Ngay từ thời kỳ đầu Đổi Mới, với Nghị quyết TW 5 khóa VIII, Đảng đã thể hiện rõ quan điểm về vai trò, vị trí của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Đó là: “văn hóa có vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, gắn với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, gắn với những vấn đề nảy sinh trong xu thế toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường”. Trong các văn kiện Đại hội Đảng khóa IX, khóa X, khóa XI, khóa XII tiếp sau Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định phải “phát huy vai trò của văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội, Đảng đề cập một cách toàn diện, sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.

Đáng tiếc là, trong thực tế cuộc sống, những chủ trương, quan điểm đó có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm thực hiện thấu đáo. Văn hóa ngày càng có những biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài xã hội tràn lan các hành vi lừa đảo chiếm dụng tài sản. Trong trường học, tình trạng bạo lực học đường gia tăng, tinh thần tôn sư trọng đạo bị sa sút. Trong gia đình tình trạng bạo lực cũng diễn biến phức tạp. Cha mẹ đánh đập con cái một cách tàn bạo và ngược lại. Đặc biệt một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất, sa vào vòng lao lý,…

Vậy làm thế nào để hiện thực hóa chủ trương của Đảng đề ra, đưa văn hóa thực sự là động lực và nguồn lực của sự phát triển, Tạp chí Sông Lam đã có cuộc trao đổi với GS,TS, NGND Trần Văn Bính – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xoay quanh vấn đề này.

GS, TS, NGND Trần Văn Bính

Nhiều nơi chưa coi trọng đúng mức vai trò, vị trí của văn hóa

P.V: Thưa GS, TS Trần Văn Bính, ông đánh giá như thế nào về quá trình hiện thực hóa chủ trương của Đảng trong việc đưa văn hóa trở thành mục tiêu, động lực và nền tảng tinh thần của xã hội?

GS, TS, NGND Trần Văn Bính: Phải khẳng định rằng chủ trương của Đảng là đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là hệ điều tiết, là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội là rất đúng đắn. Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, quá trình truyền tải toàn bộ thông điệp đó thành thực tế chúng ta chưa làm được so với những gì chúng ta đề ra. Điều này dẫn tới một hậu quả là kinh tế phát triển nhưng chưa đúng tầm của nó. Mặt khác hiệu quả của sự phát triển kinh tế cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại, đáng trăn trở.

Đảng ta nói rằng văn hóa không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của sự phát triển. Vậy mục tiêu đó gắn vào đâu? Có phải vì kinh tế không, vì lợi nhuận đơn thuần không? Thực tế hiện nay có những nơi cơ sở kinh tế phát triển đến đâu thì ô nhiễm môi trường đến đó, an ninh xã hội bị đe dọa. Vậy chúng ta phát triển để làm gì?

Cũng có một thực tế, bây giờ một số lãnh đạo địa phương coi văn hóa như là một lĩnh vực có cũng được không cũng được, chưa quan tâm thực sự. Bởi vậy có trường hợp, lãnh đạo một địa phương đã đề nghị trả danh hiệu văn hóa của quốc gia để làm cơ sở phát triển kinh tế. Họ nghĩ như vậy sẽ thu lại lợi ích nhiều hơn. Đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Họ chưa thấy rằng chính văn hóa là nguồn gốc, là động lực sâu xa cho mọi sự phát triển nói chung, trong đó có sự phát triển kinh tế.

Ngay từ 1990, trong chương trình phát triển con người, Liên hợp quốc khẳng định: Con người là tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia và mục tiêu của sự phát triển phải là dẫn tới chỗ tạo lập được môi trường để con người sống một cách dài lâu và đầy hạnh phúc. Vậy thì với mục tiêu như vậy, văn hóa nằm ở đâu, có thể nào chỉ nhìn thấy những lợi nhuận trước mắt mà quên đi giá trị nhân văn, con người xã hội ở đằng sau nó hay không? Tôi nghĩ rằng những vấn đề đó đang đặt ra hiện nay.

Tôi cũng nói thêm rằng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu ra một luận điểm mà tôi cho là cực kỳ quan trọng: “phải đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế và chính trị”. Như vậy phải làm thế nào để tất cả các ngành, các cấp, từ Trung ương đến địa phương quán triệt được tinh thần đó thì chúng ta mới có thể tìm thấy một sự phát triển đầy đủ theo ý nghĩa của nó.

PV: GS có thể phân tích những biểu hiện cụ thể, điển hình của việc chưa coi trọng đúng mức vai trò, vị trí của văn hóa trên thực tế hiện nay?

