Ngày Đinh Dậu, ông Dự tựa lưng vào chiếc sô-pha đã ngả sang màu lông chuột, đưa bàn tay gầy guộc móc từ trong túi áo ra 2 viên metformin cho vào miệng rồi vớ cốc nước uống dở trên bàn ngửa cổ nuốt cái ực. Phía trên tầng 2, tiếng khoan tường, tiếng máy cắt gạch, tiếng búa gõ và cả tiếng người cứ oang oang nhúi vào tai ông mớ âm thanh nhức óc.

Vẫn từ phía tầng 2, hình như ai đó vừa nói vọng xuống “Chị Hương xây thêm cầu thang bên ngoài đúng là đỉnh của chóp. Nỏ chi bằng độc lập tự do”.

Để nguyên bộ đồ pijama, ông Dự lấy chiếc cán ô hỏng đã được gỡ hết những phần thừa để làm gậy rồi đi bộ ra ngoài. Phía sau lưng, tiếng mấy ông thợ lao xao “Nghe nói cải tạo xong tầng này chị Hương còn chồng thêm 2 tầng nữa. Ta đừng lo thiếu việc làm”. Cái gì? Hương chồng thêm 2 tầng nữa ư? Chắc tụi thợ vui mồm vui miệng phán vu vơ vậy chứ làm gì có chuyện ấy.

Thị trấn Dằng sầm uất nhưng nhỏ xíu, chỉ cần đi bộ vài chục phút là đã thoát ra khỏi chốn xô bồ. Đồng chiều miên man nắng, bóng ông Dự đổ dài gấp khúc theo từng vồng khoai lang xanh mướt mát. Từ ngày về hưu non, ông Dự vẫn có thói quen dạo trên đồng chiều và thả mắt về hướng nam… Bên kia dòng sông Nguộc đang miệt mài chở nước về xuôi là dãy núi Thiên Nhẫn ẩn mình sau những đám mây trắng muốt. Nơi ấy là nơi ông gặp Lan, nơi ấy cũng là nơi ông giành giật với sinh mệnh chính mình để cứu lấy mạng sống của Tiến. Nơi ấy đã cùng ông đi qua cả một thời trai trẻ. Cái thủa đôi mươi thầy Dự được Ty Giáo dục điều về dạy toán ở trường cấp 2 Thanh Tịnh.

Ký ức ùa về như một cuốn phim tư liệu. Tất nhiên rồi, làm sao ông có thể quên được cái ngày ấy, cái ngày mà mà định mệnh đã đưa thằng Tiến đến với ông… Từ chiều, chiếc loa truyền thanh treo tạm bợ trên cây bạch đàn cuối làng bắt đầu đưa “tin bão khẩn cấp, cơn bão số 7…” Bữa ấy trời Thanh Tịnh lặng ngắt, trong veo không gợn mây, những con bò màu cánh gián thản nhiên gặm cỏ ven sườn đồi Sụm, vài cánh vạc chao chác bay về phía Thung Lam… một sự yên ả đến rùng mình. Khoảng cách giữa những lần loa báo bão cứ ngắn dần. Bà con cũng chẳng quá sốt sắng, có lẽ bởi trước đó đã mấy lần chiếc loa lè rè tạp âm ấy đọc “tin bão khẩn cấp” rồi mà cũng có hề hấn gì đâu. Xưa nay người đời vẫn hả hê bởi may mắn và cay đắng bởi chủ quan. Chỉ mãi đến 5 giờ chiều, khi từng đụn mây đen ngòm ngổn ngang kéo về cùng với những cơn gió “tiền trạm” lật phật trên tán cọ thì mới có lác đác vài người đàn ông trung niên hí húi trèo lên nóc nhà chằng chằng buộc buộc. Thanh Tịnh không có chợ, Thanh Tịnh cũng không có trạm y tế, thứ duy nhất kết nối Thanh Tịnh với phần còn lại của thế giới ngày ấy là bến đò Nương…

