Mới chưa quá nửa tháng Chạp bụng dạ đã cồn cào, làm gì chị cũng quýnh quáng chân tay chỉ vì nghĩ đến chuyện về Tết. Đã bốn năm rồi, chị chưa về quê. Xa quê dằng dặc cả ngàn cây số, số lần về quê, cưới em, giỗ mẹ, về Tết,… chị nhớ hết. Chị nhớ lần về đầu tiên, sau ba năm ra đi, chị chậm về vì lúc đó mới sinh, mọi việc chưa ổn định. Các lần sau, dù việc nhà túi bụi, tiền nong thiếu thốn nhưng vẫn phải về. Bốn năm chưa về, nghe đâu làng bây giờ nhiều thay đổi, nhà cửa xây lại nhiều, đường làng được bê tông vì đang xây dựng nông thôn mới. Bố cũng đã làm lại được nhà. Mọi thứ đã đỡ hơn nhiều…

Minh hoạ: Minh Châu.

Chuyến này về chị sẽ ở cho qua rằm họ, thăm đủ bà con anh em. Bởi việc nhà coi như đã gọn. Lứa cà phê muộn đã tận thu, cỏ rẫy cũng chỉ vài buổi nữa… Tiền nong chị đã chuẩn bị rồi. Tiền xe, tiền biếu nội ngoại, tiền mừng tuổi cho các cháu, ngoài ra chị còn nghĩ phải sắm cho bố cái áo rét và cái chăn xốp nữa. Ngoài quê thường rét đậm. Người già như bố, cái chăn bông lâu nay ông dùng sẽ rất nặng. Số tiền này đáng kể với gia đình chị. Thôi mặc… Chị chỉ mong được gặp bố, mấy năm mới về một lần, càng nghĩ càng nóng ruột, càng nhớ bố. Nhớ bố, việc lo cho bố luôn thường trực trong chị. Vài tuần chị gọi về một lần. Hễ cầm máy là bố lại nói “bố khỏe, bây nỏ phải lo chi mô”. Giọng bố oang oang, cứ “nỏ lo, nỏ lo…” rồi ông lại cười. Chị quá biết tính bố. Mọi việc với ông đều “không lo chi mô”. Ông đơn giản đến vô tâm. Chị còn nhớ ngày xưa hễ đến bữa hết gạo là bố lại bảo xách rá đi vay. Thành thử năm nào hết gặt, trả nợ xong, lúa trong nhà cũng cạn. Mấy năm lại đây đỡ dần, đủ ăn, nuôi được bầy gà bầy ngan. Hôm qua chị gọi về, ông vẫn thế, “Ừ, đưa cả nhà về, nỏ lo chi mô, ngan gà cả tỉ, tha hồ ăn”.

Nói thì nói thế nhưng chị vẫn lo. Với người như ông, thêm mỗi tuổi mỗi yếu. Tuần trước, chồng chị gọi video về cho chú em gặp lúc bố ở đó, chị thấy khuôn mặt ông hốc hác, hàm răng chỉ còn vài chiếc, miệng móm mém, đầu bạc trắng xác xơ… Vậy mà ông vẫn cười, gặp mặt là thấy cười. Ông vô tư, hồn nhiên đến lạ kỳ. Ngồi đâu, gặp ai cũng rôm rả chuyện trò, chuyện trong làng ngoài xóm, chuyện thời lính… cứ thế tuôn. Nào hành quân thế nào, trận đánh ở đâu, ai còn ai mất…

Thực ra chị đã định về từ Tết năm ngoái, nhưng ngặt nỗi cơn lũ dữ dằn đã cuốn trôi của vợ chồng chị ngót hai trăm gốc cà phê sắp cho lứa quả đầu. Sông Đakrông như con ngựa hoang lồng lộn, dòng nước sôi sục đục ngầu ngoạm sâu vào chân đồi làm đổ sụp từng mảng đất. Những gốc cà phê, cọc tiêu chìm nghỉm, trôi cùng bao nhiêu cà phê, tiêu, sầu riêng, xoài mít của dân các vùng trên. Cùng chồng đứng trên đầu rẫy chứng kiến bao công sức, mồ hôi phút chốc trôi tuột, mất tăm, chị như điên như dại. Nỗi buồn cơn lũ mang lại kéo mãi đến áp Tết nên dù có muốn về chị cũng không chuẩn bị kịp. Còn Tết này chị phải về.

