LTS: Alphonse Daudet (1840-1897) là nhà văn hiện thực và nhân đạo chủ nghĩa lớn của nước Pháp ở nửa cuối thế kỉ XIX. Ông sinh tại Nim, tỉnh Lăng-gơ-đốc thuộc miền Nam nước Pháp, trong một gia đình kinh doanh tơ lụa. Khi người cha bị phá sản, gia đình ông phải dời đến thành phố Li-ông. Cậu bé Đô-đê là một học sinh thông minh, rất ham mê đọc sách. Mười lăm tuổi, Đô-đê bắt đầu làm thơ và viết tiểu thuyết.

Tác phẩm của An-phông-xơ Đô-đê thấm đẫm tinh thần nhân đạo và tinh tế, giàu chất thơ, nhiệt thành gửi gắm niềm tin vào phẩm chất tốt đẹp của con người.

Tác phẩm đã xuất bản: Chú nhóc (1886); Những lá thư viết từ cối xay gió (1869); Tác-ta-ranh xứ Ta-rax-công (1872), Tác-ta-ranh trên núi An-pơ (1885), Cảng Ta-rax-công (1890).

Nhà văn Alphonse Daudet (1840-1897)

Ông đạt đến danh vọng trong làng văn chương Pháp qua giải thưởng Văn chương Pháp với quyển “Fromont cháu trẻ và cụ Riler” (1874). Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu tác phẩm “Hai quán rượu” trích từ tập “Những bức thư viết từ cối xay gió” của ông tới bạn đọc:

Một lần, từ Nîmes trở về, vào một chiều tháng Bảy. Trời nóng hừng hực. Chạy dài hun hút khuất tầm mắt, con đường trắng xóa, phả hơi nóng hầm hập, ẩn hiện giữa những khu vườn trồng ô-liu và những cây sồi nhỏ, dưới ánh nắng trắng bạc sóng sánh bao phủ cả một khoảng trời. Chẳng có một bóng người, cũng không một đọn gió, ngoài sự xáo động của luồng khí nóng và tiếng kêu inh ỏi của lũ ve sầu, nhạc điệu cuồng điên, đinh tai, lúc dồn dập, dường như đầy ắp thanh ngân kỳ ảo của sóng ánh sáng rực rỡ bao la này… Tôi đã đi giữa hoang mạc này từ hai giờ sáng, bỗng trước mặt tôi, một cụm nhà màu trắng hiện ra từ trong bụi đường. Đây là điểm được gọi là nơi dừng chân nghỉ ngơi của Saint-Vincent: năm hoặc sáu điền trại, những dãy nhà kho dài mái đỏ, một cái máng uống cho gia súc khô không khốc nằm khuất trong một lùm cây sung khẳng khiu, và ở phía cuối chòm là hai quán rượu lớn trơ trọi nhìn đối nhau qua một con đường.

Quang cảnh xung quanh hai quán rượu có gì đó gây chú ý. Ở một bên, một tòa nhà lớn còn mới, đầy nhịp sống, sôi động, tất cả các cửa đều mở, chiếc xe ngựa đỗ trước mặt, những chú ngựa thảnh thơi được cởi bỏ dây cương, hành khách xuống xe, vội vã uống rượu trong bóng râm hạn hẹp của những bức tường cạnh đường trước khi mặt trời đứng bóng; trong sân đầy những con la và xe kéo; những người đánh xe chở hàng nằm dưới lán chờ trời mát. Bên trong, những tiếng la hét, những lời thề thốt, những tiếng đập bàn, tiếng cốc chạm vào nhau, tiếng bi-a va đập, tiếng nút chai nước chanh bật ra, và lấn át tất cả sự ồn ào này là một giọng hát trẻ trung, vui vẻ vang lên.

Nàng Margoton xinh đẹp
Đã bao ngày sáng nào cũng dậy
Vớ lấy cái bình bạc,
Ra khỏi nhà đi lấy nước…

… Quán rượu đối diện, ngược lại, im ắng và như thể bị bỏ hoang. Dưới cổng cỏ mọc lan, cánh cửa bị gẫy, phía trên cửa ra vào một nhánh cây ô rô úa màu gỉ sắt rủ xuống, đung đưa như túm lông vũ đã cũ nhàu, ngưỡng cửa ra vào thì được chèn bởi những hòn đá lấy từ ngoài đường… Tất cả đều quá tồi tàn, tội nghiệp, đến nỗi khiến người ta mủi lòng trắc ẩn, dừng lại gọi chút đồ uống vì lòng thương cảm với chủ quán.

