Tôi không nhớ rõ đã bao lâu rồi tôi mới được ngắm nhìn và cảm nhận lại cái vẻ đẹp kiêu hãnh và mùi thơm dễ chịu của loài hoa nguyệt quế ấy. Phải chăng cây nguyệt quế trước sân nhà từ ngày ông nội mất nó cũng buồn đến độ quên nở hoa. Thời gian chính là dòng chảy cuộc sống, thời gian cứ trôi, con người ta cứ mải kiếm tìm những vật chất đủ đầy, để rồi bỗng một ngày ta chợt nhận ra sự vô tình của thời gian đã lấy đi của chúng ta những gì quý giá nhất. Để rồi khi ta nhận ra thì đã quá muộn, ta chỉ có thể sống trong nỗi nhớ nhung và hoài niệm.

Cũng đã hơn bốn năm, cái ngày mà ông nội – người ông đáng kính của tôi từ bỏ cuộc đời để đi đến một nơi rất xa. Biết rằng sinh – lão – bệnh – tử là một vòng đời mà mỗi con người phải trải qua, vậy mà ngày ông đi xa tôi như kẻ mất hồn. Với tôi ông nội chính là ngọn lửa sưởi ấm cuộc đời. Không chỉ tôi, mà cây hoa nguyệt quế ông trồng lúc còn khoẻ cũng ủ rũ, tàn úa. Nguyệt quế chính là loài hoa mà ông tôi yêu thích nhất. Ông nội trồng hoa nguyệt quế với hi vọng con cháu có ý chí mạnh mẽ, kiên cường trước chông gai thử thách, không đầu hàng trước số phận, mỗi ngày tiến bước hướng tới thành công. Sinh thời ông nội tôi là một người có tài, ông từng là thầy giáo dạy học ở một trường cấp 2 của xã, nhưng do thời ấy nghề giáo viên rất khổ, nhà lại đông con nên ông phải bỏ nghề đi làm thuê làm mướn, kiếm tiền phụ giúp vợ nuôi con ăn học. Sau này ông có tham gia dạy chữ cho lớp bình dân học vụ của xã, người làng ai cũng rất quý ông. Ông luôn sẵn sàng giúp đỡ dân làng khi họ gặp khó khăn. Với con cháu trong nhà ông luôn đối xử bằng tình cảm ấm áp và sự công bằng. Ông không bao giờ chê trách hay la mắng mỗi khi tôi mắc sai lầm như bố mẹ tôi hay làm, ngược lại luôn động viên, khuyên bảo và dạy dỗ tôi một cách nhẹ nhàng, thấu hiểu. Tôi biết ông nội đã đặt lên tôi một niềm hi vọng, tôi biết tôi là niềm tự hào của ông, nhưng tôi cũng biết chính bản thân mình chưa tốt, còn rất nhiều lỗi lầm, cũng có nhiều lần tôi khiến cho gia đình phải buồn. Những lúc như vậy ông nội chính là niềm an ủi lớn nhất của tôi, ông nói với tôi rằng “con người ai cũng sẽ có lúc này lúc kia, không ai sinh ra đã có năng lực vượt trội hơn người, cuộc đời này quý là ở sự kiên trì, kiên trì như hoa nguyệt quế ấy, vất vả một chút cũng không sao, đắng trước ngọt sau cháu ạ”.

Hoa nguyệt quế. Ảnh: Mộc Hương

Cũng từ đó hoa nguyệt quế đã trở thành biểu tượng của ông nội trong lòng tôi. Những lúc khó khăn, chán nản tôi lại nhớ đến ông và câu nói “kiên trì như hoa nguyệt quế” giúp tôi có thêm động lực bước tiếp. Nguyệt quế – một loài hoa mộc mạc, tinh khôi, chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc đời. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, mỗi khi hoa nguyệt quế nở, tôi với chị họ thường hái những bông hoa trắng nhỏ xíu ấy cài lên đầu làm trò công chúa, mùi hoa thơm thoang thoảng ấy lan cả vào mái tóc của chúng tôi. Lớn hơn một chút, chúng tôi thường hái hoa đem chưng lấy tinh dầu. Quả thực hoa nguyệt quế khi chưng làm tinh dầu rất thơm, một mùi thơm mê hoặc, chúng tôi thường dùng tinh dầu nguyệt quế bôi vào sách vở và giấy vẽ vì nghe nói rằng bôi tinh dầu nguyệt quế vào sách vở sẽ học rất giỏi.

