1. Những tiền đề lịch sử, xã hội và văn hóa

1.1. Sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tác động, chi phối sâu rộng đến đời sống nhân loại, tạo nên thế giới phẳng. Đặc biệt sự phát triển của công nghệ thông tin, sự phổ cập của mạng internet toàn cầu đã tạo ra thay đổi trong hình thức tồn tại và tiếp nhận của tác phẩm nghệ thuật, đặt ra nhiều thách thức mới trong việc định hướng và quản lý hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Trong bối cảnh giao lưu hội nhập văn hóa mở rộng, những trào lưu tư tưởng văn hóa, nghệ thuật của các nước phương Tây tràn vào nước ta ngày càng nhiều, mỹ học, lý luận văn nghệ Marx-Lenin thời bao cấp đã bộc lộ không ít những khía cạnh xơ cứng, giáo điều, phiến diện, không phù hợp với thực tiễn thời đổi mới khiến cho những người làm công tác lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ không khỏi lúng túng trong việc đánh giá, thẩm định và quản lý văn hóa văn nghệ.

1.2. Sự tác động đời sống kinh tế, xã hội trong cơ chế thị trường

Sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển văn hóa, văn nghệ. Nền kinh tế thị trường và quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã tạo nên động lực cho sự phát triển văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú, hiện đại. Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị tác động không nhỏ đến nhận thức của một số văn nghệ sĩ, tác động đến  đạo đức, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng và quan niệm về hệ giá trị của văn hóa, văn nghệ. Đây cũng là một thách thức đối với công tác lý luận, phê bình văn nghệ hiện nay.

1.3. Sự đổi mới tư duy lý luận và phương thức lãnh đạo của Đảng

Trong quá trình lãnh đạo Cách mạng, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa, văn nghệ; hết sức quan tâm đến công tác văn hóa, văn nghệ. Trong những thập niên gần đây, Đảng ta càng khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa, văn nghệ và kịp thời đề ra đường lối đúng đắn nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã đưa ra quan điểm chỉ đạo sáng suốt: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Nghị quyết thể hiện quan điểm cởi mở trong sáng tạo nghệ thuật: “Tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của nghệ sĩ.”

Ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc. Đồng chí nhấn mạnh quan điểm và mục tiêu chung của Đảng ta: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. Trước mục tiêu và kỳ vọng của Đảng về tương lai tươi đẹp và vai trò quan trọng của văn hóa, văn nghệ, nhiệm vụ của văn nghệ sĩ và các nhà khoa học xã hội nhân văn là rất nặng nề, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ.

Một sự kiện hết sức quan trọng đối với tỉnh Nghệ An là ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 – NQ/TW, về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 1945. Nghị quyết nêu lên nhiệm vụ đầu tiên là “Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển”. Trong nhiệm vụ đầu tiên này, vai trò truyền thống “văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ” được đặc biệt nhấn mạnh. Vấn đề đó đặt ra cho đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà khoa học tỉnh Nghệ An và Trung ương cần tập trung nghiên cứu và phát huy có hiệu quả nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong quá trình xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Xác định những nhân tố quan trọng trên đây, chúng ta thấy được những thuận lợi và những thách thức đối với quá trình phát triển văn hóa, văn nghệ và công tác lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam hiện nay.

2. Những thành tựu chủ yếu của lý luận, phê bình văn nghệ thời kỳ đổi mới, hội nhập

2.1. Tiếp thu và ứng dụng các thành tựu lý luận văn nghệ hiện đại nước ngoài

Trong bối cảnh giao lưu hội nhập văn hóa mở rộng, những trào lưu tư tưởng văn hóa, nghệ thuật của các nước phương Tây cũng được dịch và giới thiệu rộng rãi. Các công trình lý luận văn học phương Tây được dịch nhiều hơn và đa dạng hơn.  Với sự nỗ lực của đội ngũ đông đảo các dịch giả, các nhà lý luận văn nghệ mà lý luận văn nghệ nước ta đã từng bước tiếp thu và hội nhập ngày sâu rộng hơn với lý luận văn nghệ thế giới đương đại, có những đổi mới đáng ghi nhận như sau:

Nhờ việc giới thiệu mỹ học Macxit phương Tây với những đại diện tiêu biểu như G. Lukács, J.P. Sartre, C. Caudwell, L. Golman, P. Bourdieu, R. Garaudy… mỹ học Macxit được bổ sung hoàn thiện hơn. Mỹ học phương Tây với mối quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật và văn hóa đã có những khám phá mới về tính đặc thù của văn học, nghệ thuật và văn hóa. Mỹ học Macxit phương Tây là một hệ thống mở, kết hợp chủ nghĩa Mac với các lý thuyết hiện đại như phân tâm học, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hiện sinh và đưa lại cái nhìn đa diện hơn về con người, hiện thực đời sống và bản chất nghệ thuật. Với hệ thống mở như thế, mỹ học Macxit đã mở rộng nội hàm khái niệm “chủ nghĩa hiện thực”, tạo cho chủ nghĩa hiện thực những bình diện mới, màu sắc mới: “chủ nghĩa hiện thực vĩ đại (G. Lukács), “chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến” (R. Garaudy), “chủ nghĩa hiện thực hiện đại” (E. Fischer)[1]…Tuy nhiên đến nay, di sản mỹ học Macxit phương Tây vẫn chưa được giới thiệu đầy đủ có hệ thống. Quan điểm tiếp nhận bộ phận di sản này vẫn còn dè dặt bởi mỹ học Marx – Lenin truyền thống đã ăn sâu trong tư duy lý luận của nhiều người. Trong điều kiện đó cần coi mỹ học Macxit mang tính lịch sử/truyền thống và cần được nhận thức lại nhằm khẳng định những giá trị tích cực và bổ sung, hoàn thiện nó đồng thời cũng dứt khoát từ bỏ những quan điểm lỗi thời, giáo điều, kìm hãm sự phát triển văn học, nghệ thuật.

Tập huấn xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới tại Nghệ An, tháng 9/2023 (ảnh: Quốc Khánh)

Các trường phái lý luận hiện đại của thế giới tiêu biểu như trường phái hình thức Nga, thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, mỹ học tiếp nhận, nghiên cứu văn học so sánh, kí hiệu học, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hậu cấu trúc và lý thuyết liên văn bản, lý thuyết diễn ngôn, chủ nghĩa hậu hiện đại, nữ quyền luận, phê bình sinh thái, lý thuyết địa văn hóa… được tiếp nhận dù muộn màng nhưng góp phần quan trọng hiện đại hóa lý luận văn học nước nhà. Những vấn đề lý thuyết về văn học hậu hiện đại cũng được nhiều nhà nghiên cứu văn học quan tâm. Năm 2003, Lại Nguyên Ân và Đoàn Tử Huyến đã tổ chức dịch và biên soạn bộ Văn học hậu hiện đại thế giới (2 tập)[2]. Năm 2012, Lê Huy Bắc cho ra mắt chuyên luận Văn học hậu hiện đại – Lý thuyết và tiếp nhận. Một năm sau (2013), ông cùng với một số nhà nghiên cứu biên soạn cuốn Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam[3]. Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết về chủ nghĩa hậu hiện đại, về giải cấu trúc, liên văn bản và lý thuyết trò chơi trong nghiên cứu văn học. Về văn nghệ hậu hiện đại vẫn còn có những ý kiến trái chiều, vẫn băn khoăn về cảm thức hậu hiện đại, lối viết hậu hiện đại có phù hợp với thực tiễn văn nghệ Việt Nam hay không. Bên cạnh một số ý kiến phủ định, phần nhiều các nhà lý luận văn học cho rằng, một số nhà văn Việt Nam hiện nay sáng tác dưới nhãn quan của chủ nghĩa hậu hiện đại như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thân, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Trương Đăng Dung…

Nhìn lại những ấn phẩm về lý luận phê bình văn nghệ thế giới được dịch thuật, giới thiệu và nghiên cứu trong mấy chục năm qua, chúng ta phải thừa nhận rằng, giới lý luận phê bình văn nghệ nước ta đã có những nỗ lực rất lớn trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên quá trình tiếp nhận chưa có tính hệ thống, còn mang tính một chiều, yếu về tính đối thoại, chưa chỉ ra được những giới hạn và số phận lịch sử của các trường phái lý luận văn nghệ hiện đại.