Đêm, những chiếc cửa phòng tập thể hớ hênh đã được giặm kín bằng lá cọ tươi. Vài ánh đèn dầu leo lét vụt tắt bởi những cơn gió hoang mơn trớn. Càng về khuya tiếng gió càng rít mạnh, người Thanh Tịnh thức trắng, không ai dám ngủ, mà cũng không ai ngủ được. Tiếng loa truyền thanh quạc quạc ỡm ờ rồi tịt ngúm. Chiếc radio của thầy Hùng yếu pin không dò được sóng. Đúng 7 giờ 30 phút sáng này 19 tháng 10 năm 1982 thì bão vào. Như những cú bạt tai bởi cơn thịnh nộ, gió giật liên hồi, mưa quất nát đất. Dãy nhà tập thể lợp giấy dầu chỉ trụ được không quá 20 phút. Gió giật phăng, trọc lóc. Tất cả đều trở nên quá yếu ớt và phập phều trước sự hung hãn của thiên tai. Mọi thứ tung tóe, tan hoang trong vài chục phút. Như bản năng sinh tồn, không ai bảo ai, mọi người kéo nhau chạy toán loạn về phía hội trường, nơi duy nhất có 1 gian nhà “đổ via”. Rúm ró, bàng hoàng, phía ngoài gió càng ngày càng mạnh. Những cây xà cừ khổng lồ trăm tuổi phút chốc đổ nháo nhào về một phía trông chả khác gì ruộng sắn mùa thu hoạch. 16 con người nép vào nhau, đói, ướt, lạnh… Lọ dầu Cù Là của ai đó được chuyền tay, mỗi người thoa 1 tý lên mũi. Bão vẫn cứ mỗi lúc càng mạnh thêm, gió và nước như xé toạc và cào bằng tất cả những gì có trên mặt đất. Tiếng răng va vào nhau cầm cập, 16 con người nắm lấy tay như thể đón ngày tận thế. 7 rưỡi bão vào, 9 giờ bão san phẳng khu nội trú, 10 giờ bão càng mạnh hơn, 12 giờ bão vẫn không ngớt, Thanh Tịnh như bị thổi văng ra khỏi quỹ đạo. Trụ được đến 15 giờ chiều thì “rầm”, giọng ai đó lạc trong tiếng gió “phòng thư viện sụp rồi”. Có tiếng người la thất thanh. Dự lao ra, chạy ngược chiều, chân người không thắng nổi sức gió, Dự cứ bị khựng lại, mưa như những viên đạn quất tới tấp toàn thân đau rát. Dự hé mắt chui qua bụng từng cây xà cừ ngổn ngang tiến dần về phía nhà thư viện. Một cảnh tượng hãi hùng, gian nhà xây bằng gạch Cừa đã sập hoàn toàn. Sách vở, gạch ngói, gỗ lạt nhèo thành một đống. Trên đầu gió vẫn rít những cơn kinh hoàng. Không một bóng người sao có tiếng la thất thanh? Dự lần mò vào trong thì phát hiện thằng Tiến nằm sấp giữa nền đất, máu nó loang theo nước mưa thành một vệt dài ngoằn ngoèo. Dự vừa bế thốc thằng bé lên thì mảnh tường cuối cùng cũng ập xuống. Cả người nhói đau, Dự gạt những viên gạch, gồng hết sức bế thằng bé vượt qua từng chướng ngại để bò về phía hội trường. Khoảng 30 phút sau thì gió ngớt, thằng Tiến tỉnh dậy thì thào… “Cứu… mẹ… cháu… với” rồi nó lại lịm đi…

