Cái tin Quỳnh bỏ trốn phát ra từ Tú đầu tiên. Ngay sau khi trưởng phòng Khương ấm ức bởi gọi điện mãi cho Quỳnh không được, Tú đã buông một câu xanh rờn: “Anh mà gọi được nó giờ này, em có mà đi đầu xuống đất!”.

Khương bực bội ném cái điện thoại lên bàn, xẵng giọng: “Thì biết chuyện gì, cô cứ nói rõ ra xem!”. Tú vẫn điềm nhiên tỉa tót, chăm chút cặp lông mày trong gương, đoạn thủng thẳng, cố che giấu sự hả hê thầm kín: “Tẩu vi thượng sách, em đoán là nó chuồn rồi’’.

Thủy đang bẻo lẻo kể cho bà Hằng rỗ nghe mấy mẩu chuyện lá cải vừa cóp nhặt được trên mạng, chợt tái mặt la lối: “Có đúng vậy không chị Tú. Nếu vậy thì nó giết em!”.

Bà Hằng rỗ kéo cặp kính lão xuống mũi, trừng mặt nhìn Tú cảnh giác: “Chuyện này không phát ngôn bừa được đâu. Lời nói đọi máu đấy cô Tú ạ!”.

Trước vẻ mặt hình sự của bà Hằng rỗ, Tú bỗng hơi hoảng: “Thì em cũng võ đoán thế. Buổi chiều muộn hôm kia, lúc mọi người về cả, em thấy nó đảo qua cơ quan rất nhanh, mặt mày nhớn nhác, hấp tấp mở hết ngăn này, tủ kia, soạn các loại giấy tờ rồi xé xé, vò vò. Tối qua, bà chị họ bên chồng em bảo đi qua cửa nhà nó, thấy mọi người xúm đông, xúm đỏ chờ vợ chồng nó về. Dừng lại, tò mò xem chuyện gì thì hóa ra người ta chờ xiết nợ”.

Bà Hằng rỗ luống cuống, đánh rớt cặp kính lão xuống trang báo phụ san mỹ phẩm, khuôn mặt bự phấn thoắt xanh mét như tàu lá: “Này, cô Tú không định đùa với chị em tôi chứ gì?”. Giọng Tú mai mỉa: “Em nghe kể thế nào thì thuật lại thế đó. Còn chuyện con Quỳnh, tưởng chị Hằng và Thủy là chỗ thân thiết, gắn bó môi răng với nó phải là người biết tin đầu tiên chứ?”.

Phút chốc, không gian của cái công sở vốn yên bình, hoặc bề ngoài có vẻ yên bình chợt trở nên rầm rĩ, nhốn nháo. Đầu tiên là tiếng Thủy la lối: “Quân mặt dày! Nửa tháng trước nó còn đến tận nhà em khẳng định như đinh đóng cột là sẽ thanh toán đủ cả gốc lẫn lãi. Ôi, con lừa đảo. Quân hút máu người mà tại sao em cứ mụ mị tin nó chứ lị!”. Bà Hằng rỗ nghiến răng, mặt co rúm như tượng La Hán: “Cũng vì tình chị em, đồng nghiệp mà giao tiền, giao vàng cho nó. Giời ơi là giời!”

Trưởng phòng Khương từ nãy tới giờ vẫn ngồi im như phỗng nghe chuyện. Môi người đàn ông trung niên mím chặt, mặt đanh lại, xám ngoét như đổ chì. Anh ta nghĩ đến khoản tiền ba trăm triệu bạc, hai tháng trước nỉ non, thuyết phục vợ gửi Quỳnh để hưởng lãi cao gấp bốn, năm lần ngân hàng, giờ đã đội nón ra đi.

Tiếc của đứt ruột nhưng vì có chút chức vụ nên Khương kìm lại, chẳng dám om sòm la lối. Hồi lâu sau, Khương đứng bật dậy, lớn giọng kiểu giận cá chém thớt: “Tất cả lặng yên. Cơ quan chứ đâu phải cái chợ nhà các người”.

