Trong sáng tác, đặc biệt ở hát nói, Nguyễn Công Trứ hay nói về mình, về các quan niệm sống, về ý nghĩa cuộc sống, về những băn khoăn suy nghĩ, về các hành xử… Hầu như mỗi lần phát ngôn về những cái nào đó là một đối thoại của ông với các quan niệm đang chi phối cuộc sống hoặc đang tồn tại có tính ổn định, không thay đổi trong xã hội hiện tại.

Ông dùng nhiều khái niệm như danh, thân, nhân dục, hành lạc, tri túc, tri nhàn và cùng với hệ thống khái niệm huy động được từ Nho, Phật, Lão, là các khái niệm lấy từ đời thường như chơi, ăn chơi, làm vui, rồi ngông, ngất ngưởng, ngang tàng. Tất cả như để diễn đạt các nhận thức, hành xử của một kiểu người không nằm vừa vặn trong một hệ khái niệm của thời đại đủ cấp cho một con người như ông.

Bàn thờ Nguyến Công Trứ tại Khu Di tích Nguyễn Công Trứ ở thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ảnh: Hà An

Ông cũng tự nhận xét về mình chẳng giống ai: “Không Phật, không tiên, không vướng tục. Chẳng Hàn, Nhạc, cũng phường Mai Phúc”. Nhưng trước khi nói mình không giống ai, không là ai trong mấy thứ phật, tiên, tục, ông đã tổng kết những ngất ngưởng của mình một cách đầy tự hào, loại mình ra khỏi những mô hình sống, mô hình tư tưởng cao nhất đương thời. Ông đã tự nhận thức về mình, tự phân tích về mình, dường như không ngưng nghỉ, và tuyệt không thấy có các thứ giọng sầu cảm, ca thán bi lụy len vào. Ta là ai, ta là gì dường như là câu hỏi luôn được ông đặt ra trong tâm thế tích cực và mạnh mẽ. Những câu hỏi đó luôn được trả lời ở hình thức khẳng định, hình thức mong muốn đã được ông xác lập, không đặt ra ở dạng thức có thể, nếu như, hay là.

Nói về mình rất nhiều, và nhiều kiểu: khoe, thị tài như tất cả đã là như thế, chỉ là như thế và có cả sự tự nhận thức về chính mình, như là ông chưa phải là một sự định hình dễ nhận biết, ngay cả đối với chính ông, nhưng cũng đã hoàn toàn là nhất quán với chính mình.

Các trạng thái tinh thần ấy thường không xảy ra đối với nhiều người trước ông, họ thường chỉ băn khoăn ở hành hay tàng, xuất hay xử và cũng có sự ân hận giữa sự xuất xử, và xoay đi xoay lại dường như cũng chỉ thế thôi, chỉ lấy cái trách nhiệm phận vị làm điểm quan tâm chính yếu.

Cá nhân họ không có kiểu tự nhận thức mình là ai bởi đã có khuôn thước có sẵn như thế. Nguyễn Công Trứ phân biệt theo một giá trị theo đuổi riêng trong đó thua được, đúng sai, say, tỉnh đều không căn theo chuẩn đám đông thông thường hay quen thuộc: “Ai say ai tỉnh, ai thua được/ Ta mặc ta và ai mặc ai” (Cầm kì thi tửu).

Nhưng Nguyễn Công Trứ bị nhân dục hành hạ.

Ông hiểu cái nhân dục mà ông gọi là “bầu nhân dục” là cái cần phải giải phóng về mặt nhận thức để cân bằng, để nhàn. Đặt vấn đề nhàn với ông là đặt vấn đề nhân dục cần thăng bằng cuộc sống, hiểu cái nguyên nhân là từ chính mình, điều này khác tìm nhàn ở các “ông nhàn”, tránh nơi phiền toái chính trị, chính sự. Cách nghĩ, cách đặt vấn đề như vậy khác xa nhau, hành xử vì thế cũng khác xa. Cái khác đó là do từ con người hành động, muốn khẳng định chủ động, hơn là muốn được công nhận thụ động.

Nhân dục là gì, nội dung của nó trong nhận thức của Nguyễn Công Trứ và xuất phát điểm của việc đặt vấn đề nhân dục là từ đâu cũng như các điều kiện xã hội lịch sử của nó, là những câu hỏi chưa được đặt ra trong chúng ta.

Đa dục trước hết chỉ đặt ra với người có tài, với người ý thức cao về mình, với con người cá nhân bộc lộ cá tính rõ nét. Nguyễn Công Trứ là người tài tử đa tài, đa tình, mộng công danh mãnh liệt, cao rộng, biểu hiện ra trong thế ngang tàng, ngông nghênh, tự do. Ông không noi gương và nêu gương, ông là một mẫu hình độc đáo, độc lập.