GS, TS, NGND Trần Văn Bính: Biểu hiện cụ thể trong thực tế phải thấy đầu tiên đó là chúng ta chưa đầu tư cho phát triển văn hóa đúng với tầm quan trọng của nó, để nó trở thành động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội. Điều này thể hiện ở câu chuyện nguồn lực. Thứ nhất về đầu tư tài chính. Chúng ta phấn đấu từ Nghị quyết TW5 đến giờ là 1,8% chi tiêu ngân sách cho lĩnh vực văn hóa. Đến nay nhiều địa phương vẫn chưa làm được. Phải sau 2 năm triển khai kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nguồn lực đầu tư cho văn hóa năm 2022-2023 ở một số địa phương mới bước đầu thay đổi tích cực. Điều này thể hiện một điều là nếu chúng ta nhận thức rằng lĩnh vực nào quan trọng thì chúng ta sẽ đầu tư nhiều tiền. Đấy là một chỉ báo rất rõ ràng.

Thứ hai là nguồn lực về con người với một đội ngũ cán bộ quản lý tương xứng. Bác Hồ từ năm 1946 đã nói rằng muốn lãnh đạo ngành hỏa xa thì phải học hỏa xa. Bây giờ lãnh đạo ngành văn hóa phải có trình độ hiểu biết về văn hóa. Có phải chăng một thời kì cũng không xa lắm, khi phân công cán bộ phụ trách văn hóa thì chúng ta hình như có thể chọn bất cứ người nào. Cái đó có đúng không? Văn hóa là một lĩnh vực cực kỳ phức tạp và tinh tế. Nếu một người nào đấy không hiểu biết tương ứng với đòi hỏi của văn hóa thì có thể phụ trách ngành văn hóa được không? Họ có thể đấu tranh cho cái ngành văn hóa có một vị trí tương xứng với lĩnh vực chính trị và kinh tế được không? Vấn đề đặt ra là vậy.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn”

PV: Thưa GS, khi văn hóa không được đặt đúng với vai trò, vị trí của nó thì sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?

GS,TS, NGND Trần Văn Bính: Chúng ta gặp bất kì một vấn đề gì cũng gợi nhớ đến vấn đề về văn hóa. Ví dụ như là trong ngành y chẳng hạn, nếu mà có trục trặc gì đó thì xã hội lên án vấn đề y đức, trong ngành giáo dục có vấn đề gì đó thì thường quy về đạo đức nhà giáo,… Bởi lẽ văn hóa liên quan đến những giá trị về đạo đức. Vì tầm quan trọng của văn hóa như vậy nó mới được xem là hệ điều tiết cho sự phát triển xã hội, là nền tảng tinh thần của xã hội. Chính vì thế, khi chúng ta không quan tâm đến sự phát triển văn hóa, có nghĩa là chúng ta đã gây ảnh hưởng một cách tiêu cực đến cái nền tảng tinh thần của xã hội. Hiện tượng đạo đức xã hội xuống cấp như hiện nay chính là hậu quả của quá trình chúng ta chưa thật sự đầu tư cho văn hóa, cải tạo đời sống con người theo những mục tiêu của văn hóa, đặc biệt là từ thế hệ trẻ.

PV: Cũng vì văn hóa là đạo đức, vì vai trò quan trọng đó của văn hóa mà phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại quan điểm: “Văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, thưa GS?

GS, TS, NGND Trần Văn Bính: Đúng vậy, để chứng minh rằng vai trò của văn hóa quan trọng như thế nào trong cuộc sống và những bài học rút ra từ quá khứ tôi xin kể câu chuyện. Năm 1962, lúc miền Bắc nước ta còn rất thanh bình, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trở thành phong trào phổ biến. Khi trả lời phóng viên thường trú của Báo Nhân đạo Pháp tại Hà Nội rằng: Thưa Bác Hồ, sau khi thống nhất đất nước thì Việt Nam sẽ tập trung làm vấn đề gì? Từ năm 1962 đó Bác đã phát biểu: “Có lẽ chúng tôi phải tập trung mọi nỗ lực cho sự phát triển văn hóa”.

Năm 1968, nghĩa là một năm trước khi Bác trở về cõi vĩnh hằng, Bác làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương và đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương hãy tập hợp những tấm gương người tốt, việc tốt và viết sách về người tốt, việc tốt để giáo dục quần chúng và trong Di chúc của Người để lại thì Bác đặt vấn đề đầu tiên là vấn đề con người. Phải nói rằng lời dạy của Bác như là lời tiên tri. Bác đã nói ra những điều mà mấy chục năm sau mới xuất hiện, nghĩa là hiện nay chúng ta đang phải giải quyết những vấn đề về con người, về văn hóa.

Lễ rước kiệu lễ hội đền Chín Gian. Ảnh: Nguyễn Đạo

Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ ngành văn hóa

P.V: Thưa GS, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã chỉ ra phát triển văn hóa chưa được đặt ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị và xã hội. Tại sao lại xảy ra thực trạng này, thưa GS?