Chị đã ăn nhiều cái Tết trong này. Tết ở đây không được như cái Tết ngoài quê, mặc dù chị cũng cố gắng bày biện soạn sửa. Nhà cũng gói bánh chưng, cũng sắm chậu mai nhưng vẫn không có cái chộn rộn, rạo rực của ngày Tết. Tết gì mà nắng chang chang, đường sá bụi mù, áo quần lúc nào cũng dấp dính mồ hôi. Tết mà không có thịt đông, không có dưa hành, bánh chưng cũng gói cho có. Cỗ dọn ra chỉ vài miếng cho qua bữa. Tận ngày Ba mươi người ta mới đủng đỉnh sắm sanh qua loa gọi là. Vài thùng bia, cây giò, ít bánh kẹo… cốt để gọi nhau nhậu một bữa, chẳng hơn những ngày bình thường là mấy. Tết trong này người ta thường kéo nhau đi chơi, đi du lịch. Người có tiền xuống Vũng Tàu, Sài Gòn, có nhà còn ra tận Hà Nội, Hà Giang, Sa Pa… Với chị, cái Tết đầy đủ là cái Tết trong mưa phùn gió bấc, cái Tết có hoa đào, có sum vầy con cháu ông bà, có phút giây hồi hộp chờ đón giao thừa, có thăm hỏi chúc tết nội ngoại, xóm giềng. Không khí Tết còn kéo ra gần hết tháng Giêng, nào rằm nào họ, đường sá nhộn nhịp vui vẻ… Nhiều Tết không về, nhìn bà con mình tíu tít ra đường đón xe về quê chị như người mất hồn. Ba ngày Tết chị ra ngẩn vào ngơ, bần thần bải hoải.

Thấm thoát, thế mà chị đã xấp xỉ tuổi năm mươi. Vợ chồng chị có ba đứa con, con Ngọc đầu sinh ở quê, con Mai sinh trong này. Cô chị làm công ty tận Bình Dương, em học nghề dưới Sài Gòn, cả hai đều đã chồng, con. Con trai út là thằng Tuấn, đang là bộ đội. Nhớ ngày đầu vào đây, ở nhờ nhà người cùng làng, dựng tạm mái lán rồi vợ chồng trằn lưng trên vạt rẫy. Đám rẫy chị mua được hơn 1ha đất nằm nghiêng nghiêng cạnh con sông lởm chởm đá. Nghe nói mấy năm trước vùng này còn là rừng già, người địa phương ở sát bên đường, dân di cư tự do tràn vào, họ bán đất rồi lùi dần vào phía trong, lại chặt rừng làm rẫy, có người mua họ lại bán, lại lùi tiếp. Rừng lùi xa mãi. Bây giờ, đứng ngoài đường cái nhìn thông thống những đồi trống lô nhô gốc cây bị đốt xen lẫn những đồi cà phê lúp xúp xanh tốt. Sáng sáng người ta đi xe bò, xe máy đến dựng bên túp nhà tạm rồi cầm cuốc cầm dao… Suốt ngày họ đào hố, san đất, hùng hục dưới nắng, thành thử người nào cũng đen cháy, hốc hác. Nhìn người ta làm mình cũng nóng ruột. Ngôi nhà nhỏ tạm dựng lên, ngày ngày gửi con bé đi lớp mầm non rồi vợ chồng chị cầm lấy cuốc lấy dao… Đất ở đây là đất đỏ bazan, loại đất này trồng gì cũng tốt. Cũng như toàn vùng, đất nhà chị cũng sẽ trồng cà phê. Chờ cà phê lớn sẽ trồng xen sắn, xen ngô,quanh rẫy sẽ trồng chuối… Vốn quen làm lụng kiếm ăn từ bé, nhìn những bụi le, bụi lồ ô ven rẫy, chị nhìn thấy những mụn măng, nhìn dòng sông, chị nhìn thấy ốc, thấy cá… Đó sẽ là những chỗ chị tìm được cái ăn. Trước mắt không lo đói, chỉ mong sao theo cho kịp người ta.

