Quê tôi xưa là mảnh đất thuần nông, nghèo khó. Nơi ấy bao đời gắn liền với lũy tre xanh, với mạch nguồn văn hóa dân tộc, với di sản tuồng cổ – loại hình mà bao thế hệ cha ông luôn trân trọng, nâng niu, gìn giữ, phát huy. Có thể nói, tuồng cổ đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân quê tôi trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là những khi Tết đến xuân về. Mỗi lần tổ chức diễn, làng quê lại thực sự có một ngày hội lớn. Dường như khắp xóm và các làng lân cận đều thao thức, bồi hồi đến quên ăn quên ngủ. Các cụ già trong làng thường quan niệm rằng năm nào diễn được tuồng đầu xuân là năm đó làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Câu lạc bộ tuồng xã Trung Thành (Yên Thành). Ảnh: Kiều Nga

Cuộc đời tôi đã đi qua bao thăng trầm bĩ cực, bao cảm xúc vui buồn. Đến tuổi xế chiều lại miên man hoài niệm. Ký ức ùa về trong tôi là những đêm trăng sáng, tiếng trống tuồng mênh mang da diết, rộn rã ngõ quê…

Không biết môn nghệ thuật tuồng cổ đến với làng tôi từ bao giờ mà lớn lên tôi đã chứng kiến trai gái, trẻ già ai ai cũng đam mê. Người ta hát ngoài nương mạ, hát trên luống cày, khi xay lúa, giã gạo. Lũ mục đồng chúng tôi thường nghêu ngao trên lưng trâu những đoạn tuồng không đầu không cuối. Tiếng hát xua tan cái đói, cái nghèo của một thời bao cấp.

Nghe cha tôi kể lại, do ham thích thú vui tuồng cổ mà ông nội tôi đã bàn với mấy người khá giả trong làng đi bộ hơn 20 cây số xuống làng Vạn Phần (thuộc xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu ngày nay) mời thầy Đào Hưu, một nghệ nhân tuồng cổ nổi tiếng đã một thời hát ở kinh thành Huế, lên Yên Thành để dạy hát. Mặc dầu hoàn cảnh lúc bấy giờ hết sức khó khăn, dân trong làng đa số ăn khoai trừ bữa nhưng cũng cố gắng nuôi thầy ăn ở một thời gian khá dài. Những nhà nào được xóm phân công nấu cơm cho thầy thì đó là một niềm vinh hạnh lớn. Nhân dân xem thầy như báu vật, như máu mủ ruột rà. Làng còn tìm đủ cách để có tiền mua sắm phông màn và trang phục, quần áo. Vì niềm đam mê ấy mà làng tôi được mấy xã lân cận quen gọi là làng tuồng xóm Yên Trung.

Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hạnh hóa trang chuẩn bị cho vai diễn. Ảnh: Thành Cường

“Nghề chơi cũng lắm công phu”, để hoàn tất một vở tuồng từ lúc tập đến khi ra mắt công chúng không đơn giản chút nào. Ngày đó, phấn hóa trang rất hiếm nên có lúc phải lấy lá cây, gạch non, than pin để thay thế. Ánh sáng có khi phải dùng đuốc hoặc đèn dầu, trang phục thì được cái nọ mất cái kia. Những người “vác tù và hàng tổng” phải dậy từ khi gà đang ngủ, họ phân công nhau đi vận động tiền gạo trong dân; số thanh niên, trung niên thì đảm nhiệm dựng sân khấu. Bao nhiêu tre pheo, gỗ lạt, dong ngắn, dong dài được vác ra. Một vài người khéo tay thì làm hoạt cảnh sân khấu. Dàn nhạc trống, thanh la, bộ gõ là bộ môn hỗ trợ đắc lực cho diễn viên biểu diễn và thổi hồn vào nghệ thuật sân khấu. Người nhạc trưởng phải đọc kỹ và thông hiểu kịch bản; mỗi tiếng trống chầu, trống con rung lên luyến láy là một dấu chấm, dấu phẩy trong câu hát và lời đối thoại. Khi xung trận giữa chốn ba quân thì thôi thúc, giục giã làm nôn nao lòng người; khi triều đình đàm đạo việc quân cơ thì nghiêm trang, thong thả. Một phần không kém quan trọng là yếu tố hội họa, được thể hiện rõ nét qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người hóa trang làm cho khuôn mặt diễn viên tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu. Các động tác nhập vai, cách đi đứng, cử chỉ biểu hiện cảm xúc nội tâm thiện, ác của từng nhân vật, diễn viên phải cường điệu hóa, phải tư duy sáng tạo, không rập khuôn, công thức. Tất cả từ người phục vụ ánh sáng đến ban lo công tác hậu cần, đến anh kéo phông, dàn hoạt cảnh, phải phối kết hợp nhịp nhàng, ăn ý. Ai ai cũng lo hoàn thành công việc được giao mà chẳng có một đồng tiền thù lao nào cả. Tôi được phân công đứng nép sau cánh gà nhắc bản. Công việc này đòi hỏi phải tỉnh táo, nếu không “sai một ly đi một dặm”. Những diễn viên sáng dạ thuộc làu kịch bản thì nhàn hạ. Khổ nhất là diễn viên nặng tai, nhắc một đàng hát một nẻo làm cho khán giả cười rách miệng. Cũng từ sân chơi này tôi mới hiểu ra các làn điệu tuồng cổ. Khi anh kép vung roi lên ngựa thì hát bắc tẩu, lão chèo đò ra xưng danh thì hát điệu khách, những câu hát nam thường theo thể thơ lục bát. Lúc buồn thì hát điệu nam thương giọng nghẹn ngào, sâu lắng; khi vui thì hát nam xuân; lúc lâm nguy, quân giặc đuổi sau lưng thì hát nam loạn…