Ngay trong chiều hôm ấy, thi thể Lan được tìm thấy trong đống đổ nát. Thì ra khi bão đến, Lan chạy bộ sang trường để chằng néo lại cửa thư viện. Thằng Tiến bám theo mẹ nó và cùng bị kẹt ở đó. Đám học trò thất thần, chúng cắt giấy kết những vòng hoa trắng tinh đắp đầy lên mộ Lan. Lúc hạ huyệt trời quang mây tạnh thì bỗng đâu một tiếng hú rền vang vọng về từ phía núi Thiên Nhẫn mà mãi sau này Dự mới hiểu nguyên do. Người Thanh Tịnh có phong tục trồng cây dứa dại lên mộ người chưa chồng. Vậy là thằng Tiến trở thành trẻ mồ côi lần thứ hai. Nó nói: “Mẹ nuôi cháu mất rồi, hay chú Dự làm bố nuôi cháu nhé?” Lửa cháy cuồn cuộn, người ta đốt những đồ dùng cá nhân của Lan để gửi về thế giới bên kia cho em… Dự thấy loang loáng có chiếc gối màu trắng thêu dang dở, hình như trên ấy có hình trái tim và chữ D.

Tiến ở với Dự được 3 tháng thì chuyển về Thanh Mỹ sống cùng bà ngoại. Cái đêm Tiến đi, sáng mai dậy Dự thấy trên bàn có 5 quả trứng gà ngay ngắn trong chiếc đĩa màu tím. Dự chạy hỏi khắp trường nhưng không ai biết của ai. Đến tận bây giờ ông Dự vẫn không hiểu vì đâu mà có 5 quả trứng ấy. Năm Giáp Tý, vào giờ Ngọ, khi Tiến đang ở cùng ngoại thì hai vợ chồng hiếm muộn dưới phố thị đến “xin” rồi đưa Tiến đi. Từ đó mọi tin Tức về Tiến đều chỉ là nghe mang máng. Nghe nói Tiến về thành phố được cưng chiều, được học trường chuyên, Tiến đậu Bách khoa, Tiến ra ngoài mở công ty… Tiến thành đạt… tất cả cũng chỉ là mang máng thế! Lại có người nói Tiến nghiện ma túy, tiến đi tù… Cũng chỉ là mang máng thế.

***

Ngày Thìn, tháng Sửu, năm Đinh Hợi, ông Dự đang xem tivi trong căn nhà 2 tầng khang trang ở phố huyện thì một người đàn ông bước vào.

– Bố, bố Dự, bố có nhận ra ai không?

– Tiến, Tiến phải không con?

– Dạ, con Tiến đây. Con về thăm bố đây!

Những vòng tay nghẹn ngào, và cả những giọt nước mắt đàn ông mặn chát không thể trào ra. Bữa cơm chiều hôm ấy được Tiến tổ chức thịnh soạn tại một nhà hàng phố thị. Lần đầu tiên ông Dự biết đến món ba ba om chuối…

Chuyện làm ăn của Tiến ông Dự không hỏi kỹ, cũng không muốn can thiệp vào. Đơn giản ông không muốn mối quan hệ này có bất kỳ một vương vấn nào về vật chất. Tiến đi biền biệt, cả năm vài lần ghé thăm. Lúc thì hộp sữa, lúc thì vài lượng cao… Hỏi han dăm câu, Tiến vội vội vàng vàng ra chiếc xe dài ngoẵng đợi bên kia đường. Mỗi lần như thế ông Dự đều thở dài rồi ôm chiếc đàn nhị ngồi bên cửa số nghêu ngao “con cò mày đi ăn đêm…”

Rồi một ngày mùa thu, Tiến đến, lần này Tiến dắt theo cả một cô gái mà cu cậu giới thiệu là vợ chưa cưới. Vừa bước vào nhà, sau vài câu thăm hỏi, Tiến sụp xuống nắm lấy bàn tay ông Dự mà thều thào, “Bố ơi, cứu con! Con trắng tay rồi” Rồi Tiến phân trần rằng nó đổ vốn vào cái gì gì đó, nó bị người ta phản và mất trắng. Rồi Tiến khẩn khoản: “con có việc này muốn nhờ bố. Con muốn mượn tầng hai của bố vừa ở vừa cho vợ con làm chi nhánh công ty”. Cô gái đi cùng Tiến phụ họa vào “Mong bố giúp tụi con. Thực lòng tụi con cũng chẳng còn biết trông cậy vào ai. Chúng con còn dành dụm được ít tiền. Cho tụi con gửi bố coi như mua bố cái tầng 2. Sau này có điều kiện tụi con chắc chắn sẽ trả lại bố”. Ông Dự nghe trình bày cũng mềm lòng, thầm khen con cái nhà ai mà khéo ăn khéo nói.