Minh họa: Hữu Tuấn

Khi bước vào, tôi thấy một căn phòng dài, vắng vẻ và ảm đạm, ánh sáng chói lóa từ ba cửa sổ lớn không có rèm che càng làm cho nó thêm tẻ ngắt và trống vắng hơn. Vài chiếc bàn ọp ẹp phía trên mặt lỏng chỏng những chiếc cốc cáu ghét vì bụi, một chiếc bàn bi-a gãy xô nghiêng phơi ra bốn cái lỗ như những chiếc bát của người ăn mày, một chiếc đi văng màu vàng, một chiếc kệ bán hàng cũ kĩ, tất cả nằm lặng lẽ trong cái nóng nặng nề và bức bối. Và cơ man nào là ruồi! Nhiều quá! Tôi chưa bao giờ nhìn thấy chúng nhiều như vậy, trên trần nhà, chúng bu kín thành từng đám trên các cửa kính, trong những chiếc cốc… Khi mở cửa bước vào, tôi nghe thấy tiếng kêu vù vù, rào rào phát ra từ những đôi cánh như thể đang đụng phải một tổ ong.

Cuối phòng, giữa hai khuôn cửa chéo nhau, có một người phụ nữ đang đứng dựa lưng vào cửa sổ, vẻ rất chăm chú nhìn ra bên ngoài. Tôi đằng hắng lên tiếng hai lần:

“Hello! Xin chào cô chủ!”

Cô ấy từ từ quay lại, tôi nhận thấy khuôn mặt tội nghiệp của một người phụ nữ nông dân, da mặt màu nâu đất, nhăn nheo, nứt nẻ, lút trong chiếc khăn lua tua đăng ten màu đỏ giống như những cụ già quê tôi thường mang. Cô ta không phải đã già, nhưng héo hắt úa tàn bởi nước mắt.

“Ông cần gì ạ?” cô vừa hỏi vừa đưa tay lau mắt.

“Tôi ngồi nghỉ chốc lát và uống một chút gì đó…” – tôi đáp.

Cô ấy nhìn tôi vẻ ngạc nhiên, vẫn không rời khỏi chỗ của mình, như thể cô ấy không hiểu.

“Vậy đây không phải là quán rượu ư?”

Người đàn bà thở dài:

“Dạ, phải…, đây chính là quán rượu, nếu ông muốn… Nhưng tại sao ông không sang phía bên kia giống như những người khác? Ở đó vui hơn nhiều…”

“Quá vui… đến nỗi nhốn nháo, tôi thích dừng chân ở quán của cô”.

Và, không đợi câu trả lời của bà chủ, tôi tiến lại một chiếc bàn.

Khi đã biết chắc chắn tôi nói chuyện một cách nghiêm túc, cô chủ nhà bắt đầu đi vào đi ra với dáng vẻ tất bật, mở các ngăn kéo, sắp xếp chai lọ, lau cốc chén, xua đuổi lũ ruồi. Người ta ngỡ được phục vụ vị khách này là cả một sự kiện. Đôi lúc người phụ nữ bất hạnh dừng lại, lắc lắc cái đầu vẻ chán nản như không muốn tiếp tục nữa.

Rồi cô ta đi vào phòng phía cuối. Tôi nghe rõ sự va chạm của những chiếc chìa khóa lớn, tiếng tra chìa vào ổ khóa, âm thanh sột soạt tìm kiếm trong thùng bánh mì, tiếng hơi thở, phủi bụi, rửa bát đĩa. Thỉnh thoảng, có tiếng thở dài, xen lẫn tiếng nấc nghẹn đứt quãng.

Cái vòng quay tất bật này, sau mười lăm phút kết thúc, trước mặt tôi là một đĩa nho khô, một chiếc bánh mì beaucaire khô cứng rắn như đá nhưng vẫn còn dùng được, và một chai piquette.

“Xin mời ông!” người đàn bà kỳ lạ này nói rồi nhanh chóng quay lại vị trí cũ của mình trước cửa sổ.

