“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Chẳng biết hai câu ca quen thuộc này được truyền miệng từ bao giờ nhưng đám trẻ quê thế hệ chúng tôi, đứa nào cũng thuộc nằm lòng và hễ nhắc đến lại nôn nao mong ngóng Tết. Câu ca xưa như một khái quát hàm súc về vị Tết, hương xuân ở mọi miền quê của muôn ngày xưa cũ…

1. Giữa nhịp sống hối hả hôm nay, những cái Tết đã đến trong đủ đầy nhưng có phần giản tiện, mấy ngày Tết ngắn ngủi chưa kịp rộn ràng đã vội đi. Chẳng còn mấy ai bỏ công đi chọn mua lá dong, ngồi chẻ lạt gói bánh chưng; cũng chẳng ai mặn mà với việc chung đụng con heo, con bê với xóm giềng chia phần ăn Tết. Thời gian eo hẹp những ngày cuối năm được ưu tiên cho tiệc tùng tất niên khắp nơi chí chốn, phụ nữ thì ưu tiên cho việc làm đẹp.

Gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Quốc Đàn

Mặc dù thỏa hiệp với thời cuộc nhưng thẳm sâu ký ức, tôi vẫn chạnh lòng tiếc nhớ những cái Tết ngày xưa. Nơi vị Tết hương xuân bắt đầu nhen lên từ mùi chợ những ngày cuối Chạp. Chợ quê như một bức tranh Tết thu nhỏ với muôn sắc màu, hình thái, vừa gần gũi thân thuộc, vừa mới mẻ hấp dẫn với những nét chấm phá hết sức đặc trưng. Một ông đồ già ngồi khoan thai bên nghiên mực; một chú bán tò he đang tạo hình các con vật sặc sỡ sắc màu; một thoáng mưa phùn lấm tấm vương trên những nụ đào; một làn hương trầm quyện vòng bịn rịn bay lên…

Người ta đi sắm Tết với hầu bao eo hẹp, có thể không mua được nhiều thức ngon vật lạ nhưng không thể không mang về đôi câu đối đỏ đúng tâm ý để trang trọng treo lên bức tường trong phòng khách. Như một cách để kết nối nghĩa xóm tình làng nên hàng xóm thân cận thường rủ nhau đánh đụng con lợn, con bê chia nhau ăn Tết trong sự hồ hởi, xôm tụ cùng tâm thế rạng ngời, tươi vui.

 

Tết xưa, mâm cỗ cúng giao thừa đặc biệt được quan tâm chuẩn bị, bài trí chu đáo, không thể thiếu con gà trống choai được chọn lựa kỹ càng và tạo dáng uy nghi. Khi tiếng pháo giao thừa đồng loạt rền vang khắp làng trên xóm dưới, là khi nén nhang được thành kính thắp lên trên bàn thờ gia tiên, gửi vào đấy bao lời nguyện cầu cùng ước vọng về một năm mới hanh thông, may mắn. Khoảnh khắc thiêng liêng ấy mãi còn hằn sâu trong cảm thức bao người thế hệ chúng tôi.

Tục xông đất đầu năm là một nét tín ngưỡng được nhiều gia đình coi trọng, tuy không cầu kỳ, mê tín chọn người, chọn tuổi như hiện nay. Người ta quan niệm, chỉ cần người khỏe mạnh, tính tình xởi lởi, lương thiện đến xông nhà là mang đến sự hoan hỉ cho gia chủ trong năm mới. Văn hóa mừng tuổi trẻ con hay chúc tết ông bà cũng là một nét đẹp ứng xử ngày Tết khi mang ý nghĩa gửi gắm lời chúc sức khỏe, sự may mắn chứ không phải như một kiểu đáp lễ, trả ơn ta thường bắt gặp trong bối cảnh ngày nay.

Những ngày xuân Tết cứ thế nồng nã theo chân người đi thăm thú xóm giềng, họ mạc, bước vào những lễ hội huyên náo khắp mọi vùng quê. Những trò chơi dân gian là tâm điểm thu hút sự tham gia của đông đảo già trẻ gái trai. Nào là ném còn, đấu vật, chọi gà; nào nâng nêu hạ nêu; nào là đánh khăng, đánh đáo… làm cho ngày Tết thực sự trở thành một ngày hội lớn của dân làng…

2. Ngày nay, cùng với bao đổi thay của thời cuộc, nếp sống, nếp nghĩ của con người từ đó cũng có những chuyển biến nhất định. Ngày Tết cổ truyền cứ đến hẹn lại về nhưng dư vị và sắc màu của hôm nay đã có nhiều đổi khác.

Nhà nhà đã tô điểm thêm cho không gian gia đình mình trong ngày Tết rực rỡ hơn bằng những cành mai, cành đào, chậu quất; rượu nếp giản dị một thời được thay bằng rượu ngoại, bằng bia. Nhịp sống hiện đại đã mang lại sự đủ đầy, dư giả khi người lớn không còn quá thắc thỏm âu lo mỗi khi Tết đến.

Tuy nhiên, thay vì dành những ngày đầu năm để quây quần, sum vầy bên gia đình, nhiều người mà đặc biệt là giới trẻ đã tận dụng dịp Tết như một khoảng riêng tư để nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách thiết kế cho mình những chuyến du ngoạn khắp mọi miền tổ quốc, thậm chí là ra cả nước ngoài. Khái niệm “ăn tết” đã chuyển thành “chơi tết” cùng với quan niệm và thẩm mỹ mới.

Nét đẹp cổ truyền là chúc Tết đầu năm hay xông đất ngày càng mai một đi hoặc nếu có thì cũng đại khái, chiếu lệ. Thêm vào đó, có lẽ nét mới và trở nên khá phổ biến của cái Tết bây giờ đó là người ta tận dụng dịp này để trả ơn, trả nghĩa hay cầu cạnh địa vị, chức tước…

Tết bây giờ ngày một xa dần lễ nghi, Tết giản tiện và chóng vánh hơn trong cả quan niệm và hình thức. Tìm đâu thấy đôi dòng câu đối chỉn chu ngời ngời giấy đỏ mực tàu trên vách tường mỗi dịp Tết đến. Thèm khát biết bao cảm giác nhóm lửa ngồi trông nồi bánh chưng ùng ục reo sôi. Thương nhớ làm sao mùi thơm áo mới được mẹ sắm sửa cho mỗi năm một lần để diện khoe Tết…

Tái hiện cảnh đi chợ Tết xưa. Ảnh: Quốc Đàn

Dư âm của Tết cũ xuân xưa bỗng dội về, xôn xao trong tôi cả một vùng ký ức ngọt ngào, đẹp đẽ. Những cái Tết thuở nào đều đến trong bủa vây túng thiếu, trong phấp phỏng lo âu nhưng tình thân luôn đượm nồng, ấm áp. Những cái Tết đúng nghĩa đoàn viên, sum họp, để ta thấy mình được chia sẻ, được yêu thương, được sửa sang tâm hồn với ý thức nguồn cội thiêng liêng.

Ngô Thế Lâm