi áo khoác của mình đắp cho gã rồi đưa đến trạm xá.

– Khiếp, anh nặng quá, em loay hoay mãi mới xốc được anh lên xe. Xin lỗi đã cột anh như một con lợn.

– Cám ơn em rất nhiều, nếu không có em có lẽ giờ anh cũng đã xanh cỏ rồi!

Gặp lại ân nhân, gã vô cùng cảm kích. Cô gái cũng như cảm được con người của gã qua tiếng đàn. “Con người anh trông hiền lành và dễ mến sao lại ra nông nỗi vậy?” Cô hỏi và ngập ngừng chờ đợi câu trả lời của gã.

Đêm đó, gã kể cho cô gái nghe về những âm ba của đời mình. Cô bảo: “Duyên nghiệp vậy thì phải chịu thôi! Anh cứ nghĩ khi mình sinh ra tay trắng, giờ trắng tay, thì cũng có mất gì đâu. Nợ thì làm mà trả dần. Đời vô thường lắm, buồn làm gì! Bài hát lúc nãy em hát tặng anh đó. Thôi em về với các con. Nhà em ở gần đây, khi nào rỗi mời anh đến chơi.”

Tiễn Hạ Vân ra về, Phong thấy trong lòng phấn chấn vô cùng, định vào quán gọi ly rượu uống nhưng gã đã dừng lại. Đêm, gã nằm vắt tay lên trán nghĩ đến lời cô gái nói mà trằn trọc không ngủ được.

 “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng…”

Những ca từ của Trịnh qua giọng hát của cô gái như đánh thức bãn lĩnh trong gã. Ừ, không thể tuyệt vọng! Gã lôi cây đàn treo trên vách xuống. Giờ đời gã chỉ còn lại cây đàn là vật đáng giá duy nhất, nhiều lúc trong túi không có một xu, gã định bán nhưng lại thôi vì nó là vật kỷ niệm của bố gã để lại. Gã ôm cây đàn vừa gảy vừa hát lại bài hát này mà nước mắt cứ rơi. “Bố ơi! Con có lỗi với bố!” Gã cắn chặt răng cố kìm tiếng khóc, nhưng nó vẫn bật ra… Đôi vai gã rung lên theo tiếng nấc trông thật đau đớn. Gã nhìn ánh trăng hạ tuần nhòe trong nước mắt, tiếp tục hát.

 Hát xong, gã thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn. Nhẽ nào nước mắt có thể gột rửa được nỗi đau buồn, nhẽ nào cô gái đã khơi được mạch ngầm tích cực đang chảy trong gã? Chả biết, nhưng sáng nay phía hừng đông ửng hồng, gã đã nhảy khỏi giường khe khẽ huýt sáo và đi ra sân làm vài động tác thể dục, điều gã đã quên làm từ lâu. Những nỗi đời và rượu chè nó cũng hủy hoại con người ghê gớm, nếu như anh không có bản lĩnh vượt qua.

Từ khi chia tay vợ, gã ghét đàn bà nhưng đời đâu có thể thiếu phụ nữ, hình bóng Hạ Vân luôn hiện hữu trong gã, vậy là gã đi tìm. Nhà Vân nằm trên cồn cát giữa ngã ba sông biệt lập như một ốc đảo nhỏ. Cô gái thanh thoát, xinh đẹp, hát hay vậy nhưng số phận lại mang nhiều uẩn khúc xót xa. Cô đã ly dị chồng. Những cuộc ly dị đều có ngàn lẻ một lý do, nhưng lý do của cô vô cùng lãng xẹt. Lỗi là do cô sinh ra toàn “vịt giời”, thằng chồng bảo thế. Đó là lý do để chồng cô đi theo tiếng gọi những cuộc tình mong tìm thằng “chống gậy”, hay một lý do khác…? Con người nhìn mặt đôi khi chả bắt được hình dong. Có thể nói con người là loài động vật dễ thay đổi nhất. Người chồng mà cô yêu thương bỗng chốc biến thành người khác.

Chỉ một lý do đi làm về muộn, hay lỡ nấu cơm muộn của cô cũng để anh chồng chửi rủa, nếu cãi lại là ăn đòn ngay. Những cuộc chiến tranh nóng, lạnh thường xuyên xảy ra. Những âm thanh, đập phá đồ đạc, chén đĩa… thường xuyên xảy ra.