Tháng ngày cứ thế trôi, vợ chồng chị có thêm hai đứa. May mà con chị đứa nào cũng ngoan, chẳng ốm đau sài đẹn, chúng cứ lớn lên như củ sắn củ khoai. Hết học ở trường, về lại cùng bố mẹ lên rẫy cà phê. Cả nhà quanh năm bám rẫy, mùa khô bơm nước chống hạn, hết chống hạn lại làm cỏ, tỉa cành. Mùa thu hoạch phải thuê người thu hái. Năm được mùa thì mất giá, giá cà phê lên thì lại mất mùa. Mang tiếng mấy chục tấn nhưng trừ chi phí, thuê nhân công, mỗi năm thu về năm bảy chục triệu chỉ vừa đủ trang trải trong gia đình. Vợ chồng quay cuồng trong lo nghĩ khiến chị gầy rạc, hốc hác.

Chị chịu cực từ nhỏ. Bố chị là bộ đội chống Mỹ trở về, cưới vợ đẻ liền bốn con, chị là gái đầu. Rồi mẹ mất ở tuổi ngoài ba mươi, lúc chị vừa tám tuổi. Người ta mang mẹ ra đồng, bố cúi đầu đi sau, chị cõng đứa em thứ tư lê lết theo. Cái ngày bi thảm đó là nỗi ám ảnh khôn nguôi với chị. Cuộc đời đàn bà của mẹ sao khổ thế? Mẹ chị dáng người thấp bé, sinh dày nên càng ngày càng gầy quắt. Hôm đưa mẹ về chỉ là một bọc vải lọt thỏm trên manh chiếu rách trên chiếc giường tre giữa nhà chờ nhập quan. Mẹ chị đâu có được tấm áo lành, đâu được bữa cơm ngon. Suốt quãng đời mẹ đổ bóng xuống bầy con… Chao ôi, chị không dám nghĩ tiếp, là bởi đời mẹ có điều gì đó na ná như đời chị.