Tú bĩu môi liếc xéo phía Khương, lẩm bẩm: “Gớm, chẳng đau hơn hoạn còn sĩ”. Lướt qua Khoa, từ nãy đến giờ vẫn cắm cúi vào mấy trang tài liệu, Tú dài giọng: “Thế nào, có bị dính “chưởng” với nàng Natasha không hả chàng khốt-ta-bít?”. Khoa vẫn cắm mặt vào màn hình máy tính. Tiếng gõ bàn phím đều đặn như không hề có chuyện gì xảy ra.

Minh họa: Bá Siếu

Thực ra, Khoa không hề vô tâm với mọi chuyện diễn ra xung quanh. Sao có thể thờ ơ khi điều khủng khiếp kia lại xảy đến với Quỳnh. Cơ sự đã đến mức này rồi hả Quỳnh ơi? Người sắc sảo, thông minh, luôn lường trước tính sau kỹ lưỡng như Quỳnh mà để đến nỗi vỡ nợ, phải bỏ trốn. Thật cay đắng quá đi mất!

Đã nhiều lần, Khoa cảm nhận chuyện làm ăn mạo hiểm đang đẩy Quỳnh lún sâu và đi quá xa. Nhưng vốn không am tường thế giới đầu cơ, các thương vụ làm ăn, mánh mung nên mặc nhiên, Khoa xếp mình ngoài cuộc. Dù nhiều lúc chỉ có hai người, chuyện rất tri kỷ, thân mật, nhưng chưa một lần Khoa dám ngăn Quỳnh hay góp ý này nọ. Giờ thì điều khủng khiếp đã xảy đến. Khoa day dứt suy nghĩ. Bấy lâu mình đã vô tâm ơ hờ. Thản nhiên nhìn bạn bè thiếu tỉnh táo, lao vào những rủi ro đen bạc có phải là người bạn tốt? Nhưng liệu Khoa góp ý, Quỳnh có nghe không, nhất là Quỳnh từng rất thành công. Đầu cơ, kinh doanh từng đem lại cho Quỳnh sự thay đổi chóng mặt. Còn Khoa, vẫn bị cả cơ quan chê là cổ củ, suốt đời chỉ biết đến sách vở, hài lòng với đồng lương ba cọc, ba đồng. Khoa góp ý, liệu có làm Quỳnh tự ái, làm mất đi sự tôn trọng mà hai người dành cho nhau lâu nay?

Nhớ vài năm trước, khi chứng khoán còn lạ lẫm với nhiều người, Quỳnh là người đầu tiên lên sàn và chiến thắng ở cái cơ quan thừa thời gian nhưng không thiếu chuyện đôi mách. Hồi đó, khi thấy Quỳnh bỏ xe máy, đổi sang con Huyndai Santafe, mọi người đã xì xầm, chắc con Quỳnh đi buôn lậu. Tú còn độc mồm độc miệng bảo, chỉ có đi buôn ma túy mới phất nhanh đến thế, chứ lương công chức thì có tích cóp bảy mươi đời! Đến khi Quỳnh chuyển nhà, đổi xe, sang con Camry 2.0 cáu cạnh, mời mọi người đi khao, tất cả lại được phen ngã ngửa. Giờ thì mọi người quay sang suýt xoa không ngớt. Và từ đấy, trừ Khoa, mọi người không ai còn có thể ngồi yên!

Khoa còn nhớ, Thủy và bà Hằng rỗ là người đầu tiên được Quỳnh cho mua ghé một lô cổ phiếu rất hời trên thị trường tự do, ngay trước ngày lên niêm yết chính thức. Còn Khương đã quên hẳn chuyện trước đó vẫn thi thoảng phê bình Quỳnh đi làm muộn, chậm hoàn thiện các báo cáo. Ông trưởng phòng thi thoảng nhằm lúc cơ quan vắng vẻ lại rón rén đến bên Quỳnh, đổi giọng từ hách dịch sang ve vuốt, xu nịnh: “Cô em đại gia nay mua mã chứng khoán gì cho anh “đu” theo với nào. Hôm trước, nhờ em mách tin về mấy “thằng” cổ phiếu Dầu Khí mà anh “ăn” được mươi giá”. Quỳnh vẫn dán mắt vào cái bảng điện tử tràn ngập những màu xanh, đỏ, tím, tay nhoay nhoáy nhắn tin cho đám môi giới, chẳng thèm ngoái cổ về phía trưởng phòng: “Anh cứ mua bằng được thằng VC… cho em. Nó sắp ra tin dự án chung cư khủng”. Khi thì tự tin chỉ đạo: “Cái thằng SD… sắp có tin chia thưởng 1:1. Anh xuống tiền mạnh. Em khẳng định quả này nó sẽ “chạy” gấp rưỡi”.

