Bộ tràng kỷ bằng tre này hiện ở nhà anh Nguyễn Minh Nhân, hội viên Chi hội Di sản Văn hóa cổ vật Sông Lam Nghệ An, ở làng Yên Duệ, xã Đông Vĩnh, thành phố Vinh. Anh Nhân đã kỳ công xây dựng khu nhà vườn với nhiều di sản văn hóa – lịch sử quý, có tuổi hàng 100 – 1.000 năm, trong đó có 3 ngôi nhà gỗ kiểu truyền thống dân tộc, đặc biệt một nhà có niên đại Minh Mạng thứ 16 (1836), cách ngày nay 187 năm; có nhiều hiện vật bằng đá, nhất là các linh vật kỳ thú, tuổi đời hàng trăm năm; có vườn cây cảnh nhiều tuổi quý, hiếm, đẹp và tạo theo thú chơi của người xưa… Ngôi nhà chính, cửa quay mặt hướng nam, có hiên rộng, bộ tràng kỷ đặt ở hiên này, rất gần gũi và hài hòa trong khung cảnh nhà vườn thoáng rộng. Đây chính là nơi hàng ngày chủ nhà tiếp trà khách khứa đến thăm nhà vườn, cây cảnh và các di sản cổ vật kỳ thú… Tôi rất mê bộ tràng kỷ này, vì nó vừa cổ, vừa được nghệ nhân xưa tạo tác rất kỳ công, tinh xảo, với các hoa văn tứ linh, tứ quý và bài thơ chữ Hán Tứ thời thi. Bộ tràng kỷ này tồn tại đã khá nhiều năm tuổi, gồm 2 ghế và 1 bàn, đều làm bằng tre mây và không hề dùng bất cứ vật liệu kim loại nào, có màu đen bồ hóng gác bếp và ngâm tẩm kỹ lưỡng để chống mối mọt; có kết cấu hài hòa và rất chắc chắn. Bàn dài 1m, rộng 44,5cm, cao 60cm. Chân bàn và các thanh ngang dọc đều ghép bằng tre lắp ráp với nhau bằng mộng và được chốt bằng đinh tre chắc chắn. Mặt bàn và mặt gác ngăn dưới đều làm bằng tre, ghép đan sợi mây; chung quanh dưới mặt bàn là nách bích ghép đều bằng tre ghép lại, dày 16,5cm, 2 mặt 2 bên và 2 đầu kết cấu giống nhau; 2 mặt 2 bên có trang trí điêu khắc hoa văn; chính giữa, mỗi bên là hình cây đào có chùm 2 quả và bên cạnh là hình bánh tròn có khắc chữ “vạn”, cách đều 2 bên lần lượt là 2 hoa đào thông phong, tiếp 2 vòm khuông thông phong (vòm thông gió), đến hình cửa 3 song thẳng, tiếp là 2 vòm khuông nữa; 2 mặt 2 đầu ở giữa mỗi mặt khắc hình 1 con cá, hai bên con cá cách đều là vòm khuông thông phong. Tầng dưới cách chân 17cm, có mặt liếp đan như mặt bàn để đồ vật cần dùng…

Anh Nguyễn Minh Nhân chủ nhân bộ tràng kỷ tre và tác giả Đào Tam Tĩnh

Hai ghế có tựa lưng, đều được làm bằng ống cọc và then tre vót, gắn kết với nhau bằng các mộng đục và chốt bằng đinh tre rất chắc chắn, hình thức tạo tác và trang trí điêu khắc hoa văn đều giống nhau, chỉ khác nhau ở 4 câu thơ chữ Hán. Ghế dài 155cm, rộng 45cm, cao phía sau từ chân đến đỉnh tựa 77cm, phần tựa cách mặt liếp ngồi 17cm, phía trước từ chân lên phần liếp ngồi 59cm, tựa tay 2 đầu cao 18cm. Mặt ngoài khung tựa tay chính giữa có mặt bích khắc hình nhị đào (hình 2 quả đào), mặt trong lại tạc thành hình con dơi (giống hình cái khánh), 2 bên cách đều nhau là 2 vòm khuông thông phong. Vách tựa lưng được chia thành 2 phần mảng, mảng trên bằng 1/2 mảng dưới. Chính giữa mảng trên có điêu khắc đầu hổ phù hóa rồng, các bờm vuốt như hình cánh hoa/lá sen, giữa trán có hình mặt trời tỏa sóng/ vân mây lên trên đầu và chung quanh, mũi sư tử, nửa miệng dưới có nửa chữ thọ, hàm trên có các răng tròn. Hai bên cách đều nhau (từ giữa ra 2 bên) là 2 ô hoa đào nhỏ thông phong, tiếp là 2 ô hoa sen 4 lớp (3 tầng cánh, 1 nhị tròn ở trên), tiếp 2 vòm khuông thông phong, tiếp 2 bên là khung có cuốn thư với 2 bút lông 2 bên, chung quanh trang trí cây mai hóa long (rồng) ở 2 bên, dưới có chân móng vuốt; tiếp 2 bên là 2 vòm khuôn thông phong, ô ngoài cùng 2 bên là bông hoa cúc 3 tầng có nhụy tròn ở giữa. Mảng dưới từ giữa dưới mặt hổ phù là khung ô, ngoài vuông, trong tròn (trời tròn, đất vuông), 4 góc vuông là 4 bông hoa đào (hoặc mai), vòng trong có các cây hoa sen, hoa súng đan lồng vào nhau vây giữa 2 chữ thọ (song thọ: ông bà, cha mẹ đều thọ); tiếp đều 2 bên là 2 khung có vách ván tre có khắc 2 câu thơ chữ Hán; tiếp 2 bên liền kề là 2 khung hình chữ nhật, mặt vách có khắc phong cảnh sơn tùng, núi đá (non bộ) và cây tùng già hóa long và có hoa; tiếp liền kề 2 bên là khung 15 song then ở trên; phía dưới hàng then có điêu khắc 3 hoa súng dây, giữa to, 2 bên hoa nhỏ; tiếp 2 bên là 2 khung chữ nhật có điêu khắc hình cúc điểu (cây hoa cúc và chim) sát với 2 đầu tựa tay. Vách riềm dưới trước liếp ngồi, chính giữa là khung then 7 song, cách đều 2 bên là 2 vòm khuông thông phong; tiếp đều 2 bên ra là ô khắc hình chậu lan; tiếp theo là 2 vòm khuông thông phong; tiếp là 2 ô khắc hình hoa thị.