Khu lăng mộ Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Hà An

Người tài tử Nguyễn Công Trứ luôn tự nói mình đa tài, tài kinh luân, tài quân sự, tài nghệ thuật và cũng luôn tự hào là mình đa tình. Ở tất cả sự đa tài, đa tình ấy bộc lộ cái đa dục của người tài tử. Với số lượng bài hát nói hiện có của Nguyễn Công Trứ mà chúng ta được biết, ta chỉ thấy một lần ông day dứt rồi ông triết luận về cái đa dục mà ông gọi là bầu nhân dục:

                                    “Khi hỷ lạc, khi ái dục, lúc sầu bi.

                                    Chứa chi lắm một bầu nhân dục”[1]

Chủ động khẳng định mình về danh vọng, thể hiện mình về hưởng thụ, thỏa mãn cái bầu nhân dục. Lợi ích, hạnh phúc, cái vui riêng của bản thân đã thành mối quan tâm, thành niềm thao thức, thành mục đích thay cho sự quên mình trong cái cuộc sống thanh cao tuyệt đối kiểu “nhất đan tự, nhất biều ẩm tại lậu hạng’’(一簞食, 一瓢飲, 在陋巷 – Một giỏ cơm, một bầu nước ở trong ngõ hẹp)[2]. Con người đã được đặt trong nhu cầu của chính nó, chú ý đến nhu cầu tự nhiên của chính nó, chứ không chỉ đặt trong quan hệ tôn ty phận vị của các nhu cầu xã hội. Bầu nhân dục hay cái đa dục chỉ thấy được nêu danh một lần nhưng nội dung của nó, tinh thần của nó được biểu hiện nhiều nơi và nó chi phối các hành vi của người tài tử trong việc tìm lạc thú, hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc vật dục, thú vui thanh sắc… Khái niệm đa tình như trùng với cái đa dục, hay nói đúng hơn, là một biểu hiện của đa dục:

“Thành sự do thiên lý
Gánh kiền khôn ai chẳng anh hùng
Sách có câu cùng đạt biến thông
Lại có kẻ dập dìu danh với lợi
Hữu chí công danh tài bất lụy
Sơ lai bồng thỉ hựu hà phương
Dễ mấy ai thôi dốc đống lương
Mà người thế đã đem nhau vật sắc
Làng khanh tướng xưa nay mấy mặt
Cũng lắm phen nhục nhục vinh vinh
Mới hay thiên địa đa tình[3]

Đa tình cũng gắn với đa dục. Tuy không chỉ nói về sự say mê sắc đẹp nhưng ở nội dung khái niệm này các thành phần khác không nhiều và điều này đặc biệt rõ trong hát nói. Như trên đã nói, Nguyễn Công Trứ phần lớn nói đến đa tình với nghĩa tình cảm nam nữ, nói đúng hơn là sự say mê sắc đẹp. Ngoài những lần nói đến loại tình cảm này dưới khái niệm phong lưu hay dưới dạng “tài tử giai nhân tế ngộ nan” (才 子 佳 人 際 遇 難), thì rất nhiều lần Nguyễn Công Trứ trực tiếp nói đến cái đa tình:
“Xưa nay mấy kẻ đa tình
Lão Trần là một với mình là hai
Càng già càng dẻo càng dai”[4]
“Càng tài tử càng nhiều tình trái”[5]
– “Quân tử đa tình cánh khả lân”[6]

Cái đa tình được quan niệm như là của người có tài. Người có tài được gặp minh quân cũng không bằng, hay nói như chính Nguyễn Công Trứ, là còn dễ hơn được gặp giai nhân. Nghĩa là một sự nghiệp lẫy lừng cũng ít ý nghĩa hơn cái tình yêu có được nhờ sự gặp gỡ khó khăn với giai nhân. Sự nghiệp không bằng tình yêu:

明 君 良 宰 遭 逢 易
才 子 佳 人 際 遇 難

“Minh quân lương tướng tao phùng dị.
Tài tử giai nhân tế ngộ nan”[7]

Trong văn học Trung Quốc, trước Nguyễn Công Trứ, loại tư tưởng này cũng đã được nói đến:
“An đắc tỳ hưu thập vạn binh
Hổ lang sào huyệt nhất thời bình
Qui lai bất sách phong hầu ấn
Chỉ hướng quân vương mịch ái khanh”
安得貔貅十萬兵
虎狼巢穴一時平
歸來不索封侯印
只向君王覓愛卿

(Sao được anh hùng mươi vạn binh
Hổ lang hầm tổ dẹp tan tành
Khi về chẳng lấy phong hầu ấn
Chỉ đến thềm vua xin ái khanh)[8]