2.2. Tiếp thu và ứng dụng tinh hoa mỹ học cổ điển thế giới

Tinh hoa mỹ học cổ điển phương Đông và phương Tây được dịch và giới thiệu một cách hệ thống hơn và đa dạng hơn. Về mỹ học cổ điển phương Đông mà chủ yếu là mỹ học cổ điển Trung Hoa với những kiệt tác như Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (Phan Ngọc dịch, 1996), Tùy viên thi thoại của Viên Mai (Nguyễn Đức Vân dịch, 1999) được dịch và khảo cứu công phu. Trước đó, năm 1994, nhà xuất bản Giáo dục ấn hành công trình Lý luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc của Khâu Chấn Thanh (Mai Xuân Hải dịch). Cuốn sách giới thiệu tương đối có hệ thống về lý luận văn nghệ cổ điển Trung Hoa với những trích dẫn chọn lọc và những ghi chú bình luận ngắn gọn dễ hiểu. Công trình Đại cương mỹ học Trung Quốc của Diệp Lang được Nguyễn Quang Hà dịch (Nxb Thế giới, 2014)  đã nghiên cứu công phu hệ thống mỹ học Trung quốc từ cổ điển đến hiện đại. Đặc biệt, công trình Thi học cổ điển Trung hoa do Phương Lựu chủ biên (Nxb ĐH Sư phạm, 2016) đã tổng quan được các học phái, các phạm trù và các mệnh đề cơ bản trong mỹ học Trung Hoa. Gần đây, cuốn Mỹ học cổ điển Nhật Bản của Onisi Yoshinori được Nguyễn Lương Hải Khôi lược dịch (Nxb ĐH Sư phạm, 2021) cung cấp những tri thức cơ bản về văn hóa, thẩm mỹ và nghệ thuật cổ điển Nhật Bản. Đặc biệt cuốn đề xuất được một phương pháp luận giải bản sắc dân tộc Nhật Bản trong sự đối sánh với các dân tộc khác ở phương Đông và phương Tây.

Mỹ học cổ điển phương Tây từ lâu đã được các nhà lý luận văn học Việt Nam quan tâm. Cuốn Nghệ thuật thơ ca của nhà triết học, mỹ học lỗi lạc Hi Lạp cổ đại Aristote lần đầu tiên được Lê Đăng Bảng, Thành Thế Thái Bình, Đỗ Xuân Hà, Thành Thế Yên Bảy dịch và Nhà xuất bản Văn hóa – Nghệ thuật Hà Nội in năm 1964; đến năm 1999, Đoàn Tử Huyến hiệu đính và in lại cùng Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (Nxb Văn học, HN, 1999). Cũng trong năm này, bộ Mỹ học của Heghen (do Phan Ngọc dịch) được ra mắt độc giả[4]. Sau đó ít năm một số tác phẩm của I. Kant, một nhà triết học, nhà tư tưởng vĩ đại thời Khai sáng được Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải lần lượt ra mắt bạn đọc: Phê phán lý tính thuần túy (Nxb Văn học, 2004), Phê phán năng lực phán đoán (Nxb Tri thức, 2007), Phê phán lý tính thực hành (Nxb Tri thức, 2007). Năm 2010 công trình khoa học đồ sộ Triết học Tây phương từ khởi thủy đến đương đại của Bernard Morichère và các giáo sư triết học các trường đại học Pháp biên soạn (Phan Quang Định dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, 2010) đã đưa lại những tri thức có hệ thống về lịch sử triết học và mỹ học phương Tây.

Việc dịch và giới thiệu có hệ thống lịch sử tư tưởng và mỹ học nhân loại là cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu lý luận văn nghệ có được bề dày văn hóa, có điểm tựa triết – mỹ trong tiếp nhận và kiến tạo tri thức lý luận văn nghệ. Trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác dịch thuật, giới thiệu, nghiên cứu về lý luận văn nghệ nhân loại nhưng còn có nhiều khoảng trống cần được bù lấp, nhất là mỹ học Ấn Độ và khu vực Trung, Nam Á.