Bốn câu thơ chữ Hán (mỗi ghế 2 câu) được khắc ở 2 bên ô chính giữa hoa sen hoa súng đan cài song thọ, ngay dưới mặt hổ phù với nét chữ nhỏ nhưng rất rõ ràng dễ đọc, theo kiểu thư pháp chữ chân có đá thảo, từ bài thơ “Tứ thời thi”:

Xuân du phương thảo địa/ Hạ thưởng lục hà trì

Thu ẩm hoàng hoa tửu/ Đông ngâm Bạch tuyết thi.

Tạm dịch nghĩa:

Mùa xuân dạo trên đất có cỏ thơm/Mùa hạ ngắm ao sen xanh

Mùa thu uống rượu hoa cúc vàng/Mùa đông ngâm bài thơ Bạch tuyết.

Bài thơ “Tứ thời thi” được khắc lên bộ tràng kỷ

Bài thơ về bốn mùa rất giản dị, hay và sâu sắc, tả đúng cảnh từng mùa và cách thưởng ngoạn rất điển hình, là thú vui tao nhã của tao nhân mặc khách xưa nay.

Các nhà nho xứ Nghệ từng mượn ý câu của bài này để sáng tác nên các vần thơ, bài thơ hay để ngâm vịnh cho nhau nghe trong những dịp tụ họp gặp gỡ bình luận văn học. Xin giới thiệu một bài được chép trong tập Bách gia thi tập (chưa rõ tác giả) như sau:

Phiên âm, dịch nghĩa (Nguyễn Mạnh Duân)

ĐÔNG NGÂM BẠCH TUYẾT THI (1)/ vần ngâm

Hoàng hoa hữu tửu sảng thu câm(2)

Bạch tuyết thi thành đông hữu ngâm

Thục ủng hồng lô khư đống sắc

Thanh phân quỳnh thụ phú nhai âm.(3)

Đốc thời ngụ vật sung chu ý,

Xử vật huyền tri phát dục tâm

Xuân thảo hạ liên du thưởng xứ

Thời lai đô thị hảo quang âm.

Dịch nghĩa:

MÙA ĐÔNG NGÂM THƠ BẠCH TUYẾT

Mùa thu có bình chứa rượu hoa cúc vàng,

Mùa đông làm thơ Bạch tuyết xong thì ngâm.

Ai đó ôm sát hỏa lò để tránh rét cóng,

Sắc xanh cây quỳnh báo tin tốt đẹp.

Đối thời ấy ngụ vật ấy, người có ý chu toàn cả,

Vạn vật đã biết việc cần phát dục (nuôi dưỡng mọi loài).

Nơi du thưởng cỏ mùa xuân, sen mùa hạ sắp tới

Đều là quang âm tốt đẹp cả.

Đào Tam Tỉnh

  1. Thơ Bạch tuyết: Đường Cao Tông ngự chế thơ vịnh tuyết, gọi là Bạch tuyết ca. Cũng có thuyết gọi Bạch tuyết là một khúc đàn cầm. Tạ Dật Hy ghi Lưu Quyên Tử chế khúc đàn cầm gọi là “Dương xuân Bạch tuyết”.
  2. Câm: Khí cụ đựng rượu. Kinh lễ: Đại phu sĩ ứ câm (Bậc đại phu, bậc sĩ có đôn, có kỷ để bình rượu).
  3. Quỳnh thụ: theo bài Quỳnh hoa chú truyện Tư Mã Tương Như trong Hán thư, Trương Ấp viết: Bến Lưu Sa phía tây Côn Luân có cây quỳnh cao muôn tầm, to bốn trăm người quầng (dưới tán), người ăn nhị hoa cây quỳnh sẽ sống lâu.