Hoa nguyệt quế gắn liền tuổi thơ ấm áp của tôi với ông nội. Đến nay tôi vẫn giữ “niềm kiêu hãnh” đó làm thắng lợi tinh thần khi bắt đầu bước vào tuổi lập thân lập nghiệp. Tôi còn nhớ như in thuở ấy, sau một đêm ngủ dậy, hoa nở trắng một góc sân. Những bông hoa trắng muốt lung linh như được chắt chiu, nuôi dưỡng từ tinh tuý của trời đất. Hoa mặc sức tự nhiên tỏa sáng, một vẻ đẹp nguyên sơ, người đến chơi nhà ai cũng phải lưu tâm một ánh nhìn. Ngắm hoa, tôi khoan khoái tận hưởng hơi nước trong không trung, hít thở bầu không khí đã hòa lẫn mùi hương dịu ngọt. Chạm nhẹ vào những cánh hoa trắng tinh khôi nằm trong lòng tay, tôi cảm nhận được sự mỏng manh đến lạ của loài hoa ấy. Thế mà chẳng hiểu sao hoa nguyệt quế lại được gắn với ý nghĩa của sự kiên trì, của sự thắng lợi. Phải chăng hoa nguyệt quế là hiện thân của câu nói “lấy nhu thắng cương” trong cuộc sống. Mãi sau này tôi mới biết đầy đủ căn nguyên ý nghĩa của hoa nguyệt quế khi đọc được “Sự tích hoa nguyệt quế trong thần thoại Hy Lạp”. Người Hy Lạp xưa kia coi cây nguyệt quế là biểu tượng của ánh sáng, sự tẩy rửa, sự chữa lành bệnh tật. Thần Apollo là vị thần dũng mãnh, cai quản hầu hết thế gian, nên các kì đua tranh tài, người ta làm theo kiểu mẫu vòng hoa nguyệt quế trên đầu ngài  để  tạo ra vòng hoa dành tặng cho những người thắng cuộc. Từ đó vòng Nguyệt Quế mang theo một ý nghĩa đặc biệt: tượng trưng cho sự thành công, sự chiến thắng, danh tiếng cũng như uy quyền. Hoa nguyệt quế còn có một ý nghĩa nữa là sự mê hoặc, vượt qua được sự mê hoặc của nguyệt quế chính là đã vượt qua được thử thách để đi tới thành công.

Cho đến khi ông nội mất, cây nguyệt quế ông trồng trước nhà bỗng ngừng nở hoa, tôi cứ ngỡ hoa đã theo ông đi chẳng bao giờ quay về nữa. Mấy hôm nay, cây hoa ấy tưởng đã ngủ yên qua mấy mùa nắng gió bỗng thức giấc, vội vã vươn mình xôn xao khoe sắc trước sự ngạc nhiên của tôi và bố.

Hương hoa nguyệt quế vẫn lan tỏa khắp sân nhà, thúc bàn tay nắm lấy bàn tay, nâng đôi chân nhẹ bước. Hít hà cái mùi hương say đắm, dễ chịu ấy lòng tôi lại được vỗ về an ủi như ngày có ông bên cạnh. Tôi thầm hứa với bản thân và với ông nội, phải kiên cường, mạnh mẽ như hoa nguyệt quế, không phải để chiến thắng – hơn thua với đời mà là chiến thắng với chính những yếu mềm, non kém của bản thân để vững vàng đi tới thành công.

Nguyễn Thùy Linh