2.3. Chuyển đổi hệ hình lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam theo hướng hiện đại

2.3.1. Nhìn nhận lại một số quan điểm giáo điều, máy móc trong thời bao cấp

Đổi mới tư duy trong lý luận văn học thường xuất phát từ việc đổi mới tư duy triết học, tư tưởng mỹ học. Một thời kỳ dài lý luận văn học chúng ta chỉ dựa trên nền tảng mỹ học Marx – Lenin được truyền bá từ Liên Xô, Trung Quốc. Những giới hạn của lý luận văn nghệ Marx – Lenin xuất phát từ sự nhìn nhận văn nghệ trong hai mối quan hệ chủ yếu là: văn nghệ và thực tại xã hội, văn nghệ và các hình thái ý thức xã hội khác. Trong quan hệ văn nghệ với thực tại, các nhà lý luận dựa vào phản ánh luận của Lenin, lấy chân lý đời sống làm thước đo chân lý nghệ thuật và quy giá trị hàng đầu của tác phẩm nghệ thuật là tính chân thực. Trong quan hệ với các hình thái xã hội khác, văn nghệ không được đặt ở vị thế bình đẳng mà thường bị coi là phương tiện, là công cụ của các hình thái ý thức. Các mối quan hệ khác của văn nghệ như văn nghệ và chủ thể sáng tạo, văn nghệ với chủ thể tiếp nhận, văn nghệ với phương thức thể hiện của từng loại hình nghệ thuật chưa được chú ý đúng mức.

Trong không khí dân chủ hóa của xã hội và trong đời sống tư tưởng những năm cuối thập niên cuối thế kỉ XX, hàng loạt vấn đề cốt yếu của lý luận và thực tiễn văn học đã được đưa ra bàn thảo, tranh luận sôi nổi, như các vấn đề văn nghệ và chính trị, văn học phản ánh hiện thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, các chức năng của văn học, đánh giá nền văn học cách mạng thời kì vừa qua… trong đó, có những vấn đề trước đây dường như là nguyên tắc bất di bất dịch, không thể nghi ngờ hay bàn cãi, thì nay cũng được đặt lên bàn tròn tranh luận. Những người tham gia thảo luận không phủ nhận mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ cũng như sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với văn nghệ trong thời kì cách mạng và kháng chiến vừa qua. Nhưng nhiều ý kiến đã chỉ rõ hạn chế của khẩu hiệu “Văn nghệ phục vụ chính trị” đã dẫn đến trình trạng đồng nhất văn nghệ với chính trị, coi văn nghệ chỉ là công cụ phục vụ các nhiệm vụ chính trị cụ thể, các chủ trương, chính sách. Mặt khác, do đề cao tiêu chuẩn chính trị là hàng đầu nên có tình trạng xem nhẹ giá trị nghệ thuật, quy giá trị tư tưởng của tác phẩm chỉ vào nội dung chính trị. Tuy chưa có được những kiến giải thật triệt để và toàn diện, nhưng các cuộc thảo luận trong những năm đầu đổi mới đã tác động tích cực đến nhận thức của cả những người quản lý lãnh đạo văn nghệ cũng như giới sáng tác và phê bình.

Có thể nói giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới là tinh thần nhận thức lại hệ thống lý luận văn nghệ thời kỳ trước nhằm chỉ khắc phục những quan niệm giáo điều, máy móc, không phù hợp với đời sống văn nghệ. Tuy chưa có vấn đề nào trong các vấn đề nói trên được giải quyết triệt để nhưng tác động của việc đưa ra thảo luận những vấn đề ấy rất đáng kể.