Chị nhớ rất rõ những ngày không còn mẹ. Bố suốt ngày quần quật, lo cày bừa, củi đuốc. Chị đi học, ba đứa em gửi ông bà. Trưa học xong chị ba chân bốn cẳng về, rồi nổi lửa, có gạo nấu cơm, có khoai luộc khoai. Có hôm trong nhà không còn gì, bố về bảo chị cầm rá đi vay gạo, vay được gạo nấu, đến lúc cơm chín thì ba đứa đã ngủ khoèo trên chõng. Nhiều hôm bố về muộn, chờ bố, chị ngồi ôm em, đứa nào cũng gầy trơ sườn và đầu nhung nhúc chấy. Thằng Mến út còn đỡ vì đầu trọc. Con gái để tóc dài, vạch mái tóc hai đứa ra là thấy chấy, chấy bò lổm ngổm trên da đầu. Và trứng, trứng chấy bám trắng những sợi tóc. Chị nhặt mỏi cả tay, nhặt chấy, tuốt trứng thả lên mạ giường, dùng móng tay miết nghe tiếng “tách”, cứ thế, bắt, tuốt chấy cho em, hết đứa này sang đứa khác, mỏi cả tay. Và với chị nữa. Đầu chị cũng nhiều chấy, tự lần tay vào tóc cũng chạm chấy, chấy nhiều đến xấu hổ. Ngồi học, đầu ngứa đến phát điên mà không dám gãi. Nhà đâu có tiền mà mua xà phòng, dầu gội. Xin được vài quả bồ kết, nhớ lúc mẹ còn sống thường làm, chị hái thêm lá sả, lá bưởi nấu lên một nồi rồi gọi cả mấy đứa ra giếng vò đầu, kỳ cọ hết cho cả ba đứa rồi mới đến phần chị. Còn chuyện áo quần nữa. Bốn chị em mỗi đứa chỉ vài bộ, cái rách cái lành. Ngay đến chị, mười hai mười ba rồi, cũng chỉ vài cái quần, ba cái áo mà chẳng cái nào cho ra hồn. Hồi còn sống, mẹ thường tha đâu về đồ cũ, bảo cái này của con bác Cúc, cái này của nhà dì Do, mấy chị em mặc đồ thừa của con chú bác, con dì từ lúc nhỏ đến lớn. Và chăn chiếu nữa, cũng là của chú, của bác, của các dì cho. Mẹ mất, tối ngủ chị luôn để mắt tới các em. Mùa hè lăn lóc chỗ nào cũng được. Mùa đông, chị bảo thằng Mến sang với bố. Chị ngủ với con Mừng, con Màn, ba chị em úp nhau trên chiếc giường mộc với tấm chăn bông cũ rách lòi cả những túm ruột ẩm mốc màu cháo lòng, chiếc chiếu tấp trên. Nhiều tối nằm nghe gió lùa qua cửa sổ kêu lạch xạch, chị luôn phải ngồi dậy dém chăn cho chúng. Con Mừng, con Màn trở mình gãi sồn sột, chị cũng ngứa ran dưới mông, dưới lưng. Giường rất nhiều rệp, chị biết. Mấy lần chị lật chiếu quét dọn ran giường, giục mấy đứa tập trung giết rệp, nhưng rồi cũng chỉ vài hôm, đâu lại vào đó. Một tay chị, riêng giặt giũ cho bố và cả ba đứa cũng đã hết ngày. Mớ quần áo vắt giây mây áp vách của mấy bố con hôi xì. Không kịp nhắc, có đứa tắm xong còn mặc luôn đồ cũ… Thành thử hễ vạch tà áo, lưng quần đứa nào cũng chạm rận. Rận núp trong nách áo, trong những miếng vá,… Trứng rận xếp hàng trắng dọc những đường may. Mang áo quần chúng ra phơi ngày nắng to, chấy rụng bò lổm ngổm trên sân trông đến rùng mình. Vì vậy mà việc học của chị, đi là đi thế thôi chứ đầu óc luôn để cả vào công việc. Bản năng người phụ nữ sớm lớn dậy trong chị.

Việc bố mặc bố, chị như con gà mái xòe cánh lo lắng, chăm bẵm bao bọc đàn em. Chị đâu biết lúc mới từ chiến trường về, chưa lấy mẹ, bố đã được đưa vào diện cán bộ. Bố làm xã đội, cũng mang túi cầm sổ, cũng vô diện cảm tình Đảng. Rồi bố lấy mẹ, đẻ con. Bố hăng hái nhiệt tình công tác lắm, tinh thần người cựu chiến binh mà. Sau này, bố bị thôi việc do tính tình xốc nổi, không biết luồn cúi, không biết giữ mồm giữ miệng, đã làm mất uy tín của vị lãnh đạo nào đó khi tận mắt chứng kiến ông ta quan hệ bất chính mà bị trù dập. Ấy là chị nghe người ta nói lại thế. Về sau thì chị hiểu. Bố chị là thế, thẳng ngay đến độ vô tâm vô tính.

Thành thiếu nữ từ lúc nào chị không nhớ. Học chưa hết cấp 2 chị phải bỏ. Ấy là chị tự bỏ, nếu không bỏ thì ai lo cho các em, thằng Mến vào lớp 1, con Mừng đã lên lớp 5, con Mán lớp 3. Sáng đó thấy chị nửa buổi rồi vẫn cầm liềm ra ruộng, bố chị hỏi:

– Mi không đi học à?

