Hồi những năm 1980 thế kỷ trước, những sinh viên đam mê văn học – nghệ thuật, có sáng tác được công bố khi còn trên ghế nhà trường đã được chú ý theo dõi để sẵn sàng mời về “trồng, dắm”, bổ sung các nhân tố mới cho đội ngũ văn nghệ tỉnh nhà. Được biết, nhà thơ Xuân Hoài, bấy giờ là Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh từng trực tiếp gặp lãnh đạo Đài Phát thanh Nghệ Tĩnh, Đài truyền hình Vinh để giới thiệu người về làm phóng viên văn nghệ ở những cơ quan đó. Nói thế để thấy, lãnh đạo văn nghệ tỉnh nhà luôn quan tâm xây dựng đội ngũ tiếp nối, nhất là các cây bút trẻ, không chỉ ngay tại cơ quan Hội, mà cả mạng lưới văn nghệ ở các cơ quan báo chí, các trường đại học, cao đẳng hay các cơ quan cấp khu vực đứng chân trên địa bàn.

  Từ sự quan tâm, bồi dưỡng cụ thể đó, mạng lưới văn nghệ tỉnh nhà trở nên đồng bộ, đều khắp, luôn có sự đồng hành, hỗ trợ, bổ sung, tạo điều kiện cho nhau để phát triển, cụ thể nhất là việc quảng bá, giới thiệu, phê bình tác phẩm văn học – nghệ thuật của hội viên. Mỗi tác phẩm mới không chỉ được giới thiệu trên Tạp chí Sông Lam mà còn được in trên trang Văn nghệ cuối tuần của báo Nghệ An, được phát sóng trên các chương trình Văn nghệ của Đài PT-TH Nghệ An, được tuyển chọn, in ấn từ Nhà xuất bản Nghệ An, chưa kể được giới thiệu trên các cơ quan báo chí, văn nghệ ngoài tỉnh và Trung ương.

Lãnh đạo tỉnh tham quan Hội báo Xuân Nhâm Dần Nghệ An năm 2021. Ảnh: Võ Khánh

  Tất nhiên, việc giới thiệu tác phẩm trên các cơ quan báo chí địa phương có thể mang đậm chất thời sự, “mùa nào thức nấy”, chưa có chỗ cho tìm tòi, thể nghiệm như ở tạp chí văn nghệ chuyên ngành. Nhưng nếu mỗi số báo, mỗi chương trình văn nghệ được làm cặn kẽ, chu đáo, có dấu ấn và sức hút riêng như thời nhà thơ Phan Văn Từ chuyên lo phần thơ, nhà văn Huy Cận lo phần văn trên Đài PT-TH hay sau này nhà thơ Nguyễn Văn Hùng lo phần thơ trên báo Nghệ An cuối tuần… thì thực sự là “cánh tay nối dài” rất hiệu quả cho mọi hoạt động sáng tạo văn nghệ, đóng góp thực chất vào quá trình xây dựng đội ngũ và nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá văn học – nghệ thuật tỉnh nhà.

  Khác với một số địa phương, Nghệ An là địa bàn đứng chân của Quân khu 4 với nhiều hoạt động văn nghệ, báo chí sôi nổi và chất lượng, bên cạnh đó là Trường Đại học Vinh, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Trường chuyên PTTH Phan Bội Châu…, nơi có nhiều hội viên là các nhà nghiên cứu, giảng dạy VHNT, các cây bút tiềm năng, chưa kể một vùng miền núi phía tây rộng lớn từng sản sinh nhiều cây bút giàu bản sắc… Đội ngũ này trực tiếp đóng góp nhiều mặt cho văn nghệ Nghệ An và chắc chắn, Hội và hội viên trong tỉnh được “hưởng lợi” khi hòa chung không khí sáng tạo, học thuật thực sự và cấp độ cao ngay tại địa phương, cơ sở.

  Như vậy, nếu có thể gọi là mạng lưới thì văn nghệ Nghệ An, với trung tâm chỉ huy – điều phối cao nhất, tập trung nhất là Hội VHNT với “tiếng nói” của mình là Tạp chí Sông Lam, thì hệ thống “chân rết” là các chi hội văn nghệ huyện, thành, thị, kể cả các huyện miền núi, là bộ phận phóng viên – biên tập viên văn nghệ các cơ quan báo chí, xuất bản và tại Quân khu 4, các trường đại học, cao đẳng, trường chuyên… trên địa bàn. Đây chắc chắn là một lực lượng hùng hậu, phân bố rộng, không dễ gì địa phương nào cũng có được, tập hợp được. Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục làm theo “sách” của các thế hệ đi trước để chủ động tìm kiếm, chăm lo xây dựng đội ngũ, sớm phát hiện các nhân tố mới, “cài cắm” hợp lý vào các vị trí chủ yếu trong mạng lưới để cổ vũ, thúc đẩy quá trình sáng tạo, giới thiệu tác phẩm mới của hội viên ở tầm mức tốt nhất, chất lượng nhất có thể.

Hội LH VHNT Nghệ An kết nạp 21 hội viên mới năm 2022. Ảnh: Hữu Vinh

  Hiện nay, trong kỷ nguyên số, việc giới thiệu, xuất bản, cũng như tự giới thiệu tác phẩm của hội viên trên thực tế thường dễ dàng hơn, mau chóng lan tỏa hơn nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố có thể gây hại cho chính mỗi tác giả và tác phẩm. Vì thế, điều tốt nhất cho mỗi tác giả, tác phẩm vẫn là thông qua một “bộ lọc” chất lượng cao, đầy tin cậy, chính là “mạng lưới” văn nghệ chuyên nghiệp nói trên, là sự kiểm chứng cụ thể, khách quan của cơ quan chuyên ngành.

  Trên thế giới đã có chuyện xuất bản tiểu thuyết do trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tác. Nhưng nói cho cùng đó cũng là trí tuệ con người sáng tạo nên và chưa ai đánh giá tác phẩm đó hay dở đến đâu, xu thế đó sẽ phát triển như thế nào, có “cạnh tranh” quyết liệt với những người cầm bút (hay dùng máy tính gõ chữ) hay không? Trong lúc mọi chuyện còn bỏ ngỏ thì văn học – nghệ thuật vẫn cặm cụi đi theo con đường sáng tạo riêng, âm thầm, mãnh liệt, đầy gian khó và hy vọng.

  Có thể nhiều năm trước, nhà thơ Xuân Hoài đạp xe đến cơ quan nọ bàn chuyện nhân sự văn nghệ, còn ngày nay lãnh đạo sẽ đi ô tô, gọi điện thoại thông minh phục vụ cho công việc chung. Chỉ không khác, “nhân sự” văn nghệ đó vẫn là hội viên của Hội VHNT, là “người nhà” của Hội làm việc trong mạng lưới văn nghệ liên tục được củng cố, chăm lo, mời gọi. Để bất cứ ai, vào Hội hay chưa, luôn tìm thấy sự ấm áp, sẻ chia khi gửi gắm mỗi tác phẩm lớn nhỏ của mình đến những địa chỉ tin cậy trong “mạng lưới”, làm cơ sở, tiền đề cho những bước đi gần xa trong cá tính sáng tạo của mình.

Bùi Sỹ Hoa

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19, phát hành tháng 12/2021)