2.3.2. Đổi mới lý luận văn nghệ theo hướng hiện đại hóa và dân tộc hóa

Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, lý luận, phê bình văn nghệ tiếp tục đổi mới theo hướng hiện đại hóa và dân tộc hóa. Các văn nghệ sĩ đề cao tinh thần nhân văn mới và nỗ lực cách tân nghệ thuật theo hướng hiện đại. Trong lĩnh vực lý luận, phê bình, các nhà nghiên cứu bắt đầu nói nhiều hơn đến những phương pháp tiếp cận giá trị văn học từ bản chất nghệ thuật đặc thù của nó.Trên cơ sở mỹ học Macxit và tư tưởng văn nghệ Hồ Chí Minh cùng với sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn nghệ thế giới, lý luận văn nghệ Việt Nam đã góp phần vào việc xây dựng và phát triển nghệ thuật nước nhà. Tính dân tộc và hiện đại của lý luận văn nghệ Việt Nam được thể hiện trên các phương diện chủ yếu sau:

Hiện đại hóa lý luận trước hết được thể hiện ở việc “mở rộng không gian tư duy nghiên cứu văn nghệ”. Nếu trước đây, chúng ta thiên về quan hệ bên ngoài, tức là quan hệ giữa văn nghệ và các hình thái ý thức xã hội và hiện thực đời sống thì hiện nay chúng ta đã chú ý hơn về bản thân hoạt động văn nghệ như bản chất thẩm mỹ, bản chất văn hóa, bản chất kí hiệu, tâm lý sáng tạo nghệ thuật. Kết hợp giữa khuynh hướng hướng ngoại và khuynh hướng hướng nội trong lý luận, phê bình văn nghệ và sáng tạo văn nghệ.

Giải quyết khá thỏa đáng “mối quan hệ giữa lý luận cổ điển, lý luận hiện đại thế giới và lý luận truyền thống dân tộc”. Trong mấy chục năm qua, các lý thuyết văn nghệ thế giới từ cổ điển đến hiện đại đã được giới thiệu và ứng dụng vào nghiên cứu, phê bình ở Việt Nam góp phần đổi mới tư duy và hướng tiếp cận của các nhà lý luận phê bình. Quá trình dung hợp giữa lý luận cổ điển và hiện đại, giữa dân tộc và nhân loại đã gạt bỏ quan niệm về chân lý tuyệt đối, tính độc quyền về tư tưởng và phương pháp, chấp nhận tính đa dạng, tính đối thoại, tính dân chủ trong lý luận phê bình văn nghệ.

Bước đầu chuyển hướng lý luận văn nghệ về “phía cấu trúc và ký hiệu” . Đây là bước chuyển nhận thức quan trọng, khắc phục sự ảo tưởng phản ánh hiện thực bằng nhận thức lý tính, tin cậy vào thước đo của trực quan sinh động. Hiện thực mà con người nhận thức được bao giờ cũng thông qua tổ chức ngôn ngữ, văn bản, kí hiệu. Văn bản ngôn từ, các hình thức kí hiệu khác như màu sắc, đường nét, âm thanh, nhịp điệu, hình ảnh, biểu tượng, diễn xuất…là hình thức biểu đạt đời sống tinh thần con người. Con người tiếp xúc với thế giới không chỉ bằng trực quan mà bằng cả một mạng lưới kí hiệu dày đặc. Vì vậy con người luôn phải giải mã trong giao tiếp và trong nhận thức thế giới. Trong nghiên cứu văn nghệ, chúng ta phải bắt đầu từ nghiên cứu từ ngôn ngữ đặc thù của các loại hình nghệ thuật, giải mã các ký hiệu nghệ thuật để nắm bắt nội dung. Từ hướng này, chúng ta đã tiếp nhận và ứng dụng các lý thuyết về thi pháp học, tự sự học, liên văn bản, kí hiệu học nghệ thuật, phê bình kí hiệu học.

Trong thập niên gần đây, việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ mới được đặt ra cấp bách. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương triển khai nghiên cứu Đề án cấp Nhà nước “Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam” với 04 đề tài độc lập: Tư tưởng lý luận văn nghệ trung – cận đại ở Việt Nam; Tư tưởng lý luận văn nghệ ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay;  Quá trình tiếp thu các tư tưởng lý luận văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX;  Định hướng phát triển lý luận văn nghệ ở Việt Nam”. Hội đồng tổ chức tốt các cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc về các vấn đề quan trọng, cấp bách như: “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học; Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử; Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay; Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam; Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay; Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại…”.