– Con bỏ rồi bố ạ?

– Làm răng mà phải bỏ? – Bố chị sừng sộ.

– Con đi nữa thì trưa ai nấu cơm? Ai cho lợn ăn, ai kiếm củi, ai cắt cỏ bò…? – Chị trả lời bố mà nước mắt trào ra. Bố chị nghe thế lẳng lặng ngồi xuống bậc thềm, cái điếu trong tay, châm lửa ghé sát nõ mà rung mãi, rung mãi.

Chị có cái áo sơ mi màu sĩ lâm, cái quần phăng màu mận mua từ đầu năm lớp 9 từ tiền góp, một lần mặc hôm khai giảng năm học mới, lần nữa mặc dịp Tết và lần sau cùng là buổi tham gia sinh hoạt với chi đoàn của xóm. Thế thôi, các lần sinh hoạt sau chị tuềnh toàng, áo quần hàng ngày sao đến họp vậy. Ngồi họp mà chị nhấp nhổm, chẳng biết mấy đứa em lúc này ra sao, mâm bát đũa rửa xong quên chưa cất, dây áo phơi tối rồi chưa kịp đưa vào, thằng Mến đến giờ đi ngủ có ai bế vào không… Những ngày lo lắng thấp thỏm như thế, chị không biết có một người dõi theo. Đó là Tý con ông Bân, nhà cùng xóm. Hóa ra những lần đi củi, anh ta rủ chị đi chung xe bò, rồi kéo máy cole bơm nước vào ruộng nhà chị, mấy chuyến chở giúp lúa về sân cho chị,… là có ý cả. Hôm đó, họp chi đoàn xong, như vô tình cùng đoạn đường, Tý đi sát chị, miệng nói nhỏ, “Vui à, tui muốn nói…” “Anh muốn nói chi?” “Tui thương Vui, chúng mình lấy nhau đi”, nói xong anh ta như hụt hơi. Lấy nhau? Là vợ chồng? Chị bất ngờ, mới hơn mười bảy tuổi… Lâu nay chị coi đám con trai trong làng bằng vai phải lứa, nói năng bỗ bã. Điều Tý nói đánh thức bản năng người đàn bà trong chị. Ừ nhỉ, đã là con gái thì ai cũng phải có chồng. Mình mới lớn, nhưng lúc lấy bố mẹ cũng chỉ mười bảy tuổi. Tuổi mười bảy của mẹ ra sao chị không biết, chứ với chị?

– Tui đi lấy chồng… Còn bố tui? Một mình bố tui… Bỏ mấy đứa cho ai?

– Thì đồng ý không đã. Chúng mình cứ đi lại, chuyện cưới xin tính sau.

Hai hôm sau, tối đó ông Bân bố Tý sang từ đầu hôm, miệng oang oang từ ngoài ngõ, “Ông Chiến ơi!” “Tui đây”, bố chị lên tiếng rồi xách giỏ ấm, cầm điếu ra thềm. Bố chị có thói quen uống chè xanh. Sáng nào ông cũng om một tích chè xanh ủ kín uống cả ngày. Hai ông phủi thềm ngồi bệt xuống, “Ta ngồi ngoài ni cho mát”. Chơi với nhau từ nhỏ, lớn lên đi lính và cả hai đều là thương binh trở về, họ chẳng lạ lẫm gì nhau. Loanh quanh chuyện xóm làng nhà cửa một lúc rồi đột nhiên ông Bân nói, “Ông cho tui con Vui nha, cho hắn làm bạn với thằng Tý”. Đang rửa bát sau giếng, chị dừng tay dỏng tai hồi hộp. “Vui, Vui ơi! Vô bố hỏi”. Chị run run bước vô.

– Mi đồng ý lấy thằng Tý không?

– Bố, bố…

– Ưng thì nói.