Bà Hằng rỗ nổi tiếng bẳn tính, chuyên “nghề” hóng hớt kiêm “đâm bị thóc, chọc bị gạo” đồng nghiệp bỗng đổi giọng ngọt ngào đến lạ với Quỳnh: “Em gái ơi! Sao chị đặt lệnh mua trần cái con em bảo hai phiên mà chẳng khớp gì cả. Thôi chị cứ gửi tiền vào tài khoản em luôn cho nó chắc ăn. Tháng vừa rồi, vụ lãi “cổ cánh” em giúp, chị mua con SH cho thằng nhớn, bố con nó bảo sẽ phải ơn cô Quỳnh cả đời!”.

Thời chứng khoán đổ dốc cũng có dạo làm mọi người nháo lên. Trưởng phòng Khương trách Quỳnh: “Sao tin cô nói ra rồi mà cổ phiếu vẫn rớt thảm. Làm thế nào bây giờ?”. Bà Hằng rỗ hờn mát: “Khoản tiền chị gửi em, tháng trước trăm triệu còn lãi được mấy triệu, tháng này tệ đến mức lõm cơ à?”. Họ cứ làm như Quỳnh là thánh nhân phù phép, điều khiển cái bảng điện tử với cả ngàn mã cổ phiếu xanh đỏ. Họ quên hết những lãi lời trước đó nhờ sự chỉ dẫn, giúp đỡ của Quỳnh. Họ vào hùa ngầm quy kết Quỳnh phải có trách nhiệm với đồng vốn họ mua theo cô trên thị trường, vào những quyết định xuống tiền mà ai cũng chỉ mong “dỡ nhà thiên hạ”…

Một buổi, Quỳnh đứng bên bàn nước công bố: “Em đã rút vốn hoàn toàn ra khỏi chứng khoán. Nếu anh chị nào đang cầm cổ phiếu mua theo tư vấn của em, cứ mạnh dạn cắt lỗ, em cam đoan bù đi, đắp lại từ đầu vẫn còn có lãi”.

Chừng như để mọi người thẩm thấu hết cái thông điệp vừa “phát”, Quỳnh nhẩn nha: “Thời gian tới, chứng khoán còn khó. Bởi vậy, nhóm hội của em quyết định chuyển hướng sang đánh “sóng” bất động sản. Cũng nói trước là thị trường này không dành cho nhà đầu tư ít tiền. Nhân đây, em khẳng định luôn là sẽ chẳng dám chịu trách nhiệm về đồng vốn của ai. Ai vẫn muốn gửi vốn em kinh doanh, em đứng ra làm khế ước vay, cam đoan trả lãi cao đàng hoàng. Còn tiềm năng trả nợ, cứ nhìn em và nhóm của em đã đủ để vay tiền mọi người chưa ạ?”.

Bà Hằng rỗ vui ra mặt, giọng đổi ngọt như mía lùi: “Gửi vốn ai chứ em thì quá yên tâm rồi. Mong em gái sớm lên hàng đại gia để bọn chị hưởng chút thơm lây…”.

Chẳng biết có phải Khoa gần như là người duy nhất trong cơ quan này không hề cầu cạnh Quỳnh chuyện đầu tư, bán mua, mà tình cảm của Quỳnh dành cho Khoa có phần tôn trọng đặc biệt. Không, tình thân của Khoa và Quỳnh bắt nguồn từ một sự kiện khác, cũng rất tình cờ, giống như một giao cảm tự nhiên.