Những hoạt động thiết thực đó đã góp phần xây dựng phát triển lý luận văn nghệ Việt Nam theo hướng dân tộc, khoa học, hiện đại, dân chủ, nhân văn.

2.3.3. Đổi mới phương pháp luận phê bình góp phần nâng cao chất lượng hoạt động sáng tạo nghệ thuật

Phê bình văn nghệ trong những năm qua đã góp phần phát hiện, giới thiệu đến công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị; phát hiện cái hay, cái đẹp về nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật; hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật; tạo cầu nối giữa văn nghệ sĩ với công chúng; khích lệ những tìm tòi, sáng tạo mới. Từng bước khắc phục lối phê bình cảm tính, xã hội học dung tục, võ đoán, quy chụp chính trị. Thông qua sinh hoạt phê bình, một số vấn đề liên quan đến chuẩn mực giá trị văn học, nghệ thuật và hệ thống lý luận mỹ học đã bước đầu được soi chiếu, điều chỉnh. Phê bình văn nghệ đã tham gia tích cực trong đấu tranh với những hiện tượng sai trái, xu hướng cực đoan, hình thức chủ nghĩa… góp phần vào sự phát triển lành mạnh của đời sống văn nghệ.

Đổi mới lý luận phê bình văn nghệ không thể chỉ dừng ở sự đổi mới quan niệm phê bình, mà quan trọng và cốt yếu chính là sự “đổi mới phương pháp phê bình văn học”, mở ra những hướng tiếp cận mới để khám phá mọi bình diện và tầng bậc của văn nghệ đương đại. Thi pháp học đã được giới thiệu và vận dụng rất sớm, từ những năm 80 và đẩy mạnh trong những năm 90 của thế kỷ XX và thập niên đầu thế XXI. Đến nay có hàng trăm công trình nghiên cứu về tác giả, tác phẩm, thể loại, trào lưu văn học được viết từ hướng tiếp cận thi pháp. Các khái niệm và phạm trù của thi pháp học đã trở nên khá quen thuộc với người nghiên cứu, phê bình, cả với sinh viên khoa văn các trường đại học, góp phần khắc phục lối phê bình suy diễn chủ quan và xã hội học dung tục. Tiếp nối với phê bình thi pháp học là tự sự học. Tự sự học đã được bàn đến từ trong giới học thuật từ những năm đầu thế kỷ XXI, đến năm 2017, chuyên luận Tự sự học – lý thuyết và ứng dụng (Trần Đình Sử chủ biên) ra mắt bạn đọc hỗ trợ đắc lực cho phê bình tác phẩm tự sự. Nhờ lý thuyết tự sự học mà các nhà phê bình đã khám phá được nghệ thuật kể chuyện của tác giả trong từng tác phẩm, thấy được cá tính sáng tạo và lối viết của nhà văn một cách tường minh hơn. Phê bình tự sự học tuy mới được nghiên cứu ở nước ta nhưng đã có những thành tựu đáng ghi nhận.

Với sự mở rộng tầm nhìn, sự tiếp cận những lý thuyết mới, phương pháp phê bình, nghiên cứu văn học đã có sự đổi mới rõ rệt và trở nên đa dạng. Phương pháp xã hội học vẫn được vận dụng, nhất là trong việc nghiên cứu văn học sử, nhưng đã hầu như không còn lối vận dụng máy móc như trước. Phân tâm học cũng được nhiều nhà nghiên cứu vận dụng có hiệu quả. Phê bình ký hiệu học, nữ quyền luận, phê bình giới cũng được vận dụng trong nghiên cứu văn học Việt Nam. Phê bình sinh thái là hướng phê bình tích cực, mang tính thời sự, có nhiều triển vọng phát triển mạnh trong thời gian tới. Lý thuyết địa văn học và phê bình cảnh quan bắt đầu được chú ý trong phê bình, nghiên cứu văn nghệ.

