Ông thường nói với mọi người: “Nhiếp ảnh như cái nghiệp vận vào mình, còn sức là còn đi”. Quả là ông vẫn đi nhiều, lúc xuống biển, lúc lên rừng, lúc đến công trường, lúc ra đồng ra bãi. Vừa thấy ông đưa cháu đi học, gọi điện ông đã bảo đang chụp ảnh ngoài Diễn Kim, ở đây có đầm tôm đang thu hoạch. Cứ vận động liên tục như vậy nhưng sức ông có dư giả gì cho cam. Tuổi ngoại bảy mươi, cái chân ông bị thoái hóa khớp, lưng thoát vị đĩa đêm khá nặng, đôi mắt ông bị xuất huyết võng mạc, khô đáy mắt. Mỗi tháng phải đôi lần đi viện, lúc ở Hà Nội, lúc ở Vinh để làm thuốc. Việc nhà của ông cũng bận rộn hơn người khác rất nhiều, vì ông là trưởng chi họ, đám cưới, đám ma trong xóm ngoài làng, giỗ chạp, họ đương lối gần, nẻo xa… dính hết. Không đi không được, vụ nào cũng phải chu toàn. Sáng nào không có vụ việc gì đi xa ông thường pha sẵn cà phê rồi gọi bạn bè tụ tập tán gẫu đôi ba câu chuyện. Hình như ông muốn chia sẻ với bạn bè chút thời gian rỗi để rồi bế đứa cháu ngoại cho bà lo lợn gà, cơm nước. Thấy ông bận rộn quá, mọi người cũng không dám ngồi lâu.

Chân dung NSNA Trần Cảnh Yên.

Vốn là anh lính trinh sát quân báo từng xông pha qua nhiều mặt trận thời đánh Mỹ, ông rất nhiều vốn sống ở chiến trường. Về hưu ông đi viết báo, viết truyện, viết ký… Đến nay ông đã xuất bản 2 tập truyện ngắn: “Đêm Ô Lâu” và “Dòng sông hoa lửa”. Trong hai tập truyện và ký ấy, người đọc thấy rất rõ những gian khổ, hy sinh của người lính trinh sát, cảm nhận được tình cảm sâu nặng của quân và dân Quảng Trị. Nhiều câu chuyện chiến đấu rất hay về Trung đoàn của ông – Trung đoàn 27 lừng lẫy ở mặt trận B5 thời bấy giờ. Đọc những câu chuyện đó mới thấy bản lĩnh người lính trong ông như gang thép đã qua tôi luyện. Những ngày luồn rừng, những đêm vượt sông, bom đạn, đói rét, tử trận, thương binh, pháo kích, đèn dù… ngồn ngộn những tháng ngày khốc liệt. Mảnh bom địch đã găm vào ông, may mà ông vẫn còn sống để trở về với tấm thẻ thương binh 3/4. Giờ đây, với chiếc quần ngố vượt qua đầu gối, chiếc khăn Nam Bộ đội đầu, vai mang ba lô sau lưng, máy ảnh vài cái lủng lẳng trước ngực, ông lội phăm phăm giữa bãi sông, luồn lách qua những bãi sú, vẹt; hướng ống kính vào một người kéo lưới, cận cảnh vào những con cáy, con còng… Mồ hôi ướt đầm lưng áo, gai cào rách xước chân tay. Kệ! lên bãi thở một hơi dài rồi tìm một bóng mát kiểm tra lại những bức hình vừa chụp.