Đó là vào một buổi trưa, Khoa vừa buông trang sách đọc dở xuống ghế, thì Quỳnh đi lại và vui sướng như reo lên khi thấy tên quyển sách: “Anh Khoa cũng thích cuốn này à? Anh biết không, ngày đại học, thấy em nghiện “Chiến tranh và hòa bình” của văn hào Lev Tolstoy, đám trong lớp có lúc “trêu” gọi em là Natasha”. Khoa ngỡ ngàng nhìn Quỳnh…

Thì ra đằng sau con người sắc sảo, khôn ngoan, thính nhạy với thế giới đầu cơ xô bồ là một cô nàng lãng mạn, kín đáo. Đằng sau những thương vụ mua bán chớp nhoáng không ít mạo hiểm, chẳng thiếu mánh mung là một tâm hồn trong trẻo, ẩn chứa cả sự yếu đuối, cô đơn. Không. Dường như, sách vở văn chương với Quỳnh còn là sự cân bằng, nơi bình yên, an trú, thậm chí cả cứu rỗi. Và dù có giỏi giang tới đâu, quăng mình đánh cược, chênh chao nơi chốn kim tiền nghiệt ngã bao nhiêu, trước sau trong Quỳnh vẫn là người phụ nữ bé nhỏ với một thế giới nội tâm đa thanh, một tâm hồn hướng tới cái đẹp, sự thánh thiện…

Khoa nhận ra mình và Quỳnh có chung sở thích yêu văn học Nga. Yêu tâm hồn Nga đôn hậu, khoáng đạt. Từ đó, cứ hễ những lúc rảnh rỗi là họ lại trao đổi về các cuốn sách, đa phần là tiểu thuyết kinh điển. Họ say sưa bàn luận về những nhân vật trong “Chiến tranh và hòa bình”, “Sông Đông êm đềm”, “Núi đồi, thảo nguyên”… Khoa nhận ra những lúc trò chuyện với anh, Quỳnh như trẻ hơn, trong trẻo, hồn nhiên, khác hẳn với thường ngày. Tự lúc nào, sở thích lạc thời đã đẩy hai người ở hai thế giới khác biệt, riêng rẽ dần trở nên tri kỷ.

Vậy mà…

Một buổi sáng, vừa tới công sở, Khoa bật máy, mở hòm thư điện tử như mọi ngày thì anh nhận được một lá thư mới. Người gửi là Quỳnh. Những dòng chữ như chập chờn, ẩn hiển. “Anh và mọi người chắc thất vọng về em lắm đúng không. Em đã để mọi chuyện đi quá xa. Chẳng biết em còn cơ hội gặp lại anh để nói chuyện về những cuốn sách?!

Lâu nay, dù anh giấu kín chuyện nhà, nhưng em vẫn biết cháu lớn nhà anh bị bệnh tim bẩm sinh. Em từng nung nấu kế hoạch sẽ giúp anh phẫu thuật cho cháu mà chưa tìm ra phương cách để được anh chấp nhận… Giờ thì em quyết định làm việc này. Em mới gửi vào tài khoản của anh 100 triệu đồng, tặng cháu làm phẫu thuật. Cam đoan, đây là những đồng tiền “sạch”, em tiết kiệm riêng từ lương.

Xin anh cho em được làm điều ý nghĩa này để thấy lòng mình thanh thản, để em gắng sống và vượt qua những tháng ngày đen tối…”.

Khoa thẫn thờ nhìn chỗ ngồi của người nữ đồng nghiệp, người bạn, người em gái thân thương, giờ là một chỗ trống. Ôi Quỳnh, nàng Natasha, giờ này đang ở đâu?

Bất giác Khoa bật tung khuôn cửa sổ nhìn dòng người đang hối hả xuôi ngược. Đã có bóng đào quất thấp thoáng. Và dường như ngoài kia, những tia nắng đầu tiên của mùa xuân đang run rẩy xua đi chút tàn đông giá lạnh…

Phan Ngọc Chính