– Con… con… tùy bố. Nhưng…

Bất ngờ quá. Lâu nay thấy hai đứa có vẻ thân thiết, nghĩ cũng hàng xóm bạn bè thôi, ai dè… Hóa ra chúng đã có tình ý với nhau, tuổi ông không thể hiểu. Mà thực ra con gái ông cũng đã lớn. Ngày mẹ nó về với ông cũng chỉ tầm tuổi nó, mà còn thấp bé nhẹ cân hơn.

Nói xong tiếng “tùy bố” chị đi ngay ra giếng bưng rổ bát vào bếp. Mặc cho hai ông ngồi rì rầm. Áp Tết năm đó làm đám cưới. Rạp cưới bắc cây mét, che cót, phông cưới là chiếc vỏ chăn có đôi chim bồ câu và hai chữ T, V lồng nhau dưới chữ Hạnh Phúc. Cũng có loa đài và hát. Tiếng hát, tiếng loa vang xa lẫn trong mùi trầm, mùi hương như muốn gọi cái Tết ở xóm nghèo đến sớm hơn. Chị và Tý đốt hương chắp tay trước bàn thờ mẹ. Chị khóc ròng, trong lòng nức nở. “Mẹ ơi, con phải đi lấy chồng, để lại các em cho bố. Con thương bố. Mẹ phù hộ độ trì cho bố nha mẹ…”.

Hôm sau, vợ chồng chị bế rá xôi với con gà luộc sang nhà chị làm lễ lại mặt. Chiều đó, Tý sang gói bánh chưng cùng bố vợ… Nghĩa là thành vợ thành chồng, gia đình hai bên vui lắm, ba bữa Tết, sáng ăn nhà nọ chiều ăn nhà kia. Con nít hai bên được dịp gần gũi, hò hét vang nhà.

Ở chung nhà gần năm thì tháng Mười một năm sau, ông Bân dựng cho vợ chồng chị ba gian nhà tranh trên mảnh ruộng cạnh đường cái vào làng. Trong thâm tâm, ông nghĩ, có thế vợ chồng nó muốn giúp bố, giúp em bên đó cũng được thoải mái tự do hơn. Ông cắt cho vợ chồng chị ba sào ruộng. Ba sào của vợ chồng, ba sào của nhà. Chồng lo cày bừa, chị lo cấy, hết ruộng nhà mình sang cấy cho bố. Chồng chị với cái máy cole, hễ nghe tin có nước về là xách máy xuống đồng. Nhiều đêm Tý phải ngủ ngay trên bờ mương để canh nước, canh máy…

Vợ chồng chị quần quật quanh năm, áo quần te tái, da đen thịt cháy, quắt queo gầy. Tối đó chị dắt con bé sang nhà ông ngoại một lúc, về ngồi chưa ấm chỗ, chồng chị đến cạnh ngồi xuống, nói.

– Tui muốn bàn với mẹ mi…

– Chuyện chi rứa anh? – Nén hồi hộp, chị hỏi.

– Ta vô Nam đi.

– Là răng? – Chị sững sờ.

– Là đi như nhà Nhàn, nhà Bản đó…

Nhà Nhàn, nhà Bản, và mấy nhà nữa, họ đều trong làng này cả. Họ vô Tây Nguyên, có đến gần mười năm rồi. Nghe đâu nhà nào cũng có rẫy cà phê, làm được nhà được cửa, về thăm quê cũng thấy có tiền rủng rỉnh. Cái làng này nhìn ra có mấy người khá đâu. Quanh quẩn cũng chỉ mấy sào ruộng năm được năm mất, làm ruộng mà quanh năm không rời cái máy cole. Năm nào được mùa cũng chỉ đủ lúa ăn, tiêu pha gì cũng nhìn vào hạt lúa, mà trăm thứ cần đến đồng tiền. Nghĩ thế, không nén nổi tiếng thở dài, chị nhìn ra ngoài trời. Ngoài trời tối đen, dưới đồng loáng thoáng ánh đèn người đi soi cá. Trời đêm le lói mấy vì sao. Chị quay sang nhìn chồng. Ngọn điện tròn vàng ệch khiến vẻ mặt chồng hốc hác lo âu.