Ông Dự gọi bà nhà xuống cùng bàn, bà Dự nãy giờ ở phòng trong đã nghe đầu đuôi câu chuyện nên phán luôn: “Ngày bão số 7 tính mạng mình còn chả tiếc, giờ tiếc gì cái tầng hai. Lọt sàng xuống nia. Để lại cho tụi nó chứ ai vào đây mà sợ. Nhà mình không con cái, có thêm người càng vui”. Ông Dự nghe vợ nói như cởi được tấm lòng. Phải thừa nhận trong tình huống khó khăn phụ nữ bao giờ cũng có sự lựa chọn chính xác nhất. Lại nhớ ngày xưa nếu bà ấy không ra chỗ này lập trại, rồi người ta không mở quốc lộ đi qua thì chắc gì ông đã có cơ ngơi như này. Bà quyết là phải rồi. Đàn bà luôn đúng, ông Dự lẩm nhẩm trong đầu ý nghĩ thú vị ấy.

Tranh của Hoàng Hải Thọ

Thế rồi vợ chồng Tiến dọn về ở. Những ngày vui vẻ chóng qua nhanh bởi sự khác biệt trong sinh hoạt. Tiến đi biền biệt mà Hương thì lại thường về nhà lúc đã nửa đêm. Bà Dự mắc chứng khó ngủ kinh niên mà cái cầu thang trong nhà thì lại bằng gỗ. Mỗi lần Hương về muộn là mỗi lần bà Dự thức luôn đến sáng. Rồi khách khứa “đối tác” vào ra, rồi bạn bè tụ tập ăn uống, hát hò. Những xì xầm về Hương cũng bắt đầu đến tai. Nào là Hương nằm trong đường dây tiền ảo đa cấp, nào là Hương cho vay nặng lãi, nào là Hương là con nuôi của một ông trùm cộm cán đang thụ án phía nam. Căn nhà yên tĩnh của ông bà Dự trở nên nhộn nhịp, trên sảnh tầng 2 nghênh ngang tấm biển to tướng “Hiệu Cầm Đồ”.

Rồi Hương lắp một chiếc cầu thang bên ngoài để tiện làm ăn. Ông Dự tặc lưỡi, “Thôi kệ, mình già rồi, chúng nó có cách sống của chúng nó”. Chỉ có điều càng ngày ông càng nhận ra những bất ổn trong quan hệ giữa Hương và Tiến. Hình như có điều gì đó mà Tiến không thể chia sẻ cùng ông…

***

Thị trấn Dằng, ngày Đinh Sửu, tháng Tân Hợi, năm Nhâm Dần.

Giọng vị tổ trưởng dân phố như chùng xuống: “Thôi thì một sự nhịn chín sự lành. Đây chỉ là tranh chấp dân sự. Nội bộ gia đình nên lấy cái tình làm trọng mà hòa giải trong ấm ngoài êm; để loang ra xóm dưới làng trên người ta xì xào cũng không hay”.

Hương đứng dậy đối đáp choe chóe, cái thứ chất giọng kèm ngữ điệu mà hàng ngày Hương vẫn sử dụng với các “đối tác” trên tầng 2: “Không có hòa với chả giải gì hết. Chúng tôi mua bán đàng hoàng chứ không xin xỏ, có giấy tờ ký tá hẳn hoi. Đây, hợp đồng ghi rành rành đây: chị Hương được toàn quyền quyết định tầng 2 đây. Bây giờ chúng tôi muốn chồng lên mấy tầng là quyền của chúng tôi. Nếu có tiền chúng tôi xây lên tận cung trăng cũng được”.

