Nhà văn Roman Ivanytchouk sinh ra ở Trach, hiện là Kosiv Raion, Ivano-Frankivsk Oblast Ukraine. Ông học ngôn ngữ tại Đại học Lviv và tốt nghiệp năm 1957. Ông là giáo viên của trường từ năm 1957 đến năm 1963; ông xuất bản truyện ngắn và tiểu thuyết từ năm 1958. Sau năm 1963, Ivanytchouk làm biên tập viên tạp chí Zhovten cho đến năm 1990. Năm 1995, ông trở thành Giáo sư tại Đại học Lviv và giảng dạy ở đó cho đến khi qua đời, năm 2016. Ivanychuk đã viết 15 tiểu thuyết lịch sử và một số tuyển tập truyện ngắn. Một số cuốn sách của ông đã được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Nga. Ông là người đoạt giải thưởng Shevchenko National Prize năm 1985 – giải thưởng mang tên văn hào dân tộc Ukraine, như Nguyễn Du với Việt Nam hay Mao Thuẫn ở Trung Quốc. Năm 2009, ông nhận được danh hiệu Anh hùng Ukraine. Ông cũng là đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô (cũ) nhiều khóa.
Tạp chí Sông Lam xin được giới thiệu tác phẩm “Bài ca hôn lễ” của nhà văn Roman Ivanytchouk tới bạn đọc: 

Lão Platko không thể biết liệu một ngày đã kết thúc hay chưa bởi trong con mắt lão một màu đen vĩnh viễn bao trùm. Tuy vậy, khi cái mùi ẩm ướt đậm đặc sà xuống, đậu lên những vạt cỏ vàng úa, khi những chú chim cút quấy quả thôi không còn hót nữa, và làn hơi mát ẩm ướt lan tỏa trên mặt đất thì lão biết chính xác màn đêm đã trở về, thế nên lão vểnh tai để hóng: “Những thợ cắt cỏ phải trở về để kịp khi trời tối”, anh bảo vệ – một thợ kiểm lâm mới nhận việc í ới gọi mọi người.

Người ta đã nghe thấy tiếng những bước chân trên thung lũng nơi có những dòng nước đóng băng trong con suối Jonka chảy róc rách: vậy là những người thợ cắt cỏ đã đến, và mùa thu hoạch lại sẽ được bắt đầu. Lão bước ra khỏi ngôi nhà lá; sức khỏe lão vẫn còn dư giả, và tự tay mình còn làm được món pho mát cừu. Lão dừng tay, vểnh tai lên để xác định tiếng bước chân đang đến là ai. Chả nhẽ lại là Ilko Kinache chăng? Kể từ hôm qua, Kateryna con gái lão đã chuẩn bị bữa trưa và hy vọng Ilko hôm nay, hoặc là muộn hơn nó sẽ đến nhà.

Lão nghe thấy tiếng ì ầm vọng lại từ phía ngọn đồi, gần sát ngôi nhà của Kateryna, rồi lão cũng đã nhận ra giọng nói của Yakoubiak:

– Này hãy nói, cô Motcherniak – người thợ kiểm lâm hỏi – tại sao cô không sửa lại cái mái nhà đi? Rồi có nhiều việc cần phải làm đấy.

– Tôi chỉ e mưa đá không làm bục được những tấm mái lợp thôi – Kateryna trả lời với vẻ trêu ngươi; à, mà nếu mọi người hiểu cho tại sao cô ấy vẫn cứ thản nhiên như không, chẳng thiết bất cứ cái gì, ngay cả việc lợp lại cái mái nhà cho mình… thì người ta sẽ hiểu ra thôi.

Những người thợ cắt cỏ không trọ đâu khác ngoài ngôi nhà của lão Platko. Họ sẽ ngủ ở đây, một số thì ở trong nhà, số khác lại ngủ ở ngoài trời, họ hút thuốc, trò chuyện với nhau, thưởng thức bản nhạc vang lên từ một cây sáo trúc. Và chẳng ai còn để ý đến một lão già mù lòa, hãy cứ để thuận theo tự nhiên, việc ông ấy mất thị lực là do tuổi tác mà thôi.

– Chơi một bài kỷ niệm đi bố già – ai đó trong nhóm thợ đề nghị – Hãy nhìn kìa, cô cháu ngoại của ông đang ngồi trên bậc cửa, đã đến lúc cần tặng bạn ý một bản nhạc hôn lễ rồi đấy…

– Hoa đến thì ắt hoa phải nở – Lão Platko trả lời – Nhưng mà chính lão đây vẫn còn chưa biết bản nhạc ấy đấy. Cháu ở đó à, Yakoubiak? – ông già vừa nói, vừa quay về nhóm thợ – Cháu có biết, Ilko cũng đến đây chứ?