3. Những hạn chế và thách thức của lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam hiện nay

3.1. Về đội ngũ lý luận, phê bình và quản lý văn nghệ

Những năm gần đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lý luận, phê bình văn nghệ sĩ kế cận được quan tâm, chú trọng hơn. Tuy nhiên chưa có những chính sách đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những người có năng lực phù hợp với công tác quản lý văn nghệ. Số lượng những người làm công tác lý luận phê bình văn nghệ khá đông nhưng phân bố không hợp lý về thế hệ, lĩnh vực chuyên môn. Hiện đang có sự hụt hẫng về thế hệ, đặc biệt trong lĩnh vực lý luận, phê bình âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… Các cơ sở đào tạo tiến hành rà soát, chỉnh sửa chương trình đào tạo theo hướng phù hợp với thực tiễn vận động của đời sống văn học, nghệ thuật, nhưng vẫn chưa thu hút được sinh viên, học viên đăng ký học về lý luận, phê bình văn nghệ.

Việc sắp xếp, bố trí những người làm công tác quản lý văn hóa, văn nghệ có lúc, có nơi không hợp lý. Không ít người làm công tác quản lý văn nghệ nhưng chuyên môn được đào tạo ít liên quan đến văn hóa, văn nghệ, không hiểu đặc trưng của hoạt động văn nghệ  nên gặp khó khăn trong việc nắm bắt các hiện tượng văn hóa, văn nghệ cũng như định hướng phát triển văn hóa, văn nghệ.

3.2. Về nội dung hoạt động lý luận, phê bình văn nghệ

Lý luận văn nghệ vẫn chậm đổi mới so với yêu cầu thực tiễn sáng tạo. Việc dịch thuật giới thiệu lý luận văn nghệ nước ngoài còn thiếu tính hệ thống, mang tính tự phát, có lúc hiểu chưa đúng bản chất và giới hạn lịch sử của các lý thuyết văn nghệ. Nhiều vấn đề lý luận văn nghệ được đặt ra nhưng không được bàn bạc đến cùng và kết luận dứt khoát, có những vấn đề lý luận văn nghệ còn bỏ ngỏ. Chưa xây dựng được hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ mới theo định hướng dân tộc, khoa học, hiện đại, dân chủ, nhân văn. Chưa xây dựng được hệ giá trị văn nghệ để định hướng sáng tác và phê bình văn nghệ. Hoạt động phê bình trầm lắng, thiếu những tranh luận, đối thoại trước các hiện tượng văn học nghệ thuật đương đại. Nhiều bài phê bình mang tính quảng bá, điểm sách, chưa có khả năng định hướng thẩm mỹ của công chúng. Một số phương pháp phê bình mới của nước ngoài được giới thiệu nhưng ứng dụng còn có lúc khiên cưỡng, áp đặt, thiếu thuyết phục.

3.3. Về công tác quản lý hoạt động văn hóa, văn nghệ

Đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, nghệ thuật chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa trong hoạt động của nhà nước, của các hiệp hội, của chính quyền địa phương. Chính sách đầu tư công cho văn hóa, văn nghệ chậm đổi mới, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Công tác quản lý hoạt động của văn nghệ trên mạng xã hội chưa được quan tâm đúng mức và chưa tìm ra biện pháp quản lý hiệu quả. Tình trạng nhạc phẩm, phim ảnh, tranh truyện, văn học mạng truyền đi lan tràn, chưa có phương thức quản lý làm ảnh hưởng đến thị hiếu giới trẻ.

4. Lý luận, phê bình văn nghệ trước yêu cầu phát triển

4.1. Quan điểm chỉ đạo

Nhận thức sâu sắc và đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ trong sự nghiệp xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, văn minh. Nhận thức đúng vai trò và đặc trưng của văn nghệ trong hoạt động văn hóa như Nghị quyết 23 NQ/TW đã nêu: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

Lý luận, phê bình văn nghệ phải phát huy vai trò định hướng sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật, đồng hành cùng sáng tác để khơi dậy khát vọng sáng tạo những tác phẩm văn nghệ có tầm cao tư tưởng, có tình cảm cao đẹp, giàu giá trị nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.