Ông Dự không nói gì, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi những ánh điện đường úa vàng trong sương đêm. Đợi khi tất cả trở về trạng thái yên lặng, bà Dự ném chiếc bã trầu trúng phắp vào giỏ rác rồi mới thủng thẳng lên tiếng: “Hương nói đúng. Dẫu sao thì trước đây bố mẹ cũng đã ký vào văn bản mà chính con soạn ra. Theo đó thì các con toàn quyền định đoạt tầng hai, còn bố mẹ chỉ toàn quyền với tầng một. Ừ thì tầng 2 là tài sản của các con nên các con xây lên đến cung trăng cũng được. Mẹ chỉ thông báo cho các con biết, nếu các con có kế hoạch xây tầng 3 tầng 4 thì nên triển khai sớm chứ ngày 16 âm lịch tháng Chạp tới bố mẹ sẽ tháo dỡ tầng một! Nên nhớ tầng 2 của các con, nhưng tầng 1 lại là của bố mẹ, các con có quyền xây thêm cái của các con thì bố mẹ cũng có quyền tháo dỡ cái của bố mẹ”. Vừa ngớt lời, bà Dự lôi từ gầm bàn ra một chiếc khoan to tướng đặt lên bàn và nói: “Sáng mai vào giờ hoàng đạo thợ sẽ khởi công khoan ba mũi xuyên tường để lấy ngày”.

Hương thất lý, rúm ró trước cú phản đòn đanh thép của bà Dự.

Hai mươi tám ngày sau cuộc đụng độ kinh điển đó thì Hương bỏ đi không một lời giải thích. Bản “Hợp đồng mua bán tầng 2” được gấp gửi trả lại cẩn thận trên bàn. Cái đêm Hương đi trời mưa tầm tã, sáng mai dậy ông Dự thấy trên bàn có 5 quả trứng gà ngay ngắn trong chiếc đĩa màu tím. Bà Dự cũng không biết nguồn gốc những quả trứng, gọi cho Hương thì điện thoại “thuê bao”. Bà Dự đem những quả trứng thả xuống sông Nguộc rồi thuê người đến tháo dỡ cái cầu thang ngoài. Bà nói: “Nếu chúng nó còn quay trở lại thì nhà mình chắc chắn phải chung một lối đi”.

Bà Dự tháo xong cầu thang 2 tuần thì Tiến về. Một cuộc đoàn tụ đầy khó khăn. Sau bữa cơm chiều, Tiến chắp 2 tay trước bụng, cất giọng đều đều: “Xin bố mẹ hãy tha thứ khi con đã không nói toàn bộ sự thật. Hương không phải là vợ nhưng cô ấy đã từng là ân nhân trong những năm con lang bạt xứ người. Con biết không phải cứ ân nhân là người tốt nhưng báo đáp ân nhân với con là bổn phận. Mọi chuyện giờ đã qua. Con đã tích lũy đủ tiền để chuộc lại tầng 2 trả cho bố mẹ. Con cũng đã tìm mọi cách để đưa được cô ấy sang châu Âu. Hương là món nợ đời mà số phận đã buộc con phải trả cả gốc lẫn lãi. Con biết mình đã vi phạm khi chọn lối đi này. Con sai con chịu, nợ con con trả”

Hôm sau Tiến tự mình đi đầu thú. Tiến bị xử 12 tháng về tội môi giới, tổ chức đưa người đi ra nước ngoài trái phép.

***

Ngày Nhâm Tuất, bà Dự đổ 6 bơ nếp vào cái chậu gang rồi nói: “mai sinh nhật thằng Tiến, tôi nấu nồi xôi, ông trực tiếp mang lên trại thăm con”. Ông Dự im lặng rồi cầm chiếc đàn nhị ra bậu cửa ngồi, cất giọng khàn khàn: “con cò mày đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…” Giữa màn đêm âm u, bỗng một tiếng hú dài vọng về từ phía núi Thiên Nhẫn.

Nguyễn Khắc An

(Truyện ngắn đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 29, tháng 11+12/2022)