– Ý mẹ mi răng?

– Đi thì đi, anh tính kỹ chưa?

– Rồi, tui hỏi anh Nhàn rồi. Trước hết tìm người mua nhà. Tui tính rồi, tiền bán nhà mua rẫy cũ.

– Nhưng…

– Tui biết mẹ mi lo chi rồi. Mẹ mi lo cho bố phải không? Không lo, bố còn khỏe. Dì Mừng, dì Mán cũng lớn rồi, giúp được bố rồi. Mà này – chồng chị hạ giọng – Ta bàn ông lấy vợ đi.

– Bố lấy vợ? Bố lấy vợ? Việc này…

Chẳng phải chị không nghĩ đến chuyện này. Ý nghĩ này lởn vởn trong chị từ rất lâu. Mười mấy năm bố thui thủi. Con Mừng, con Mán đã là thanh niên, thằng Mến cũng chỉ vài năm nữa… Chị đã yên phận. Hai em gái rồi cũng đến nơi… Nhưng hễ cứ nghĩ có một người đàn bà nào đó ngày ngày bên bố là chị không thể chịu nổi. Có vợ mới bố sẽ quên mẹ. Có vợ rồi sẽ có con… Bố sẽ dành hết tình cảm cho vợ mới, cho con mới.

– Mẹ mi tính răng?

Câu hỏi của chồng đưa chị về thực tại. Chị gạt giọt nước chẳng biết trào ra nơi khóe mắt từ lúc nào. Chưa trả lời chồng về việc vào Nam nhưng lòng chị cũng đã quyết. Vì cái sự đã quyết ra đi mà chị phải nghĩ đến việc bố rồi đây thui thủi một mình, khi khỏe còn có khi yếu mà bố cũng đã ngót nghét sáu mươi rồi.

Nửa tháng sau có người mua nhà, bán xong vợ chồng chị bồng bế dắt díu nhau bắt xe vào Tây Nguyên sau khi sang nhà chào bố. Bố chị cười hề hề, “đi đi, cứ yên tâm không phải lo chi mô”. Chị gạt nước mắt, dúi cho ông mấy chục, nói bố nhớ giữ gìn sức khỏe.

Hơn năm năm sau, khi rẫy cà phê cho mấy vụ, nhà cửa đã ổn, chị nghe tin bố có vợ mới. Rồi bố với dì có con trai, đặt tên là Nhân. Chị gọi về, bố ấp a ấp úng rằng các con thông cảm cho bố. Thằng Mến cũng sắp ra quân… Chị thẫn thờ, bố nói thế là vì Mừng, Mán đã về nhà chồng. Cậu Mến rồi cũng sẽ lấy vợ, bố sẽ một mình. Nhưng nghĩ đến việc bố tơ tưởng người đàn bà khác chị lại vừa giận bố vừa thương mẹ. Cái việc phải đến đã đến. Nỗi canh cánh giờ đây là việc người đàn bà này sống với bố thế nào. Nhưng rồi chị nghe tin dì sống tốt với bố, thương và chăm sóc bố. Lần về giỗ mẹ, cậu Nhân bám theo chị như mẹ con, luôn mồm gọi “chị, chị”. Dì thức đêm nhặt nếp, sáng đi chợ sớm lo sắm sanh cho mâm cỗ cúng.

Chị hình dung về Tết chuyến này. Chị nhớ không khí đón Tết ở quê sao mà náo nức. Con cháu đi xa về, sinh viên, học sinh về nghỉ Tết, các ngõ xóm râm ran tiếng cười tiếng chào hỏi.

– Mẹ mi nghĩ chi mà bần thần rứa?