Vừa nhấm nháp, tôi vừa cố gắng gợi chuyện. “Thưa cô, bà chủ tội nghiệp! Hình như quán này không có người lui tới, đúng không?”

“Ồ! Không có, thưa ông, chẳng bao giờ có ai cả… Hồi chỉ có mình chúng tôi ở xứ này, thì lại là chuyện khác. Chúng tôi có những buổi đi săn dài ngày, những bữa ăn qua quýt trong mùa săn vịt di cư từ Bắc cực, những chuyến đi bằng xe ngựa kéo dài… Nhưng kể từ khi những người hàng xóm đến định cư ở đây thì chúng tôi mất tất cả. Mọi người thích kéo đến bên ấy hơn. Ở bên này, khách thấy buồn tẻ quá… Thực ra ngôi nhà chỗ tôi không được dễ chịu cho lắm. Và tôi không đẹp, tôi lại thường ốm đau luôn, hai đứa con gái nhỏ của tôi thì đã mất cả rồi… Ở bên đó thì ngược lại, họ cười, nói suốt. Bà chủ điều hành quán là người Arles, một phụ nữ xinh đẹp với những tua viền đăng ten và ba dây chuyền bằng vàng đeo quanh cổ. Người đánh xe ngựa, và… cũng là người tình của bà ta, luôn phục vụ bà ấy đến chân tơ kẽ tóc. Với điều kiện ấy, còn có một đống trò tiêu khiển với các cô hầu bàn, con sen… Ngoài ra, con người cô ta sẵn khêu gợi lòng dục dụng. Ở cô ta hội tụ tất cả vẻ thanh xuân của xứ Bezouces, Redessan, Jonquières. Những người đánh xe thường vòng qua để tạt vào nhà cô ấy… Còn tôi ở đây suốt cả ngày, kiệt quệ, úa tàn mà chẳng có ma nào dòm ngó”.

Cô ấy nói điều này bằng một giọng lơ đãng, thờ ơ, trán vẫn gục sát vào cửa kính. Rõ ràng có điều gì đó ở quán rượu bên kia đường khiến cô ấy bận tâm…

Đột nhiên, phía bên kia đường bỗng ồn ào sôi động. Chiếc xe ngựa tung bờm xé tan bụi đường. Người ta nghe thấy tiếng ra roi, những tiếng réo của người đánh xe, các cô gái chạy nhớn nhác ở cửa, cùng la hét:

“Adiousias!… adiousias!…” Hùa theo là giọng hát nam cao ban nãy tiếp tục ngân vang:

Cầm lấy chiếc bình bạc,
Đi ra lấy nước;
Rồi không thấy bóng
Ba chàng kỵ binh…

…Nghe thấy giọng hát này, cô chủ nhà run rẩy, rồi quay sang tôi:

“Ông nghe thấy chứ?” cô ấy khe khẽ nói với tôi, “chồng tôi đấy… Anh ấy hát cũng không tồi chứ?”

Tôi nhìn cô ta, sửng sốt.

“Sao? Chồng của cô à? Vậy, anh ta cũng có mặt ở đó sao?”

Mặt chán chường nhưng cô ấy vẫn cố làm ra vẻ dịu dàng:

“Ông muốn gì nữa, thưa ông? Đàn ông thường vẫn vậy, họ không muốn chứng kiến cảnh khóc than; còn tôi thì lúc nào cũng bi lụy, nhất là từ khi các con tôi qua đời… Hơn nữa, thật đáng buồn khi cái lều quán tồi tàn này không có ai đến… Và càng buồn hơn, khi ở đây chẳng còn ai nữa… Vào những lúc buồn chán đó, José tội nghiệp của tôi đã đi sang quán bên kia uống rượu, và anh ấy đã hát rất hay, cái cô ả người Arles ấy đã dẫn dụ, xui khiến anh ta phải hát. Suỵt!… Anh ấy lại bắt đầu đấy”.

Rồi, run rẩy, hai bàn tay đưa ra phía trước, những giọt nước mắt rơi lã chã càng làm cho cô ảm đạm hơn, cô vẫn ở đó như thiền định trước cửa sổ để nghe José của mình hát cho cô nàng Arles:

Người đàn ông đầu tiên đã nói với nàng:

“Xin chào, cô em nhỏ xinh!”

Nguyễn Hữu Vỹ (dịch)