Ông là hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hơn 40 năm bước vào nghề nhiếp ảnh nghệ thuật, giải thưởng của ông chất cao hàng mét trên bàn. Ông xếp các khung giải thưởng lại một chỗ như vậy thôi, vì nếu treo lên thì nhà ông không đủ chỗ. Đề tài ảnh của ông vô cùng phong phú, từ đồng lúa, nương dâu, làng nghề, lễ hội đến các đề tài xã hội như cụ già, em bé, cô gái, thương binh… Những tác phẩm ghi dấu ấn của ông như “ Bức họa đồng quê”, “ Đi giữa mùa vàng”, “Nắng làng nghề”, “Kén vàng”, “Tàn mà không phế”… Bất kể đề tài nào, các tác phẩm của ông đều có cấu tứ rõ nét, nội dung sâu sắc, bố cục hoàn mỹ, ánh sáng gợi cảm. Mỗi tác phẩm đều tác động mạnh vào thị giác, tri giác, nhận thức và thẩm mỹ cho người xem. Chỉ là cô gái phơi bánh đa trong một ngõ nhỏ, ông đã khai thác được rất nhiều góc độ. Xem bức ảnh “ Nắng làng nghề” ta thấy màu nắng như mật ong vàng ruộm rót xuống những “trành” bánh đa dưới đôi bàn tay mọng mịu của cô gái tuổi xuân thì. Thông qua những bức ảnh của ông ta thấy một thế giới màu sắc sinh động và gợi cảm. Những bức ảnh lúc rạo rực, lúc thầm thì, lúc lung linh, khi trầm lắng như nội tâm đầy cảm xúc của một người cầm máy lão luyện. Ông là người đa cảm, nhạy cảm và tình cảm nên mỗi bức ảnh của ông tràn đầy cảm xúc mỹ cảm đối với người xem. Mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội khi được thu vào ống kính của ông đều chỉn chu, hàm súc và gây ấn tượng mạnh. Trong vô số đề tài để ông trải nghiệm, tiếp cận và thể hiện qua những cú bấm máy điêu luyện, chuẩn chỉnh thì đề tài về biển vẫn là chủ đạo trong sáng tác của ông. Có thể nói ông đã khai thác quá tỉ mỉ về biển, từ ngoại hình đến nội tâm. Biển như máu thịt của ông, là hồn cốt đậm đà qua từng bức ảnh.

Biển kết hoa. Ảnh: Cảnh Yên

Bãi biển mà ông gắn bó nhiều chục năm qua trải dài từ Diễn Vạn, Diễn Kim vào đến Cửa Hiền của đất Diễn Châu nối liền với Nghi Thiết, Nghi Thủy, Cửa Lò. Nhà ông ở Diễn Thịnh (Diễn Châu), một xã bãi ngang nằm vào quãng giữa dải biển ấy. Trừ những lúc đi công chuyện xa, hầu như ngày nào ông cũng ra biển, bất kể trời nắng hay mưa, gió Lào hay giá rét. Ông đi ra biển bằng xe máy, xe đạp và tản bộ. Ông bảo “Nhiều đêm trong giấc ngủ, trong mơ cứ nghe bến chài xôn xao và phía xa là chân trời hừng đông đỏ rực và… mình cứ hình dung ra những khuôn hình từ nhiều góc độ. Trời chưa sáng rõ mình đã có mặt ngoài bãi biển”.

Dáng biển. Ảnh: Cảnh Yên

Ông đắm mình trước biển quê hương, hướng ống kính vào khoảng trời có bình minh đang lên rực rỡ, những tia nắng lung linh tỏa ra từ những đám mây ngũ sắc bồng bềnh trên đường chân trời thẳng tắp. Và bức ảnh “Bình minh cửa biển” ra đời. Cũng trong khung cảnh sáng sớm mai, ông đã ghi vào ống kính những hoạt động vô cùng sinh động. Một ngư dân vạm vỡ, nghiêng mình vững chãi trên bãi biển, gồng mình kéo giây lưới căng đét trên mặt nước, phía xa xa là những con thuyền đang hướng ra khơi. Chàng trai với những bắp thịt săn chắc, cánh tay vung cao khắc họa lên nền trời lúc hừng đông một bức ảnh rất “động”. Ông đặt tên cho bức ảnh là “Dáng biển”. Cuộc mưu sinh trên biển diễn ra từ rất sớm. Ông có hàng chục tác phẩm chụp cảnh nạo ngao, vó ruốc, mua bán hải sản trên biển… cái nào cũng gây cảm giác sống động cho người xem qua hành động chăm chỉ, miệt mài của ngư dân vớibố cục chặt chẽ, những mảng sáng tối hài hòa trong từng bức ảnh. Tư duy về từng bức ảnh của ông không giản đơn, không dễ dãi, không chờ “ăn sẵn”. Sau mỗi tiếng “xoạch” của duypram là có một số phận nằm trong thẻ nhớ. Bức ảnh “Biển sớm” tưởng như đơn giản, nhưng chứa đựng một nội dung sâu sắc, thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo đầy cảm xúc của ông. Đó là bức ảnh đen trắng, diễn tả một chiếc xe đạp dựng chênh vênh trên bãi cát, trời cao, biển rộng, chiếc xe nghiêng đầu đứng im lìm trong sương lạnh. Trên giỏ xe là chiếc nón cũ xơ tướp và một dải khăn ngoằn ngoèo thõng thượt như sắp rơi xuống cát. Phía xa xa trên sóng, người phụ nữ với dáng vẻ gầy gò, yếu ớt đang khom mình nhặt môt cái gì đó trên bãi biển mênh mông. Mọi chi tiết trong ảnh đã nói lên cuộc mưu sinh tần tảo, gian lao của người dân miệt biển. Bức ảnh gợi lên niềm thương cảm sâu sắc pha lẫn chút xót xa cho những “thân cò lặn lội bờ sông”. Nhưng cũng có những bức ảnh đầy sáng tạo, đó là bức “Sự sống trên cát”. Ông đặt ống kính sát trên mặt đất, chụp những lớp sóng cát nối nhau, tạo thành những bầu ngực thanh xuân nõn nà, căng mọng. Quả là tài tình lắm!