– Anh ấy chắc sẽ phải đến. Tất cả nhân viên kiểm lâm đều phải có mặt ở đây.

Ông già đứng bật lên.

– Thế thì, hỡi các chàng trai, hãy ngủ lại trong nhà này… còn lão, lão sẽ đến nhà con gái – vừa nói, lão vừa lần nhanh xuống con đường dẫn xuống phía dưới.

Đêm ngắn ngủi sắp tàn, nó đang hóa thành những sợi tơ óng mượt bảng lảng trôi trên dòng Konka, lũ chim cút bắt đầu hót vang; vậy mà các bác thợ vẫn đang ở mãi đâu? Lũ châu chấu đốn hạ các thân cây chín mịn một cách tinh vi, nhưng chúng chỉ cắn phá phách thế thôi; vậy mà các bác thợ vẫn đang còn ở mãi đâu? Con chim cút tự hót vang than vãn, rồi đột nhiên im lặng. Trên sân nhà Makovytsia, người ta nghe thấy tiếng búa đập, tiếng lưỡi liềm cắt ngọt, tiếng kim loại va vào nhau lan ra trong làn bụi mờ mờ trên đồng cỏ. Họ cắt, tiếp tục cắt, cắt miệt mài, chú chim cút lại bắt đầu hót vang, rồi nhảy lên như bị phấn khích; Kateryna Motcherniak có vẻ bồn chồn.

– Mọi người hãy lẹ tay lên chút, rồi nghỉ ăn trưa đã, Olèna… Olèna! Nhanh lên con!

– Vâng, ạ…

Kateryna kín đáo giấu lọn tóc hoa râm của mình dưới chiếc khăn trùm đầu rồi chạy ngược lên con đường mòn. Những thợ cắt cỏ đứng xếp hàng thành hình chữ V. “Ch-cha, ch-cha, ch-cha”, bầy ong sợ hãi tụ thành từng đám bay vè vè trên đầu, lũ châu chấu túa lên dạt sang một bên, phấn hoa phủ đầy sương bay lơ lửng hòa trong không khí. Kateryna nhìn chằm chằm lên các tổ ong. Trong đám thợ, cô không nhìn thấy Ilko đâu…

Lạ nhỉ, sao cho đến tận bây giờ anh vẫn cứ tránh mặt em? Kateryna đã giấu kỹ những lọn tóc hoa râm dưới chiếc khăn trùm đầu, bây giờ Ilko chẳng còn gì phải sợ mà sao anh ấy vẫn không thấy ở đây?

– Ilko đã đi công cán để thị sát – Yakoubiak vừa nói, vừa đứng lên – Anh ấy đã có mặt ở Pohar, cô biết chưa, Kateryna?

Kateryna có nghe. Đường đến Pohar thì xa mà Ilko thì bị đau ở chân, cán bộ kiểm lâm không biết việc ấy, anh ta mới đến làm việc ở đây, chân đau mà vẫn phải leo núi, sao lại để anh ấy đi một mình nhỉ?

– Anh ấy nói là phải đi thị sát việc trồng cây – Yakoubiak nói rồi không quên ném theo cái nhìn ái ngại trước vẻ đẹp đang phai nhạt dần của Kateryna.

Cô không còn bụng dạ nào để ý đến việc cơm nước. Ilko có thể bị ngã trên đường. Nước sốt sôi ùng ục trong chảo, cô gọi Olèna: “con hãy tự chuẩn bị bữa trưa đi nhé, mẹ phải đến Borovets ngay giờ đây”. Olèna biết rõ mẹ mình không phải đến Borovets, nhưng cô vẫn cầm cái muôi gỗ khuấy nồi nước dùng. Kateryna chạy thục mạng. Qua cửa sổ, Olèna nhìn thấy mẹ mình đang băng băng tiến về phía Pohar, Olèna thương mẹ nhưng cảm thấy hạnh phúc bởi sự già nua không phải đo đếm bằng năm tháng.