GS, TS, NGND Trần Văn Bính: Ở đây có cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là thực ra lĩnh vực văn hóa chưa chứng minh được sức mạnh của mình, chưa hiện thực hóa được những tiềm năng của mình. Văn hóa luôn được chúng ta nhận thức là vô cùng quan trọng. Thậm chí như Bác Hồ đã nói “văn hóa soi đường quốc dân đi”. Vậy thì thông điệp quan trọng về văn hóa như vậy phải được ngành văn hóa thể hiện qua việc làm của mình. Ngành văn hóa trong những năm qua cũng làm được rất nhiều việc nhưng vấn đề của chúng ta làm sao để thể hiện những việc mình làm có đóng góp với sự phát triển xã hội cả định tính và định lượng.

Thường chúng ta nói đến văn hóa là cái lĩnh vực mang tính định tính nhưng trên thực tế chúng ta có thể định lượng được. Ví dụ những đóng góp của ngành văn hóa đối với sự phát triển kinh tế như thế nào. Ở Mỹ lĩnh vực giải trí có đóng góp vào GDP nhiều hơn cả xuất khẩu vũ khí. Thế thì khi họ đã chứng minh được rằng lĩnh vực giải trí, lĩnh vực nghệ thuật có đóng góp như thế thì họ sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, nhiều sự tài trợ. Khi chúng ta chứng minh được rằng văn hóa không chỉ là lĩnh vực giải trí, không chỉ là những lĩnh vực tiêu tiền mà còn là lĩnh vực tạo ra sự tăng trưởng bền vững cho đất nước, tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sức mạnh mềm cho dân tộc… đầu tư của xã hội, nhận thức của xã hội đối với ngành văn hóa nó sẽ tốt hơn. Đấy là nguyên nhân chủ quan.

Nguyên nhân khách quan là mặt trái của kinh tế thị trường, nó mang cái văn minh vật chất ồ ạt tấn công chúng ta. Chúng ta biết kinh tế thị trường là cực kỳ quan trọng, là thành quả của văn minh nhân loại nhưng mặt trái kinh tế thị trường thì luôn dung dưỡng cho chủ nghĩa cá nhân. Trong khi đó chúng ta chưa đủ sức đề kháng đối với mặt trái kinh tế thị trường cũng như của toàn cầu hóa.

PV: Như vậy văn hóa chưa được đặt ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội cũng chính bởi bản thân ngành văn hóa chưa thể hiện được sức mạnh của mình. Liệu rằng ở đây có đặt ra vấn đề về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa hay không, thưa GS?

GS, TS, NGND Trần Văn Bính: Tôi nghĩ rằng tất nhiên là trách nhiệm của những người phụ trách văn hóa thì rõ ràng rồi. Khi Nhà nước đã phân công anh quản lý về lĩnh vực đó thì anh phải làm hết sức mình, thậm chí có khi phải đấu tranh để tư tưởng của Đảng, quan điểm của Đảng về văn hóa trở thành một quan điểm chỉ đạo hiện thực, chứ nếu không cán bộ văn hóa bao giờ cũng đứng vị trí phía sau. Chúng ta đã khẳng định văn hóa không phải là cái đuôi của kinh tế và văn hóa có tác động mở đường cho sự phát triển kinh tế, nó bổ sung cho những tiềm lực của phát triển kinh tế. Cho nên tôi nghĩ rằng ở đây trọng trách của những cán bộ quản lý trên lĩnh vực văn hóa là vấn đề.

PV: Thế nhưng thực tế thì văn hóa cũng rất phức tạp, nó quá rộng lớn, nó động chạm đến tất cả lĩnh vực trong đời sống xã hội. Khi chúng ta nói đến câu chuyện văn hóa là đạo đức, là lối sống thì ngành văn hóa không thể nào một mình mà giải quyết được những câu chuyện lớn như vậy. Nghị quyết của Đảng luôn nhấn mạnh văn hóa là cái lĩnh vực do tất cả mọi người, do Đảng, do cấp uỷ chính quyền các địa phương, đội ngũ văn nghệ sĩ cũng chính là tầng lớp dẫn dắt sự phát triển của văn hóa. Nếu chỉ nói về trách nhiệm của cán bộ quản lý văn hóa thôi có phải là quá khắt khe, thưa GS?