Tinh thần của tư tưởng tình yêu quý hơn sự nghiệp như vậy đã có từ lâu trong văn học Việt Nam. Ý thức trí quân, trạch dân đã thực sự mờ nhạt, đã thay đổi trước sự lựa chọn như vậy. Tình được thể hiện ở các sắc thái, trạng thái cảm giác:
– “Khéo quấy người một cái tinh ma
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy
Đã gọi người nằm thiên cổ dậy
Lại đưa hồn lúc ngũ canh đi”.[9]
– “Giống ở đâu đây vô ảnh vô hình
Cứ tò mò quanh quẩn bên mình
Khiến ngẩn ngẩn ngơ ngơ đủ chứng
Hỏi giăng gió, gió giăng hờ hững
Ngắm cỏ hoa, hoa cỏ ngậm ngùi”.[10]

Cả mối tình trong khuôn phép và một cuộc tình trong môi trường hành lạc đều được nói đến và mô tả với niềm vui, hãnh diện:
– “Kìa những người mái tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ tơ đào còn mảnh mảnh
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh
Nhất tọa lê hoa áp hải đường”.[11]
– “Thú tiêu sầu rượu rót thơ đề
Có yến yến hường hường mới thú
Khi đắc ý mắt đi mày lại
Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng”.[12]
– “Thế nhân mạc oán tài tình lụy
Không tài tình quang cảnh có ra chi”.[13]

Tình hay nói đúng hơn là thú vui thanh sắc được quan niệm, được băn khoăn như vậy không phải đến Nguyễn Công Trứ mới xuất hiện. Trước Nguyễn Công Trứ rất lâu Dương Chu đã triết lý về chất lượng sống, ông viết: “Vậy con người sống để làm gì? Vui sướng ở đâu? Vui cái đẹp cái ngon, vui cái thanh cái sắc, nhưng cái đẹp cái ngon không được hưởng thường cho tới chán, cái thanh cái sắc không được ngắm hoài, nghe hoài mà lại thêm nỗi người ta dùng cách thưởng phạt để khuyên, ngăn; dùng danh vọng pháp luật để cấm đoán’’[14]. Điểm khác khá cơ bản giữa hai ông là ở Dương Chu cái thú thanh sắc là ở quan niệm, là tư tưởng, là không túng dục, được thể hiện ở các biện luận triết học, còn ở Nguyễn Công Trứ là các hành vi và là các hành vi mang tính quan niệm được thể hiện bằng thơ, phát biểu bằng thơ. Nguyễn Công Trứ sử dụng các triết lý của Dương Chu, Trang Tử để biện luận, biện chính cho các hành vi phi Nho của mình. Sử dụng các tư tưởng như vậy chủ yếu cho các mục đích thiết thực thuộc loại hưởng thụ, hưởng lạc như đòi hỏi thỏa mãn các dục vọng, các cảm giác của con người tự nhiên mà ít sử dụng theo hướng triết học, lý luận rộng lớn hơn, phức tạp hơn của thuyết vị ngã.

Đa tình, đa dục là những thứ Nho giáo phản đối mạnh mẽ vì nó có thể chống phá lễ giáo. Khắc kỷ phục lễ là một mệnh đề để thúc ước tình và dục. Cái đa tình, đa dục ở Nguyễn Công Trứ là sản phẩm của quan niệm nhân sinh quý thích chi, thỏa mãn các cảm giác của con người tự nhiên là túng dục, khác với quan niệm tiết dục, hướng mình theo lễ, theo trật tự của nhà nho chính thống.

Toàn cảnh khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Hà An

Bao trùm lên hết là các quan niệm tư tưởng hành lạc. Nguyễn Công Trứ nói nhiều đến hành lạc, nói nhiều đến chơi với mục đích thỏa chí. Hành lạc cũng được ông quan niệm là một chuẩn mực, một giá trị của đời sống:

人 生 不 行 樂
千 歲 亦 爲 殤
“Nhân sinh bất hành lạc
Thiên tuế diệc vi thương”.
(Người mà không hành lạc
Dẫu sống nghìn tuổi cũng như chết non)[15].