Minh họa: Hữu Tuấn

Ilko đã vượt qua rừng, càng đi anh càng cảm thấy chân mình đau thêm. Cách đây khá lâu, vào thời Kovpak[1], bọn Đức đã làm anh bị thương bằng một cú đánh vào chân làm đứt gân gót chân. Hồi trẻ, anh còn xoay xở đi lại được. Bây giờ vết thương cũ lại tái phát, bắt đầu mưng mủ, nhưng anh không nói với ai vì sợ người ta coi anh là thương binh và sẽ bắt anh phải nghỉ hưu. Khu rừng sẽ trở nên mồ côi, đúng, nó sẽ mồ côi, anh tự an ủi mình, không có anh, ai sẽ chăm sóc cây cối trên Pohar? Nhưng anh hiểu quá rõ bản thân mình, anh vẫn sẽ chỉ là một người đơn độc và anh đến đây với tư cách là một vị khách không mời không hơn không kém. Những cây cối mà bây giờ anh là chủ nhân, có quyền quyết định cho cây này để trồng còn cây kia thì phải chặt, chúng sẽ nhìn anh với suy nghĩ khác như là một kẻ hưu trí tàn tật. Con nai sẽ không còn đến ăn muối trên tay anh và con gấu, vừa nhìn thấy một vị khách không mời mà đến tiến về phía mình thì sẽ bắt đầu gầm lên. Anh sẽ sống như thế nào nếu một mình đơn độc? Và những cây cối trên Pohar sẽ khô héo, ai sẽ chăm sóc chúng được như anh? Vì rằng họ đều có vợ con, còn anh, anh chỉ có rừng.

Ilko đã đến tới Pohar, anh cúi gập người xuống kính cẩn trước nghĩa trang của khu rừng. Một bàn tay tội ác đã tàn phá thiên nhiên nơi này. Những thân cây mục nát nằm phơi mình trên mặt đất, chúng thối rữa, những cái xác vô dụng nằm la liệt. Người ta biết cách chặt hạ, nhưng người ta lại không biết chuyển đi khỏi đây những cây linh sam. Họ đã đặt tên cho Pohar là nghĩa trang bị nạn, nơi tro tàn, và bây giờ, ở đây chỉ có lũ rắn là có thể còn sinh sống được, bầu trời trên đó luôn ủ rũ trước sự ngu xuẩn của con người.

Nhưng những cây vân sam non vẫn vươn cành về phía mặt trời, cuộc sống tàn phá của khu rừng đang hồi sinh trở lại. Ôi, giá mà con người cũng có thể hồi sinh được như thế thì Ilko đến Pohar dễ dàng hơn là ở lại Makovytsia.

… Hồi còn trẻ, anh từng mơ ước có một khẩu súng, chứ không phải là điền địa. Với một khẩu súng, người ta có thể tồn tại. Anh đã tự kiếm tiền từ việc thu lượm hoa quả trong rừng và đã mua được một khẩu súng trường của nước Áo từ tay một chủ quán trọ ở Jabié. Tiếng nổ của nó đanh gọn và đã hạ gục một con lợn rừng ngay từ phát súng đầu tiên. Cảnh sát không thể bắt anh vì tội sử dụng vũ khí không giấy phép, bởi anh đã giấu nó trong đống cỏ khô và đi tay không đến nhà Kateryna ở Makovytsia, rồi đã qua đêm ở đó, chỉ có Chúa mới biết anh ngủ với Kateryna như thế nào thôi. Anh đã kiếm được tiền từ những tấm da lợn lòi, đúng ra cũng chỉ đủ để trả tiền phạt trong trường hợp bị công an vớ được. Vậy là, anh lại đến Outorope để làm muối, anh cần phải trang trải cuộc sống. Anh không thể đáp ứng nhu cầu của Kateryna và gia đình bằng số tiền kiếm được do thu hái quả dâu rừng. Vì việc làm muối này mà anh đã phải ngồi tù và khi quay trở lại, Kateryna đã có một đứa con.

Trong cơn thịnh nộ, anh đã lao vào nhà… “Em van anh, Ilko thân yêu, em không yêu anh ta, em đã tống cổ anh ta ra khỏi cửa ngay sau cái đêm đầu tiên, hãy thứ lỗi cho em vì đã không thể cự lại được, nhưng đứa bé, em không thể giết nó được”. Ilko gào lên: “Vậy thì chính tôi, tôi sẽ giết nó!” Ilko đã túm lấy cẳng đứa bé như người ta túm một con chó con, hai tay của nó buông thõng xuống hai bên sườn anh, nhưng anh đã không thể hãm hại được đứa trẻ. Sau đó, anh đã bỏ lên núi, trên những ngọn núi cao, bởi vì chính nơi này đã trở nên quá nhỏ bé, chúng đã ngã gục trước sự hổ thẹn.

Đúng lúc ấy, một gã đàn ông đã mê hoặc Kateryna, Ilko thì bặt tin. Chìm đắm trong tuyệt vọng, cô đã sống buông thả, lão già Platko thì khóc hết nước mắt và ông bắt đầu bị mất thị lực, Kateryna đã âm thầm làm lễ cưới cho mình, nhưng đám cưới thì lại không có chàng rể. Cô ấy chẳng muốn lấy ai, không muốn ai hết.