GS, TS, NGND Trần Văn Bính: Tôi tán thành với ý kiến của chị nhưng phải nói thêm một ý là lúc mà đồng chí Hoàng Tuấn Anh còn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì trong một lần dự hội thảo với đồng chí, tôi có nói rằng đừng có quy cái đạo đức xã hội xuống cấp là do ngành văn hóa, bắt đầu từ ngành văn hóa. Bởi vì nếu chúng ta trở lại với quan điểm cơ bản chủ nghĩa Mác thì thấy gì? Bản chất con người là tổng hòa của các mối quan hệ trong xã hội. Trong quan hệ xã hội có quan hệ kinh tế, có quan hệ chính trị, có quan hệ văn hóa, tại sao lại chỉ đổ tội cho cho ngành văn hóa? Tất nhiên ngành văn hóa có thiếu sót, ở việc anh chưa làm mọi cách để cho xã hội thấy được vai trò quan trọng của văn hóa. Điều đó phải là trách nhiệm của ngành văn hóa. Thậm chí nhiều khi anh phải đấu tranh với các cơ sở, các cơ quan để làm thế nào đáp ứng được vị trí mà Đảng đã quy định cho ngành văn hóa.

Bởi vì không phải ở đâu cấp ủy cũng coi trọng văn hóa. Vậy thì anh là thủ trưởng ngành văn hóa, anh có trách nhiệm thảo luận vấn đề đó như thế nào? Đấu tranh về vấn đề đó thế nào? Đó là trách nhiệm của ngành văn hóa. Tôi nghĩ rằng là ở đâu cũng vậy, vai trò lãnh tụ cực kỳ quan trọng.

Tôi nhớ năm 1920 lúc Lê Nin còn sống, đất nước Liên Xô còn khó khăn vô cùng, thù trong giặc, ngoài đói kém triền miên thì trong cuộc họp Hội đồng Dân ủy tức Hội đồng Chính phủ, Lê Nin đọc một bài diễn văn. Lê Nin nói thế này: Hiện nay đất nước cực kỳ thiếu thốn, tất cả các bộ, các ngành, các địa phương đều phải cắt giảm ngân sách của mình, riêng ngành giáo dục không được cắt giảm. Thậm chí ngành giáo dục còn được bổ sung thêm những phần cắt giảm ở các địa phương khác, ở các ngành khác. Như vậy các quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo cũng cực kỳ quan trọng.

Khẩn trương đưa văn hóa về đúng vị trí của mình

PV: Thưa GS, trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với thực trạng nền văn hóa dân tộc và đạo đức xã hội bị tấn công, phải làm như thế nào để đưa văn hóa về đúng với vai trò, vị trí của mình?

GS, TS, NGND Trần Văn Bính: Theo tôi, điều quan trọng nhất hiện nay để văn hoá thực sự là động lực của sự phát triển, là nền tảng tinh thần của xã hội phải tập trung xây dựng văn hóa trong Đảng. Điều này cực kỳ quan trọng. Bởi vì Đảng là đội tiên phong với vai trò lãnh đạo. Nếu cán bộ, đảng viên mà luôn tu sửa bản thân mình, luôn đấu tranh với bản thân mình, luôn tự phê bình và phê bình như Bác Hồ đã dạy thì tôi nghĩ văn hóa trong Đảng sẽ càng ngày càng sáng. Văn hóa trong Đảng sáng thì ánh sáng đó sẽ dần dần đẩy lùi bóng tối trong xã hội. Cho nên tôi rất kỳ vọng trong cái cuộc đấu tranh hiện nay, chống tham nhũng, chống tự diễn biến, chống suy thoái về đạo đức hiện nay. Có thể nói đó là một cuộc cách mạng về văn hóa.

Trong xây dựng văn hóa phải coi trọng giáo dục đạo đức, coi đó là mục đích của cuộc sống, của xã hội. Chúng ta có thể tham khảo cách làm của Nhật Bản, một quốc gia coi trọng đạo đức trong giáo dục, luôn nhấn mạnh vấn đề đạo đức cả trong kinh doanh, trong mọi lĩnh vực. Việt Nam chúng ta cũng có những suy nghĩ tương tự như vậy. Ví dụ khi Bác Hồ nói về nhân tài thì trong tài với đức, đức vẫn là gốc. Vậy thì cuộc sống đang đặt ra vấn đề đạo đức xuống cấp một cách nghiêm trọng. Chúng ta phải tập trung để vực lại cái đạo đức đó. Chúng ta hãy giả sử đất nước ta giống như một cái nhà, nếu phần móng là phần đạo đức xã hội, phần luân thường đạo lý của xã hội bị xói mòn thì cả cái tòa nhà sẽ sụp đổ. Cho nên vấn đề đặt ra là phải xây dựng con người có đạo đức, vấn đề xây dựng lối sống đạo đức trong Đảng hiện nay phải đi tiên phong, phải mở đường cho toàn xã hội.

Xin cảm ơn những chia sẻ rất tâm huyết của GS, TS, NGND Trần Văn Bính!

QUỲNH HOA (thực hiện)