Một loạt khái niệm mới được Nguyễn Công Trứ đưa ra để nói cái tư tưởng hành lạc đó là: cuộc hành lạc, cuộc làm vui, chơi, nghề chơi, đường ăn chơi, thú phong lưu, đồ thích chí, thú ăn chơi…:
– “Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí”.[16]
– “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy
Nếu không chơi thiệt đấy ai bù”.[17]
– “Đường ăn chơi mỗi cách mỗi hay
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay”[18]
– “Thú gì hơn nữa thú ăn chơi”. [19]
– “Nghề ăn chơi thú nọ cũng hay”.[20]

Đưa ra nột loạt khái niệm mới để nói hành lạc, vừa lặp lại nhiều lần, vừa rất thích thú nói về nó, chứng tỏ tư tưởng nhân sinh quí thích chí của Nguyễn Công Trứ đã hằn lên các khái niệm, thúc đẩy sự hình thành các khái niệm mới. Bên cạnh đó sự xuất hiện các từ “cuộc” trong “cuộc hành lạc”, “cuộc làm vui” rồi “nghề” trong “nghề ăn chơi”, thêm nữa “đường ăn chơi”, “thú ăn chơi” tạo ấn tượng như những đơn vị tính của lạc thú. Điều đó khác với nhà nho chính thống, coi trọng cương thường, chỉ quan tâm đến nghĩa vụ, đến phụng sự mà không quan tâm đến hưởng thụ. Nội dung của hành lạc trong hát nói Nguyễn Công Trứ là cầm kỳ thi tửu, là thanh sắc.

Nguyễn Công Trứ tiếp nhận tư tưởng của Dương Chu, một người tôn vinh niềm vui sống. Nhưng Dương Chu nói đến sự cản trở niềm vui sống đến từ phía xã hội, luật pháp, danh vọng làm cho con người không được sống theo thị hiếu tự nhiên. Tư tưởng niềm vui sống của Dương Chu là hướng tới cho mình, vì mình, gạt bỏ con người xã hội, còn tư tưởng hành lạc, ăn chơi của Nguyễn Công Trứ đã hướng tới xã hội qua sự khoe mình, phô trương cho mọi người biết: “Chơi cho đài các cho người biết tay”. Dương Chu quan niệm nếu không được hưởng lạc thú thì không khác gì bị gông cùm, Nguyễn Công Trứ lại nói đến thiệt và lãi trong hành lạc:

– “Nếu không chơi thiệt đấy ai bù”
– “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy”
Cùng xuất phát một gốc mà sự suy luận đi theo hai hướng khác nhau.

Sự tính toán thiệt hay lãi là xuất phát từ nhu cầu bản thân, nhu cầu thực tế, trực tiếp của đời sống, khái niệm thiệt, lãi cũng là khái niệm của đời thường, mang tính cá nhân và phi Nho.

Trong quan niệm hành lạc của Nguyễn Công Trứ đã bộc lộ một thái độ tự do: tự do hưởng lạc thú, tự do ca ngợi lạc thú. Đó là tư tưởng đề cao con người tự nhiên, chống lại sự khắt khe của tư tưởng đề cao con người xã hội của lễ giáo, đó là thái độ chống đối lễ giáo, chuyên chế và đồng thời đòi quyền hạnh phúc tự do cho cá nhân, cụ thể là người tài tử

Mong muốn làm nên một sự nghiệp lẫy lừng, đâu đấy tỏ, muốn hành lạc, muốn thể hiện tài, bộc lộ cái đa tình… Tất làm cả nên một Nguyễn Công Trứ đa dục.

Nguyễn Đức Mậu

  1. Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính (giới thiệu, hiệu đính, chú thích), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr. 192.
  2.  Luận ngữ- Chu Hy tập chú. Dịch giả Lê Phục Thiện. Nxb Văn học, H.1992, 742tr.
  3. Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính (giới thiệu, hiệu đính, chú thích), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr 114
  4.  Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính (giới thiệu, hiệu đính, chú thích), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr 119
  5. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1994, tr 273.
  6.  Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1994, tr272
  7. Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính (giới thiệu, hiệu đính, chú thích), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr 93: nghĩa là: “Vua thánh tôi hiền dễ gặp nhau/ Tài tử giai nhân khó gặp nhau”.
  8. Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà vận văn, Nxb Hương Sơn.1940, tr 16.
  9. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1994, tr 318.
  10. Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính (giới thiệu, hiệu đính, chú thích), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr 94-95.
  11. Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính (giới thiệu, hiệu đính, chú thích), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr 118.
  12. Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính (giới thiệu, hiệu đính, chú thích), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr 90.
  13. Lê Thước, Sự nghiệp thơ văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, in lần thứ nhất, H., 1928, tr 90.
  14. Nguyễn Hiến Lê – Liệt tử và Dương tử, xuất bản lần thứ 2. Nxb T.p Hồ Chí Minh 1992, tr 216-217.
  15. Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính (giới thiệu, hiệu đính, chú thích), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr 113.
  16. Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính (giới thiệu, hiệu đính, chú thích), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr 84.
  17. Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính (giới thiệu, hiệu đính, chú thích), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr 187.
  18. Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính (giới thiệu, hiệu đính, chú thích), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr
  19. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1994, tr 283.
  20. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1994, tr 317.