Phó Giáo sư Nguyễn Thạch Giang là người có công trong việc sưu tầm, nghiên cứu, chú giải các tác phẩm chữ Nôm và chữ Hán của Nguyễn Du. Nhiều nhận định của ông khá chuẩn xác, tôi thường chọn làm chỗ dựa khi tìm hiểu thi phẩm của Nguyễn Du. Thế nhưng trong cuốn sách Nguyễn Du tác phẩm và lịch sử văn bản, do Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính biên soạn, Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2000, có một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du làm tôi phân vân nhiều. Đó là bài Sơn cư mạn hứng. Theo người biên soạn thì bài thơ này do Nguyễn Du viết ở Thái Bình quê vợ, trong “mười năm gió bụi” từ 1786 đến 1796. Để tiện trao đổi, tôi xin chép lại phiên âm chữ Hán, bản dịch nghĩa và dịch thơ bài thơ này trong quyển sách đó.

Sơn cư mạn hứng

“Nam khứ Trường An thiên lý dư
Quần phong thâm xứ dã nhân cư,
Sài môn trú tĩnh sơn vân bế
Dược phố xuân hàn lũng trúc sơ.
Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ
Kinh niên biệt lệ nhạn thanh sơ,
Cố hương đệ muội, âm hao tuyệt
Bất kiến bình an nhất chỉ thư”.

Dịch nghĩa:

Ở núi cảm hứng

“Cách Trường An nghìn dặm về phía nam,
có một người quê mùa ở trong núi sâu.
Ban ngày yên tĩnh, mây núi che kín cổng tre.
Mùa xuân lạnh, hàng trúc quanh vườn thuốc trông thưa thớt.
Thơ thẩn dưới bóng trăng lòng nhớ quê hương.
Tiếng nhạn đầu mùa khơi thêm dòng lệ biệt ly từ bao năm.
Em trai, em gái ở quê nhà, bấy lâu bặt hẳn tin tức,
không nhận được lá thư nào cho biết có bình yên hay không?”

Dịch thơ:

“Kinh đô khuất nẻo dặm ngàn xa
Giữa chốn non xanh một túp nhà,
Ngày lặng cửa sài mây phủ kín
Trời xuân vườn thuốc trúc lơ thơ.
Lòng quê lai láng gương thiềm rọi
Lệ cũ đầm đìa tiễn nhạn thưa,
Xa cách các em tin tức bặt
Bình yên mấy chữ thấy đâu mà”.

Đại thi hào Nguyễn Du (ảnh từ baoquocte.vn)

Các cụ ngày xưa làm thơ ít khi đề ngày tháng và nơi sáng tác, bởi thế muốn biết bài thơ được viết ra khi nào, ở đâu thì chúng ta phải nghiên cứu nội dung và chú ý từng tình tiết cụ thể. Không hiểu người biên soạn căn cứ vào câu nào, ý nào để nói bài thơ này Nguyễn Du viết ở Thái Bình. Theo tôi, cảnh trong bài thơ này không phải cảnh ở Thái Bình, vì:

1. Ngay đầu đề bài thơ là ở núi cảm hứng, mà ở Quỳnh Hải cũng như toàn tỉnh Thái Bình, từ xưa đến nay, không hề có một ngọn núi nào! Thế thì cảm hứng ở núi, không thể viết ra ở Thái Bình được.

  1. Bốn câu đầu của bài thơ, từ vị trí cách kinh đô ngàn dặm về phía nam, đến cảnh thâm u mây phủ kín cửa sài, vườn thuốc trúc lơ thơ… thật phù hợp với cảnh Hồng Lĩnh, chứ không phải cảnh Thái Bình.

3. Còn hai câu tiếp theo, không có câu nào chỉ rằng khi sáng tác bài này Nguyễn Du đang ở Thái Bình cả. “Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ”, nghĩa là “một tấm lòng quê dưới ánh trăng”, câu này có thể nói khi Nguyễn Du sống ngay giữa quê hương, chứ không thể là “thơ thẩn dưới trăng, lòng nhớ quê hương” như bản dịch nghĩa trong sách này. “Kinh niên biệt lệ nhạn thanh sơ”, nghĩa là: “tiếng nhạn đầu mùa khơi dòng lệ biệt ly từ bao năm” thì không hề mâu thuẫn với ý nghĩ, tâm trạng của Nguyễn Du ngay trên quê hương Tiên Điền.

4. Có lẽ chỗ mà người biên soạn dựa vào nhiều nhất là câu: “Cố hương đệ muội âm hao tuyệt”, mà trong sách đã dịch nghĩa là: “Em trai, em gái ở quê nhà, bấy lâu bặt hẳn tin tức”. Tôi nghĩ rằng dịch như vậy là không chuẩn, mà nên dịch là: “ở quê hương, bặt tin tức em trai, em gái”, tức là Nguyễn Du ở quê hương, các em trai, em gái tản mát khắp nơi, không có tin tức. Điều này đúng với hoàn cảnh của gia đình Nguyễn Du lúc đó, như có lần ông đã viết: “Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán” (Hồng Lĩnh không nhà, anh em ly tán mỗi người một nơi).

Như vậy, theo tôi bài thơ này không phải Nguyễn Du viết ở Thái Bình trong khoảng thời gian 1786 – 1796; mà ông viết ở Hồng Lĩnh trong khoảng thời gian 1796 – 1802. Việc xác định này rất quan trọng trong việc nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Du. Vì xác định bài thơ này Nguyễn Du sáng tác ở Thái Bình, nên khi chú thích câu thứ tư của bài thơ, người biên soạn đã viết: “Câu thơ này gợi ý chúng ta nghĩ rằng Nguyễn Du lúc về ở Thái Bình, ít nhất là thời gian đầu có trồng một vườn thuốc để sinh sống”. Nhưng khi ta xác định bài thơ này được viết ở Hồng Lĩnh, và “dược phố” trong bài thơ là vườn thuốc ở Hồng Lĩnh, thì tự nhiên và hợp lý hơn nhiều vì, như chúng ta đều biết, họ Nguyễn ở Tiên Điền đã có nghề thuốc lâu đời, khi cụ tổ mang từ Canh Hoạch vào Hà Tĩnh giữa thế kỷ 16. Và như vậy, theo tôi, chuyện Nguyễn Du trồng thuốc ở Thái Bình là không có cơ sở.

Vài điều phân vân như vậy tôi muốn trao đổi để được hiểu thêm về Nguyễn Du. Nếu có gì không đúng, mong hai vị giáo sư Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính chỉ giáo cho. Nhân đây, tôi dịch lại bài thơ trên để bạn đọc tham khảo:

Cảm hứng ở núi

“Kinh đô ngàn dặm xa rồi
Ở sâu trong núi có người nhà quê
Cửa sài tĩnh lặng mây che
Tiết xuân, vườn thuốc rào tre sơ sài
Lòng quê dưới ánh trăng ngời
Đầu mùa tiếng nhạn nhắc thời biệt ly
Các em từ độ phân kỳ
Bặt tin, thư vắng… biết gì nữa đâu!”

Vương Trọng