4.2. Mục tiêu

Xây dựng hệ thống lý luận, phê bình văn nghệ mới khoa học, hiện đại, nhân văn, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Hệ thống lý luận văn nghệ mới Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh làm chỉ đạo, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lý luận văn nghệ nhân loại, phát huy truyền thống lý luận văn nghệ dân tộc, làm cho nền lý luận văn nghệ phong phú, năng động, phù hợp với quá trình phát triển của văn nghệ dân tộc và nhân loại.

Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ mới giàu tính nhân văn, lấy con người làm trung tâm, quan tâm đến số phận con người, xây dựng nhân cách con người, định hướng con người vươn tới những giá trị cao đẹp của đời sống.

4.3. Giải pháp chủ yếu

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thể chế hóa đường lối bằng chính sách, pháp luật và đầu tư của nhà nước vào hoạt động văn học nghệ thuật. Đào tạo đội ngũ lý luận phê bình văn nghệ có chuyên môn cao, có năng lực nghiên cứu khoa học và nắm bắt thực tiễn sáng tạo văn nghệ. Cử những người có uy tín chuyên môn cao, tâm huyết, có lập trường chính trị vững vàng tham gia quản lý văn hóa, văn nghệ.

Tiếp tục dịch thuật, giới thiệu  một cách bài bản hệ thống tinh hoa lý luận văn nghệ nhân loại, những trường phái, phương pháp mới, hiện đại; từ đó đối thoại, tiếp thu một cách có chọn lọc để làm giàu có thêm và hiện đại hóa nền lý luận văn nghệ nước nhà. Khẩn trương xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật tiên tiến, khoa học, phù hợp với thực tiễn văn nghệ dân tộc và khuynh hướng phát triển của thời đại.

Tìm cơ chế quản lý, kiểm soát các sản phẩn văn hóa, văn nghệ trên không gian mạng; lập các diễn đàn văn học, nghệ thuật mạng để thu hút cộng đồng sáng tác và thưởng thức một cách lành mạnh.

Tăng cường giao lưu trao đổi với giới lý luận, phê bình văn nghệ nước ngoài để khảo sát, học tập cách xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế quan lý, khuyến khích phát triển văn hóa, văn nghệ ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Đối với tỉnh Nghệ An, chúng ta cần quán triệt sâu sắc về nội dung Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị. Trong đó những người làm văn hóa, văn nghệ cần tập trung nghiên cứu quan điểm “Lấy con người làm trung tâm, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và xứ Nghệ là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội lực nội sinh cho phát triển;”. Việc nghiên cứu và phát huy thế mạnh truyền thống, bản sắc và sức mạnh con người Nghệ An là rất cấp thiết. Chúng ta cần nghiên cứu sâu sắc, khách quan con người xứ Nghệ cả mặt mạnh và mặt hạn chế để phát huy tiềm năng con người. Phát huy di sản dân ca, dân vũ của tất cả các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; tạo môi trường thích hợp và hỗ trợ đắc lực để đưa dân ca vào đời sống sinh hoạt văn hóa thường nhật của nhân dân.

Trong sáng tạo nghệ thuật, cần kế thừa và cách tân sáng tạo những giá trị văn nghệ truyền thống, nhất là văn nghệ dân gian xứ Nghệ để có nhiều hơn nữa những tác phẩm nghệ thuật hiện đại, hấp dẫn mà vẫn mang đậm bản sắc văn hóa quê hương; đưa văn hóa xứ Nghệ đến với mọi miền đất nước và đến với bạn bè trên thế giới; để nhiều nơi trên khắp năm châu chúng ta nghe câu hò, điệu Ví, Giặm quê mình mãi mãi được cất lên.

PGS.TS TRẦN KHÁNH THÀNH*

* Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương
[1]Phương Lựu, Tư tưởng văn hóa, văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây, Nxb Thế giới, H, 2007
[2]Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết, Nxb Hội nhà văn, H, 2003; Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới, Nxb Hội nhà văn, H, 2003
[3]Lê Huy Bắc (chủ biên), Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, Nxb Tri thức, H, 2013
[4]Heghen, Mỹ học, T1, T2, (Phan Ngọc dịch và giới thiệu), Nxb Văn học, H, 1999