Hoàng hôn trên biển là cảm hứng sáng tạo của nhiều nhiếp ảnh gia. Với ông, đã có hàng trăm, hàng trăm bức ảnh về khoảnh khắc thời gian. Đó là “Biển kết hoa”, “Dạ về”, “Hoàng hôn lạch Vạn”, “ Quà của biển”… Đặc biệt, bức ảnh “Chiều trên đồng muối” theo tôi là một bức ảnh đẹp về mọi nhẽ. Ông chụp những diêm dân đang thu hoạch muối trên đồng. Đoàn người đang vội vã về nhà lúc chiều xuống, đi đầu là cậu bé mười hai, mười ba tuổi vác trên vai một cái trang cào muối, phía sau là ba người phụ nữ đẩy ba chiếc xe cút kít chở đầy muối hối hả về làng. Nhưng cái đẹp bật lên lay động lòng người vì hình ảnh cả đoàn người soi bóng xuống ruộng muối xâm xấp nước. Hình ảnh phản chiếu đăng đối như thực, như mơ. Những dạ muối trắng phau, vun đầy trên xe óng ánh dưới ánh hoàng hôn màu mận chín. Người diêm dân vất vả là thế, nhưng qua ống kính của ông bỗng thấy đẹp lạ thường, rất nên thơ và lãng mạn. Quả là một sự cách điệu cuộc sống lao động rất tài tình qua ống kính của ông. Để chụp được những bức ảnh như vậy, nhất định ông phải lăn lộn, chực chờ nhiều ngày trên đồng muối.

Giải cứu cá voi. Ảnh: Cảnh Yên

Và biển như cơ duyên tạo nghiệp với ông để ông chụp được bức ảnh nổi tiếng về người Diễn Châu “Giải cứu cá voi”. Ông tâm sự: chính là nhờ cái duyên cái may mà tôi có tác phẩm “Giải cứu cá voi” để đời. Đó là một buổi sáng không hiểu ai xui khiến mà tôi đạp xe thể dục ven biển lại mang theo chiếc máy Nikon để rồi là người đầu tiên chụp được những file ảnh một con cá voi khổng lồ mắc cạn ở bờ biển Diễn Châu; Chưa hết, cái may còn dành riêng cho ông, bởi trong số hàng chục, hàng trăm tay máy nhưng không ai chộp được khoảnh khắc lúc cá voi quẫy mình vượt cạn. Đúng lúc “ngài” Cá Ông bất ngờ vung đuôi lên như cái cánh quạt khổng lồ tạo nên một biểu tượng hoan ca và hùng vĩ trong tiếng reo hò như dậy sóng của người dân đi giải cứu thì ông bấm máy liên thanh và chính cái khoảnh khắc may mắn kỳ diệu ấy đã mang lại vinh quang cho tác phẩm “Giải cứu cá voi” trong các cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật khu vực, toàn quốc và quốc tế.

Những phần thưởng và sự vinh danh ghi nhận sức lao động sáng tạo về nhiếp ảnh đã không làm ông tự mãn. Ông luôn khiêm nhường học hỏi và luôn coi các đồng nghiệp ở bất kỳ lứa tuổi nào đều là những người thầy để ông học tập, bởi vì như ông nói: “Trong nhiếp ảnh có vô số những thủ thuật, kỹ thuật, kỹ xảo mà bản thân một nghệ sỹ nhiếp ảnh đến khi rời tay máy vẫn chưa nắm bắt được.” Khi viết bài này về những bức ảnh với chủ đề biển của ông, lòng tôi cứ ngân nga câu hát trong bài “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng: “Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương, biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”. Có những người nhạc sỹ kể chuyện về biển quê hương bằng những giai điệu và lời ca; và tôi đang nghĩ người nghệ sỹ nhiếp ảnh Cảnh Yên cũng đã và đang kể những câu chuyện về biển quê hương ông bằng những khung hình rực rỡ ánh bình minh và hoàng hôn, bằng âm thanh xôn xao của cửa biển làng chài qua ống kính tài hoa và cần mẫn của ông.

Cao Khoa