Nghe chồng nói đột ngột, chị giật mình. – “Tui đến coi vườn nhà Nhàn. Sầu riêng nhà đó…”, chồng chị tặc lưỡi, “phải đến cả tấn, quả đều và đẹp lắm, năm ni sầu riêng lại được giá nữa”. “Bữa mô mua vài quả cho các dì”, chị nói. “Tui dặn rồi, đến coi cũng chỉ vì muốn làm quà cho các dì”.

Sầu riêng, măng cụt, rồi thì cam chanh, xoài… Mang về cho có quà thôi chứ bây giờ ngoài quê cũng chẳng thiếu thứ gì, chỉ tội đắt hơn. Thôi thì cứ chịu khó mang về để có mà biếu hàng xóm. Mấy năm mới về, sang chơi cũng phải có chút quà gọi là.

– Nhà Nhàn, nhà Bản Tết ni cũng về. Rứa là vui rồi. Anh Bản đã gọi nhà xe, tám giờ xe đón.

Nghe chồng nói lòng chị thêm rộn ràng.

Mưa đã mấy hôm. Sáng nay hửng nắng, trời trong xanh. Tivi báo thời tiết sẽ tạnh ráo cả tuần tới, thật thuận lợi để về. Ngồi nhìn ra những đồi cà phê xanh mươn mướt, lòng chị náo nức. Hôm nay đã Hai tư, thằng Tuấn được đơn vị cho nghỉ sớm nhưng nó không về được vì phải ở lại với bố coi nhà mấy ngày Tết. Con Ngọc báo ngày mai vợ chồng con cái sẽ bắt xe về. Riêng con Mai, vì mẹ chồng dưới Biên Hòa ốm không về được. Sáng ngày Hai sáu, chồng chị và thằng Nhân chở bì sầu riêng, cam, chanh ra đường trước. Chuyến sau chị và mẹ con Ngọc ra thì đã thấy bốn năm người nhà Nhàn, nhà Bản đang tươi cười đứng cạnh những bì tải căng phồng…

Xe tới. Xe giường nằm sáng choang đẹp đẽ. Hàng xếp gọn gàng dưới hầm, người yên tâm lên xe. Mẹ con bà cháu ba giường liền nhau. Bên cạnh là mấy giường nhà Bản, nhà Nhàn. Chuyến xe chở toàn người Bắc về Tết. Vậy là xe chạy, chuyện nổ rào rào.

Áp Tết, đường Hồ Chí Minh xe chạy như mắc cửi. Mờ sáng hôm sau về tới thị trấn, xuống xe chị đã thấy cậu Nhân đứng chờ. Thị trấn thật nhộn nhịp, người đi chợ nườm nượp, hoa trái tràn trề. Cậu gọi luôn 2 chiếc taxi. Mười phút sau, xe dừng đầu ngõ, mùi trầm hương nhà ai đốt sớm đã thoang thoảng. Dì bước ra cười cười, chị và cháu đã về. Hai đứa con nhà Ngọc, anh vác bì sầu riêng đi trước, con bé sáu tuổi lon ton chạy vượt lên kêu toáng:

– Ngoại ơi! Ngoại ơi…

– Ơi, ông đây, ngoại đây!

Tiếng ông ồm ồm vọng ra. Chị bước nhanh vào. Nhà mới được làm lại, tuy nhỏ nhưng sáng sủa, nền lát gạch men sáng, tường lăn sơn xanh nhạt.

Giữa nhà là đống lá dong, lạt. Rá nếp đầy ú ụ đặt cạnh chiếc mâm nhôm, xoong đậu nấu chín vắt cục, xoong thịt sống bóp tiêu… Ông chuẩn bị gói bánh. Ông đứng kiễng chân bày biện ban thờ. Vừa đặt lại cắm hương, ông quay lại cười móm mém:

– Các con đã về. Rứa là Tết ni vui rồi.

Nhìn lên bàn thờ, mắt chạm hình mẹ, chị ngoảnh sang len lén gạt nước mắt…

Nguyễn Ngọc Lợi