Cô tự vấn mình xem có lỗi gì không mà chồng đối xử tệ bạc vậy. Chẳng có lỗi gì cả. Hay tại cô tham công tiếc việc, chăm sóc cho các con và gia đình mà quên đi chăm sóc bản thân mình để chồng chán cơm thèm phở? Như thế thì mất công bằng quá! Nhưng hôn nhân là một thế giới mênh mông như biển cả, đầy màu sắc, khi xinh đẹp dịu êm, nhưng cũng có khi đầy phong ba bão tố.

Khi cô sinh đứa con thứ ba, biết là gái, thì anh chồng đã công khai dẫn bồ nhí về nhà hú hí. Tức nước thì vỡ bờ, khi sức chịu đựng của con người không chịu được thì cái gì đến cũng sẽ đến.

Ly hôn!

Đang cơm lành canh ngọt rồi một ngày bỗng hóa đắng cay, con người trở nên thù địch với nhau rồi chiến tranh nổ ra chỉ vì bất đồng quan điểm, hay mưu cầu một điều gì đó… Tất cả đều có nguyên nhân! Hậu chiến là những đỗ vỡ và những nỗi đau rất khó liền sẹo.

Cô cũng ngạc nhiên và không thể ngờ tính cách của người chồng bao năm đầu gối tay ấp lại đốn mạt và nhỏ nhen, hèn hạ như vậy. Khi chia tài sản, đến cái ao cá, anh ấy cũng đòi tát ao để chia.

Cô lắc đầu ngao ngán: “Không cần đâu. Cho anh hết cả đấy, tôi chỉ cần ba đứa con thôi!”

 Nói xong, Vân dắt ba đứa con đi trong chiều mưa ảm đạm. Đó là một buổi chiều nước mắt nhòa cùng mưa, bỏ lại sau lưng một đoạn đời đầy dâu bể.

Nhưng cô có lỗi gì mà ra nông nỗi này? Phải chăng thương chồng, chăm con, luôn vun vén cho tổ ấm là có lỗi ư? Gieo quả ngọt, sao lại gặt quả đắng? Cô thấy ông trời thật bất công. Trước mắt Vân là một thế giới chán chường, tuyệt vọng, tất cả như sụp đổ. Con người ta cũng mong manh lắm. Đã có lần cô đứng trên ban công và muốn như chiếc lá bứt mình xuống nhẹ nhàng giải thoát. Nhưng, những đứa con, chúng có tội gì đâu? Tình mẫu tử vẫn thiêng liêng và vĩ đại hơn tất cả. Cô đã tự trách mình đã có những giây phút suy nghĩ nông nổi.

Để chèo lái con thuyền gia đình trụ vững giữa phong ba bão tố khi không có người đàn ông trụ cột đó là cả một cuộc chiến vĩ đại của người mẹ. Có bận cả bốn mẹ con đều đổ bệnh, Vân bế đứa con gái út còn đỏ hỏn, tay bón cháo, tay bón thuốc cho hai đứa con lớn, trong lúc bản thân đang sốt cao. Xung quanh nhà một màu đen kịt, chỉ có tiếng chim cú ném lưỡi vào đêm như điềm báo của tử thần. Chẳng biết gọi ai, nhưng chẳng thể nào gục ngã, Vân cột ba đứa con vào người rồi phi xe vượt hàng chục km đường đêm đến bệnh viện.

Để có tiền thuốc thang, cơm cháo cho các con, ngoài công việc ở Xí nghiệp Thủy lợi thì cấy thuê, gặt thuê, phụ hồ… cô làm tất. Táo bạo hơn, Vân còn vay tiền mua cả máy móc để sản xuất tinh bột nghệ và sắn dây. Nhiều người bảo, “Chồng đâu? Oài, thằng chồng có vợ mới, có đứa “chống gậy đi thụt lùi” rồi, nó chả còn đoái hoài đến mẹ con cô đâu. Con người ta ăn ở với nhau cũng bạc nghĩa, bạc tình thật”.

Kệ, cô không còn bận tâm về người chồng, người cha vô tâm ấy nữa. Vân lao vào công việc như con thiêu thân. Đành rằng lao động sẽ đem lại vật chất, trang trải cho cuộc sống, nhưng điều quan trọng nhất là cô không muốn để nỗi buồn đau chen vào.

Mới chỉ là cái duyên gặp gỡ, nhưng hình như gã đã yêu Vân rồi thì phải. Bởi gã rất nhớ đến cô. Gần Vân, gã cảm giác như một tri kỉ luôn vỗ về, động viên gã… Đã có lần Phong ướm thử, “Em có lúc nào nghĩ sẽ đi bước nữa không?”