Các nghệ nhân tuồng ở huyện Yên Thành vào vai trong một buổi tập. Ảnh: Thành Cường

Các vở tuồng cổ được nghệ nhân và soạn giả khai thác từ lịch sử giữ nước và dựng nước của ông cha ta nhằm ca ngợi gương trung quân ái quốc, bài trừ cái ác, cái nhu nhược của hôn quân vô đạo bán nước cầu vinh. Các diễn viên chân đất đã hóa thân vào vai diễn khá thành công.

Thời bấy giờ khát văn nghệ lắm! Đất nước đang trong chiến tranh, thỉnh thoảng vài ba tháng mới có một đoàn chiếu bóng lưu động về làng nên người ta lấy tuồng làm thú vui tiêu khiển.

Có lần, đang hát nửa chừng thì đèn măng-xông rụng lưới nhưng khán giả vẫn ngồi chờ. Những hôm mưa phùn ướt áo khán giả vẫn không bỏ cuộc. Tuồng gắn bó với quê tôi như duyên nợ khó gỡ. Hôm nay tế tổ họ làng trên yêu cầu, ngày mai xã dưới gọi, họ lại kéo nhau đi biểu diễn cho tận sáng mới về…

Thời gian thắm thoắt trôi đi… những cô đào, anh kép lần lượt về với cát bụi. Theo đà phát triển cũng như nhu cầu cuộc sống văn minh, tivi, băng đĩa nhạc ngoại tràn lan… tuồng quê dần dần mai một và chìm vào quên lãng…

Với tôi, sẽ còn mãi hình ảnh cha mặc bộ áo dài đen, đầu đội khăn đóng, chân đi guốc mộc trong vai lý trưởng làng; hình ảnh chú tôi mặc áo giáp lấp lánh kim tuyến trong vai Lục Vân Tiên hồi trào; hình ảnh những người nông phu chân đất với nước da sạm nắng quên đi nỗi nhọc nhằn mưu sinh đến với tuồng bằng niềm đam mê cháy bỏng mà nhập vai trên sân khấu rất ăn ý, có sức cuốn hút khán giả đến kỳ lạ. Sẽ còn mãi hình ảnh người dân quê tôi sau một ngày làm lụng vất vả trên đồng, thả vội cái cày, đôi quang gánh, tay chân lấm lem bùn đất ăn vội vàng bát cơm độn sắn để tất tả đến chỗ tập tuồng trong những đêm giáp hạt đói vắt veo. Và, làm sao có thể quên mỗi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, khi tiếng mõ trâu lốc cốc về chuồng, tiếng trống tuồng lại vang lên da diết, rộn rã ngõ quê,… Tất cả dòng hoài niệm cứ ùa về, khiến tôi không khỏi bồi hồi, tiếc nuối. Biết đến bao giờ mới lại được thấy, được nghe những hình ảnh ấy, những âm thanh ấy? Biết bao giờ mới được sống lại cảm xúc của một thuở tuồng quê…?

Cao Tiến Kỳ

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 29, tháng 11+12/2022)