Ilko lại trở về và đến nhà Kateryna.

– Em cưới chồng thật hả, Kateryna?

– Vâng, đúng vậy mà Ilachko[2], em làm thế chỉ để che giấu sự hổ thẹn của mình, chỉ mong anh không bao giờ phải ân hận vì đã phải vĩnh viễn xa em. Nếu muốn, anh có thể ngủ lại đây với em qua đêm…

Vừa nghe xong, Ilko đã lao vào Kateryna, anh đánh đập cô một cách dã man. Sáng hôm sau, mọi người nhìn thấy Kateryna tàn tạ, tóc bạc trắng. Kateryna đã thôi không còn làm cái việc ngu ngốc như thế này nữa.

Mặc cho con người đã tàn phá những cánh rừng trên Pohar, nhưng hãy nhìn xem những cây vân sam non vẫn đang đâm chồi nẩy lộc dưới ánh mặt trời, cuộc sống vẫn sẽ còn tái sinh trong khu nghĩa trang, vâng, đúng là vậy…

Cái chân làm anh đau, Ilko gục vào đùi và gập người xuống ngủ. Những chồi non xanh tươi của cánh rừng bị tàn phá vây xung quanh anh, “với chúng ta, Kateryna ạ, phía trước chúng ta, không có gì ngoài những thử thách…”

Tại sao lại như thế được? Tại sao trong số tất cả những ngọn núi cao, Pohar lại trở thành điểm cao tột cùng? Anh ngửa mặt lên, đằng sau đỉnh dốc phía trước, dải Makovytsia đang chuyển dần sang màu xanh thẫm, nó nâng đỡ bầu trời bằng điểm tựa của mình. Nó đã có từ khi anh chưa đặt chân đến hay là mới hiện lên? Anh hiểu rõ điều đó, anh đã sống dồn nén những tháng ngày vô bổ không mùi vị. Bao giờ thì anh lại lên đó lần cuối cùng nhỉ?

Ilko hồi tưởng lại toàn bộ cuộc đời mình từ khi khởi đầu. Anh vô cùng đau đớn hiểu rằng tất cả những gì do bàn tay và khối óc mà anh đã tạo dựng, rằng một khi trái tim của anh còn đập thì tất cả đều là vì cô ấy. Khẩu súng, những cánh đồng muối, nhà tù, nỗi tuyệt vọng, cơn cuồng dại, sự đánh đập và những cây cối này, tất cả đều là vì Kateryna. Duy có điều, không có cô ấy… Anh đã sống những năm tháng tuyệt vọng, và cuộc sống với anh cũng chỉ như một hoang mạc.

Anh đứng dậy, gắng bước thêm để tiếp tục con đường của mình, rồi cúi xuống, oằn người ghì chặt lấy nỗi đau. Có lẽ cần phải tự cho là…

Kateryna sững người lại. Ilko đang nằm ngủ trên đất, cô chạy tới. Bỏ lại sau mình những năm tháng, vất tung những mớ tóc hoa râm của mình như vứt bỏ một cái mạng nhện bùng nhùng.

– Ilashko! – anh nghe thấy bên mình giọng nói quen thuộc – Dậy đi anh, em sẽ giúp anh nằm xuống. Chỉ xin anh đừng đuổi em đi lúc này, Ilashko…

– Đừng đuổi em… Đừng đuổi em… – Ilko thì thầm nhắc lại.

…Olèna đang dọn bàn thay cho mẹ. Ngay sau khi sương tan, những mớ cỏ đã được cắt xén xếp thành từng đống để ngổn ngang, phơi khô dưới nắng mặt trời. Olèna thay mẹ xếp các món ăn lên bàn và nói với ông ngoại chơi bản nhạc phục vụ các bác thợ.

Ngôi nhà của Kateryna hiện lên một cách buồn tẻ về nhiều góc độ. Sự trống vắng, ảm đạm của nó lan đến tận những ngọn núi cao, nhưng cây sáo trúc vẫn không ngừng tấu lên vui vẻ. Nụ cười của lão già Platko làm tươi lại các đồng cỏ và cây sáo trúc vẫn ngân lên như vuốt ve những ai đang nghỉ ngơi, hứng khởi, thúc giục những người đang làm việc, và có thể nó đang ngân lên một bản nhạc hôn lễ dành cho những người khác…

Nguyễn Hữu Vỹ (dịch)

1. Chính khách Liên Xô, một trong những người tổ chức Kháng chiến ở Ukraine trong Nội chiến và Thế chiến II. (N.d.T.)
2.Tên gọi thân mật của Ilko.