Cô lắc đầu, “Em như con chim bị thương, giờ sợ cành cây cong lắm. Em giờ chỉ sống vì các con thôi”.

Đời Vân như vậy đấy, thế mà cô đã vượt qua và kiên cường sống. Còn gã luôn chìm trong mê lộ của những tiêu cực. Ù nhỉ, mình là một nam nhi sao hèn thế? Phải tỉnh ngộ thôi. Qua một đêm thức trắng ngẫm ngợi, gã quyết định rời xa mảnh đất đau buồn và lắm thị phi này để làm cuộc Nam tiến.

 Gã không thể nào quên được hình ảnh Vân bế con đứng nơi ngã ba sông đưa tiễn. “Anh đi nhớ giữ gìn sức khỏe nhé”. Tiếng cô gọi với theo trong buổi chiều heo may xao xác làm tim gã như thắt lại. Gã cũng rất muốn cùng Vân chăm sóc những đứa con như thời gian vừa qua gã đã làm cho mẹ con cô. Nhưng gã còn chưa lo được cho bản thân mình thì lo cho ai được. Chẳng nhẽ cứ quanh quẩn ở nhà cuốc vườn trồng rau, xây cái chuồng gà rồi chiều lại đi đón con. Gã ra đi vào tiết bạch lộ, lúc con nước ở ngã ba sông dâng cao, duềnh lên ngầu đục, từng đàn cò trắng về đậu kín những lũy tre. “Vân ơi chờ anh nhé!” Gã đứng bên này sông gọi to làm đàn cò giật mình bay táo tác.

***

Gã ra đi mang theo một ước mơ và một nỗi nhớ. Gã kể, lúc đầu vào Sài Gòn, gã giống như một kẻ hành khất không gia đình, nhưng gã đã vượt qua để từng bước tạo dựng sự nghiệp. Bươn chải vài năm với cái nghề quảng cáo và thiết kế mỹ thuật gã cũng trả hết nợ, “thoát âm lên dương” đầu óc thoải mái nên làm đâu thắng đó. Gã còn lập hẳn một công ty có hàng chục nhân công “tung hoành” khắp vùng đất phương Nam. Vậy đấy, Phong rượu bê tha giờ đã thành Phong giám đốc.

Trời trưa, nắng xuân vàng như tơ, dòng người xe vẫn đi lại tấp nập. Tửu dương lầu khách cũng đã vãn, Phong nhìn xa xăm.

“Tớ được như bây giờ là nhờ Vân đó, chính ý chí, nghị lực của cô ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho tớ. Thú thực, thất bại công việc có thể làm lại, nhưng bị “cắm sừng” thì không thể chịu đựng được. Nó đau lắm, đau tột cùng, khi chuẩn bị làm việc gì tớ nghĩ đến đó là bủn rủn cả tay chân, tìm rượu để giải sầu. Vân xuất hiện đã đưa tớ đến với Phật pháp để giác ngộ về sự vô thường của vạn vật và tự giải thoát cho chính mình”.

 Vân đã hồi sinh cuộc đời của gã cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, là ân nhân của gã. Nhưng trên hết, gã lúc nào cũng nhớ đến Vân. Gã bảo: “Tớ bây giờ không giàu nhưng cũng gọi là thành đạt. Tớ muốn bù đắp cho Vân. Nhưng khi tớ trở về tìm thì nàng và các con đã không còn ở chỗ cũ nữa. Điện thoại cũng không liên lạc được. Hỏi xóm làng, họ cũng lắc đầu, không biết nàng đi đâu. Tớ ngồi nơi ngôi nhà hoang im ỉm khóa, nhìn ra ngã ba sông cò trắng rủ nhau về đậu kín lũy tre mà buồn thương da diết. Mấy năm rồi tớ đi vẽ, hát rong với mục đích tìm Vân, nhưng cô ấy và các con vẫn như bóng chim tăm cá”.

“Em ở đâu, giờ này em ở đâu đây? Anh đi tìm em đã bao mùa xuân gầy/ Biết tìm em nơi đâu, biết tìm em nơi đâu…”

Gã ôm đàn vừa đệm vừa hát như đang kể câu chuyện tình, chuyện đời lắm âm ba giữa mùa xuân đầy nắng đang về.

Tiến Dũng